Chào các bạn,
Từ nhỏ đến lớn, đâu đó chừng 30 năm, mình thường nằm trong hoàn cảnh thế này: một người bạn nói nhỏ vào tai mình, “Này, tui nói cho bà nghe/ anh nói cho em nghe/ em nói cho chị nghe…, cái bọn Bắc kỳ là …”
Các bạn chẳng biết mình là một Bắc kỳ 100%. Ba mẹ mình người Bắc với nội ngoại, họ hàng hơn chục đời ở miền Bắc. Còn mình sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng – là miền Trung trên giấy tờ nhưng là miền Nam đối với nhiều người. Thích ăn bún mắm nêm và nói giọng ĐN không chuẩn lắm nhưng chắc chắn không phải giọng Bắc, với họ, mình là người miền Nam 100%, hoặc miền Nam đủ để họ có thể tâm sự với mình về người Bắc.
Từ nhỏ đến lớn, mình thường được nghe những điều như vậy nhưng hiếm khi thấy bị xúc phạm, hiếm khi giận họ, hay hiếm khi buồn về “thân phận”. Mình không gật đầu cũng không a-dua với họ, “Ừ, đúng đấy, Bắc kỳ đúng là…”. Mình chỉ nghe và yên lặng. Mình nghĩ lần đầu tiên mình bực mình là khi mình comment trên ĐCN cách đây vài năm, đại ý, sau hơn 30 năm phải nghe câu chuyện phân biệt vùng miền, bây giờ chuyện đó nên chấm dứt. Hình như chỉ có lần đó mình phản ứng thôi.
Tại sao mình là người trong cuộc nhưng lại khá bình thường khi nghe những câu chuyện này?
Có lẽ là vì ánh mắt của những người bạn mình. Những ánh mắt đườm đượm một nỗi buồn gì đó mà chẳng thể diễn tả bằng lời.
Sau những câu nói nhiều hằn học, khinh khỉnh, hoặc nói cho sướng miệng đã tai, có lẽ vì thấy mình ngồi yên, những người bạn của mình cũng dần dần trầm xuống và từ từ nói lý do tại sao họ như vậy. Thường là vì ba mẹ. Đại loại: Trước đây nhà anh cũng giàu giàu, sau đó nhà anh chẳng còn gì, ba mẹ lại chẳng thể xin được việc làm, phải làm nghề cho vay nặng lãi… Hoặc, ba em hay kể giáo dục miền Nam Cộng hòa hay lắm chị, chứ không phải như bây giờ… Hoặc, ba mẹ ta có mấy người bạn Bắc kỳ, ghê lắm… Rồi, họ lại trầm hơn, đến lúc chẳng nói năng chi, mắt nhìn về nơi xa xa.
Đó là nỗi buồn của chính bạn, hay của ba mẹ bạn, hay của cả gia đình bạn?
Có lẽ đó là nỗi buồn chung của cả miền đất mình sinh ra và lớn lên.
Càng lớn, mình càng nghe nhiều câu chuyện của nhiều người ở nhiều lứa tuổi, nhiều nghề nghiệp, tôn giáo… Những câu chuyện chủ động đến với mình hoặc mình chủ động tìm kiếm. Những câu chuyện có nét chung khi nguồn gốc những đau khổ của người miền Nam là từ miền Bắc và từ bên thắng cuộc. Những câu chuyện dần cho mình cảm giác chính mình là một phần gây ra những đau khổ cho họ.
Nói rõ hơn: Mình không có mặc cảm mình là người Bắc, và mặc cảm cả hai bên nội ngoại đều tham gia cách mạng. Mình yêu gốc Bắc của mình và thích những bài ca cách mạng từng cho mình tinh thần lao động hăng say. Mình không có mặc cảm mình ở bên thắng cuộc. Thế nhưng tại sao mình lại unhappy khi đọc/ nghe/ gặp… những người miền Nam, hay miền Nam Cộng hòa, dù bất kỳ điều gì về họ mình cũng muốn biết?
Câu hỏi đó theo mình suốt nhiều năm.
Mình nghĩ về họ suốt nhiều năm. Mình tìm hiểu và nghiên cứu về miền Nam Cộng hòa suốt nhiều năm. Sự thật là gì? Miền Bắc có xứng đáng là bên thắng cuộc hay không? Miền Nam có xứng đáng là bên thua cuộc hay không?…
Những câu chuyện về một miền Nam đáng thương cứ bàng bạc khắp không gian và thời gian, kiểu: “Hồi đó con đường ở SG này dễ thương lắm/ nhiều cây cổ thụ lắm/ dưới hàng me này mà uống nước chanh đường thì ngon lắm… Giờ thì, chẳng còn gì…” “Hồi đó đi học ở trường Thánh ABC vui lắm… Hồi đó đi nhà thờ vui lắm, anh em chở nhau đi tập hát trong nhà thờ vui lắm… Ngày đó xa xưa lắm rồi…”
Những câu như thế dù là câu nói buâng quơ của một người qua đường cũng có thể làm lòng mình hơi trùng lại. Có lẽ vì những lời đó gợi cho mình nhớ ánh mắt đườm đượm buồn của những người bạn của mình và thấp thoáng đâu đó ánh mắt buồn buồn xa xăm của ông bà ba mẹ của những người bạn của mình.
Những ánh mắt đó giúp mình cứ đi tìm câu trả lời? Mình không chắc. Nhưng mình có mong muốn tìm ra câu trả lời. Mình cảm thấy rất muốn gần gũi với người miền Nam, và cả miền Bắc. Mình muốn biết tất cả về họ. Mình muốn biết điều gì đã xảy ra và đang xảy ra. Mình muốn nắm rõ và hiểu rõ lịch sử.
Rồi, cuối cùng mình cũng có câu trả lời. Chính phủ Đệ nhất Cộng hòa ở miền Nam của gia đình Ngô Đình Diệm không có gốc rễ trong nhân dân miền Nam, dùng gia đình và các nhóm Công giáo, Vatican và Mỹ làm thế lực, xem thường và áp bức Phật giáo là đại đa số dân Việt Nam. Chính phủ Đệ nhị Cộng hòa gồm các tướng lãnh đã phản chủ của mình và chống báng nhau, và tham nhũng dữ dội. Họ thiếu trung thực và trung thành. Chỉ biết trông cậy vào Mỹ, nhưng Mỹ hoàn toàn chẳng có lòng tin gì vào họ. Mỹ buông tay là chính phủ Sài Gòn gục ngã.
Trong khi đó, các lãnh đạo miền Bắc luôn nghiêm chỉnh, kiên trì và quyết tâm giải phóng miền Nam, không ngơi nghỉ.
Miền Bắc xứng đáng là bên thắng cuộc. Miền Nam xứng đáng là bên thua cuộc. (Phần lớn tài liệu mình nghiên cứu nằm trong Thư mục Lịch sử Việt Nam và eBooks trong cvdvn.net.)
Sau khi có câu trả lời, cảm giác chính mình là một phần gây ra những đau khổ cho người miền Nam – biến mất.
Đó vừa là một giải quyết tâm lý cho mình, vừa là một bài học lịch sử sâu sắc cho mình.
30-4-2021
Phạm Thu Hương
Có lẽ đã đến lúc vượt lên sự thắng thua để hàn gắn vết thương trong lòng người và hướng đến hoà giải dân tộc. Lịch sử đã là quá khứ. Chính tâm lý thắng thua còn lại đến nay gây chia rẻ trong lòng người: tủi nhục của thân phận thua cuộc, phục hay ko phục.
Bỏ qua hết được ko? Chẳng có gì là thắng hay thua nữa. Đã về chung 1 nhà, vậy thôi. Vậy có thể yêu thương và vui bên nhau được ko? Thế hệ trực tiếp tham gia chiến tranh chắc khó bỏ qua, thế hệ con hi vọng nguôi ngoai và thế hệ cháu mong rằng sẽ kéo da non vết thương lòng.
ThíchĐã thích bởi 1 người