Lo cho gia đình lớn

Chào các bạn,

Gia đình bên ngoài gia đình nhỏ của ta thường là gia đình lớn của ta – bố mẹ và con là gia đình nhỏ, thêm ông bà, cô dì chú bác, anh chị em họ là gia đình lớn. Nhưng các bạn có còn nghĩ đến gia đình lớn nào khác không? Các bạn có khi nào nghĩ đến nước Việt Nam là gia đình lớn của chúng ta không?

Người Việt ta có huyền sử bố Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ và bọc trứng trăm con. Đó là bài học truyền thống dân tộc về anh em một nước. Và chúng ta gọi nhau, tất cả mọi người ngoài đường, là anh chị em, cô dì chú bác, ông bà cháu… theo cách gọi của người trong gia tộc. Những điều này cho thấy, trong truyền thống Lạc Hồng, tất cả người Việt đều ở trong một gia đình lớn gọi là Việt Nam.

Câu hỏi là chúng ta có ý thức đến điều đó không? Và có sống như nước Việt Nam là gia đình lớn của mình không?

Chúng ta có quan tâm đến những người Việt khác, đặc biệt là những người nghèo, những người bệnh tật, những người cực khổ, là người trong gia đình lớn của mình không? Có xem đất đai sông ngòi rừng núi là căn nhà của gia đình lớn của mình không? Hay nói cách khác, chúng ta có quan tâm đến con người và đến môi trường sống của gia đình lớn của mình không?

Những quan tâm này còn có một từ để gọi là “ý thức cộng đồng”. Chúng ta có quan tâm đến cộng đồng của ta, ngoài quan tâm chỉ cho riêng ta, riêng gia đình nhỏ của ta, riêng công ty của ta không?

Chúng ta có tham dự các tổ chức từ thiện lo cho người nghèo, mẹ góa con côi, người bệnh tật không? Chúng ta có đóng góp tiền bạc hay/và công sức cho các tổ chức từ thiện không? Chúng ta có tham dự các tổ chức thúc đẩy giáo dục, thúc đẩy minh bạch, thúc đẩy giữ sạch môi trường không?

Nói chung là chúng ta đang làm gì để gia đình lớn và môi trường lớn của chúng ta tốt thêm một chút mỗi ngày? Mỗi chúng ta cần quan tâm hơn đến gia đình lớn của ta, cần thường xuyên nghĩ đến cộng đồng của ta. Trong một bầy ngỗng trời, một đàn chim, môt đàn voi… mỗi con trong bầy phải quan tâm đến cả bầy để cả bầy có sức mạnh để sống còn. Con người là một sinh vật bầy đàn, quan tâm đến cả bầy, cả nước, để giữ sức mạnh sống còn là việc của mỗi người. Chúng ta không có xa xỉ để chỉ lo cho chính mình hay gia đình nhỏ của mình mà thôi.

Điều gì tốt cho cộng đồng của tôi, tốt cho các đồng bào của tôi, là tốt cho tôi. Đây là nguyên tắc sống còn và sống mạnh. Ngay cả con ong con kiến cũng làm việc theo nguyên tắc này. Chúng ta há không hiểu được hay sao?

Cho nên các bạn, hãy mở rộng tầm nhìn của mình. Hãy thường xuyên nhìn đồng bào của mình, hãy thường xuyên nghĩ về đất nước của mình, và làm điều gì đó trong khả năng của bạn cho đồng bào và cho đất nước.

Và bạn sẽ thông thái cũng như trưởng thành nhanh ít nhất là gấp 3 lần những người thiếu quan tâm.

Chúc các bạn trưởng thành tốt.

Mến,

Hoành

© copyright 2016
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một suy nghĩ 6 thoughts on “Lo cho gia đình lớn”

  1. Cám ơn anh Hoành,

    Em đã nghĩ và làm những điều này, nhưng cảm thấy chưa đủ. Mình lo cho gia đình nhỏ hết 90% rồi. Nghe lời anh nhắc nhở, em sẽ nỗ lực mở rộng tầm nhìn của mình nhiều hơn, thường xuyên nghĩ về và hành động cho cộng đồng và đất nước.

    Em Tuấn.

    Thích

  2. Mỗi khi em làm việc thiện nguyện thật sự xuất phát từ tấm lòng em, em cũng cảm thấy ấm áp, thế nhưng em vẫn còn bị ý nghĩ rằng mình làm điều này sẽ tốt đẹp cho mình đây, Chúa sẽ trả công cho mình ở đời sau, hoặc nghĩ rằng những điều này sẽ xóa một phần nào đau khổ về sau (nếu có) của mình. Mỗi lần suy nghĩ như thế xong giật mình lại em thấy buồn lắm, tại sao mình làm việc thiện mà còn nghĩ cho cá nhân như thế!!! Làm thế nào để tâm trong sáng làm điều thiện mà không nghĩ đến ích lợi của bản thân hả anh?

    Thích

  3. Hi Vymia,

    Làm từ thiện mà nghĩ đến ích lợi cho bản thân thì vẫn hơn là không làm từ thiện.

    Em sẽ học quen cách tư duy chú trọng đến người khác – người này cực thế nào, khổ thế nào, điều mình làm giúp người này vui thêm một chút thế nào, giúp người này có hy vọng hơn về tình nhân ái thế nào…

    Một lúc nào đó, em làm từ thiện mà quên luôn cả chính mình và người mình giúp, làm như là một phản xạ tự nhiên của lòng từ bi. Điều này nhà Phật gọi là “không chấp ngã, không chấp nhân”. Bồ tát bố thí mà không chấp ngã, không chấp nhân, như vậy mới là bố thí.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s