Chào các bạn,
Điều này mình nhắc các bạn rất thường xuyên. Sự khác biệt giữa si mê và giác ngộ là “tôi”.
Nếu chúng ta sống chỉ với mục đích phục vụ tôi – của tôi, vì tôi, do tôi, phục vụ tôi, thì ta si mê. Nếu ta sống vì mọi người – của mọi người, vì mọi người, do mọi người, phục vụ mọi người, thì ta giác ngộ. Mọi hành động của ta đều chẳng có ý nghĩa gì tự chính chúng. Ý nghĩa của mỗi hành động nằm trong mục đích ta đã định cho hành động đó.
Bạn không thể nói bố thí cho người nghèo là một hành động thiện lành nếu trong lòng bạn bố thí để bạn có tên trên báo. Bạn cũng không nói đánh nhau là ác, khi thấy anh cướp đang cướp tiền của một cụ già trước mặt bạn và bạn thong thả bỏ đi. Mục đích ta có trong lòng ta ấn định tính thiện hay ác trong hành động của ta.
Và mình nói “mục đích trong lòng ta”, không phải là mục đích ta nói với phóng viên hay nói trên sân khấu.
Thế nghĩa là sao?
Nghĩa là, nếu bạn làm mọi thứ với mục đích trong lòng bạn là phục vụ bạn hay sự nghiệp của bạn, đó là “chấp ngã” và là si mê. Nếu bạn làm mọi thứ với mục đích trong lòng bạn là phục vụ mọi người, đó là “vô ngã” và là giác ngộ – đó chính là Bồ tát độ mình để độ mọi chúng sinh.
Si mê và giác ngộ là vấn đề mục đích thái độ trong lòng bạn. Không phải là “làm gì?” mà là “làm để phục vụ ai?”
Và đương nhiên là bạn có thể thay đổi mục đich và thái độ trong lòng bạn trong chỉ một sátna. Lúc này bạn đang tập trung vào phục vụ chính bạn, đó là si mê. Một sátna sau đó, bạn chuyển ý và tập trung vào phục vụ mọi người, đó là giác ngộ. Và đó là giác ngộ chỉ trong một sátna.
Sátna giác ngộ.
Đừng nghĩ rằng chúng ta cần vô lượng kiếp để giác ngộ. Nếu quyết tâm giác ngộ chúng ta có thể giác ngộ trong một sátna.
Chúc mọi chúng ta đều giác ngộ.
Mến,
Hoành
© copyright 2023
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Em cảm ơn anh
ThíchThích
Trong đạo Phật, nếu chưa hiểu tâm là gì, chúng ta sẽ chưa thể hiểu Giác ngộ.
Tâm (citta) là pháp (dhamma) dẫn đầu trong việc nhận biết những gì xuất hiện. Có tất cả 89 loại Tâm.
Tự bản thân mắt thì không thấy mầu sắc, mắt chỉ là một duyên cho sự sinh khởi của “cái thấy” (nhãn thức), cái thấy này là một Tâm (citta). Tương tự, khi âm thanh tác động lên tai, bản thân âm thanh cũng như tai không kinh nghiệm gì cả. Cái kinh nghiệm âm thanh là một pháp sinh khởi tại thời điểm ấy, pháp ấy hay “cái nghe” ấy là một Tâm (citta).
Cái thực sự kinh nghiệm các đối tượng khác nhau chỉ là các pháp chân đế (paramattha dhamma) gọi là Tâm chân đế pháp (citta paramattha). Các pháp chân đế này là những thực tại theo nghĩa tối hậu có khả năng kinh nghiệm hay nhận biết các thứ khác nhau.
Như thế:
.Tâm là các pháp chân đế (thực tại tối hậu) có khả năng kinh nghiệm những gì xuất hiện, và
.Nếu tâm (citta) không sinh khởi, không có gì có thể được kinh nghiệm
.Tâm (citta) không thuộc về ai, không tuân theo ý chí của bất kỳ chúng sinh nào mà sinh diệt bởi các điều kiện (duyên) thích hợp.
.Tâm là vô ngã và sinh diệt phụ thuộc vào các yếu tố (duyên tố) cũng vô ngã nốt.
Ngay cả nếu một vị Phật chưa ra đời và khám phá chân lý thì pháp vẫn sinh và diệt bởi các duyên hệ của chúng và có đặc tính riêng của chúng
Đức Phật Toàn giác là vị thầy tối thượng bởi vì Ngài đã tự chứng ngộ bản chất của tất cả các pháp. Ngài chứng ngộ sự thật rằng các pháp là vô ngã, không phải là chúng sinh, không phải là con người và rằng chúng không thể bị kiểm soát bởi bất kỳ ai.
Tâm (citta) là một pháp và nó cũng là abhidhamma (vi diệu pháp). Abhidhamma có nghĩa là pháp có sức mạnh, bởi vì nó là vô ngã, nằm ngoài sự kiểm soát của bất kỳ ai. Khi Đức Phật giác ngộ, ngài đã thuyết giảng tất cả các pháp (dhamma) mà ngài đã xuyên thấu, Ngài giảng về tính chất của các pháp và các duyên hệ khiến chúng sinh khởi.
Đức Phật không dậy rằng ngài đã kiểm soát các pháp mà ngài đã hoàn toàn chứng ngộ. Ngài tuyên bố rằng kể cả ngài cũng không thể khiến cho ai đó có thể đắc được Đạo/ Quả, kinh nghiệm Niết bàn và giải thoát khổ đau.
Tâm là thực tại nhận biết một đối tượng, nó không chỉ tồn tại trong đạo Phật hay cõi người. Tâm nghe, tâm thấy …. là các pháp chân đế, nó là phổ quát và không thuộc về ai hay cõi nào nhất định. Một người có ý niệm rằng (không phải pháp mà là) người này thấy hay người kia nghe là do vẻ bề ngoài của hiện tượng và do ký ức của người ấy. Nếu không có vẻ bề ngoài và không có sự tích luỹ của ký ức, chúng ta sẽ không cho rằng có một cái ngã đang thấy.
ThíchThích
Thank you Xangkan for a very good exposition.
Nói cách gì thì nói, dù tâm là chân đế thì kinh nghiệm chân đế đưa lại cũng là trong một người. Mình chẳng thể hiểu được có một citta nằm ngoài một người quyết định về kinh nghiệm của một người một cách “khách quan”. Mọi kinh nghiệm, theo mình, đều là “chủ quan”. Không có kinh nghiệm khách quan nào hiện hữu.
Tuy nhiên, để mình lập lại điều quan trọng, phập pháp là để sống hòa bình. Tranh cãi không là Phật pháp.
Bạn tha hồ giảng ở đây (ĐCN) và mình sẽ đọc cẩn thận để học từ bạn. Và mình cảm ơn bạn chia sẻ Phật pháp từ một hướng khác hướng thiền Đại thừa, để chúng ta đều có thêm kiến thức.
Nhưng mình mong là chúng ta không tranh cãi. Thảo luận vui vẻ thôi.
Metta,
Hoành
ThíchĐã thích bởi 1 người
Tâm, một pháp hữu vi, sinh khởi theo các điều kiện và trình tự xác định chứ không theo một ý chí chủ quan nào. Chỉ khi hành giả tự mình chứng ngộ được điều này thì mới có duyên để ngã kiến tan ra, vô minh tận diệt.
Thời điểm Giác ngộ xẩy ra, một loại tâm đặc biệt, một pháp hữu vi đặc biệt sinh lên: tâm siêu thế. Trong dòng tâm một phàm nhân và một hành giả trước khi giác ngộ thì các tâm sinh diệt liên tiếp và chỉ có thể kinh nghiệm các đối tượng thông thường, hầu hết là các khái niệm: con người, đồ đạc, phong cảnh, cảm xúc và thi thoảng là kinh nghiệm các sắc pháp; các tâm này được gọi là các tâm hiệp thế. Thế nhưng tại thời điểm giác ngộ, một tâm đặc biệt sinh khởi lên, tâm này không lấy các đối tượng thông thường nêu ở trên làm đối tượng mà lấy Niết bàn làm đối tượng. Tâm mà lấy Niết bàn làm đối tượng thì gọi là tâm siêu thế, và nó chỉ sinh lên đúng 1 lần duy nhất ở thời điểm giác ngộ, sau thời điểm đó, hành giả trở thành một vị Thánh hoặc (vô cùng hy hữu hơn) một vị Phật. Tâm siêu thế này sinh kèm với các tâm sở đặc biệt, cụ thể là 8 tâm sở: Trí tuệ (panna), Chánh tư duy (samma-sankappa), Chánh Ngữ (samma-vaca), Chánh Nghiệp (samma-kammanta), Chánh Mạng (samma-ajiva, Chánh tinh tấn (samma-vayama), Chánh Niệm (samma-sati), Chánh Định (samma-samadhi), trong đó có 3 tâm sở có chức năng tận diệt các nguồn gốc của phiền não. Tâm siêu thế này gọi là Tâm Đạo. Lưu ý, Tâm đạo thì không phải là Niết bàn, mà là Tâm lấy Niết bàn làm đối tượng. Tâm đạo vẫn là pháp hữu vi, sinh rồi diệt, trong khi đó Niết bàn là pháp vô vi.
Không có phương pháp thực hành nào có thể khiến tâm siêu thế sinh khởi. Giác ngộ chỉ xẩy ra khi có sự tích luỹ đủ trí tuệ hiểu đúng về thực tại (các pháp hữu vi) và điều này đòi hỏi thời gian vô cùng dài.
ThíchThích
Cảm ơn bác,
Em nghĩ chúng ta đã trao đổi đủ nhiều để thay thế sự tranh cãi bằng sự tôn trọng các giới hạn của người đối thoại.
Em nghĩ những điều bác viết tất cả mọi người ở đây đều chấp nhận cái rụp rồi nên vai trò của em cũng chỉ là đưa ra một góc nhìn khác biệt thôi ạ 🙂 . Cảm ơn DCN vẫn luôn giữ vị thế open với các loại quan điểm khác biệt.
>Mình chẳng thể hiểu được có một citta nằm ngoài một người quyết định về kinh nghiệm của một người một cách “khách quan”. Mọi kinh nghiệm, theo mình, đều là “chủ quan”. Không có kinh nghiệm khách quan nào hiện hữu.
Em chia sẻ thôi. Đây là một điểm rất vi tế, rất hiếm người hiểu được, nhưng đó lại là điểm mà chỉ trí tuệ hy hữu, trí tuệ Chánh biến tri của Đức Phật mới nhìn ra được. Không có đạo nào khác có loại trí tuệ nói rằng: Tất cả các pháp là vô ngã (sabbe dhamma anatta), mà câu này nói theo ngôn ngữ dễ hiểu hơn tẹo thì điều đó có nghĩa là:
Tất cả các pháp đều là khách quan , hay
Không có Người kinh nghiệm, mà chỉ có
Kinh nghiệm đơn thuần xảy ra
(Kinh nghiệm ấy xẩy ra hoàn toàn do các điều kiện khách quan (các duyên hệ – paccaya))
Đó là điều mà chỉ có những người học sâu về pháp chân đế mới lĩnh hội được. Và như em đã viết, nếu không có Đức Phật, ko ai hay tư tưởng nào khác trên thế gian này có thể tự khám phá ra được. Và dù đã được nghe như vậy, it take very long time to sink in, to have this tiny little first right understanding.
ThíchThích
Cảm ơn Xangkan.
Đương nhiên là trong Đại thừa cũng có nói về Không như một hiện hữu và một sự thật khách quan, chẳng ai biết được, trừ người giác ngộ. Và biết rồi thì cũng chẳng nói ra hết được cho người khác hiểu (bất khả tư nghị).
Rất có thể chúng ta đều nói về một điều như nhau với ngôn ngữ hơi khác nhau của Đại Thừa và của Nguyên Thủy. Phần khác biệt, rất có thể là nói về nhận biết chủ quan trong mọi sự trong đời sống thường ngày. Và Đại thừa nhấn mạnh đến sống hằng ngày, không chủ trương nhắm đến Niết Bàn, vì đã nhắm đến (tham) thì chẳng được. Niết Bàn sẽ tự đến khi nào Niết Bàn đến.
Trong các tôn giáo dòng Abraham (Do Thái giáo, Kitô giáo – gồm CHính thống giáo, Công giáo, và các nhánh Tin lành – và Hồi giáo) cũng nói đến Thánh Linh/God/Allah khai mở (mặc khải, reveal) cho con người để biết về God và những sự thật khác mà God mặc khải, mà con người không thể biết nếu không được God mặc khải.
Nói chung là mọi triết lý đều có một điểm khách quan và là sự thật tối hậu.
Có lẽ sự khác biệt chính là có triết lý cho rằng mọi thứ người ta thấy chủ quan đều là không thật (hay sai lạc), có triết lý cho rằng những điều ta thấy chủ quan đều thật/hư (sai/đúng) cùng một lúc, có triết lý cho rằng mọi thứ ta thấy chủ quan đều rất thật và tạo hậu quả thật trong đời sống tạm bợ này, cũng như trong đời sống vĩnh cửu sau khi chết.
Ai đúng ai sai? Mình nghĩ rằng mọi triết lý đều đúng vì chúng được dùng để giúp con người biết sống hòa ái với nhau. Tất cả mọi triết lý và đạo học đều có một điểm chung, không ngoại lệ – đó là dạy con người yêu thương, tử tế, nhẫn nhục với nhau. Đó là một điểm chung rõ ràng, dễ hiểu và dễ thấy. Người ta thường quên mất điểm thực tế này mà mình (TĐH) cho là mục đích, và đi tìm những điều khó hiểu và thần bí hơn mà mình cho là phương tiện.
Mình nghĩ rằng mọi triết lý đều là phương tiện để tạo ra một thế giới Thiên đàng, Niết Bàn, hòa bình và an lạc, cho mỗi người và mọi người, ở đây lúc này. Và đó là lý do thực tế cho các triết lý và đạo học.
Mọi điều gì sau đó sẽ là tiếp diễn của mục tiêu “ở đây lúc này.”
ThíchThích
“Một khi đã được sinh ra, chúng ta sẽ phải có bệnh, trừ khi cái chết đã đến trước rồi. Nguyên nhân gì khiến ta tái sinh trong vòng luân hồi? Chính là tâm bám víu vào tham, sân, si và nghiệp (các hành động ở thân, ở miệng và ở ý). Những thứ này hợp lại để thành nguyên nhân chính: là sự bám víu vào ngã, là vô minh. Vô minh khiến ta không hiểu về bản chất của thực tại.”
(trích Dealing With Life’s Issues: Ni sư THUBTEN CHODRON)
Phần lớn mọi người chỉ sống thôi, chỉ quan tâm đến học hành, kiếm tiền, ăn uống, chụp ảnh, đi chơi, xem phim, nghe nhạc, lại ăn uống, lại đi chơi …
Còn thì rất hiếm người hiểu rằng không chỉ đơn thuần sống cuộc sống này, mà còn cần phải tìm hiểu Sự thật về cuộc sống nữa. Cuộc sống thực sự là gì? Thực tại này là gì ? Ai và ở đâu dạy về những Sự thật ấy? Những câu chuyện phổ biến về “thành công” hay thậm chí “lòng yêu thương, sống hoà ái với nhau” có giúp ta đến gần hơn với sự thật? hay tác dụng của chúng chỉ là giúp ta tiếp tục tảng lờ (ignore) Sự thật đi như hàng tỷ kiếp đã qua?
“Bỏ qua việc giải thích vòng luân hồi để giúp bạn được ích lợi đối với những vấn đề ngay trước mắt sẽ là dối gạt bạn. Tái sinh trong luân hồi mới đích thực là vấn đề và nhận thức được bản chất thực sự của thực tại một cách trực tiếp mới là giải pháp của vấn đề.” (trích Dealing With Life’s Issues: Ni sư THUBTEN CHODRON)
Ni sư Mật tông này đã hiểu được hiểm hoạ của vòng luân hồi (samsara) và hiểu đúng mục đích vì sao Đức Phật lại giảng pháp. Đức Phật không giảng pháp để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp, hoà ái, yêu thương nhau hơn như các tư tưởng khác. Đức Phật nhìn rõ bản thân đời sống mới là vấn đề: có sinh thì ắt có khổ, còn tái sinh thì còn khổ. Cho dù yêu thương hoà ái đến tột bậc cũng không có cách nào để Khổ không sinh khởi cả. Đức Phật đã nhìn thấy mọi khả năng và hiểu rằng các quy luật vĩnh cửu sẽ luôn đảm bảo Khổ là sự thật không thể thay đổi chừng nào còn tái sinh.
Cứu cánh thật sự là Không còn tái sinh nữa. Giác ngộ có nghĩa là đạt đến tận diệt nguyên nhân của tái sinh, chấm dứt sự tái sinh trở lại vào vòng sinh tử luân hồi. Tất cả các chúng sinh đều chỉ chết đi một cách chế định (sammuni marana), phải tái sinh liên tục trong vòng luân hồi vô tận. Cái chết của Đức Phật thì khác, đó là cái chết là vĩnh viễn (samuccheda marana), vĩnh viễn không còn tái sinh nữa. Đức Phật giảng Pháp cho các đệ tử để họ cũng có thể tự mình chấm dứt vòng luân hồi, để họ cũng đạt tới cái chết vĩnh viễn này. Đó là mục đích tối hậu của Giáo pháp, được nói rõ trong Tứ Thánh Đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Con đường ấy vốn thực ra không dành cho đại chúng, những người bám víu lấy cuộc sống hơn bất cứ thứ gì khác. Đức Phật chỉ có thể giúp cho một số hiếm hoi những kẻ “chỉ còn một ít bụi trong mắt”, thấy được hiểm hoạ của bản thân đời sống mà thôi.
Có thể Đại thừa về sau vì muốn phổ độ chúng sinh bất kể ra sao nên đã phát triển nên đã đơn giản hoá và kể những câu chuyện dể hiểu, dễ tu để ôm đồm dẫn dụ càng nhiều môn đồ càng tốt. Thời Mạt pháp bắt đầu như thế, bởi chính những người trong Tăng đoàn.
“Chúng ta phải học về và dồn sức lực vào việc nhận thức bản chất tột cùng của thực tại ….Chỉ có như thế, thì chúng ta mới có thể loại bỏ si mê là nguồn gốc tạo ra sinh, già, bệnh và chết.”
(trích Dealing With Life’s Issues Ni sư THUBTEN CHODRON)
Việc hiểu đúng mới là quan trọng nhất, tâm từ chỉ kết quả phụ của trí tuệ mà thôi.
ThíchThích
Mình không nói đến chuyện sau khi chết – Luân hồi, Tái sinh, Thiên đàng, Hỏa ngục… vì mình chưa chết và chưa biết. Đơn giản là thành thật – biết thì nói là biết, chưa biết thì đành chẳng nói gì.
Nguyên tắc của mình là, nếu có kiếp sau hay Thiên đàng, Hỏa ngục, thì đời sống của mình ở đó bắt buộc phải là hậu quả của cách sống của mình ở đây lúc này. Vậy hãy sống thiện lành ở đây lúc này, vừa tốt cho mình lúc này, vừa là bảo hiểm cho đời sống đời sau nếu có.
Mình chỉ nói đến Thiên đàng, Hỏa ngục, và Luân hồi như là những khái niệm ở đây lúc này: Thiên đàng và Hỏa ngục trong tâm ta, Luân hồi là phạm tội, sám hối, rồi phạm tội nữa, rồi sám hối, rồi tái phạm… vòng lẩn quẩn đó.
ThíchThích