Huyền sử Bồ tát Đông Hải – Chương 6: Đồ tể buông đao thành Phật

Toàn tập 21 chương >>

Thấm thoát Đại Diệu Tâm đã vào chùa được hai năm. Giờ cô không còn là một đứa bé mà đã là một thiếu nữ thông minh, nhanh nhẹn, đảm đang, đạo học sâu sắc, và võ công thâm hậu. Mỗi ngày cô siêng năng làm việc và học tập. Ni cô Trường Bình thường nói: “Con có căn cơ cao. Học gì cũng nhanh và giỏi. Con học một năm bằng người bình thường học 5, 6 năm. Sau này sẽ có nhiều cơ hội giúp đời.” Đại Diệu Tâm trân quý những lời đó, và cất kỹ trong lòng.

Mỗi buổi sáng, sau giờ tụng kinh và ăn sáng, cô có một canh giờ học tập kinh sách với ni cô. Ni cô Trường Bình thường khuyến khích đệ tử khám phá tư duy trong kinh thay vì chỉ học thuộc lòng. Ni cô sẽ hỏi như là: “Sao sắc bất dị không, không bất dị sắc? Sao sắc tức thị không, không tức thị sắc? Sao đẹp là xấu, và xấu là đẹp?” và bảo Đại Diệu Tâm giải công án đó. Đại Diệu Tâm rất thích cách dạy và học này, vì cô nhận ra là sau một thời gian tìm cách giải công án, cô đã có thêm cả một rừng tư duy trong đầu vì cứ mãi suy nghĩ tìm đáp án.

Ni cô cũng dạy thêm cô Thái Cực Kiếm, bên cạnh Thái Cực Quyền. Kiếm và quyền đều theo cùng nguyên lý, chuyển động vòng tròn là chính, dùng lực địch chống địch, thân hình uyển chuyển nhẹ nhàng như vũ công, eo hông luôn xoay chuyển để định hướng đòn pháp, tay chân và mọi bộ phận của cơ thể chuyển động đồng thời và hợp nhất giúp cho mỗi đòn đều ngắn gọn và nhanh như chớp mắt. Đại Diệu Tâm sáng dạ, nắm vững nguyên lý rất nhanh, lại tập luyện rất chuyên cần.

Một năm trước đây có hai bà mẹ đưa hai cô con gái 11, 12 tuổi vào gặp ni cô và Đại Diệu Tâm. Hai bà nói rằng cô Đại Diệu Tâm ai cũng biết là một nữ hiệp công phu thâm hậu, các em gái trong vùng đều ngưỡng mộ. Hai bà xin ni cô và Đại Diệu Tâm nhận hai cô con gái hai bà làm đệ tử võ môn. Hai bà cũng nói chắc chắn nhiều người có con gái ở vùng này cũng muốn gửi con vào chùa học võ. Ni cô và Đại Diệu Tâm bàn luận với nhau giây lát, và thấy mở lớp dạy võ cho các cô bé cũng là việc tốt, nên ni cô bằng lòng. Và đến nay lớp Thái Cực Quyền đã có được khoảng hai mươi em gái. Đại Diệu Tâm là đại sư tỉ, phụ giúp sư mẫu dạy dỗ các em.

Nửa năm trước đây Vũ Sương và Hoàng Thắng trở lại chùa, cho biết hai người giờ đã có một mảnh vườn kha khá, cách đây khoảng ba ngày đường, với một số cây mít, xoài, chuối, cam, mận và vườn rau. Đủ để hai người sống tốt quanh năm. Hoàng Thắng, dù xuất thân công tử, đã thích ứng tốt với đời sống mới để làm việc trồng trọt mỗi ngày. Thắng cũng theo gương Đại Diệu Tâm, học võ cùng một võ sư gần nhà. Vũ Sương và Hoàng Thắng mang con trai theo về, và cảm ơn ni cô cùng Đại Diệu Tâm đã nuôi nấng bé lâu nay.

Ngày tết Đoan ngọ năm đó, ni cô Trường Bình sang làng bên thăm chùa bạn. Đại sư tỉ Đại Diệu Tâm cùng các sư muội đồng môn nấu bánh tro và cúng tế trời đất. Các cô mang tro ra rắc trên các gốc cây trong chùa, vừa bón phân vừa trừ sâu bọ cho cây. Rồi chị em rủ nhau lên hai con thuyền nhỏ mượn của hàng xóm, ra sông thả tro, đồng thời ăn bánh tro và ca hát. Một ngày vui chơi Đoan ngọ trên sông.

Nhưng chùa vắng tanh lại là cơ hội cho một anh đạo chích chuyên nghiệp trong vùng. Anh vào quan sát, thấy ngay là chùa không có ai, bèn thu gom một số vật dụng bằng đồng cao giá – lư hương, chuông, chân đèn – bỏ vào một cái túi lớn, và đi ra bằng cổng sau của chùa. Rất không may mắn cho anh ta là anh nổi tiếng quá nên nhiều người biết mặt. Một người dân làng thấy anh đi ra chùa bằng cổng sau với một cái túi khổng lồ trên vai, quyết đoán là anh đang hành nghề đạo chích, bèn chạy kêu lính làng. Năm anh lính làng chạy đuổi theo và bắt được anh đạo chích với cả một cái túi nặng trĩu trên vai.

Nhưng anh đạo chích bình tĩnh nói với các anh lính: “Tôi chỉ mang những món này về chùi rửa cho bóng loáng, theo lệnh cô Đại Diệu Tâm.” Các người lính không rõ thực hư bèn đưa anh ta trở lại chùa để nói chuyện với ni cô và Đại Diệu Tâm.

Đại Diệu Tâm cùng các sư muội, sau buổi dã ngoại, trời đã về chiều, trả thuyền và trở lại chùa. Vừa về đến chùa các cô đã gặp các anh lính và anh đạo chính cũng mới đến cổng. Mọi người vào sân chùa. Người đội trưởng lính mở cái túi lớn của anh đạo chính cho Đại Diệu Tâm xem, rồi nói: “Anh này nói cô Đại Diệu Tâm bảo anh ấy lấy các món này về chùi rửa.” Một hai cô sư muội xì xầm: “Anh này là vua ăn trộm.” Một cô nói: “Anh đó đã trộm đồ nhà em một lần rồi.” Rõ ràng là các sư muội đang cố tình nói cho Đại Diệu Tâm biết.

Cô nghe các em và thấy túi đồ đồng, cô hiểu ngay chuyện gì đã xảy ra, và cô nói với người đội trưởng: “Đúng rồi đó chú. Cháu có nhờ chú này mang các đồ này đi chùi bóng cho chùa.” Cô nhìn anh đạo chích, anh ta nhìn cô đăm đăm. Người đội trưởng nói: “Cảm ơn cô,” rồi quay sang anh đạo chích: “Xin lỗi anh. Chúng tôi có thông tin nhầm.” Đại Diệu Tâm nói với anh đạo chích: “Chú làm ơn mang các đồ này về chùi cho bóng giúp chùa với ạ.” Anh đạo chích nói: “Dạ, tôi sẽ chùi thật bóng.” Rồi anh đạo chích vác túi đồ đồng lên vai và ra về.

Ni cô Trường Bình về nhà nghe các cô đệ tử kể chuyện, gật đầu và nói: “Đại sư tỉ của các con có tâm Bồ tát.”

Ba ngày sau, anh đạo chích vác cái túi lớn, đi cùng với một người đàn bà, trở lại chùa. Anh chào ni cô và Đại Diệu Tâm, đặt túi đồ xuống đất, mở túi, và nhấc ra từng món đồ anh đã lấy trong chùa, giờ đây đều bóng loáng, và đặt chúng trên sàn đại điện. Anh nói: “Con đã chùi bóng mọi đồ này. Xin gởi lại ni cô và cô Đại Diệu Tâm.”

Ni cô nói: “Cảm ơn chú. Chú làm việc rất tốt.”

Anh đạo chích nói: “Nếu ni cô không có vấn đề gì, con xin ni cô được làm lễ quy y để con tu tại gia.”

– “Anh muốn quy y lúc nào?” Ni cô hỏi.
– “Ngay bây giờ, nếu không có gì phiền ni cô ạ,” anh đạo chích trả lời.

Ni cô gật đầu và bảo Đại Diệu Tâm vào mang ra một cái đĩa và một con dao để cắt tóc. Anh đạo chích quay sang người đàn bà đi cùng anh rồi nói: “Đây là vợ của con. Con muốn vợ con thấy được con làm lễ quy y.”

– “Lành thay, lành thay,” ni cô nói.

Ni cô bảo anh đạo chính quỳ xuống chắp tay trước Phật tổ. Vợ anh ta cũng quỳ chắp tay sau lưng anh ta. Ni cô đứng tụng kinh và Đại Diệu Tâm đánh chuông gõ mõ. Rồi cô bảo anh lập lại ba lần theo cô: “Con xin suốt đời quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng.” Anh lập lại ba lần như thế.

Ni cô dùng dao cắt một đoạn tóc của anh đạo chích rơi xuống đĩa, và nói: “Cô cắt tóc này, tượng trưng cho quyết tâm quy y của con. Cô đặt pháp danh cho con là Hoàn Nguyên. Hoàn là trở lại như cũ. Nguyên là nguyên thủy, nghĩa là ‘lúc đầu’. Hoàn Nguyên là trở về lúc đầu khi con mới sinh ra, khi trái tim con là trái tim tinh tuyền của một Bồ tát. Nam mô Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật.”

Anh đạo chích nói: “Nam mô Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật. Con tạ ơn Phật tổ. Con tạ ơn sư cô.”

Sau lưng anh, vợ anh vẫn quỳ chắp tay. Hai dòng nước mắt chảy dài trên má chị.

***

© copyright 2020
Trần Đình Hoành & Phạm Thu Hương
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một suy nghĩ 3 thoughts on “Huyền sử Bồ tát Đông Hải – Chương 6: Đồ tể buông đao thành Phật”

  1. Em cảm ơn anh Hoành, chị Hương đã viết truyện.
    Em xin cầu nguyện để anh Hoành, chị Hương, gia đình anh, chị và gia đình Đọt Chuối Non luôn mạnh khỏe ạ.
    Chúc anh, chị cuối tuần vui vẻ.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s