Huyền sử Bồ tát Đông Hải – Chương 13: Chiến binh Phật tử

Toàn tập 21 chương >>

Trong khi các tướng và chiến binh lo chuẩn bị mọi thứ để lên đường, thì Đại Diệu Tâm, Phạm Hồng, và cả Trần Lý, nghiên cứu chiến lược hành quân, dùng bản đồ lộ trình từ Hòa Cường đến kinh thành, cũng như bản đồ chi tiết của kinh thành.

Hiện thời thì bá tánh khắp nơi đã biết về chiến dịch “Thế thiên hành đạo” này. Mục đích Đại Diệu Tâm cho cả thiên hạ biết như thế là để người dân khắp nơi biết kế hoạch và đường đi của quân đoàn hầu tìm cách hỗ trợ. Được dân theo dõi mỗi bước chân của mình để hỗ trợ là một sức mạnh chiến lược cực kỳ lớn. Dân nuôi dưỡng mình và là tai mắt, là tình báo, của mình. Quân địch khó hành động gì đối với một đoàn quân được dân hỗ trợ và bảo bọc.

Đương nhiên, nói trước như thế cũng là chỉ đường đi của mình cho Lã Quý Phi và Tả tướng quân biết, nhưng Đại Diệu Tâm tin rằng hai vị không đủ sức để quan tâm đến cô và đoàn quân nữ, vì hai vị sẽ rất lo lắng về Hữu tướng quân đang từ phía bắc đi về.

Con đường từ Hòa Cường về kinh thành không quá hiểm trở nhưng có nhiều huyện, ấp, thành… Nghĩa là nếu nhân dân chống mình thì mình rất mệt, nhưng nếu nhân dân hỗ trợ mình thì mình rất khỏe. Các cô tin rằng đa số người dân sẽ ủng hộ quân đoàn, vì các cô chẳng nghĩ ra lý do gì để người dân ghét mình. Nhưng đương nhiên, hành quân thì luôn phải đề phòng mọi ngạc nhiên xảy đến.

Để đại quân di chuyển nhanh, cô sẽ cho hai người đi thì khiêng một người nằm võng. Thay phiên nhau ngủ trên võng và khiêng như thế thì đại quân có thể đi ngày đêm không cần ngừng nghỉ.

Đến gần kinh thành thì sẽ mệt hơn, vì kinh thành có nhiều đường xá, lại nằm trong vùng kiểm soát của Lã Quý Phi và Tả tướng quân, dễ bị tập kích và bao vây.

Kinh thành thì phía đông là biển và cảng biển. Hữu tướng quân Công Đức không có thủy quân, vì biên thùy phía bắc mà tướng quân canh giữ đều là vùng rừng núi. Đại Diệu Tâm có thủy quân rất tinh nhuệ, nhưng cô lại không có hạm đội lớn để đi xa. Vậy là Lã Quý Phi và Tả tướng quân không phải lo lắng nhiều về cửa Đông Môn. Trên thực tế, thì Hữu tướng quân và Đại Diệu Tâm đã hẹn gặp nhau tại Tây Môn.

Phía tây kinh thành, cách kinh thành chừng 5 dặm là rặng núi cao, với các đỉnh cao đến hơn 500 trượng, có đỉnh lên đến hơn 700 trượng. Đây là điểm quan trọng cho chiến lược. Đại Diệu Tâm có đội trinh sát bay, người ó, tinh nhuệ, có thể bay diều một người lái từ đỉnh cao xuống đất từ từ. Các con diều này làm bằng trúc rất nhẹ và dẻo dai, và lụa mỏng đã được phết lên một lớp mủ cây để lụa thành chắc chắn và không thấm nước. Từ đỉnh cao 500 trượng và thời tiết tốt, các cô người ó này có thể bay xa đến 5 dặm hay hơn. Tại đỉnh cao 700 trượng và thời tiết tốt, các cô có thể bay xa đến 6, 7 dặm. Dư sức bay từ rặng núi phía tây vào kinh thành.

Người ó không thể mang theo nhiều thứ nặng nề, chỉ có thể mang theo một con dao nhỏ. Cho nên các cô chỉ có thể trông cậy vào võ công thâm hậu của các cô để ứng biến và chiến đấu. Đại Diệu Tâm quyết định mang theo một phi đội một trăm người ó.

Giờ thì Đại Diệu Tâm hiểu tại sao Hữu tướng quân hẹn cô 5 dặm ngoài cửa Tây của kinh thành, vì nơi đó là chân núi. Hữu tướng quân muốn lấy núi làm căn cứ chính, từ đó mới đưa quân ra mọi nơi khác xung quanh. Đó là một quyết định chiến lược rất thông thái.

Sau khi nắm khá vững địa hình của lộ trình và địa hình kinh thành, Đại Diệu Tâm vững tin là cô có thể thay đổi chiến lược trong từng phút để thích ứng với nhu cầu chiến trường. Cô cũng truyền các tướng mang bản đồ ra cho mọi chiến binh thấy rõ đường đi và mọi kiến trúc, nhà cửa, cung điện, đường lối bên trong kinh thành. Các chiến binh được yêu cầu phải nhớ rõ tên từng điểm nhỏ trong kinh thành. Đại Diệu Tâm muốn họ vào kinh thành như là đi trong nhà mình.

Các chiến binh trinh sát của cô cũng rất giỏi truyền tin, họ có thể truyền tin cho nhau nhanh chóng, rõ ràng và chính xác. Hàng ngàn chiến binh luôn phối hợp tốt với nhau nhờ kỹ năng truyền tin cao của mỗi người. Và đó là yếu tố quan trọng nhất cho sức mạnh và tài năng của cả Nữ Quân đoàn Trinh sát Thần Ưng, mà các quân đội khác thường không có.

Tạm giải quyết xong vấn đề chiến lược, cô nghỉ, ngồi thiền và thăm viếng hỏi han ba quân thường xuyên. Các chiến binh đều hăng say háo hức chờ ngày lên đường.

Đến ngày lên đường, bốn ngàn quân trinh sát, ba ngàn chuẩn bị lên đường, một ngàn ở lại phòng thủ, đều sắp hàng ngay ngắn trước đại kỳ. Đại Diệu Tâm và các tướng cưỡi ngựa. Trống quân trỗi lên nhẹ nhàng. Cờ phướn nhiều sắc màu tung bay trong gió. Quang cảnh thật là trang trọng.

Đại Diệu Tâm đã bàn trước với sư mẫu là nên dùng dịp này để lên đai cho một số tướng, để tăng tinh thần ba quân. Sư mẫu đứng trước hàng quân, mang đai trắng mới cho hai phó nguyên soái Phạm Hồng và Trần Lý trước nay vẫn mang đai đỏ. Ba tướng đai vàng, giờ cũng được sư mẫu mang đai đỏ. Và một số sĩ quan đai xanh lục được Đại Diệu Tâm mang đai vàng. Các màu đai này không chỉ biểu hiện trình độ võ công, mà còn là trình độ tác chiến và trình độ lãnh đạo của mỗi người. Các màu đai của Nữ Quân đoàn Trinh sát Thần Ưng đều có tính cách toàn bộ, hơn chỉ là võ công.

Mang đai mới xong, các tân khoa và đại sư tỉ và sư mẫu gập mình chào nhau, rồi mọi người quay lại gập mình chào đại quân. Cả đoàn quân vỗ tay reo mừng.

Rồi Đại Diệu Tâm lên lưng ngựa, nói với đại quân:

– “Các em, hôm nay chúng ta xuất hành cho một sứ mạng đặc biệt quan trọng: Lấy lại an ninh trật tự ở kinh thành. Chúng ta cần tập trung mọi năng lực của mình để hoàn thành nhiệm vụ. Chúng ta có 3 tâm niệm: Quyết chiến, Quyết tử, Quyết thắng. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta là con Phật, chúng ta là những chiến binh Phật tử, cho nên chúng ta luôn biết nhẫn nhục, yêu thương, từ bi, và hòa bình. Một bên là chiến đấu hết lòng, một bên là yêu thương hết cả trái tim. Chiến đấu là chiến tranh. Chúng ta đi qua chiến tranh để mang lại tình yêu và hòa bình. Đừng bao giờ quên điều đó. Chúng ta chiến đấu để mang yêu thương đến cho cuộc đời, không phải là thù hận. Hãy nhớ, chúng ta là con Phật. Chúng ta là những chiến binh Phật tử. ”

Cả hàng quân lặng im phăng phắc. Rồi Đại Diệu Tâm đưa tay ra hiệu. Hồi trống khởi hành vang lên rộn rã. Đoàn quân cất bước ca vang Quân ca Thần Ưng:

“Đoàn ta ra đi trên khắp non sông
Mang yêu thương, mang quyết tâm trong lòng
Vì đồng bào vì quê hương gấm vóc
Hy sinh đời mình cho dòng giống Tiên Long…”

***

© copyright 2020
Trần Đình Hoành & Phạm Thu Hương
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một suy nghĩ 3 thoughts on “Huyền sử Bồ tát Đông Hải – Chương 13: Chiến binh Phật tử”

  1. Đọc truyện vào sáng đầu tuần để tự khích lệ bản thân: Làm việc hết sức mình vì yêu thương và hoà bình.

    Em cảm ơn anh Hoành, chị Hương đã viết truyện.
    Em xin cầu nguyện để anh Hoành, chị Hương, gia đình anh, chị và gia đình Đọt Chuối Non luôn mạnh khỏe ạ.

    Thích

  2. Hi anh chị,

    Đọc mấy chương đánh nhau, hành quân… em phát hiện ra hai anh chị còn giỏi về bố binh, trận địa… Có trí tuệ của nhà quân sự lớn (Không phải giỏi bố binh, trận địa… là có thể là nhà quân sự lớn. Mà là trái tim tràn đầy Phật tính + trí tuệ Trời cho mới tạo nên nhà quân sự lớn.)

    Cảm ơn anh chị viết chuyện. Từng chương đều thực sự rất hay! Kỹ thuật sử dụng ngôn từ bậc thầy hướng tác phẩm đến chất lượng cao nhất (có thể) trong sáng tác nghệ thuật. Thực sự rất tuyệt vời! Em rất mến phục!

    Chúc anh chị tuần mới vui khoẻ ạ ❤️

    Em Phương

    Thích

  3. “Chúng ta đi qua chiến tranh để mang lại tình yêu và hòa bình.” Ước gì mọi người Việt đều hiểu câu này 1 cách sâu sắc 🙏

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s