Chăm giữ trái tim

Chào các bạn,

Việt Nam đang đi một dọc 100 ngày mà không có ca nhiễm COVID-19 mới từ cộng đồng, đột nhiên có một loạt ca mới ở Đà Nẵng chẳng biết từ đâu tới. Trong khi đó thì thông tin kinh tế cho biết nửa đầu của năm nay, VN có thặng dư cán cân thương mại kỷ lục 5,46 tỉ đô la, có lẽ là nhờ đại dịch – nhập khẩu thấp hẳn xuống so với xuất khẩu.

Cuộc đời có nhiều bất ngờ thế đó, có bất ngờ vui và bất ngờ không vui, trong cùng một câu chuyện. Đời sống cá nhân của chúng ta cũng vậy, mỗi ngày là một loạt bất ngờ, vui có buồn có. Nhưng làm sao để ta chỉ vui và không buồn?

Có lẽ là có vui thì phải có buồn. Chính vì vậy mà trong luyện tâm người ta tập kiểm soát cái vui lẫn cái buồn. Tức là kiểm soát mức độ vui và buồn của trái tim ta – nếu gặp vui trái tim chỉ vui chút chút, thì gặp buồn trái tim cũng buồn chút chút, vì trái tim đã quen “xúc cảm có chừng mực.” Tức là xúc cảm thì cũng có, nhưng không ảnh hưởng đến lòng ta quá mạnh, để ta luôn có thể tỉnh táo dù gặp chuyện vui hay chuyện buồn.

Chính vì vậy mà người lớn tuổi thường trầm tĩnh hơn người nhỏ tuổi. Các teen thì nổi tiếng là ào ạt, cảm xúc lên xuống như sóng thần, cho nên phản ứng thường dữ dội và quyết liệt. Người lớn tuổi thì có thể trầm tĩnh trước những cảm xúc, cho nên phản ứng chậm rãi và tỉnh táo hơn. Đó cũng chẳng qua là do luyện tập với tuổi đời.

Đương nhiên là nếu người lớn tuổi nhưng chẳng bao giờ luyện tập trái tim, thì phản ứng với mọi việc như tuổi teen cũng là chuyện thường. Thế giới tội phạm thường có người lớn kiểu này, vì họ không quen có kỷ luật cho trái tim.

Dù chúng ta biết tâm linh tích cực hay không, thì chúng ta cũng đều học được một ít kỹ năng tập luyện “tính tình”. Tâm linh tích cực sâu sắc hơn trong đời sống tâm linh, cũng chỉ là tập luyện, nhưng kỷ luật cao hơn, với những mục tiêu khó khăn hơn, ở một tầng cao hơn và khác hơn hoàn toàn. Đó là tầng “một chiều, vô điều kiện” – khiêm tốn, thành thật, yêu người và tĩnh lặng, với mọi người, một chiều, vô điều kiện.

Tâm linh tích cực cũng như mọi môn học khác, mới vào thì thấy khó, tập một thời gian thì thấy dễ. Điều chính là gặp đúng thầy và cẩn thận tập đúng cách thầy chỉ, cộng thêm với quan sát và tư duy của riêng mình trong khi tập.

Môn gì ở đời cũng vậy. Thực hành mỗi ngày thì thành dễ và mình thành giỏi. Chúng ta đều có ảo tưởng về trái tim là đọc một cuốn sách, nghe một số bài giảng, tập một vài cách Thiền hay cầu nguyện, là chúng ta có thể sáng ra, giác ngộ, thấy đường. Vâng, rất có thể là ta hiểu ra ngay trên phương diện chữ nghĩa, nếu ta là người có căn cơ cao. Nhưng thực hành thì luôn đòi hỏi kinh nghiệm. Bạn có thể hiểu âm nhạc qua đọc và nghe khá nhanh, nhưng chơi đàn thì chẳng có cách nào ngoài cách tập đàn mỗi ngày. Và thực sự thì phải rành chơi đàn bạn mới thực sự “hiểu” âm nhạc.

Nhưng chúng ta thường bị những nhu cầu cơm áo gạo tiền thực tế đuổi bắt mỗi ngày, nên rất dễ cho chúng ta quên rằng gốc rễ của đời sống của mình – dù mình làm nghề gì, sống bằng cái gì – vẫn là trái tim của mình – yêu thương và tĩnh lặng. Không có trái tim yêu thương và tĩnh lặng, thì dù mình làm gì, đời mình cũng tràn đầy sóng gió.

Chúc các bạn siêng năng chăm giữ trái tim.

Mến,

Hoành

© copyright 2020
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một bình luận về “Chăm giữ trái tim”

  1. Em cảm ơn anh Hoành đã viết bài ngày hôm nay.

    Em xin cầu nguyện để anh, gia đình anh và gia đình Đọt Chuối Non luôn mạnh khỏe ạ.

    Chúc anh cuối tuần vui vẻ!

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s