Tâm là chủ

Chào các bạn,

Câu đầu tiên của Kinh Pháp Cú (Dhammapada) là “Tâm là chủ”, nghĩa là tâm của bạn chỉ huy mọi tư duy và hành động của bạn. Đây là điều ai cũng hiểu, chẳng cần phải giải thích.

Thỉnh thoảng người ta nói đến “bị quỷ ám”, có nghĩa là một người bị ma quỷ nhập vào và chỉ huy họ, chứ tâm họ không chỉ huy họ nữa. Và đó là lý do có nghề thầy pháp, thầy phù thủy (sorcerer) chuyên trị bệnh bị tà ma ám ảnh. Mình chẳng biết có quỷ ám thật không, hay đó chỉ là các hiện tượng tâm lý khi một người bị ám ảnh bởi một điều gì quá đáng và hành động theo ám ảnh đó mà chẳng biết đúng sai lợi hại. Mấy cậu mấy cô si tình quá đáng không phải hành động như đang bị quỷ ám hay sao? (Mình có một lần thấy thầy phù thủy chữa bệnh tà cho một cô nhỏ. Thấy lấy hai ngón tay ấn vào hai lỗ tai của cô mạnh đến nỗi cô rên rỉ xin thầy tha. Thầy bảo: “Phải đi ra khỏi đây thì tao mới tha.” “Dạ, con xin đi.” Wow, nếu bạn bị ấn vào tai đau đến mức đó, bạn sẽ hứa con quỷ của bạn sẽ ra đi khỏi bạn tức thì. Hồi nhỏ khi mình mê cô bạn nào thì cũng cảm thấy như bị tà ma ám ảnh, lúc nào cũng có cô trong đầu, kể cả khi ngủ, chẳng tập trung vào làm việc gì được, và mình hiểu lúc đó câu “tà mà ám ảnh” nghĩa là gì.)

Trở lại chuyện chính. Tâm là chủ. Tâm bạn chỉ huy mọi tư duy và hành động của bạn.

Nếu bạn cho là đời gian dối, bạn sẽ ứng xử như mọi người đều gian dối và bạn cũng sẽ gian dối với đời và với người.

Nếu bạn cho là đời dễ thương, bạn sẽ thấy cuộc đời dễ thương với bạn và bạn dễ thương với mọi người.

Nếu bạn nghĩ là đời đáng chán, bạn chẳng thấy có gì trên đời hấp dẫn bạn và bạn cũng chẳng hấp dẫn ai được.

Đây là những sự thật dễ thấy và dễ hiểu. Ai trong chúng ta cũng trải nghiệm rồi.

Vấn đề là dù chúng ta đã trải nghiệm tâm là chủ, chúng ta lại chẳng huấn luyện cho ông chủ của mình cách tư duy để làm mình thoải mái, tự do, dễ thương với đời và với người. Và đây là mục tiêu của mọi đạo học và triết lý: Trái tim (cái đầu) của bạn cần biết cách tư duy thế nào để trái tim (cái đầu) của bạn chỉ huy bạn làm việc thiện lành, tư duy hòa bình, và hành động dễ thương, từ ái.

Nếu bạn không biết huấn luyện tâm bạn, đương nhiên là bạn sẽ sống theo phản xạ, đấm tôi tôi đấm, chọc tôi tôi đá, gian dối với tôi tôi đập… và đó là cách sống của đa số người trên thế giới, nhưng rất căng và stress cho bạn cả đời, và chẳng có gì là hiền dịu, thoải mái, dễ thương.

Mình nghiên cứu lý thuyết lẫn thực hành điều then chốt này nhiều năm. Đọc đủ thứ kinh sách, làm đủ thứ chuyện từ học võ và dạy võ, đến ngồi thiền, yoga, cầu nguyện… Và kinh nghiệm của mình có thể rút lại ngắn gọn thế này:

– Đời là thực mà là ảo, ảo mà là thực. Đây là cách nói của Bát Nhã Tâm Kinh. Mọi thứ đến với bạn đều rất thực cho bạn, nhưng cũng rất phù du ảo tưởng. Ví dụ: Bạn của bạn đâm sau lưng bạn để giành ghế giám đốc công ty mà bạn tưởng là bạn sắp được. Bạn tức giận, xóa bỏ tình bè bạn, và tức giận cả mấy năm. Nhưng mấy năm sau, nhờ mất ghế giám đốc đó, mà bạn đi đụng một ghế giám đốc của một công ty lớn hơn công ty cũ của bạn tới 10 lần. Thế thì chuyện bạn của bạn đâm sau lưng bạn trước kia, chẳng phải là ân phước cho bạn hay sao? Đâm sau lưng hay là ân phước? Điều nào thực, điều nào ảo.

Và khi bạn chết, tất cả mọi thứ bạn có – tiền, tài, tiếng, chức vụ – bạn có mang theo được không? Và nếu cuộc đời bạn còn dài hơn là kiếp này, còn nhiều kiếp sau nữa, thì không phải những thứ bạn đang có biến mất, không theo bạn được, và rất là ảo tưởng trong đời sống dài nhiều kiếp của bạn hay không?

Cuộc đời rất thật. Và hãy sống với chúng như là thật.

Cuộc đời cũng rất ảo – phù du, vô thường – cho nên có sống thật thì thật phiên phiến thôi, đừng bám vào điều “thật” nào đến mức nó làm cho bạn bệnh hoạn, tham lam, điên khùng. Có tiền, thì dùng tiền rất thật và nghiêm chỉnh để chăm lo cho mình và cho thế giới; nhưng tiền cũng rất phù du ảo tưởng, nay có mai mất, đừng bám vào tiền đến mức nó làm bạn thành người tham lam, keo kiệt, áp bức và gian dối. Nói chung là tư cách rất tồi.

Mọi thứ đều thế – tình, tài năng, danh tiếng, chức phận – mọi thứ đều thật, cần nghiêm chỉnh với chúng, nhưng cũng rất phù du ảo tưởng, cho nên đừng bám cứng vào chúng, đừng đi vào đường tội lỗi, căng và stress vì chúng.

Đây là một cách sống rất thực tế, nghiêm chỉnh, thoải mái, và tự do.

Chẳng có gì là bí ẩn và khó hiểu. Bát Nhã Tâm Kinh thực tế và giản dị hơn mọi người nghĩ, nếu bạn bắt đầu thực hành Kinh, đừng để ngôn ngữ cao siêu của Kinh làm bạn sợ.

Chúc các bạn luôn sống thoải mái.

Mến,

Hoành

© copyright 2023
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một suy nghĩ 4 thoughts on “Tâm là chủ”

  1. Trước khi nói những câu chuyện của tâm, hãy tìm hiểu Sự thật về tâm là gì?

    Tâm là 1 trong 4 pháp chân đế và cũng là một trong ngũ uẩn, cụ thể tâm là thức uẩn. Tâm không thể sinh khởi một mình mà luôn phải dựa vào các uẩn khác để sinh lên. Các uẩn luôn phải nương tựa vào nhau (tương tức) để cùng sinh khởi. Trong cõi người và nhiều cõi khác, luôn có ngũ uẩn cùng sinh khởi. Tâm, vì thế tồn tại khách quan, nhưng không tồn tại độc lập.

    Tâm rất đa dạng và phức tạp. Để hiểu tâm chúng ta phải hiểu từng tâm một. Lấy ví dụ một tâm luôn sinh khởi và rất gần gũi: tâm thấy (nhãn thức). Tâm thấy sinh khởi như thế nào:
    . Khi có sắc cảnh sắc (đối tượng thị giác) in dấu lên sắc nhãn căn, và
    . Có đủ điều kiện (duyên) cho nghiệp quá khứ trổ quả
    Lúc đó tâm thấy sinh lên, thực hiện chức năng của nó là nhận biết đối tượng thị giác đã in dấu, sau đó diệt đi ngay.

    Khi xem xét các duyên tố trên, ta thấy không có một con người hay chúng sinh, hay tự ngã nào tham gia vào sự sinh khởi của nhãn thức. Sắc cảnh sắc, sắc nhãn căn đều là các sắc uẩn, là các thực tại khách quan chứ không phải một tự ngã. Nghiệp quá khứ cũng là một uẩn, không phải là một tự ngã. Tâm thấy (nhãn thức) trong trường hợp này là kết quả của Nghiệp quá khứ chứ không được tạo ra bởi tự ngã của bất kỳ ai. Cái thấy dù sinh khởi trong cõi người, hay trong cõi súc sinh, hay trong các cõi trời thì cũng đều như vậy. Vì có Nghiệp quá khứ, có sự in dấu … mà nhãn thức buộc phải sinh lên, đó là một quy luật hoàn toàn khách quan. Ngũ uẩn tự vận hành một cách khách quan mà không có sự tham gia của bất cứ tự ngã nào.

    Cái nghe, cái ngửi, cái suy nghĩ cũng tương tự như vậy, chúng là duyên khởi (buộc phải sinh lên do các điều kiện khách quan) và không thể bị kiểm soát. Tâm là các thực tại khách quan, duyên khởi và không thể kiểm soát.

    Thích

  2. Nếu một người chẳng tham gia gì vào nhận biết của các giác quan của mình, thì (1) mọi người như nhau, chẳng biết gì,(2) mọi người nhìn như nhau, ngửi như nhau, nếm như nhau, cảm giác như nhau… Điều này không đúng sự thật là mỗi người cảm nhận mọi thứ một cách khác nhau, (3) con người không thể bị buộc tội vào chuyện gì xấu mình làm, vì ngay cả giác quan và cảm xúc của mình cũng chẳng phải của mình, huống chi là tư duy và hành động, (4) cùng lắm là con người chỉ là máy rô bô. Chẳng phải là người.

    Hãy nói về tâm như là trái tim và đầu óc (tình cảm và lý trí) của một người như chúng ta biết về tình cảm và lý trí của ta. Đó là tâm.

    Thích

  3. Xangkan,

    Mình nghĩ là chúng ta đã hiểu nhau đủ rồi. Và các thảo luận này mình có cảm tưởng chiếm nhiều đất trong khu comment của các bạn, trong khi các bạn cũng chẳng interested lắm về những thảo luận này. Vậy mình đề nghị chúng ta tạm ngưng. Thỉnh thoảng bạn có thể comment ở đây. Nhưng mình thì ngưng thảo luận dài hạn.

    Cảm ơn Xangkan rất nhiều.

    Thích

  4. Cảm ơn bác, bác phản biện em trước nên em mới “thảo luận” lại trong comment này. Về phía em thì từ lần trước em đã nói rõ rồi, bác đã đồng ý “ai thích nói gì thì nói” và em không còn ý định tranh luận với bác. Em hiểu và tư duy đơn giản oversimplified và fragmented trong các bài viết. Ở đây em chỉ đóng vai trò đưa ra thêm góc nhìn các bác chưa biết thôi.

    Đúng rồi đó bác. “Chẳng phải là người”, chẳng có con người nào hết, chẳng có bác, có em, cũng không có Đức Phật, chỉ có Ngũ uẩn, chỉ có các pháp hữu vi mà thôi. Đó chính là sự thật về vô ngã.

    >Mọi kinh nghiệm, theo mình, đều là “chủ quan”.
    Vậy “chủ quan” là gì? Các đặc tính của “chủ quan” là:
    . Tồn tại độc lập, có ý chí tự do
    .Có một đặc tính xuyên suốt và không thay đổi — tính thường hằng
    Thứ mà thoả mãn cả hai cái trên chỉ có 1 thứ duy nhất: Ngã.
    Khi bác nói “mọi kinh nghiệm là chủ quan”, về bản chất bác cho rằng cái “chủ quan” luôn tồn tại khách quan và tuyệt đối (chứ không phải chỉ có mỗi cái Không như bác từng tuyên bố), theo em đó chính là ngã kiến. Nếu có cái chủ quan như trên thì chắc chắn đó là “hữu ngã”, trong khi quan điểm của đạo Phật là vô ngã.

    Bác đã nói “chẳng có ai đúng, chẳng có ai sai”, đó chính là ý (3) đó bác đó, bác tự công nhận điều đó mà. Bản thân bác cũng vứt bỏ đúng sai khi giảng giải Phật triết còn gì.

    Luật của xã hội luôn đòi hỏi phải có đúng có sai, nhưng đó là chế định, tương đối. Còn tuyệt đối là “vô ngã”, sự thật đó không thay đổi dù có ai hiểu hay không.

    Mong rằng sự thật sẽ đến với mọi người.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s