Sống để làm gì ?

 

Chúng ta sinh ra để làm gì? Sống để làm gì?
Ngô Quỳnh Linh, luật sư, Sài Gòn

Tôi là ai? Mục đích sống của tôi là gì?
Phạm Minh Châu, Kỹ sư viễn thông, Đà Nẵng

Mục tiêu lớn nhất của cuộc đời mình là gì?
Phương Vy, sinh viên Thạc sĩ Công nghệ sinh học, Califonia,
Mỹ

 

purposeoflifeTôi sinh ra để làm gì? Tôi sống để làm gì? Đây là câu hỏi tốn giấy mực nhiều nhất cho các triết gia, các truyền thống tâm linh, các tôn giáo, và các chủ nghĩa chính trị cổ kim. Hơn nữa, ai trong chúng ta cũng sẽ có lúc hỏi câu này. Có người vài ba năm tự hỏi một lần. Có người tự hỏi thường xuyên hàng ngày, và đời sống của họ hầu như là một cuộc hành trình miên viễn đi tìm lời đáp.

Lúc còn 6, 7 tuổi, hầu như ai trong chúng ta cũng đã có lời đáp rõ ràng. Bố mẹ hỏi lớn lên con muốn làm gì? Em bé trả lời rất nhanh: Con muốn làm bác sĩ. Con muốn làm phi công. Con muốn làm ca sĩ… Rồi đến khi lớn lên, vào đại học, một số biết là mình muốn học ngành nào ở trường nào, và thi được vào trường đó. Một số khác thì không thi được vào trường ưu tiên một, đành phải vào trường ưu tiên hai, hay ưu tiên ba. Một số khác thì chẳng biết mình học gì. Cứ vào đâu đó học tạm gì đó, rồi mai mốt tính sau. Nhiều người, sau khi tốt nghiệp đại học, đã có nghề nghiệp tốt, nhưng vẫn không thích nghề, thường xuyên đổi nghề, và cả mười mấy hai mươi năm sau vẫn không biết mình nên làm nghề gì để mình thích…

Câu hỏi về nghề nghiệp đã là một điều rắc rối, nhưng câu hỏi “Tôi sinh ra để làm gì? Tôi sống để làm gì?” là câu hỏi triết lý, sâu thẳm hơn vấn đề nghề nghiệp rất nhiều. Đó không chỉ là câu hỏi nghề nghiệp, mà là câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống.

Đôi khi, đối với một số người, câu trả lời cho câu hỏi triết lý này cũng là câu trả lời về nghề nghiệp. Ví dụ: “Tôi sinh ra để làm bác sĩ, để cứu người.” Đây là câu trả lời về nghề nghiệp, nhưng chính nó cũng có thể là câu trả lời triết lý: “Tôi sinh ra để cứu người.”

Trong một số ngành nghề khác thì câu trả lời nghề nghiệp thường đứng xa câu trả lời triết lý. Ví dụ: “Tôi làm kỹ sư vi tính”. Câu trả lời nghề nghiệp này thường không đủ sâu sắc cho nhiều người muốn có câu trả lời triết lý hơn là “vi tính”. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể triết lý: “Chúng ta có thể phục vụ đời với bất kì nghề nghiệp nào, và nghề kỹ sư vi tính của tôi là để phục vụ đời”. “Phục vụ đời” có thể là một câu trả lời triết lý rốt ráo đủ cho nhiều người.

Dù vậy, đại đa số người trong chúng ta cần câu trả lời rốt ráo hơn là “giúp ta” hay “giúp đời”. Giúp ta để làm gì? Giúp đời để làm gì? Chúng ta muốn có câu trả lời thật rốt ráo về ý nghĩa cuộc sống.

Đây thực sự là một vấn đề rất cá nhân và riêng tư. Mỗi người trong chúng ta phải tự chọn câu trả lời cho riêng mình. Không ai có thể nhờ người khác trả lời dùm mình mình sống để làm gì.

Tuy nhiên, về phương diện văn hóa dân tộc, chúng ta có thể nói đến 3 luồng tư tưởng chính trong văn hóa chúng ta ngày nay: tư tưởng thế tục, tư tưởng Kitô giáo, và tư tưởng Phật giáo.

1. Tư tưởng thế tục

Các tư tưởng thế tục thường dùng hạnh phúc của mọi người làm mục đích của cuộc sống. Mục đích cuộc sống của chúng ta là làm những điều lợi ích cho mọi người quanh ta, xã hội quanh ta. Dù ta làm việc của ta là lo cho thân ta là chính—như là quét đường để lãnh lương—nhưng quét đường là một công việc lợi ích xã hội. Ý nghĩa của cuộc đời của ta là làm ích lợi cho xã hội như thế.

Tư tưởng này gọi là tư tưởng thế tục vì nó chỉ dựa vào đời sống này, và không lệ thuộc vào một tư tưởng tôn giáo hay siêu hình nào cả. Nếu các bạn có thể dùng tư tưởng thế tục này—làm lợi ích cho xã hội–làm mục tiêu cho đời sống bạn, thì đó là một điều rất hợp lý.

Tuy nhiên, rất nhiều người không thỏa mãn với chỉ mục tiêu đó. Họ cần đi xa hơn, họ muốn tìm mục tiêu của đời sống này trong các khái niệm siêu hình, như là tư tưởng Kitô giáo hay Phật giáo.

2. Tư tưởng Kitô giáo

Kitô giáo là dịch từ chữ Christianity. Christ là Kitô, có nghĩa là đấng cứu thế. Chúng ta có thể gộp các nhóm Kitô giáo thành 3 nhánh chính: Công giáo, Chính thống giáo, và Tin lành.

Kitô giáo cho rằng vạn vật và con người do Thiên Chúa tạo ra. Con người bị tách rời khỏi Thiên Chúa và bị khổ đau vì không vâng lời Thiên Chúa. Mục đích chúng ta trong đời sống này là kết hợp trở lại làm một cùng Thiên Chúa, bằng cách thực hành hai điều chính: Yêu Thiên Chúa, và yêu tất cả mọi người vô điều kiện. Và mọi điều tốt chúng ta làm ở đời sống này là vì ta yêu Thiên Chúa và thương yêu loài người.

Tức là người Kitô giáo có mục đích sống yêu Thiên Chúa và yêu người, để được kết hợp làm một với Thiên Chúa trong đời này, và vĩnh viễn sau khi chết.

3. Tư tưởng Phật giáo

Phật giáo dạy rằng tất cả mọi chúng ta đều là Phật đang thành, nhưng trước khi thành Phật ta sẽ phải loay hoay trong 6 nẻo luân hồi qua nhiều kiếp, có thể đến vô lượng kiếp. Sáu nẻo đó là: trời, người, atula, súc sinh, ngạ quỹ, địa ngục. Tùy theo công đức của ta thế nào trong kiếp này, kiếp sau có thể vào một trong 6 nẻo luân hồi. Nếu ta biết tu tâm dưỡng tính, thì một lúc nào đó trong kiếp này hay một kiếp nào đó trong tương lai ta sẽ giác ngộ, thoát khỏi vòng luân hồi lẩn quẩn, và thành Phật.

Do đó, mục đích của đời sống của ta là tu tâm dưỡng tính để giúp ta giác ngộ (tự độ) đồng thời chỉ dẫn những người khác tu tâm dưỡng tính để họ có thể giác ngộ cùng ta (độ tha), và tất cả thành Phật.

Các tôn giáo khác của Việt Nam thường cũng tương tự với tư tưởng Kitô giáo hoặc Phật giáo trong một vài điểm chính.

Cả 3 hệ tư tưởng bên trên đều có một điểm chính giống nhau—đó là yêu người và phục vụ con người và xã hội quanh ta. Và đây là điểm rất quan trọng. Kinh nghiệm tư duy con người qua mấy ngàn năm cho thấy, mục đích của đời sống của ta phải là cái gì lớn hơn cá nhân của ta. Nếu ta chỉ có chính ta là đích điểm của cuộc sống (“tôi sống chỉ để phục vụ chính tôi”), thì một lúc nào đó ta sẽ thấy cuộc đời ta rất nhạt nhẽo, vô vị, nhàm chán, và vô nghĩa. Cuộc đời của ta chỉ có ý nghĩa khi xã hội quanh ta, con người quanh ta, là một phần đích điểm của cuộc sống của ta.

Vì vậy, nếu bạn đang tìm kiếm “mục đích của cuộc đời của tôi là gì?” hay “tôi sống để làm gì?” cách chắn chắn nhất để bạn có thể tìm ra một câu trả lời là bắt đầu với ý tưởng phục vụ xã hội —phục vụ làng xóm tôi, phục vụ đồng bào tôi, phục vụ dân tộc tôi, phục vụ đất nước tôi, phục vụ thế giới tôi…

Rồi ý tưởng phục vụ đó sẽ một lúc nào đó đưa bạn đến câu trả lời cụ thể hơn thuộc một trong ba hệ tư tưởng chính bên trên, hay một hệ tư tưởng tương tự nào đó, hay một hệ tư tưởng mới do chính bạn sáng tạo.

Chúc các bạn một ngày ý nghĩa.

Mến,

Hoành 

© copyright 2012
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

32 thoughts on “Sống để làm gì ?”

  1. Chào anh Hoành và cả nhà.

    Em thì nghĩ đơn giản hơn, và em cũng đang cố gắng đi theo anh 🙂

    Sống là để thực hành “Khiêm nhường, từ tốn, mãn nguyện, thành thật, yêu người, tâm tĩnh lặng” 🙂

    Bằng đấy cái thôi mà em thực hành, thực hành và liên tục thực hành cũng khiến em không còn thời gian để tìm hiểu sống để làm gì nữa 😀

    Chúc cả nhà một ngày thực hành. 🙂

    Em Thắng.

    Like

  2. Tuyệt vời anh ơi! Cảm ơn anh.

    Cách đây 5 năm em cũng hỏi một vị sư khá nổi tiếng trên thế giới:
    – Thầy đã định hướng được chưa?
    – Bây giờ thì thầy định hướng được rồi.
    – Định hướng sao dị thầy? Chỉ con với được hok?
    – Mình phải tự định hướng cho mình thôi. Mỗi người phải tự định hướng cho mình.

    Vài dòng chia sẻ. Em cảm ơn anh lần nữa đã luôn là ngọn đuốc chỉ đường cho tụi em.

    Em Vân

    Like

  3. Em cám ơn anh đã trả lời cho câu hỏi của em – câu hỏi nền tảng cho suy tư về cuộc sống của em, một câu hỏi xuất hiện từ khi em 16-17 tuổi và 15 năm nay, em vẫn chưa tìm được câu trả lời thật sự và thỏa đáng cho nó, chỉ là nó có quay quắt em hay không thôi.

    Có thể nói hầu hết mọi suy tư và quyết định của em trước đây đều dẫn đến câu hỏi này: đi học có cần điểm cao hay không hay chỉ cần kiến thức là được? nên là một người nhiều “tham vọng” hay là một người biết đủ? nghệ thuật nên vị nghệ thuật hay nghệ thuật nên vị nhân sinh? và quay quắt nhất là khi em đứng trước một bước ngoặt rất lớn và rất khó khăn của cuộc đời: học công nghệ thông tin ở Bách Khoa Hà Nội để tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình về cuộc sống của một lập trình viên giỏi trong tương lai hay vào Tp.HCM học luật theo lời khuyên “dụ” của gia đình (tất nhiên khi khuyên như thế, gia đình đưa ra rất rất nhiều lý do, nhưng chẳng có gì … lọt vào đầu em cả vì em đã có một “tình yêu lớn” với lập trình). Câu hỏi này sẽ là điểm đến của các chuỗi câu hỏi về điều gì là quan trọng, điều gì là không quan trọng? điều gì có thể bỏ qua, không nên mất công với nó? điều gì là đáng quý và cần tập trung, dồn sức cho nó? điều gì có thể hi sinh và điều gi nên hi sinh nhiều thứ cho nó? có thể lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện hay không?…

    Em cám ơn câu trả lời của anh. Đúng là một câu trả lời cụ thể mỗi người phải tự tìm lấy cho mình, ” Không ai có thể nhờ người khác trả lời dùm mình mình sống để làm gì”. Nhưng em tin rằng điểm chung cho những người đi tìm câu trả lời là một cái gì đó ở ngoài mình, vượt qua khỏi mình – “Cuộc đời của ta chỉ có ý nghĩa khi xã hội quanh ta, con người quanh ta, là một phần đích điểm của cuộc sống của ta”. Cám ơn anh đã cho em một câu trả lời khá cụ thể – xã hội quanh ta, con người quanh ta đó chính là con người, phục vụ xã hội, phục vụ con người. Vậy nhân loại là điểm dừng của dòng suy tư?

    Anh ơi, vậy sẽ như thế nào khi con người ngày càng đông đúc và hủy hoại thiên nhiên? Con người bảo tồn thiên nhiên là vì thiên nhiên hay cũng chỉ vì môi trường sống của con người? Trong Kito giáo, yêu thương được nói đến giữa người và người. Nhưng trong Phật giáo, yêu thương được nói đến giữa sinh vật và sinh vật – tức con người không vì cuộc sống của mình mà hủy hoại cuộc sống của sinh vật khác!?

    Đọc lại câu anh viết “bắt đầu với ý tưởng phục vụ xã hội”. Em cần chú ý thêm vào chữ “bắt đầu”: Đó chỉ mới là điểm bắt đầu cho một hướng đi thoát ra khỏi sự vị kỷ. Còn từ điểm bắt đầu đó, từ hướng đi đó có thể đi được đến đâu, mỗi người sẽ phải tự xác định cho riêng mình. 🙂 Mà sao mà biết được. Cứ sống hết mình, cứ đi hết sức, cho đến ngày cuối cùng, ta sẽ biết ta đi được đến đâu. Điều quan trọng là một định hướng đúng để khi nhìn lại ta không thấy chơi vơi, hụt hẫng, không biết các nỗ lực của mình có phí hoài hay không.

    Liked by 1 person

  4. theo mình nghĩ thì chưa hẳn sống lả phải gắn liền với phục vụ một cái gì cụ thể như bài viết đề ra. Nói như vậy không bao quát được hết mọi con người. Có khi mục đích sống đơn giản hơn nhiều

    Like

  5. Hi Hiệp,

    Đương nhiên là mỗi người trên thế giới có một mục đích sống khác nhau. Có người sống chỉ là để trộm cướp cho đến ngày tử hình. Có người chỉ là để làm đủ mọi cách để giành giật tiền cho họ.

    Ở đây chúng ta nói sống cách nào mà mình thầy là đời mình có ý nghĩa.

    Hiệp có ý gì sống có ý nghĩa mà không phục vụ gì cả thì chia sẻ nhé.

    Like

  6. I am really grateful to u. You always help me keep the faith and going right way. Em Diệp.

    Like

  7. Hi Quỳnh Linh và Thu Hương,

    Cảm ơn Quỳnh Linh đã chia sẻ. Anh muốn em và mọi người biết là anh chọn câu hỏi của em là câu đầu tiên trong bài, và là câu đầu tiên trong quyển sách sẽ ra đời, không phải vì anh thiên vị em, mà vì đó là câu hỏi rõ ràng và trúng tiêu điểm nhất.

    Và anh cảm ơn Thu Hương đã chuyển lời anh và chuyển các câu hỏi của các bạn em đến anh. Em rất sâu sắc và hệ quả là các bạn em rất sâu sắc. I am so impressed about you and grateful to you.

    Like

  8. Hi Huyền Vân,

    Anh cảm ơn em. Em cũng là người anh rất ái mộ đó Vân à, vì em rất thông minh, rất giỏi về nhiều điều, và rất chân thật.

    Ở đâu đó em có nói là anh là thần tượng của em. Vân à, đừng nói vậy và đừng nghĩ vậy, vì anh hiểu anh hơn em hiểu anh, anh không đáng là thần tượng của ai cả, thực sự là vậy, anh không giả vờ khiêm tốn đâu.

    Anh chỉ muốn anh là anh của các em thôi, để anh lãnh trách nhiệm làm anh, luôn cố gắng để dẫn dắt các em trong con đường anh nghĩ là tốt nhất cho các em, nhưng sẵn sàng được các em tha thứ khi các em thấy anh làm gì đó rất là stupid, vì anh chỉ là anh thôi mà.

    Liked by 3 people

  9. Vâng, em hiểu rồi. Em cám ơn anh. 🙂

    Em đã reply anh và Thu Hương những cái reply dài và đầy chia sẻ nhưng lại bị mất trước khi kịp gửi. Đã 2 lần như vậy :(. Nên thôi, em không gõ lại nữa. Em làm việc đã, tối về gõ lại sau. 🙂

    Chúc anh một đêm đằm thắm và chúc Thu Hương một buổi chiều rạng rỡ. 🙂

    Like

  10. Hi Quỳnh Linh,

    Wordpess (ĐCN) nhiều khi rất kém thông minh và sẽ làm em mất comment nửa chừng.

    Nếu em tính có một comment dài, thì nên viết trước trên Word, vì Word sẽ giữ bài cho em và không làm em mất bài được, kể cả khi em bị mất điện nửa chừng. Khi viêt xong trên Word, em copy và paste vào phản hồi thì tốt hơn.

    Like

  11. Chào anh Hoành,
    Em xin bổ sung một vài ví dụ thường ngày trong cuộc sống.
    Đôi khi cha sống chỉ để con có cơm no, ấm áo
    Đôi khi vợ chồng sống chỉ để bạn đời ko lẻ loi
    Đôi khi ta ráng sống vài phút nữa chỉ để nói một lời xin lỗi dẫu muộn màng.
    Sống để làm gì? chỉ là cơ hội để ta làm điều mình lựa chọn.
    Bên Phật có câu, cuộc sống chỉ là một hơi thở.
    Sống chỉ là một hành động có mục đích.

    Vài dòng chia sẻ,
    Thân

    Like

  12. Dear Anh Hai

    “Sống để làm gì?” Đây là câu em vẫn tự vấn tâm hằng ngày đặc biệt trước khi ngủ để lượng định một ngày sống đã qua của em và thường câu vấn tâm này của em nó không đứng riêng lẽ một mình nhưng nó được đi kèm theo với hai câu hỏi nữa và những câu hỏi này có liên hệ rất mật thiết với nhau như những cặp song sinh trong cuộc đời của em đó là:

    – Tôi từ đâu đến?

    – Tôi sống để làm gì?

    – Tôi sẽ đi về đâu?

    Và một khi em đã biết được đã hiểu rõ được đã xác tín được em từ đâu đến và rồi cũng sẽ có một ngày nào đó em sẽ đi về đâu thì tất nhiên em sẽ biết được mục đích của đời mình là gì? em sống để làm gì?

    Nếu em tin em là con cháu Lạc Hồng con Rồng Cháu Tiên thì đương nhiên em biết em phải sống thế nào để đến một ngày kia khi em về gặp lại tổ tiên em sẽ không phải lo sợ khi phải trực diện với các ngài.

    Hoặc em tin em đến từ Thiên Chúa vậy thì tự khắc em phải biết sống thế nào để khi được Chúa gọi về em sẽ vui mừng vì được về gặp lại Thiên Chúa là Cha và được sống với Cha trong chính ngôi nhà mình đã từ đó ra đi.

    Như vậy, theo em nghĩ để biết được mục đích của cuộc đời mình là gì? Hoặc là mình sống để làm gì? Nó sẽ được sáng tỏ khi mình biết mình là ai từ đâu đến và rồi mình sẽ đi về đâu? Dạ em nghĩ như vậy đúng không Anh Hai ạ?

    Em M Lành

    Like

  13. Hi Khanguyen,

    Em giống như Hiệp, đã hiểu sai bài của anh rồi. Sao em không kể thêm sống để ăn cướp ăn trệm, để giết người?

    Mỗi người có một cách sống, và em có thể kể ra một triệu cách sống. Nhưng đó không phải là bài này.

    Anh viết bài là để em tìm cách sống cách nào để chính em có thể thấy đời em có ý nghĩa.

    Em hãy trả lời: Chính em, em sống thế nào để có ý nghĩa, và em khuyên mọi người sống thế nào để chính họ có thể thấy có ý nghĩa.

    Like

  14. Em rất cảm ơn anh Hoành và các anh chị trong vườn Chuối, chia sẻ của các anh chị đã tiếp sức cho em rất nhiều, cho em tin vào bản thân em, và tin vào cuộc đời.
    Em luôn sống trong trạng thái cân bằng động, tức là em đạt được một cái gì đó, một ý nghĩa gì đó làm em thấy yêu đời, rồi một lúc nào đó lại chông chênh và lại tìm được một điểm cân bằng mới.
    Thật may mắn vì những lúc như vậy, em tìm thấy trong vườn chuối, từ thiên nhiên và từ những người quanh em câu trả lời hay lời khích lệ.

    Câu hỏi hôm nay em không rõ đã đặt ra cho mình từ lúc nào, nhưng có lẽ từ lúc em biết nhận thức về bản thân, có nhiều chuyện không suôn sẻ xảy đến, và em luôn tìm cách để sống ý nghĩa nhất những ngày tháng mà mình có.
    Có lúc em thấy mình phải sống để những người quanh em bớt khổ hơn, em cố gắng quên đi nỗi đau của mình và xoa dịu nỗi đau của người khác. Rồi em phát hiện ra, mình không thể không chú ý đến nỗi đau của mình, và cũng đừng quan trọng nó lên, cái chính là mình thay đổi điểm nhìn và thu nhận những bài học, như kiểu có câu nói “hãy chơi thật tốt những con bài mà bạn có.”
    Bây giờ em cũng mệt mỏi, nhưng em không mất niềm tin vào tình yêu thương mà em đang học cách nhẫn nại và học cách cho đi tình yêu thương đúng lúc và đúng cách.

    Có lúc em nghĩ sống là để tìm thấy mình là ai, mình làm được gì, để đọc những quyển sách hay và làm những điều mình có thể làm. Vì đôi khi quá nuông chiều bản thân nên em không bước đều được và làm bản thân mệt mỏi nhưng em nghĩ là em thấy được lí do vì sao như thế, củng cố và không bao giờ từ bỏ.

    Ở trên có anh chị nào đó viết, sống là cơ hội để làm điều mình lựa chọn.
    Nhiều lúc em nhìn dấu chân của những con người đi qua đời em chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, và tự hỏi cho tới khi hết được ngắm mây trời có lúc nào có thể gặp lại, và đời này mình có để lại gì trong đời người ấy không.
    Mấy tháng trước, bạn gái cùng phòng em mất đi người yêu, và anh đó là một người bạn của em trong suốt 3 năm Đại Học, trải qua bao nhiêu vui buồn, em cũng đã nghĩ sống để làm gì? Có khi qua đi như một cơn gió, đi mất rồi mà cứ tưởng còn ở lại.

    Một ngày nắng rất to, con đường đi vào trường em dài cả cây số không một bóng cây, không một bóng người, nhưng em mặc đồ che nắng rất kĩ, bước xăm xăm đi tới lớp vì biết ở đó có bóng mát, có bạn bè và có tiết học rất vui đang chờ. Đột nhiên em thấy có gì đó rất vui, ông trời cứ nắng còn tôi cứ đi.

    Sống ở đời có phải như thế không ạ?
    Khi có gì đó để tiến về phía trước, có ai đó đợi chờ, có cái gì say mê, kéo ta đi về phía trước, thì chướng ngại trên đường làm ta thấy tự tin về mình hơn.
    Những chặng nghỉ, người ta lại tự hỏi mình sống để làm gì? Câu hỏi chỉ tồn tại trong khoảnh khắc nhưng thật quý giá.
    Còm men hơi dài ạ.
    Em chúc vườn chuối một ngày mây xanh và gió lộng ^^.

    Like

  15. Hi anh Hoành,

    Sure, as you wish :D. Em sẽ chỉ nghĩ anh là “anh Hoành” thôi.

    Cảm ơn anh đã khen em nữa :D. Ai mà mới vào nhà Chuối ta chắc sẽ ngợp vì thấy mọi người cứ khen qua khen lại và cảm ơn qua cảm ơn lại haha. :D. Hầu như bài viết nào cũng dễ dàng bắt gặp một lời khen / cảm ơn trong Đọt Chuối Non.

    Em Vân

    Like

  16. À, em thấy đôi khi muốn làm người khác vui thì mình phải biết vui trước.
    Và, nếu em để có người chờ mình, để biết cái mình thích, để có thể đến nơi mình muốn đến…
    Thì em phải kiên nhẫn, kiên nhẫn ạ.
    Trong lúc lười biếng tìm kiếm những thứ như thế, em tự nhắc nhở: Sống để làm gì ^^”

    Like

  17. Cảm ơn anh Hoành đã trả lời câu hỏi của em. 🙂

    Trước đây, khi đứng trước các quyết định lớn, em đều tự hỏi những câu hỏi đó và tự loay hoay tìm câu trả lời. Rồi có lúc thì quyết định theo lý trí, có lúc thì quyết định theo con tim nhưng cũng không ít lần cảm thấy hoang mang.

    Điều em quan tâm nhất là “How-to” – “Bằng cách nào” để tìm câu trả lời cho “Tôi là ai? Mục đích sống của tôi là gì?” và anh đã đem đến một câu trả lời không thể tuyệt vời hơn: hãy “bắt đầu với ý tưởng phục vụ xã hội”. Mặc dù chỉ là “bắt đầu” nhưng đối với em, nó giống như một que diêm có thể từ đó thắp lên hàng vạn hàng vạn ngọn nến khác. Câu trả lời còn đi xa hơn cả “Mục đích sống” đơn thuần, đó là câu trả lời cho “Mục đích sống có ý nghĩa”. Một khi đã thấy ý nghĩa với nhiều người khác ngoài bản thân mình thì động lực đi tiếp sẽ nhanh hơn, mạnh hơn. Đọc xong bài của anh mà em vui quá chừng!

    Có một lần em được nghe một người thầy lớn tuổi chia sẻ: “Cuộc đời ai cũng đi tìm câu hỏi “Tôi là ai?”. Ai tìm thấy câu trả lời trước thì thành công trước, hạnh phúc trước. Bản thân thầy đã kinh qua các vị trí quản lý, giám đốc nhưng phải đến khi đi dạy thầy mới cảm thấy mãn nguyện. Thầy là người tìm thấy câu trả lời khá muộn màng khi ngoài 50 tuổi.” Câu trả lời của anh Hoành đã cho em hiểu hơn về câu nói của người thầy trên. Chắc hẳn đối với thầy, nghề giáo mang lại cho thầy nhiều ý nghĩa cuộc sống nhất và vì thế thầy cảm thấy hạnh phúc nhất. 🙂

    Em Minh Châu

    Like

  18. Lành nói rât đúng.

    Người ta thường nói nếu ta biết 3 điều ấy thì ta biết con đường của cuộc hành trình.

    1. Tôi từ đâu đến?
    2. Tôi sống để làm gì?
    3. Tôi sẽ đi về đâu?

    Tuy nhiên, anh thường khuyên mọi người “sống ở đây lúc này” thức là có phần xem nhẹ khúc 1 và khúc 3 mà chú trọng vào khúc giữa. Lý do là:

    Khúc 1, mình biết được bố mẹ, đi ngược lên đến giòng dõi, chủng tộc… nhưng xa hơn nữa, nhất là khi đến mức siêu hình, thì mạnh ai nấy nói, cho nên chú tâm vào đó nhiều quá đôi khi tốn thời giờ vô ích. Điểm chính là ta đang có mặt tại đây.

    Khúc 3 thì thường là siêu hình 100%–chết rồi ta đi đâu? Khúc này cũng thường là mạnh ai nấy nói. Nhưng khúc 3 đương nhiên là hậu quả của khúc 2–nếu ta sống với thiện tâm thì đương nhiên là ta sẽ đến với thế giới thiện tâm của khúc 3, khỏi cần phải quan tâm.

    Like

  19. Thấy mọi người bàn tán sôi nổi quá em lại nổi hứng chia sẻ vài dòng.

    — Cuộc sống có ý nghĩa khi chúng ta tìm đến những giá trị cao hơn bản thân, vượt qua tính vụ lợi, vị kỉ của bản thần. Sống để phục vụ xã hội —

    Mọi người hay bảo tại sao em lúc nào cũng vui vẻ. Nghĩ đi nghĩ lại em thấy lí do là vì nhu cầu cho cá nhân mình rất thấp, mình không cần kiếm công việc nhiều tiền hay học trường nổi tiếng…Mình không có áp lực nào để đấu tranh cho những thứ đó cả. Đôi khi nghĩ thế này, nếu đi làm chỉ để kiếm tiền thì thà chết quách đi còn sướng hơn (vì đi làm cũng vất vả chứ sướng gì đâu :D).

    Một trong những động lực khiến em cảm thấy mình muốn học và bỏ thời gian nghiên cứu một điều gì đó là vì muốn dùng kiến thức của mình để chia sẻ với những người chưa biết, để biết có những người hiểu sai và dùng kiến thức vì mục đích xấu. Chúng ta cần kiến thức và kinh nghiệm để chỉ ra những điều đó và làm nhiều việc khác nhau bằng khả năng của mình để giúp những người khác.

    Một giáo sư xã hội học có nói “Mục đích của giáo dục không phải là để kiếm tiền và mua những thứ mà bạn không cần. Mục đích của giáo dục là để phục vụ mọi người”.

    Đây có lẽ là động lực lớn nhất giúp em cày bừa trong suốt mấy năm qua 🙂

    Chúc cả nhà một ngày rạng rỡ 🙂

    Like

  20. Cám ơn anh Hoành và các anh chị chia sẻ,

    Em xin trả lời 3 câu:
    – Tôi từ Chúa đến
    – Tôi sống để học bài học yêu thương
    – Tôi sẽ về với Chúa

    Hết ạ.

    Like

  21. Kính nhờ Anh/Chị giải tỏa dùm tôi chăng?

    1.1. Ban đầu, mọi thứ đều tối, các bước sắp đặt mỗi số phận vào một hoàn cảnh, nhiều trở ngại, hay êm đềm thì hạnh phúc hay đau khổ chỉ do cảm nhận, thảy đều mong an lành. 2.An lành là yên ổn, không xảy ra việc không lành, để an lành, hoặc là được thỏa mãn các nhu cầu, hoặc là giảm thiểu các nhu cầu, các ham cầu âu cũng do tâm sanh. 3.Mỗi số phận tự do tự quyết định mục tiêu và hành động, các số phận tương tác lẫn nhau vô ý hoặc cố ý biến con đường họ chọn thành biến. 4.Do cầu an lành, họ sẽ dần nhìn thấy con đường và bản chất buổi ban đầu, sự khó sẽ đến rồi cũng sẽ đi vì chất ta là an lành.

    2.1. Họ trong hoàn cảnh, chịu tác động lẫn nhau sanh ra xã hội, để vượt qua các trở ngại, không chỉ không đầu hàng, cam chịu trở ngại và nhận thức đúng thì các tương tác ảnh hưởng xấu đến, họ cần bỗ trợ nhau vượt qua. 2.Họ xây dựng các mối quan hệ bổ khuyết, chứng minh điểm mạnh và phát huy để tìm các mối quan hệ. 3.Tùy theo biến mà có hành động tương ứng, mong cầu sự an lành.

    3.1. Các bước sắp họ có hoặc không có phần thể, và phẩn tâm, tâm quy định phần thể. 2.Để có thể đi con đường của mình, họ phải giữ gìn phần thể, và làm chủ phần tâm sáng suốt, trui rèn các khả năng mà họ chọn và song.

    Sao tôi cần một mục tiêu và hướng đi? Sao tôi không là tôi, mà phải kiểm soát, kiềm chế, phải văn minh, lịch sự ? Sao tôi phải thương yêu, làm đủ sống, có tiền vui vẽ là được rồi !? Sao tôi phải phát triển, vượt qua bản thân, trong khi nó là vô hạn, để rồi phải khổ sở mà hưởng thụ không bao nhiêu, tạo ra cả một nền văn minh rồi cũng trở về cát bụi ? Sao không sống đơn giản, hiện đại đôi khi hóa ra hại ? Tại sao tôi hỏi và trả lời những câu này ? Và tại sao tôi trả lời được những câu này ?

    Trả lời hay không thì chúng ta cũng đang phải tồn tại và rõ ràng ta luôn muốn thoải mái, ta sống vì nó, không có gì đảm bảo là chết đi sẽ thoải mái hơn, mà quá trình chết cũng không thoải mái gì, thế ta cứ sống thoải mái rồi xem nó có gì ! Có hỏi tức có nghĩ về nguyên nhân, tức làm chủ và kiểm soát được bản thân. Cuộc sống khó lường và vô vàng hiểm, mọi loài đều phải dựa vào nhau, để có thể dựa được vào nhau thì ta phải khôn ngoan ứng xử, chơi đẹp, và ta gọi đó là văn minh, lịch sự, ta phải biết thể hiện mình có gì để bổ sung cho nhau, biết học tập và phát triển, kiểm soát việc đó phục vụ có lợi cho bản thân, ta phải có mục tiêu, định hướng để bù đắp cho nhau, hợp tác với nhau vượt qua khó khăn. Thương yêu, là cảm giác an lành. Nhìn vào bên trong và ta sẽ thấy tất cả.

    Lòng vòng nhưng tôi không thoát ra được.
    Thân!

    Like

  22. Em cảm ơn anh Hoành và cả nhà,

    Em đã luôn tự hỏi mình mỗi công việc mình làm, đúng hay sai, có được làm từ tình yêu thương không, như anh đã chỉ dẫn trong những bài đầu của Đọt Chuối Non và em thấy mình vẫn hỏi câu “Tôi thực sự sống để làm gì”

    May mắn thay, em cứ làm việc và chuyện trò cùng các anh chị, những người rất sâu sắc và có lẽ em “tự quên” lúc đó và làm việc theo dòng đời tự nhiên. Người trẻ trong xã hội ngày nay cần hơn những nhóm bạn, những mái nhà “nâng nhau” để sống thực sự có nghĩa, các bạn trẻ vào nhà chuối hãy lan tỏa đến các bạn mình nhé.

    Cảm ơn anh Hoành lần nữa đã cho em hiểu rõ mình.

    Like

  23. Hi anh Hoành và cả nhà,

    Cảm ơn anh đã cho tụi em một câu trả lời sâu sắc và những lời khen ngợi. 🙂

    Trước đây, em suy nghĩ về câu hỏi này, “Tôi là ai và tôi sống để làm gì?” Mọi thứ: học hành, công việc, gia đình, tình cảm .. đều đủ đầy với em nhưng sao lòng em vẫn cứ chông chênh.. Và rồi em nghĩ, được sống là một phép lạ mà mình may mắn nhận được hằng ngày. Những người được sống là những người được chọn. Họ được chọn để làm những điều quan trọng nào đó, cho đất nước họ, cho thế giới này.. Từ khi cảm nhận mình là người được chọn để làm điều quan trọng nào đó, em thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn.

    Cảm ơn anh và Đọt chuối non rất nhiều.

    Anh và Đọt chuối non đã mang đến tụi em một tư duy mới, một tư duy tích cực và đã thay đổi cuộc đời tụi em.

    I am so grateful to you.

    Like

  24. Chân thành cảm ơn anh Hoành và các anh chị em trong Vườn Chuối. Em sẽ còn phải đọc lại bài này thêm nhiều lần nữa; đọc bài và đọc hết tất cả các comment ạ. Chúc các anh chị một đêm ngon giấc. NAT

    Like

  25. Cảm ơn anh Hoành và cảm ơn cả nhà đã comment để em hiểu rỏ thêm về chủ đề Sống để làm gì

    Like

  26. thank you anh vì đã reply nhưng có vẻ cái ví dụ anh đưa ra để trộm cướp cho đến ngày tử hình không được thuyết phục cho lắm.
    Chào anh.

    Like

  27. Hãy “sống cho mình”, làm những gì mình yêu thích.

    Nhưng đồng thời phải “để cho người khác sống” theo yêu thích của họ.
    Đừng bắt người khác phải sống theo yêu thích của mình và đừng làm bất cứ điều gì có hại đến người khác.

    Và hãy “sống cho người khác” bất cứ lúc nào có thể.

    Like

  28. Sống để làm gì?
    Ta ko phải bỗng nhiên được sinh ra, mà phải trấu tranh với hàng triệu triệu kẻ khác cũng muốn sống như ta – tinh trùng. Khi đc sinh ra rồi thì đó là điều đáng mừng trước tiên. Ta cảm ơn đời đã cho ta 1 cơ hội được sống, được biết đến thế giới này.

    Và ta đang sống là vì ta đã, đang, sẽ góp phần tạo nên thế giới này, xã hội loài người dung hòa với muôn xã hội loài vật và quy luật cuộc sống, quy luật tự nhiên khác!

    còn ta sẽ góp phần để làm nên thế giới này như thế nào thì lại là 1 câu hỏi khác và câu trả lời cũng khác

    Like

  29. Hôm nay mình có tâm trạng một chút nên rất có hứng thú với topic này mặc dù đã là một topic không còn hot nữa (chắc vậy?). Theo ý kiến chủ quan của mình thôi nhé, các mục đích sống còn nhiều chữ “vì”; mình nghĩ rằng chúng ta đến với cuộc đời này chỉ đơn giản trải nghiệm tình yêu thương mà cũng chẳng cần phải nghĩ ta là ai? sẽ đi về đâu? đơn giản thế mà làm không hề dễ dàng chút nào, thậm chí làm đến lúc chết ko biết có được mãn nguyện chưa….tự khắc “ai sẽ về nhà nấy” thôi mà…

    Like

Leave a comment