30/01/2015 10:51
(TNO) Trong khoảng 10 năm qua, Huawei, tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu của Trung Quốc đã bành trướng từ thị trường nội địa trở thành một thế lực toàn cầu dưới sự hậu thuẫn đắc lực của chính phủ Trung Quốc. Đây là điều không chỉ gây lo sợ cho các đối thủ sừng sỏ trên thương trường mà còn làm nhiều quốc gia quan ngại về những nguy cơ an ninh tiềm ẩn đối với mạng viễn thông toàn cầu.
Nhiều cáo buộc cho rằng Huawei (cùng ZTE, một tập đoàn thiết bị viễn thông lớn khác của Trung Quốc) chính là những cánh tay nối tay của chính quyền và quân đội Trung Quốc nhằm theo dõi, đánh cắp thông tin trên toàn thế giới. Các thiết bị của Huawei, ZTE thậm chí còn được cho rằng có thể cho phép Trung Quốc can thiệp thậm chí vô hiệu hóa hệ thống viễn thông, của một quốc gia nào đó trong trường hợp xảy ra xung đột.
Kỳ 1: Khởi nguồn của “chó sói” Huawei
Được thành lập năm 1987, ban đầu là một nhà phân phối tổng đài điện thoại, Huawei giờ đây đã trở thành một công ty sản xuất thiết bị viễn thông toàn diện, đứng thứ hai trên toàn cầu về doanh thu.
Năm 2012 doanh thu của Huawei là khoảng 36 tỉ USD, vượt qua con số 35 tỉ USD của Ericsson, công ty từng là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Do doanh thu từ điện thoại di động (ĐTDĐ), lĩnh vực mà Ericsson đã ngừng hoạt động đang chiếm ¼ doanh thu của Huawei, nên Ericsson vẫn tạm được coi là là nhà cung cấp hạ tầng mạng viễn thông lớn nhất thế giới. Tuy nhiên điều này được dự đoán có thế sẽ sớm thay đổi.
Huawei hiện cung cấp đủ loại sản phẩm và giải pháp từ mạng viễn thông, mạng lõi, các loại tổng đài, thiết bị mạng di động băng thông rộng đến các thiết bị như máy tính bảng, điện thoại di động… Lãnh đạo Huawei từng tuyên bố mục tiêu của Huawei là trở thành số 1 trong cả ba lĩnh vực trong ngành thiết bị viễn thông gồm chuyển mạch, mạng cố định và mạng không dây. Các đối thủ được Huawei xác định gồm hầu hết các công ty sừng sỏ trong lĩnh vực này như Alcatel-Lucent, Cisco, Nokia Siemens, Ericsson và thậm chí là cả “đồng hương” ZTE.
Người sáng lập và hiện là chủ tịch của Huawei là Nhiệm Chính Phi, một cựu quân nhân của quân đội Trung Quốc (PLA). Khác với nhiều lãnh đạo của các tập đoàn và công ty lớn của Trung Quốc, Nhiệm xuất thân không phải là một “thái tử đảng” hay thuộc về một gia đình quyền thế. Nhiệm được cho là từng học tập tại Trường đại học Xây dựng và Kiến trúc Trùng Khánh vào khoảng những năm 1960 trước khi phục vụ trong PLA.
Huawei nhiều lần khẳng định công ty này là một doanh nghiệp tư nhân, bản thân Nhiệm chỉ sở hữu trực tiếp 1,42% cổ phần, còn lại thuộc về công nhân viên của Huawei. Tuy vậy chủ nhân thực của Huawei là ai lại là một vấn đề phức tạp mà dư luận không dễ tìm được câu trả lời do những quy chế riêng của Huawei.
Theo quy định hiện tại cổ đông của Huawei được trả cổ tức hằng năm nhưng không được giao dịch cổ phiếu. Mặc dù có hàng nghìn nhân viên quốc tế nhưng Huawei quy định chỉ có công nhân viên Trung Quốc mới được quyền chia và sở hữu cổ phiếu. Số lượng cổ phần của Huawei là bao nhiêu cũng là một con số chưa từng được công bố. Chưa được lên sàn chứng khoán nên giá trị, tài sản thực sự của Huawei hiện tại cũng vẫn là một ẩn số.
Theo một số chuyên gia, cách truyền thông ra ngoài về chuyện Huawei “thuộc sở hữu của công nhân viên” dường như một cách đối phó với nghi vấn về vai trò của chính phủ cũng như quân đội Trung Quốc đối với công ty này.
Thời điểm Trung Quốc bắt đầu mở cửa và cải cách, hạ tầng viễn thông quốc gia của nước này là rất hạn chế. Nhận thức được điều này, chính phủ Trung Quốc đã triển khai chiến lược phát triển viễn thông trên 3 chân kiềng gồm: nhập khẩu thiết bị từ nước ngoài; khuyến khích các liên doanh và thúc đẩy nghiên cứu – phát triển (R&D). Năm 1988 đã có hàng chục nhóm nghiên cứu của Trung Quốc, trong đó có cả các nhóm của PLA tập trung vào việc phát triển các thiết bị tổng đài. Đó là môi trường khi Nhiệm Chính Phi và một vài đồng sự thành lập Huawei.
Theo báo cáo về Huawei do Nathaniel Ahrens thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược Hoa Kỳ (CSIS) công bố hồi tháng 2.2013, Nhiệm Chính Phi từng làm việc trong một cơ quan nghiên cứu của PLA, giữ vị trí lãnh đạo nhưng sau đó chuyển đến một doanh nghiệp dầu khí nhà nước năm 1983. Cuối năm 1987, khi 43 tuổi, Nhiệm rời khỏi doanh nghiệp này và thành lập Huawei.
Theo các thông tin chính thức, Huawei được thành lập ban đầu chỉ với số vốn khoảng hơn 20 nghìn NDT, tương đương 5.000 USD thời điểm đó. Tuy nhiên cũng có thông tin rằng đã có một khoản vay từ một ngân hàng nhà nước lên tới 8,5 triệu USD cho Huawei trong thời gian mới thành lập. Huawei, tất nhiên, đã phủ nhận sự tồn tại của khoản vay này.
Khi Huawei ra đời, Trung Quốc phụ thuộc 100% vào nguồn thiết bị viễn thông nhập khẩu và hầu hết các đại gia viễn thông quốc tế như Alcatel, Ericsson, Motorola, Nokia và Nortel đều đã có mặt tại Trung Quốc. Trong những năm đầu hoạt động, Huawei tập trung vào việc phân phối tổng đài và một số loại thiết bị khác nhập khẩu từ Hồng Kông.
Năm 1990, Huawei bắt đầu phát triển các tổng đài đơn giản. Cùng thời điểm đó cũng có khoảng ít nhất 200 công ty nội địa khác của TQ cũng có chung chiến lược này. Để sống sót và tạo sự khác biệt Huawei đã quyết tâm phát triển hệ thống tổng đài lớn, đòi hỏi công nghệ phức tạp. Đây cũng là dòng thiết bị mà không công ty nước ngoài nào muốn chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc. (còn tiếp)
Trường Sơn
DÒNG SỰ KIỆN
|
*****
‘Chó sói’ Huawei và nguy cơ cho an ninh viễn thông Việt Nam – Kỳ 2: Cánh tay nối dài của chính quyền Trung Quốc ?
31/01/2015 05:00
(TNO) Theo báo cáo của CSIS, từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, giới lãnh đạo Trung Quốc (TQ) đã bắt đầu chú ý đến Huawei. Sự hỗ trợ của chính phủ TQ đã đóng một vai trò quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của Huawei.
Năm 1993, Huawei tung ra tổng đài điều khiển C&C08, sản phẩm chính đầu tiên tự phát triển. Thiết bị này đã đưa Huawei tiến lên vị trí hàng đầu trong nhóm các công ty tương tự ở TQ. Sản phẩm này được triển khai khắp TQ và mặc dù thiếu chi tiết về các vụ mua bán nhưng tạp chí Kinh tế Viễn đông (FEER) đã loan tin rằng lúc đó Huawei đã nhận được một hợp đồng quan trọng cung cấp mạng viễn thông quốc gia đầu tiên cho quân đội TQ. FEER trích dẫn một nguồn tin từ Huawei nói rằng [hợp đồng] là không đáng kể so với toàn bộ hoạt động của Huawei nhưng là lớn “về mặt quan hệ”.
Vào thời điểm này các công thiết bị viễn thông nước ngoài đã thâm nhập vào vào thị trường viễn thông dành cho các tập đoàn, công ty, đô thị lớn tại TQ. Huawei nhìn thấy một cơ hội. Nhiệm Chính Phi – ông trùm quyền lực của Huawei – đã thực hiện theo chiến lược “dùng nông thôn bao vây thành thị” của Mao Trạch Đông. Năm 1992 khi Ericsson chỉ có vài nhân viên hoạt động tại Hắc Long Giang thì Huawei có tới 200 người len lỏi khắp các huyện, thị của tỉnh này.
“Huawei phải có tinh thần chó sói” là phương châm được ông Nhiệm truyền bá và quán triệt đến toàn bộ đội quân của Huawei. Theo đó, các nhân viên Huawei cần phải có sự nhạy bén cao độ, bản năng sinh tồn và tinh thần chiến đấu bằng mọi giá để đạt được mục đích.
Các chiêu bán hàng của Huawei được cho là không tuân theo chuẩn mực đạo đức thông thường và luôn gắn liền với chuyện tham nhũng, hối lộ. Tại nhiều tỉnh, Huawei thiết lập các liên doanh hoặc một hình thức đối tác tương tự với các cơ quan viễn thông địa phương để khuyến khích việc mua thiết bị Huawei và rót lại qua các khoản “cổ tức”.
Theo nhà nghiên cứu Cheng Li (Viện Brookings, Hoa Kỳ), “hoạt động kinh doanh này do Huawei thực hiện, mặc dù gây tranh cãi, nhưng đã không bị cấm. Qua những lợi ích được chia sẻ, các cơ quan địa phương đã giúp thúc đẩy bán hàng và bảo trì các thiết bị viễn thông do Huawei sản xuất”.
Năm 1994, ông trùm quyền lực của Huawei Nhiệm Chính Phi đã có cuộc gặp với ông Giang Trạch Dân, người sau đó đã trở thành Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Đảng cộng sản TQ. Trong cuộc gặp với ông Giang, ông Nhiệm được cho là đã đưa ra quan điểm về vai trò của công nghệ thiết bị tổng đài với an ninh quốc tế. Ông Nhiệm khẳng định “một quốc gia không có những thiết bị tổng đài của mình thì cũng giống như là không có quân đội riêng”. Ý kiến này của ông Nhiệm đã được ông Giang Trạch Dân ghi nhận.
Năm 1996, chính phủ TQ bắt đầu hỗ trợ một cách rõ ràng đối với các công ty viễn thông nội địa, chấm dứt chính sách nhập khẩu đặc biệt đối với thiết bị viễn thông. Cả chính phủ và quân đội TQ bắt đầu tung hô Huawei nhưng một “nhà vô địch quốc gia”.
Cũng trong năm 1996, cả Lưu Hóa Thanh, Phó chủ tịch Quân ủy T.Ư và Ngô Bang Quốc, Phó thủ tướng TQ, đã có chuyến thăm rình rang đến trụ sở Huawei tại Thâm Quyến. Tháng 6.1996, Phó thủ tướng Chu Dung Cơ đi thị sát Huawei. Trong chuyến thăm này, ông Chu Dung Cơ đã bày tỏ kỳ vọng việc tổng đài điều khiển tự động của Huawei có thể thâm nhập thị trường quốc tế, ông Chu cũng đã yêu cầu giám đốc của 4 ngân hàng đi tháp tùng phải hỗ trợ cho Huawei về tài chính. Nhờ ảnh hưởng của ông Chu Dung Cơ, đến nửa cuối 1996, ngân hàng China Merchants bắt đầu hợp tác với Huawei.
Cùng thời gian này, Huawei đã có những bước tiến dài về mặt phát triển sản phẩm và doanh số bán hàng. Sản phẩm của Huawei đã vươn ra khỏi thị trường nông thôn. Theo FEER, Huawei đã giành được những hợp đồng lớn tại các đô thị lớn như Bắc Kinh, Quảng Đông, cũng như với cơ quan đường sắt quốc gia, nơi chịu trách nhiệm về phát triển hạ tầng tại thung lũng sông Hoàng. FEER nhận định điều này đã giúp Huawei tháo gỡ những vấn đề về tài chính.
Năm 1998, Ngân hàng Xây dựng TQ đã cho Huawei vay khoản tín dụng 3,9 tỉ NDT, chiếm khoảng 45% tổng các khoản tín dụng mở rộng trong năm đó của ngân hàng này. Đã có những thông tin cho rằng chính phủ TQ đã cung cấp các khoản vay này như một hình thức “trả nợ” cho một số cơ quan nhà nước đã mua thiết bị của Huawei mà không trả tiền. Việc các khoản vay này sau đó có được Huawei trả lại không vẫn là điều không rõ ràng nhưng nó có thể về bản chất đây là một sự “chuyển khoản” của chính phủ. Đây cũng được coi là một bằng chứng cho những quan ngại về ảnh hưởng của chính phủ TQ hiện tại đối với Huawei.
Theo CSIS, mặc dù rất khó để có thể nắm rõ được bản chất sự hỗ trợ từ phía chính quyền TQ nhưng từ những thừa nhận của Huawei có thể thấy quan hệ của công ty này với chính quyền là một yếu tố có tính chất quyết định đối với Huawei. Đặc biệt, sự hỗ trợ này có ý nghĩa rất lớn khi vào giai đoạn đầu Huawei vẫn là một công ty còn vô cùng non yếu trong cuộc đấu với những đối thủ lớn.
Ông Nhiệm Chính Phi từng thừa nhận Huawei đã khá “ngây thơ” khi chọn lĩnh vực thiết bị viễn thông để lao vào trong thời kỳ mới thành lập. Theo ông Nhiệm, Huawei đã không chuẩn bị cho một sự cạnh tranh dữ dội như vậy vào thời kỳ trứng nước của mình. “Những đối thủ đều là những công ty quốc tế sừng sỏ với tài trị giá hàng chục tỉ USD. Nếu không có những chính sách bảo vệ (đối với công ty trong nước), Huawei đã không thể tồn tại lâu”, ông Nhiệm nói.
Năm 1996, Huawei đã có 20% thị phần tổng đài TQ, đứng thứ hai chỉ sau Shanghai Bell. Doanh thu từ thị trường nội địa cho Huawei lên tới 2,6 tỉ NDT, đưa Huawei vào danh sách 4 doanh nghiệp thiết bị viễn thông lớn nhất của TQ. Một vài năm sau đó Huawei đã vượt qua Shanghai Bell sau một chiến dịch giảm giá khốc liệt kết hợp với chiến dịch mua sắm địa phương của chính quyền TQ. Huawei tiếp tục từ những thành công này đầu tư vào lĩnh vực di động. Khi mạng GSM bắt đầu nhận được những khoản đầu tư lớn vào giữa đến cuối những năm 90 của thế kỷ trước, Huawei đã ở vào vị trí thuận lợi với công nghệ của mình. (còn tiếp)
Trường Sơn
*****
‘Chó sói’ Huawei và nguy cơ cho an ninh viễn thông Việt Nam – Kỳ 3: Chính quyền Trung Quốc mở đường như thế nào?
01/02/2015 10:51
(TNO) Mặc dù có những bước tiến và thành công vang dội ở thị trường trong nước nhưng sự cạnh tranh từ các đối thủ quốc tế vẫn là mối đe đọa tiềm tàng với Huawei. ‘Chó sói’ Huawei quyết định tìm hướng đi ở những thị trường ngoài Trung Quốc. Sách lược Maoist tiếp tục được vận dụng với sự hỗ trợ của chính quyền Trung Quốc.
Huawei bị cáo buộc là “cánh tay nối dài” của chính phủ và quân đội Trung Quốc – Ảnh: AFP
Trong chiến lược “dùng nông thôn bao vây thành thị” ở tầm quốc tế , thị trường các quốc gia đang phát triển chính là “nông thôn” trong khi “thành thị” là các nước đã phát triển. Mặc dù đã làm chủ công nghệ nhưng thực tế thời điểm đó Huawei vẫn phải đối diện với tiếng xấu về chất lượng kém cỏi của các sản phẩm từ Trung Quốc. Với những quốc gia đang cần có thiết bị chất lượng vừa phải, giá cả phù hợp thì Huawei là một đối tác khá hợp lý.
Theo báo cáo của CSIS, khách hàng quốc tế đầu tiên của Huawei là Hutchison Telecommunication (đây cũng là công ty liên doanh thành lập mạng Vietnamobile tại Việt Nam) của tỉ phú Hồng Kông Lý Gia Thành. Năm 1996, đối tác này đã mua tổng đài và các thiết bị khác từ Huawei cho mạng lưới điện thoại cố định.
Huawei sau đó cũng đã thành lập một liên doanh tại Nga với Beto Corporation để sản xuất các thiết bị tổng đài, nhưng về bản chất là lắp ráp tổng đài Huawei tại Nga. Giá cực rẻ, các dịch vụ hậu mãi tốt đã giúp Huawei khá thành công ở thị trường Nga. Sau 5 năm, doanh thu của Huawei ở thị trường này đã đạt mốc 100 triệu USD (2001).
Ngay sau khi thâm nhập thị trường Nga, Huawei cũng đã có mặt tại Thái Lan, Brazil và Nam Phi. Việc tấn công các đối thủ bằng chính sách rẻ đã trở nên “hung hăng” hơn. Giá thiết bị của Huawei thường xuyên được đặt ở mức thấp hơn tới 30% so với các nhà cung cấp khác.
Với vị thế là một “nhà vô địch quốc gia”, Huawei đã trở thành một quân bài quan trọng trong tay chính quyền Trung Quốc tại những quốc gia phát triển. Bản thân người sáng lập và hiện là chủ tịch của Huawei Nhiệm Chính Phi từng khẳng định chính quyền Trung Quốc đã có những chính sách ngoại giao thành công và từ đó có được nhiều bạn bè quốc tế. “Chiến lược ở thị trường quốc tế của Huawei là đi theo con đường ngoại giao của Trung Quốc và tôi tin rằng chiến lược này cũng sẽ thành công”, Nhiệm khẳng định.
Tháng 11.2000, Nhiệm tháp tùng Phó thủ tướng Trung Quốc Ngô Bang Quốc trong chuyến đi tới châu Phi, đặt nền móng cho những hoạt động kinh doanh trong tương lai, trong đó có một hợp đồng 20 triệu USD tại Ethiopia (2003) và một dự án CDMA 200 triệu USD tại Nigeria (2005). Ghana, Mauritus, Morocco, Congo và Kenya tiếp theo vào 2006. Cùng với một hợp đồng lớn khác với Nigeria…
Tập đoàn Huawei (Trung Quốc) bị tố cáo là mối đe dọa lớn cho an ninh một số quốc gia – Ảnh: Reuters
Theo Nathaniel Ahrens (CSIS), có một điểm quan trọng là những hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc đối với Huawei không chỉ là những nỗ lực để hỗ trợ cho một công ty đơn lẻ mà đây là một phần của sách lược dài hạn nhằm phát triển ngành công nghiệp viễn thông nội địa của nước này.
Ngoài Huawei, một số công ty viễn thông khác cũng được chính phủ Trung Quốc o bế để xây dựng năng lực viễn thông nội địa như Junglong và Zhongxing Telecomunication Equipment Group (ZTE)…
Nhiệm Chính Phi từng tuyên bố “nếu không có chính sách hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc (đối với các công ty nội địa) Huawei đã không tồn tại”. Câu hỏi được đặt ra là sự liên quan giữa chính phủ Trung Quốc đối với Huawei ở mức độ như thế nào? Nguyên nhân gì khiến từ nhiều năm qua Huawei luôn tìm cách tránh né và phủ nhận toàn bộ sự liên quan với chính quyền và quân đội Trung Quốc?
Hầu hết giới phân tích đều gắn chuyện Nhiệm từng là một thành viên của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) là một bằng chứng về mối quan hệ giữa Huawei với quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, theo CSIS, đây không phải là điểm đáng lo ngại lắm. Trong khi Huawei cực kỳ cố gắng tránh thể hiện có bất cứ sự liên quan nào đó đến quân đội Trung Quốc thì câu chuyện Huawei từng nhận được các hợp đồng xây dựng mạng lưới viễn thông cho quân đội trong giai đoạn đầu của công ty là điều ai cũng biết.
Một phó giám đốc của Huawei đã từng được trích dẫn khi nói về các hợp đồng với quân đội “là nhỏ nếu xét theo tổng thể hoạt động kinh doanh của chúng tôi nhưng là lớn về mặt quan hệ”. Tờ FEER từng đưa tin rằng 70 quan chức cấp cao của lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc từng thăm Huawei hồi 1999. Phái đoàn này do một quan chức cảnh sát chịu trách nhiệm mua sắm hệ thống hạ tầng viễn thông dẫn đầu.
Theo CSIS, năm 2000 Huawei vẫn cung cấp các sản phẩm của mình cho quân đội Trung Quốc và hiện nay dường như công việc này vẫn được tiếp tục. Các nghi vấn được đặt ra ở đây là bản chất của các sản phẩm mà Huawei cung cấp cho quân đội Trung Quốc là gì? Theo Huawei, đó hoàn toàn là các sản phẩm dân sự và không có gì khác biệt so với những sản phẩm khác mà Huawei bán ra trên thị trường. Huawei cũng khẳng định những sản phẩm cung cấp cho quân đội chỉ chiếm khoảng 0,16% lượng hàng bán trong 2009 và 0,33% năm 2011. Tuy nhiên cũng có nghi vấn rằng trong những sản phẩm Huawei cung cấp cho PLA có những thiết bị đặc chủng phục vụ cho mục đích quân sự.
“Tôi có thể khẳng định là Huawei có quan hệ với Chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên đây cũng là một mối quan hệ thông thường như hầu hết các công ty khác đối với nhà nước. Tôi phải giải thích rõ thế này. Không có một công ty Trung Quốc nào có thể tồn tại mà lại không có một mối quan hệ nào đó với chính phủ cả”, Scott Sykes, Phó chủ tịch phụ trách truyền thông khu vực châu Á – Thái Bình Dương trả lời câu hỏi của Thanh Niên về quan hệ giữa Huawei với Chính phủ Trung Quốc trong cuộc phỏng vấn nhân chuyến làm việc của đoàn báo chí Việt Nam tại trụ sở Huawei ở Thâm Quyến (Trung Quốc) vào tháng 4.2013. Trước khi sang Huawei, Scott làm công việc tương tự tại Acatel.
Trường Sơn
*****
Chó sói’ Huawei và nguy cơ cho an ninh viễn thông Việt Nam – Kỳ 4: Sức mạnh của tín dụng “xám”
02/02/2015 06:16
(TNO) Các khoản tín dụng từ sự hỗ trợ của chính quyền Trung Quốc (TQ) đã và vẫn đang tiếp tục có tác động quan trọng đối việc phát triển của Huawei.
>> ‘Chó sói’ Huawei và nguy cơ cho an ninh viễn thông Việt Nam – Kỳ 3: Chính quyền Trung Quốc mở đường như thế nào?
>> ‘Chó sói’ Huawei và nguy cơ cho an ninh viễn thông Việt Nam – Kỳ 2: Cánh tay nối dài của chính quyền Trung Quốc ?
>> ‘Chó sói’ Huawei và nguy cơ cho an ninh viễn thông Việt Nam – Kỳ 1: Khởi nguồn của ‘chó sói’ Huawei
Không chỉ có vậy, hình thức tín dụng cho vay đối với các khách hàng của Huawei cũng có ảnh hướng lớn không kém. Các khoản vay này thường trùng khớp với những nỗ lực ngoại giao của Chính phủ TQ trong các thỏa thuận vay vốn phát triển.
Năm 1998, Ngân hàng xây dựng TQ ở Bắc Kinh đã cung cấp 3,9 tỉ NDT cho khoản vay tín dụng dành cho khách hàng của Huawei. Khoản vay này chiếm tới 45% các khoản tín dụng mở rộng của ngân hàng này năm đó. Năm tiếp theo Huawei nhận được 3,5 tỉ NDT khác từ Ngân hàng công thương TQ (ICBC) và Ngân hàng TQ, trong đó ICBC cho vay thêm 200 triệu USD cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) của Huawei.
Đầu năm 2004 Huawei nhận khoản vay 10 tỉ USD trong 5 năm cho việc mở rộng ở thị trường quốc tế từ Ngân hàng phát triển TQ và 600 triệu USD từ Ngân hàng xuất nhập khẩu TQ. Các khoản vay này sau đó lên tới 30 tỉ USD và có thể còn cao hơn nữa. Sinosure, công ty bảo hiểm của Chính phủ TQ, cũng đã hỗ trợ việc bán hàng của Huawei thông qua các khoản tín dụng xuất khẩu.
Tháng 4.2011, khi chào hàng với Tele Norte (Brazil), Huawei đã đề nghị một khoản tín dụng 30 tỉ USD từ Ngân hàng phát triển TQ (CDB). Cùng với đó là khoản ân hạn 2 năm với tỷ giá lãi suất liên ngân hàng chỉ tương đương 70% mức giá thị trường. Trả lời hãng tin Bloomberg, Alex Zornig, Giám đốc tài chính của Tele Norte, cho biết các đối thủ cạnh tranh quốc tế không tài nào sánh nổi các điều khoản của CDB để hỗ trợ mua thiết bị mạng lưới Huawei.
Khoảng trống mà Hoa Kỳ và châu Âu để lại đang được người TQ lấp đầy. Họ rất xông xáo và có cực kỳ nhiều tiền. Một tình huống tương tự cũng xảy đến đối với America Movil (Mexico) với khoản nâng cấp mạng lưới trị giá 1 tỉ USD. Theo CSIS, các khoản tín dụng hoành tráng từ TQ đã biến những chương trình tín dụng xuất khẩu có ở nhiều nước, trong đó có cả Hoa Kỳ, Thụy Điển, Nhật Bản… thành “tép riu”.
Theo Huawei, họ chỉ đóng vai trò “trung gian” đề xuất các khoản vay này. Nếu được chấp thuận thì các khách hàng của Huawei mới là người chịu trách nhiệm cho việc trả nợ chứ không phải Huawei.
Theo CSIS, năm 2004 CDB đã đồng ý đề nghị một mức tín dụng 10 tỉ USD cho những khách hàng của Huawei. Mức tín dụng này đã được tăng thành 30 tỉ USD trong 2009. Tính đến thời điểm hiện tại, 10 tỉ USD đã được giải ngân cho các khách hàng của Huawei từ CDB.
Theo CSIS, không quá khó hiểu việc một ngân hàng quá hào hứng trong việc cung cấp tài chính cho những thương vụ như thế này. Câu hỏi được CSIS đặt ra là việc cung cấp tài chính như vậy liệu còn có phải là một thành tố phục vụ cho những mục tiêu khác lớn hơn của Chính phủ TQ tại các quốc gia là khách hàng của Huawei hay không? Ví dụ được đưa ra là việc cho vay đầu tư các dự án viễn thông để đổi lại quyền khai thác tài nguyên tự nhiên và khoáng sản.
Huawei cũng nhận được những khoản trợ cấp đáng kế cho R&D từ Chính phủ TQ. Năm 1996, Phó thủ tướng TQ Ngô Bang Quốc đã thăm công ty và bảo đảm một khoản vay 50 triệu NDT để phát triển công nghệ di động GSM. Ông Ngô Bang Quốc đã tuyên bố “hiện tại đây là lĩnh vực độc quyền của các công ty nước ngoài. Tôi cho rằng Huawei tạo sự đột phá trong lĩnh vực di động”.
Trong báo cáo tài chính 2010, Huawei công bố khoản kinh phí 433 triệu NDT (tương đương 66 triệu USD) là tài trợ không điều kiện và 545 triệu NDT (khoảng 84 triệu USD) tài trợ có điều kiện của Chính phủ TQ cho lĩnh vực R&D. (còn tiếp)
Trường Sơn
*****
‘Chó sói’ Huawei và nguy cơ cho an ninh viễn thông Việt Nam – Kỳ 5: Chó sói’ Huawei đã cắm chân ở Việt Nam như thế nào?
03/02/2015 03:00
(TNO) Đại diện Huawei khẳng định hai “đại gia” viễn thông hàng đầu của Việt Nam là các “đối tác lớn nhất” của Huawei tại thị trường này.
Để có câu trả lời cần quay ngược lại thời điểm 15 năm trước. Năm 1999, sau ba năm đặt chân ra ngoài Trung Quốc nhưng chưa có kết quả đáng kể nào, thương hiệu Huawei lần đầu tiên xuất hiện ở thị trường Việt Nam. Trước đó từ 1997 – 1998 Huawei không có điểm sáng nào trên thị trường quốc tế.
Trong cuốn sách “Nhiệm Chính Phi” (tác giả Cung Văn Ba, bản dịch tiếng Việt do Thái Hà Books xuất bản 2010) đã trích lời Lý Kiệt người phụ trách tuyên truyền của Huawei nói về giai đoạn này của Huawei tại Việt Nam như sau : “Giai đoạn lúc bấy giờ thực sự rất cực khổ. Mỗi người phụ trách chạy đi chạy lại vài quốc gia nhưng không có đơn vị nào muốn hợp tác. Lần đầu tiên có hy vọng là năm 1999 khi Việt Nam và Lào chính thức trở thành hai nước hợp tác với Huawei trên trường quốc tế”. Đây cũng là giai đoạn mà trọng tâm khai thác phát triển của Huawei là các nước đang phát triển.
Khi bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam, mặc dù cực kỳ cố gắng nhưng hầu như Huawei không có được kết quả nào đáng kể. Trong giai đoạn này thị trường thiết bị viễn thông Việt Nam hoàn toàn là sân chơi của các ông lớn như Ericsson, Alcatel, Nokia, Siemens, Motorola…
Đầu những năm 2000 cũng là thời kỳ thị trường viễn thông nằm trong sự độc quyền của VNPT với hai mạng di động Mobifone và Vinaphone. Mặc dù đã có rất nhiều cuộc tiếp xúc làm việc giới thiệu thử nghiệm thiết bị với các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam như có lẽ tiếng xấu về chất lượng “hàng Tàu” khiến các công ty Việt Nam không dám đặt niềm tin vào Huawei, một nhân viên người Việt làm việc cho Huawei trong giai đoạn này cho biết.
Vấp phải nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm bằng mọi giá phải đứng được ở thị trường Việt Nam, đội quân Huawei tìm cách đánh đường vòng bằng cách thông qua những dự án mang tính chất “quà tặng thử nghiệm”. Quan điểm của Huawei lúc này là “thị trường Việt Nam chưa biết, chưa có thông tin gì về sản phẩm của Huawei thì chúng tôi sẽ tặng thiết bị để khách hàng tương lai dùng thử”.
Đội ngũ quản lý và nhân viên Huawei ở Việt Nam cũng biết rõ cho dù là “quà tặng” nhưng để các thiết bị Huawei len được vào địa bàn quan trọng như Hà Nội, TP.HCM hay các đô thị lớn cũng rất khó khăn. Thậm chí để “quà tặng” lọt qua các khâu kiểm định chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật để vào được cũng có khả năng mất vài năm.
Chiến lược “dùng nông thôn bao vây thành thị” lại tiếp tục được Huawei áp dụng ở thị trường Việt Nam. Huawei đã tìm cách đưa thiết bị hỗ trợ các dự án viễn thông ở các vùng sâu, vùng xa. Theo tiết lộ của một cán bộ quản lý từng làm việc cho Huawei, việc đưa thiết bị vào các vùng nông thôn dễ hơn, do các thiết bị là quà tặng nên các đối tác Việt Nam cũng “giữ ý” và không yêu cầu kiểm tra tiêu chuẩn chặt chẽ lắm.
Các tổng đài quà tặng đầu tiên của Huawei đã được sử dụng ở cho các mạng cố định tại Cần Thơ, Đồng Tháp…từ năm 2001. Những món quà tặng này sau đó được phát triển dưới hình thức vừa tặng vừa bán. “Tức là Huawei sẽ tặng tổng đài có khả năng phục vụ 500 số, nếu muốn 1.000 số thì khách hàng phải mua thêm”. Nhờ những bước đi khôn khéo này mà những nền tảng ban đầu trong quan hệ giữa Huawei và VNPT đã được thiết lập.
Năm 2002 sau một số thử nghiệm hợp tác qua các dự án ADSL băng thông rộng, Huawei đã có được hợp đồng đầu tiên với Viettel. Cần phải nhắc lại rằng thời điểm này Viettel còn đang là một người chơi mới dò dẫm bước vào thị trường viễn thông chứ không phải Viettel của thời điểm hiện tại. Lúc ấy Viettel có ít tiền, thiết bị của Huawei thì rẻ và về mặt chất lượng cũng có thể tạm chấp nhận được. Thời điểm đó có thể coi là cơ hội của cả Viettel và Huawei nên hai bên đã gặp nhau ở điểm chung này.
Cũng phải nói thêm rằng cơ hội cho sự phát triển của Huawei một phần đến từ chính các đối thủ của nó. Theo giới chuyên môn, các công ty Ericsson, Alcatel, Nokia, Siemens, Motorola dường như đã có một thỏa thuận ngầm trong việc bắt tay giữ giá khiến cho trong suốt mười năm từ 1995-2005 giá thiết bị hạ tầng viễn thông ở Việt Nam hầu như không giảm. Mọi chuyện chỉ bắt đầu rục rịch thay đổi từ 2005 với vai trò của Huawei.
Năm 2004 khi Viettel tấn công vào thị trường di động cũng là lúc Huawei bắt đầu ăn nên làm ra tại Việt Nam. Điều đặc biệt là Huawei đã dành cho Viettel những ưu đãi đặc biệt như điều khoản hợp đồng mua thiết bị trả chậm tới 4 năm theo hình thức tín chấp. Theo tiết lộ của một chuyên gia thuộc Huawei phương án giá mà hãng này cung cấp cho Viettel thời điểm đó thấp hơn 30% so với phương án của Cisco.
Bên cạnh đó mối “lương duyên” giữa Viettel và Huawei còn được kết nối chặt chẽ nhờ sự “mềm dẻo” của Huawei đối với các yêu cầu từ Viettel. “Nếu anh mua thiết bị của một hãng phương Tây thì các khâu hậu mãi đều phải thực hiện theo đúng hợp đồng rất chặt chẽ, thậm chí kể cả anh có sự cố vào những ngày nghỉ mà liên lạc với đối tác chưa chắc họ đã nghe máy để hỗ trợ. Nhưng với Huawei thì việc phục vụ khách hàng được ưu tiên hàng đầu. Viettel cũng như các đối tác khác khi có bất cứ yêu cầu gì dù là ngoài giờ hay các dịp nghỉ lễ tết đều được Huawei đáp ứng. Có thể nói là 24/7 không có chuyện không liên lạc được”, một cán bộ phụ trách của Huawei cho biết.
Cũng trong thời kỳ 2004-2005 cùng với sự phát triển của Viettel sức bật của Huawei tại thị trường VN vượt lên hẳn so với các đối thủ khác. Trong khi Viettel liên tục tạo nên những cú sốc về giảm cước di động làm bùng nổ thị trường di động thì Huawei cũng âm thầm vượt lên trong một cuộc chiến khốc liệt không kém. Sự lớn mạnh của Huawei đồng nghĩa với việc các đại gia sản xuất thiết bị viễn thông từ châu Âu, Hoa Kỳ lần lượt bị đánh bật khỏi VN. Thị trường hạ tầng viễn thông tại VN từng bước trở thành sân chơi riêng của các doanh nghiệp Trung Quốc.
“Chó sói” Huawei tràn ngập
Theo báo cáo của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam công bố tháng 4.2013, có tới 6/7 hãng viễn thông ở Việt Nam đang sử dụng thiết bị công nghệ của Huawei và ZTE. Đặc biệt, hiện có hơn 30.000 trạm thu phát sóng (BTS) của các nhà mạng Việt Nam sử dụng thiết bị của hai tập đoàn Trung Quốc này.
Riêng trong năm 2009, đã có hơn 5 triệu thiết bị như USB, modem, router của Huawei và ZTE đã được bán ra trên thị trường Việt Nam. Ông Trịnh Ngọc Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội an toàn thông tin (VNISA) từng nhận xét rằng đây là mối lo về an ninh, an toàn cho viễn thông trong nước. Mặc dù không có thông tin chính thức và cụ thể từ các nhà mạng nhưng theo giới chuyên môn phần lớn hệ thống hạ tầng mạng viễn thông của VNPT (bao gồm cả Vinaphone, Mobifone và một số công ty khác), Viettel (gồm cả phần mạng của EVN Telecom trước đây được sát nhập về Viettel) cũng như các mạng nhỏ khác như Gmobile, Vietnamobile đều do Huawei, ZTE… cung cấp.
Theo một chuyên gia đề nghị không nêu tên, là một quốc gia có quan hệ rất nhạy cảm với Trung Quốc việc hạ tầng mạng của Việt Nam phụ thuộc lớn vào các công ty Trung Quốc như Huawei, ZTE đã đặt ra nhiều nguy cơ và thách thức cho Việt Nam. “Mạng viễn thông Việt Nam liệu có bị nghe lén, giám sát, theo dõi hoặc bị đánh sập trong trường hợp xấu? Ngoài mạng viễn thông các hệ thống khác như ngân hàng, hệ thống điện lưới quốc gia vv có nguy cơ bị tấn công hay không?”
Cho đến thời điểm hiện tại, đại diện các nhà mạng tại Việt Nam chưa từng lên tiếng về những vấn đề liên quan đến an ninh hạ tầng viễn thông xuất phát từ vấn đề thiết bị của Huawei. Thanh Niên Online đã liên hệ với Viettel, Mobifone, Vinaphone để tìm hiểu vấn đề liên quan đến Huawei, ZTE…nhưng đều không nhận được thông tin phản hồi.
Trả lời Thanh Niên Online, một chuyên gia nổi tiếng về an ninh mạng người Việt hiện đang làm việc cho Google đã dẫn chiếu một số nghiên cứu từ các đồng nghiệp cho biết các dòng thiết bị của Huawei có rất nhiều lỗ hổng sơ đẳng, rất dễ khai thác. Tuy nhiên các lỗ hổng này chưa hẳn là backdoor mà có thể do Huawei chưa quan tâm đúng mức đến các vấn đề an toàn sản phẩm. Cũng theo chuyên gia này mặc dù chưa có ai phát hiện ra backdoor trong các thiết bị của Huawei nhưng vì chất lượng sản phẩm kém, người ta vẫn không cần phải có backdoor mới hack được các thiết bị Huawei. “Hơn nữa nhìn ở một góc độ nào đó thì mỗi lỗ hổng đều có thể được xem là một backdoor do lập trình viên cố ý tạo ra. Đó là ý kiến của những người ủng hộ giả thuyết Huawei có chứa backdoor của chính phủ Trung Quốc”, chuyên gia cho biết.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh về trung hạn (5-10 năm) Việt Nam cần phải có được đội ngũ chuyên gia kỹ sư lành nghề. “Không có cách gì giải được bài toán an toàn thông tin mà không cần kỹ sư giỏi”. Về dài hạn (10-30 năm) thì Việt Nam cần phải giảm sự lệ thuộc công nghệ vào các nước khác, nhất là đối với các hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt quan trọng. “Bước đầu tiên mà chúng ta có thể làm là tự chủ về phần mềm, rồi sau đó tự chủ về phần cứng”, chuyên gia cho biết.
|
Trường Sơn
>> ‘Chó sói’ Huawei và nguy cơ cho an ninh viễn thông Việt Nam – Kỳ 4: Sức mạnh của tín dụng “xám”
>> ‘Chó sói’ Huawei và nguy cơ cho an ninh viễn thông Việt Nam – Kỳ 3: Chính quyền Trung Quốc mở đường như thế nào?
>> ‘Chó sói’ Huawei và nguy cơ cho an ninh viễn thông Việt Nam – Kỳ 2: Cánh tay nối dài của chính quyền Trung Quốc ?
>> ‘Chó sói’ Huawei và nguy cơ cho an ninh viễn thông Việt Nam
>> Đài Loan xem tập đoàn Trung Quốc là ‘mối đe dọa an ninh’
>> Huawei không ngạc nhiên khi bị NSA theo dõi