Nuôi dưỡng một tổ chức

Chào các bạn,

Một tổ chức tức là một nhóm người – một CLB, một NGO, một công ty, một lớp học, một trường học. Nuôi dưỡng một tổ chức luôn là việc trồng cây kiểng. Thường trực châm nước, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh, tỉa lá, tỉa cành…

Các việc này mà làm không đều đặn thì cây phát triển kém. Có việc làm sai thì cây chết luôn, như thiếu nước hay quá nhiều nước, quá nhiều phân, không có thuốc trừ bệnh… Nghĩa là việc chăm sóc cây kiểng là việc thường xuyên, hàng ngày, và chuyên nghiệp.

Chăm sóc một tổ chức cũng vậy. Tổ chức luôn có đủ thứ vấn đề, vì tổ chức là một tập thể của con người, và các liên hệ giữa mọi người trong tổ chức có thể có vấn đề thường xuyên. Bản chất của liên hệ con người là như thế.

Liên hệ giữa vài người trong tổ chức có thể bị căng thẳng vì công việc, như khác ý nhau về một vấn đề nào đó, đặc biệt là khi có áp lực của deadline. Hoặc hiểu lầm nhau vì một vài câu nói. Hoặc thông tin xấu từ sau lưng – như vài người ngồi nói xấu một người thứ ba. Thông tin xấu ra từ một người – một người cảm thấy có áp lực từ boss, bắt đầu nhỏ giọt nói xấu boss với các bạn. Những liên hệ tình cảm trong nhóm – như hai người yêu nhau — có thể tạo vấn đề, chẳng hạn lúc nào hai bạn cũng bỏ phiếu như nhau trong các vấn đề của nhóm, làm mọi người không coi trọng phiếu của hai bạn; hoặc hai người yêu nhau nhưng không biết là có người thứ ba ghen tức hoặc rất buồn…

Nói chung là một nhóm thường có nhiều vấn đề, đôi khi vì người xấu tính, nhưng thường xuyên là vì người tốt tính nhưng vô tình hay vì sợ hãi hoặc xung động một lúc mà tạo ra vấn đề.

Vậy làm sao bạn giải quyết vấn đề ?

Điều trước hết luôn là tĩnh lặng. Có nhiều vấn đề tự nó chết nếu chẳng ai làm gì cả. Ví dụ, một cô nhân viên vừa bị boss chỉ trích, bắt đầu nói xấu boss trong giờ nghỉ. Nếu bạn là boss, biết chuyện nhưng lờ đi, thì có lẽ chuyện sẽ không tái diễn vì cô nhân viên đã nguội rồi và thấy là boss đúng.

Đại đa số các vấn đề tự nó biến mất hoặc nằm đúng mức nhỏ xíu của nó, nếu lãnh đạo tĩnh lặng và xử nó như là chuyện nhỏ.

Chúng ta nói đến tĩnh lặng, tức là trong tâm mình chẳng có gì cả. Nếu im lặng không nói gì nhưng trong lòng lại hừng hực lửa, thì nó có thể nổ bùng thành vấn đề lớn.

Có nhiều vấn đề cá nhân, lãnh đạo có thể lờ cá nhân mà chỉ cần nhắc nhẹ nhàng với cả tập thể.

Có những vấn đề cá nhân lãnh đạo phải nói chuyện riêng với cá nhân. Và khi nói chuyện như thế, nếu lãnh đạo tĩnh lặng thì cuộc nói chuyện trở thành thoải mái hơn rất nhiều.

Rất ít khi chúng ta có những vấn đề lớn trong một tổ chức cũ – tức là cũng 5, 6 năm rồi – vì đa số thành phần lãnh đạo đều làm việc tốt với nhau và cùng tĩnh lặng như nhau (hy vọng là như vậy, tổ chức lãnh đạo toàn là người xung động có lẽ đã không sống tới 5, 6 năm). Thường là, lúc mới lập, các tổ chức có thể có vấn đề nhân sự lớn, vì phải chọn nhân sự mới, mà đôi khi chọn sai người.

Rốt cuộc, chúng ta thấy mọi sự xoay quanh một điểm duy nhất: Tĩnh lặng của lãnh đạo. Nó giúp người lãnh đạo làm việc được như người làm vườn tốt – thấy bệnh của cây và dùng đúng thuốc.

Những vấn đề trong liên hệ của con người trong một tổ chức thường trở thành những vấn đề lớn cho tổ chức khi người ta ngớ ngẩn làm rùm lên những điều không cần thiết.

Giả sử trong nhóm có hai người yêu nhau, hôn nhau trong phòng làm việc, nhân viên khác thấy được, thì việc gì phải làm rùm lên ? Nếu xử đó như là một chuyện cười, chọc cho nhau cười cả phòng, và boss nói nhẹ: “Không hôn nhau trong giờ làm việc, người khác thấy sẽ cho là chúng ta không làm việc bao giờ”, vậy là đủ để giải quyết vấn đề.

Tất cả mọi vấn đề đều là vấn đề nhỏ, có thể giải quyết được, nếu lãnh đạo tĩnh lặng và cho đó là vấn đề nhỏ. Mọi vấn đề đều trở thành lớn và có tính phá hoại cao nếu lãnh đạo không biết tĩnh lặng.

Chúc các bạn lãnh đạo luôn tĩnh lặng.

Mến,

Hoành

© copyright 2015
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một suy nghĩ 3 thoughts on “Nuôi dưỡng một tổ chức”

  1. Dear Anh Hai

    Em cảm ơn những chia sẻ trong bài viết của anh Hai sáng nay, những điều lớn, nhỏ xảy ra thường này trong cuộc sống, Đã được anh Hai phân tích một cách giản dị với những hình ảnh cụ thể diễn ra hằng ngày trong cuộc sống đời thường đã dẫn em đến một chân lý nền tảng rất sâu sắc trong vai trò một người lãnh đạo.

    Em rất tâm đắc về điều này: “Rốt cuộc, chúng ta thấy mọi sự xoay quanh một điểm duy nhất: Tĩnh lặng của lãnh đạo. Nó giúp người lãnh đạo làm việc được như người làm vườn tốt – thấy bệnh của cây và dùng đúng thuốc.”

    Em chúc anh Hai ngày mới vui khỏe và an lành

    Em M Lành

    Đã thích bởi 1 người

  2. Để có một lối suy nghĩ tích cực và tĩnh lặng trong dông bão và ngay cả lúc bình thường thì cần có sự chuẩn bị.
    Cách chuẩn bị đơn giản là chúng ta hãy dành 30 phút mỗi ngày để ngồi thiền, tùy vào điều kiện của mỗi người, có thể vào buổi sáng sau khi ngủ dậy hay buổi tối trước khi đi ngủ.
    Nếu chúng ta có thể làm điều này liên tục, không gián đoạn trong 1 thời gian đủ dài (ít nhất vài tháng đến một năm và tiếp tục duy trì thành thói quen không thể thiếu – nếu bạn muốn) chắc chắn năng lực về tĩnh lặng và suy nghĩ tích cực sẽ tăng trưởng và bạn cảm nhận được điều này một cách rõ ràng. Khi đó, dù ở hoàn cảnh nào, bạn cũng sẽ thấy mình thong dong, tự tại và tĩnh lặng.
    Cuốn sách “Sống thiền” của tác giả E. Herrigel viết về Thiền Nhật Bản (Zen), anh chị nào quan tâm có thể đọc tham khảo.

    Đã thích bởi 1 người

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s