Chào các bạn,
Có rất nhiều người hình như là chẳng hiểu gì về cuộc đời cả. Thấy bất cứ vấn đề gì họ cũng càm ràm càu nhàu. “Chỉ toàn là người vô trách nhiệm, xả rác bừa bãi, chẳng ai quan tâm cả.” “Nhà nước chỉ là một bọn giá áo túi cơm, chẳng ai lo đường xá tử tế cả.” “Học sinh ngày nay toàn là một lũ du côn, đánh nhau hàng ngày.” “Thời loạn lạc toàn là tham nhũng nắm quyền, ta về trồng rau ở ẩn là thượng sách.”
Nếu ta suy nghĩ thật kỹ càng, thì thực sự là chẳng có vấn đề gì là lí do để phàn nàn cả. Đường xá bẩn thỉu! Bò trâu đi chẳng cần đường có sao đâu? Chúng nó đánh nhau! Chó cắn nhau hàng ngày, chết ai đâu?
Nếu nhìn cuộc đời như chính nó, thì chẳng có vấn đề gì trên thế giới là lí do hợp luận lí để chúng ta phàn nàn. Nếu ta thấy vấn đề, đó là vì ta muốn đời sống của chúng ta hay hơn tốt hơn; và để hay hơn tốt hơn thì ta phải giải quyết vấn đề.
Tức là, sở dĩ vấn đề là vấn đề, là vì chúng ta muốn cải thiện đời sống của chúng ta. Vấn đề là lí do để cải thiện đời sống. Nếu ta không muốn cải thiện đời sống, thì vấn đề không là vấn đề.
Nếu bạn thấy vấn đề, tức là bạn muốn cải thiện đời sống. Nếu bạn muốn cải thiện đời sống, thì hãy làm gì đó để cải thiện đời sống. Làm gì thì tùy bạn, nhưng chắc chắn càm ràm phàn nàn thì chẳng giải quyết vấn đề. “Làm” ở đây có nghĩa là “giải quyết” hay “giúp giải quyết”. Nếu chẳng làm gì được thì ít nhất bạn có thể viết một bài báo/bài blog, nói rằng chỗ này có vấn đề, và kêu gọi nhà nước cùng mọi người hợp lực giải quyết vấn đề.
Nếu bạn không muốn giải quyết, thì cứ ở bẩn như bò cũng chẳng sao. Quyền tự do của bạn. Nhưng nếu đã vậy, thì bạn chẳng có vấn đề gì để phàn nàn.
Đây cũng chỉ như một khoa học gia thôi. Thấy một câu hỏi toán hay vật lí, thì một là tìm cách giải nó, hai là lờ nó đi. Nhưng chẳng nhà khoa học nào phàn nàn tại sao lại có vấn đề này.
Một điều khác rất quan trọng chúng ta cần nhớ là: Nếu bạn stress vì vấn đề thì bạn sẽ bị stress vĩnh viễn, đời đời. Xã hội loài người, dù là ở đâu và thời nào, cũng không bao giờ hoàn toàn, luôn luôn có chỗ này chỗ kia có thể cải tiến cho khá hơn. Có nghĩa là, bạn sẽ luôn luôn thấy vấn đề để cải tiến, cho dù bạn có sống đến 1000 tuổi tại bất kì nơi đâu. Chẳng lẽ bạn stress vĩnh viễn đời đời sao?
Chúc các bạn một ngày vui.
Mến,
Hoành
© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Dear anh Hoành,
Em rất thích bài này của anh! Cám ơn anh cho em một buổi sáng tươi tắn và xin chúc anh một buổi chiều an lành. 🙂
ThíchThích
Cảm ơn anh Hoành. Hy vọng các các bạn hay phàn nàn đọc được bài này của anh 🙂
ThíchThích
Hi anh Hoành,
Em có một câu hỏi là với những kẻ hay phàn nàn, không làm mà cứ ngồi chê bai, bới móc lỗi của người khác thì mình có biện pháp gì ạ? Kiểu người này càng tranh luận thì họ lại càng lí luận, mà lí luận của họ thì rất “chuối”, họ cũng chẳng quan tâm đến tự trọng bản thân nữa nên cứ mặc nhiên “chửi bới” không thèm quan tâm người ta đánh giá mình thế nào.
Các thành phần “bất hảo” này em rất hay gặp trong các forum và mailing list.
E Hòa
ThíchThích
Dear Khánh Hòa,
Theo mình thì nếu mình không “đủ sức” để thân, hiểu, thông cảm và/hoặc “cảm hóa” họ thì tốt nhất là nên … lờ họ đi để không bị bực mình và trở thành một loại tiêu cực tương tự họ. Nói mà không có người phản hồi, dù là phản bác, thì sẽ mau chán nhất thôi. 🙂
[em mạn phép “nói leo” anh Hoành nhé! :)]
ThíchThích
Hi Khánh Hòa và Quỳnh Linh,
Dù là chuyện gì em làm trên đời cũng có người chống phá. Nhớ là chúa Giêsu cũng bị đóng đinh. Nếu em giải thích môt lần, người ta không muốn nghe, thì cứ im lặng làm việc của em như QL nói thì tốt nhất. Không nên tốn energy vào những chuyện tiêu cực, sẽ làm mình tiêu cực theo.
Cách tích cực hơn nữa là cầu nguyện cho họ. Nếu anh bực mình thì anh cầu nguyện: “Xin chúa cho con ngưng sự yếu đuối bực mình này và có thể thấu hiểu và thông cảm cho người ABC này như là anh em của con”. Anh thường cũng chẳng cầu nguyện để “chọ họ hiểu con”. Khi nào họ hiểu thì họ sẽ hiểu, không hiểu thì cũng chẳng sao. Anh cần thông cảm cho họ hơn là họ thông cảm anh, cho nên anh phải cầu nguyện điều này.
Em khỏe nhé.
ThíchThích
Cám ơn anh,
nhưng mình có đủ tích cực để không cảm thấy xót xa khi thành cổ Tuyên Quang hơn 400 năm tuổi sau khi đổ cả gần 10 tỷ đồng để thành 1 cái “lò gạch” 1 ngày tuổi không anh?
ThíchThích
Hi Xuân Minh,
Dĩ nhiên là ở đời có hàng triệu chuyện cho mình xót xa hàng ngày–người nghèo ngủ lề đường, các em bé thất học, người bệnh không thuốc men, người có tiền phung phí tiền vào các chuyện dở hơi… Nói chung là thế giới chúng ta luôn luôn có chuyện làm ta bất bình, xót xa, bực mình…
Vấn đề chính cho những người tư duy tích cực là: (1) Có xót xa bực mình thì cũng không để nỗi xót xa bực mình đó trở thành sân hận bão tố trong lòng mình, vì mất tĩnh lặng là bước thua đầu tiên của người tư duy tích cực. Và (2) nếu mình quan tâm thì tìm cách giúp mọi người tránh lầm lỗi lần sau: Như là viết bài trên báo vạch ra vấn đề, hỏi thủ tục đã yếu chỗ nào mà lại có sự kiện như thế, mai sau nên có thủ tục làm việc thế nào để bảo đảm chất lượng hơn?…
Cuộc đời luôn luôn có nhiều vấn đề. Mỗi khi nói đến một vấn đê, ta luôn luôn nói để hỏi tìm giải pháp hoặc đề nghị giải pháp. “Vấn đề + giải pháp”, đây là cách nói tích cực khi ta nói về vấn đề.
Xuân Minh khỏe nhé.
ThíchThích
Cảm ơn lời khuyên của Quỳnh Linh và anh Hoành về những người phá đám. Em khi gặp những người phá đám lúc đầu cũng bực mình và nóng.
Nhưng sau khi suy nghĩ và cảm thông với họ, em thấy họ cũng khá thành thật và nhiệt tình trong theo đuổi của họ. Họ đơn giản chỉ là stupid, knowing what they know so they do what they do.
Nếu mình có quyền hay đa số ủng hộ, mình có thể remove họ. Còn nếu không thì lờ họ đi, coi như họ không có mặt ở đó. Và tiếp tục đưa lên những gì tích cực.
Không nên argue với họ vì như Einstein nói: “Never argue with an idiot, they drag you down to their level and beat you with experience”.
Cheers,
Hiển
ThíchThích