NN – Thứ Hai 27/03/2023 , 11:36 (GMT+7)
Nam Định ‘đổi thủy sản lấy công nghiệp’: [Bài 1] Thu hồi trắng gần 100ha đầm bãi làm kênh thoát nước khu công nghiệp
Gần 100ha đầm bãi nuôi trồng thuỷ sản của huyện Nghĩa Hưng bị thu hồi trắng làm kênh thoát nước thải khu công nghiệp. Nhiều hộ dân lo lắng mất kế sinh nhai.

Ông Vũ Đình Phú, xã Nghĩa Lợi (áo xanh), một trong số những hộ dân nhận được thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê đầm bãi để làm Kênh thoát nước KCN rạng Đông.
LTS: Ngày 19/12/2018, UBND tỉnh Nam Định phê duyệt Quy hoạch Phát triển kinh tế thủy sản và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 2896. Tuy nhiên, chưa đầy 2 năm sau, ngày 10/7/2020, tỉnh Nam Định ban hành QĐ số 1645 về việc chấm dứt hiệu lực thi hành Quy hoạch nói trên. Người thay mặt UBND tỉnh ký ban hành cả hai Quyết định trên là ông Nguyễn Phùng Hoan, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định.
Đằng sau hai Quyết định này là số phận của hàng trăm hộ dân nuôi trồng thuỷ sản bị ảnh hưởng trực tiếp bởi họ đã đầu tư tiền bạc, công sức để khai phá, cải tạo vùng sình lầy, bãi triều hoang hoá… thành những đầm bãi trù phú, nhưng thời gian sử dụng chưa được bao lâu.
Sự thay đổi về Quy hoạch khiến mục đích sử dụng đất bị thay đổi theo. Tiếp đó, Nam Định ban hành các quyết định thu hồi, không đền bù giải phóng mặt bằng đối với hàng trăm ha đầm bãi đang nuôi trồng thủy sản ổn định, mang lại nguồn thu bền vững cho người dân.
Mục đích của việc thu hồi nhằm phục vụ các dự án công nghiệp trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng, bao gồm các nhà máy sản xuất thép; sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn; dệt nhuộm…, trong đó có cả dự án xây dựng kênh thoát nước thải khu công nghiệp dệt nhuộm – những lĩnh vực được cho là nhạy cảm về môi trường, nhất là môi trường biển.
Quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cac-bon thấp…” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 450/QĐ-TTg về Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các chuyên gia nhận định, Nam Định cần có sự cẩn trọng, xem xét kỹ lưỡng khi thực hiện chuyển đổi chủ trương phát triển kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp tại khu vực ven biển, nhất là sau những bài học như Formosa xảy ra cách đây chưa lâu!
Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh thực trạng đang xảy ra tại Nam Định từ đó thêm một tiếng nói để tỉnh Nam Định có cái nhìn tổng thể hơn trong việc thực hiện các chính sách, mục tiêu đề ra.
Ngày 30/6/2022, hàng chục hộ dân xã Nghĩa Lợi bất ngờ nhận được Thông báo của UBND xã về việc đơn phương thanh lý hợp đồng thuê đất nuôi ngao vạng, nuôi trồng thuỷ hải sản trên địa bàn.
Theo đó, UBND xã chấm dứt hợp đồng cho thuê đất bãi triều do địa phương được tạm giao quản lý để làm đầm bãi nuôi ngao, vạng… Các hộ dân được yêu cầu thu dọn tài sản, vật nuôi ra khỏi khu vực đất thuê, hoàn trả mặt bằng cho địa phương mà không được hỗ trợ đền bù tài sản, công trình, vật nuôi trên đất.
Không riêng xã Nghĩa Lợi, nhiều xã ven biển thuộc huyện Nghĩa Hưng như Phúc Thắng, Nam Điền, Nghĩa Thắng…, hàng trăm hộ dân nuôi trồng thuỷ sản khác cùng chung cảnh ngộ.
Tại xã Nghĩa Lợi, tổng diện tích đất bị thu hồi gần 114,8ha, trong đó có hơn 90,8ha đất nuôi trồng thuỷ sản; 7.652m2 đất rừng phòng hộ; 429,8m2 đất nông nghiệp khác; 2.370,7m2 đất trồng cây hàng năm; 4.628,6m2 đất mặt nước chuyên dùng; 1.107,5m2 đất thuỷ lợi, 7.725m2 đất giao thông.
Tại xã Phúc Thắng, diện tích đầm bãi bị thu hồi là 165ha.

Quyết định số 2009 của UBND tỉnh Nam Định thu hồi hơn 114ha đất đầm bãi, đất rừng phòng hộ… để xây dựng Kênh thoát nước KCN.
Tuyến đường ven biển từ chân cầu Thịnh Long tới xã Nghĩa Lợi dài gần chục km. Nhiều năm qua, người dân các xã ven biển đã bỏ công sức cải tạo, đắp bờ, dựng kè ngăn mặn…, biến những vùng sình lầy hoang vu trở thành những vùng nuôi trồng thuỷ sản trù phú, biến Nghĩa Hưng thành vùng trọng điểm nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh.
Thế nhưng, những khu đầm bãi đang ở tuổi sung sức, đang là nơi mưu sinh của hàng trăm hộ dân cũng thuộc diện thu hồi cùng thời điểm này.
Thu hồi hàng trăm ha đầm bãi làm kênh thoát nước thải rộng 50m
Tại Quyết định số 2009 do Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng ký ngày 1/11/2022 cho biết: mục đích của việc thu hồi (hơn 100ha) đầm bãi nuôi trồng thuỷ sản tại xã Nghĩa Lợi nhằm thực hiện dự án xây dựng Kênh thoát nước khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông.

Hơn 90ha đầm bãi nuôi trồng thuỷ sản bị thu hồi không đền bù.
Điều đáng nói, Khu công nghiệp Rạng Đông nằm song song với tuyến đê biển kéo dài hàng km từ thị trấn Rạng Đông tới xã Nam Điền. Kênh thoát nước được thiết kế là đường vuông góc nối từ KCN tới điểm xả ngoài biển.
Theo thiết kế, Kênh thoát nước KCN có chiều rộng 50 mét, chiều dài khoảng 2,5km nối từ KCN đi qua thân đê, đi qua đầm nuôi ngao, tôm của một hộ dân xã Nghĩa Lợi, sau đó đến biển.
Việc thu hồi đầm bãi đang nuôi trồng thuỷ sản ổn định tại xã Nghĩa Lợi, những đầm bãi này cũng phân bố dọc biển, để phục vụ cho một dự án hợp phần – kênh thoát nước thải sử dụng diện tích 50m chiều rộng là điều khó hiểu.
Quyết định thu hồi đất tại xã Nghĩa Lợi UBND tỉnh Nam Định cũng chỉ thể hiện duy nhất một mục đích: GPMB thực hiện dự án đầu tư xây dựng Kênh thoát nước KCN dệt may Rạng Đông.

Vị trí xây dựng Kênh thoát nước KCN Rạng Đông (cắm cọc) đi qua đầm nuôi thuỷ sản của hộ dân và hơn 7.000m2 rừng phòng hộ phải chuyển đổi.
Theo tính toán của người dân, với thiết kế chiều rộng 50m, dài 2.500m, tuyến Kênh thoát nước thải này chỉ chiếm 125.000m2, tương đương 12,5ha.
Như vậy, tổng diện tích đất thu hồi gần 114,8ha (trong đó có hơn 90,8ha đất nuôi trồng thuỷ sản; 7.652m2 đất rừng phòng hộ) theo QĐ số 2009 sẽ dư thừa hơn 100ha, trong khi người dân đang “khát” tư liệu sản xuất.
Ông Trần Văn Tuý, chủ tịch UBND xã Nghĩa Lợi chia sẻ: “Tôi cũng bảo với các anh làm dự án (chủ dự án KCN Rạng Đông – Aurora) là sao không sử dụng hệ thống kênh đào chạy xung quanh KCN, nước thải sau khi đã xử lý đảm bảo an toàn sẽ thoát theo hệ thống kênh, đỡ tốn kém lại không phải thu hồi đầm bãi”.
Hệ thống kênh mà ông Tuý nói chính là tuyến kênh đào tưới tiêu “ôm” bốn xung quanh nông trường Rạng Đông trước kia, sau đó, khi tỉnh có chủ trương phê duyệt dự án Khu công nghiệp Rạng Đông – Aurora, đất nông trường được thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Người dân ngỡ ngàng
Có một người khó hiểu nhất trước QĐ thu hồi đất đầm bãi của tỉnh Nam Định, đó là ông Vũ Đình Phú (thôn 5, xã Nghĩa Lợi) – người đang sử dụng hơn 10ha đầm bãi nuôi tôm, vạng… Kênh thoát nước này nằm trên diện tích đầm bãi của gia đình ông thuê sử dụng.

Diện tích xây dựng Kênh thoát nước chiếm một phần rất nhỏ trong tổng diện tích đất thu hồi.
Hiện tại, ranh giới của Kênh thoát nước đang được chính quyền “cắm mốc” bằng những chiếc cọc tre, chiếm trọn đường đi vào đầm mà cha con ông Phú mất nhiều năm cải tạo, đôn lấp… mới có được hiện trạng như ngày hôm nay.
“Khi đó, biển vào sát chỗ anh đang đứng. Đường vào đầm chưa có, để sang được khu bãi triều, tôi phải bơi qua con kênh (hiện vẫn đang tồn tại nằm giữa bãi sú, vẹt – Pv), chở từng thuyền cát ra đôn lấp. Sau đó, đi vay mượn để thuê tàu hút cát đắp bờ ” – ông Phú cho biết.
Giai đoạn trước năm 2000, như nhiều hộ dân khác tại xã Nghĩa Lợi, bố con ông Phú đổ không biết bao công sức, mồ hôi… để cải tạo khu bãi triều ngập mặn. Ông đắp một bờ bao bằng đất để ngăn nước triều xói lở, quay lại thành các ô đầm, mỗi ô rộng vài ha; xây dựng cửa cống để nước ra vào. Có bờ bao kiên cố, ổn định, ông tiếp tục quay đắp bốn xung quanh, ngăn ô, chia thửa… thành đầm.

Ông Phú mất ăn mất ngủ khi nhận được thông báo của chính quyền phải di dời, hoàn trả mặt bằng lại cho địa phương.
Trỏ tay chỉ khu bể nuôi tôm theo mô hình hiện đại, ông Phú cho biết, mấy năm nay, con tôm là “cứu cánh” của nhiều hộ nuôi trồng thuỷ sản ở Nghĩa Lợi. Trước, khi chưa có kinh nghiệm, bà con phải mua tôm giống ở mãi Cà Mau chuyển về. Mày mò tìm tòi, học hỏi, bà con tự sản xuất được tôm giống…
Bể nuôi tôm giống là các ô có diện tích rộng vài trăm m2/ô, được chia thành các khu riêng rẽ: bể tôm giống, bể nuôi tôm thành phẩm… Tường quây, ngăn ô được xây bằng bê tông kiên cố, bên dưới lót bạt chống thấm. Để tăng ô xy cho con tôm, tạo dòng cho các bể nuôi, các hộ lắp đặt các quạt nước chạy bằng mô tơ điện…

Mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của…, cha con ông Phú mới tạo dựng được cơ ngơi nuôi trồng thuỷ sản như ngày hôm nay.
“Mỗi năm cố một tý. Lợi nhuận thu được từ nuôi trồng thuỷ sản năm trước lại gối sang năm sau, tái đầu tư xây dựng, cải tạo đầm bãi, nông dân lúc nào cũng ở tình cảnh hụt hơi. Có những đận, cha con tôi phải đi vay mượn bên ngoài, vất vả lắm” – lão nông luống tuổi mấy chục năm lăn lộn với cát, mặn… thật thà.
Cơ ngơi hiện có của cha con ông Phú là 3 khu đầm nuôi cá nước mặn, khoảng chục bể nuôi tôm, ô thì để lộ thiên, ô thì có mái che… tuỳ thuộc vào con vật nuôi bên trong.
“Nông dân tự làm, tự cải tạo mới có đầm bãi để nuôi thả thuỷ sản. Chúng tôi cũng không có chứng từ, hoá đơn… để đo đếm số tiền mình đã bỏ sông bỏ bể, còn sức người thì không tính theo ngày, nó tính bằng cả cuộc đời” – ông Phú không giấu sự ưu phiền khi nhận thông báo xã đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê đầm bãi.
Nhìn cơ ngơi ấy, người ngoài ngành cũng hiểu, nó phải là số tiền rất lớn hàng tỉ đồng mới tạo dựng được.
Tất cả những gì mà cả cuộc đời một lão nông như ông Phú phải tằn tiện, lao lực đều sắp nằm lại ở những khu đầm, những bể nuôi…, không mang theo được.
Không riêng hộ gia đình ông Phú, tất cả các hộ nuôi trồng thuỷ sản đều bị thu hồi trắng đầm bãi, đều không được đền bù, hỗ trợ một xu cắc!!!
Kiên Trung – Huy Bình
***
NN – Thứ Ba 28/03/2023 , 11:05 (GMT+7)
Nam Định ‘đổi thuỷ sản lấy công nghiệp’ [Bài 2]: Thu trắng đầm bãi, không đền bù?
Những khu đầm, bãi nuôi thả thuỷ sản ven biển Nghĩa Hưng là thành quả người dân cải tạo, xây dựng hàng chục năm mới có được. Vì sao tỉnh Nam Định thu hồi trắng?

Các hộ dân bị thu hồi đầm bãi đã có đơn kiến nghị các cấp chính quyền tỉnh Nam Định về sự việc.
Đầu tháng 11/2022, lá đơn kiến nghị của chục hộ dân bị đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê đầm bãi do ông Bùi Văn Hà làm đại diện được gửi tới các cấp chính quyền của tỉnh Nam Định.
Tại đơn kiến nghị, các hộ dân đề xuất ba nội dung:
Thứ nhất, đề nghị chính quyền xây dựng phương án đền bù, GPMB trong đó các hộ đầu tư mô hình nuôi trồng thuỷ sản như ao dèo nổi, hệ thống cống, toàn bộ khối lượng đất đắp gia cố bờ đầm.
Thứ hai, lập phương án đền bù, hỗ trợ di dời vật nuôi, cây trồng chưa hết thời hạn thu hoạch, tận thu.
Thứ ba, đề nghị xem xét để có thời gian thu dọn tài sản đã đầu tư vào đất, thời gian chuẩn bị khu vực nuôi mới. Chính quyền có phương án bố trí các khu vực nuôi trồng thuỷ sản thay thế để các hộ dân tiếp tục được duy trì nghề…

Chòi canh đầm ngao ven biển của các hộ dân xã Nghĩa Lợi.
Không đền bù vì hết hợp đồng cho thuê đầm bãi
Trong văn bản trả lời đơn kiến nghị của các hộ dân, UBND xã Nghĩa Lợi cho biết: khu vực bãi triều ven biển là vùng đất công thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh. Ngày 14/9/2001, UBND tỉnh Nam Định ra Quyết định số 1917 tạm giao thẩm quyền quản lý 316 ha đất ven biển, bãi triều cho UBND huyện Nghĩa Hưng. Huyện tiếp tục giao cho các xã ký hợp đồng với các hộ gia đình thuê canh tác trong thời gian ngắn hạn (hợp đồng thuê 2 năm/lần).
Bài liên quan
Nam Định ‘đổi thủy sản lấy công nghiệp’: [Bài 1] Thu hồi trắng gần 100ha đầm bãi làm kênh thoát nước khu công nghiệp
Trên cơ sở đó, từ cuối năm 2001, UBND huyện, UBND xã đã tổ chức đấu thầu những diện tích mặt nước cho phép các hộ nuôi thả ngao, vạng. Thời hạn ký hợp đồng cho thuê gần nhất là đến hết ngày 31/12/2021.
Tuy nhiên, ngày 6/5/2020, UBND tỉnh Nam Định có Quyết định số 1060 về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng khu chức năng phía Nam đô thị Rạng Đông, tỉnh Nam Định đến năm 2040; Thông báo số 303 ngày 12/1/2022 của Ban thường vụ Huyện uỷ Nghĩa Hưng, Công văn số 71 ngày 10/2/2022 của UBND huyện Nghĩa Hưng về việc không ký tiếp hợp đồng đối với các hộ gia đình, cá nhân thuê đất khu vực bãi ngoài đê từ cầu Thịnh Long (xã Nghĩa Bình) đến phía Nam cống Tiêu (thuộc xã Nam Điền).

Nhà máy dệt nhuộm đang được xây dựng trong Khu công nghiệp Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng).

Khu công nghiệp Rạng Đông – Aurora tại thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng.
Cho đến tháng 4/2022, UBND xã mới tổ chức hội nghị với các hộ để thông báo, tuyên truyền chủ trương này.
Tiếp đó, xã thực hiện các nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền, trong đó có các thông báo công khai việc đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê đầm bãi nuôi trồng thuỷ sản tới các hộ dân. Tháng 11/2022, tỉnh Nam Định ban hành Quyết định 2009 về việc thu hồi hơn 114ha để giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ dự án Kênh thoát nước KCN dệt may Rạng Đông tại xã Nghĩa Lợi như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã thông tin.
Về kiến nghị chính quyền địa phương xem xét hỗ trợ cho các hộ di dời vật nuôi, tài sản trên diện tích đầm bãi do các hộ đã đầu tư nhiều tiền của, công sức và đã thả con giống chuẩn bị cho các kỳ tiếp theo. Con giống từ khi nuôi thả đến khi thu hoạch, thời gian mất từ 25 – 36 tháng. Hơn nữa, nếu GPMB sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ diện tích ao đầm. Ngoài ra, các hộ kiến nghị bên thi công kênh thoát nước khảo sát vị trí xây dựng kênh thì thông báo và cắm vè để các hộ dân biết từ đó có biện pháp bảo vệ con giống nuôi.

Đường ống hút cát san lấp cho KCN Rạng Đông nối từ ngoài biển chạy qua thân đê của Công ty Sông Đà – Hà Nội.

Biển cấm chặt phá, lấn chiếm rừng phòng hộ được đặt dọc tuyến đê biển Nghĩa Hưng.
Chính quyền xã Nghĩa Lợi cho biết, đề nghị trên là không có căn cứ. Xã đã gửi thông báo nhiều lần về chủ trương thu hồi, yêu cầu 10 hộ dân nằm trong diện tích Kênh thoát nước KCN dệt may Rạng Đông tranh thủ, khẩn trương thu dọn con nuôi, tài sản để phục vụ GPMB.
“Quá trình GPMB, thu hồi đất nếu các hộ gia đình, cá nhân cố tình không chấp hành… thì tự chịu trách nhiệm, không kiến nghị đến UBND xã và các cơ quan có thẩm quyền” – nội dung văn bản UBND xã Nghĩa Lợi trả lời đơn kiến nghị của các hộ dân.
Chính quyền xã cũng cho biết, trong quá trình ký kết hợp đồng giữa các hộ thuê đầm bãi với UBND xã chỉ thể hiện phần diện tích để nuôi ngao vạng, không có nội dung nào thể hiện việc cải tạo, đắp bờ hoặc xây dựng lều trông coi, cầu cống… Việc các hộ tự cải tạo, xây dựng công trình nhà, lều trông coi đầm bãi là do các hộ tự làm để quản lý tài sản của mình. Trách nhiệm của UBND xã là quản lý về đất đai được tỉnh tạm giao, không có thẩm quyền xây dựng phương án đền bù, hỗ trợ GPMB.
Tuy nhiên, lãnh đạo xã cũng thừa nhận, nếu không có công sức, thời gian cải tạo, xây dựng…, những bãi triều ven biển sẽ chỉ là những khu hoang vu, ngập mặn, không có giá trị sản xuất nuôi trồng thuỷ sản.
Trong lịch sử, Nam Định từng lập quy hoạch xây dựng, phát triển vùng nuôi trồng thuỷ sản trọng điểm tại các huyện ven biển, trong đó có huyện Nghĩa Hưng!
Trường kỳ mở đất!
Với những người nông dân ăn nằm với biển, ăn nằm với con ngao, con vạng… tại huyện Nghĩa Hưng, vùng đất bãi bồi xã Nghĩa Lợi từ những năm 1990 khu vực này là vùng đất ngập mặn hoang hoá. Hàng năm, việc xâm lấn ngấm mặn khiến các vùng trồng lúa và hoa màu trên diện rộng, việc canh tác sản xuất gặp vô cùng khó khăn.

Những khu đầm bãi trù phú nối tiếp nhau tại các xã ven biẻn huyện Nghĩa Hưng.
Giai đoạn những năm 1996 – 1998, các hộ dân tự đầu tư cải tạo trên phạm vi hẹp để áp dụng nuôi thử con ngao giống, tôm, cua. Kết quả, con ngao giống rất phù hợp với nguồn nước môi trường nơi đây. Từ năm 1998- 2001, có thêm nhiều hộ tham gia cải tạo đất khai hoang phục hoá…, biến bãi triều thành khu nuôi trồng thuỷ sản trù phú như hiện tại.
Năm 2001, Nam Định có chủ trương giao đất cho các hộ gia đình qua hình thức đấu thầu, nhận khoán thầu đầu tư cải tạo thành đầm nuôi trồng thủy sản. Với nguồn vốn tự có và nguồn vay từ ngân hàng, các hộ nuôi đã mạnh dạn tập trung nguồn lực, hầu hết đều “tất tay” cho đầm bãi.
Đến năm 2009, UBND huyện Nghĩa Hưng, UBND xã Nghĩa Lợi có kế hoạch lần hai tiếp tục mở rộng diện tích đầm để bà con đấu thuê cải tạo và không thu tiền thuê đất 2 năm đầu cải tạo; năm tiếp theo thu tiền thuê 1 triệu đồng/ha/năm.

Những đầm bãi nuôi trồng thuỷ sản của các hộ dân xã Nghĩa Lợi đang phụ thuộc vào quyết định của chính quyền tỉnh Nam Định.
Tại Quyết định số 2896 phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế thuỷ sản và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (nay đã bị thay thế), UBND tỉnh Nam Định định hướng:
Phát triển kinh tế thủy sản đảm bảo tính bền vững, hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng và nâng cao giá trị gia tăng; Khai thác, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích lợi thế, tiềm năng về đất đai, mặt nước; Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Hướng tới phát triển kinh tế thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng cao trong ngành nông nghiệp gắn với việc tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, theo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dựa trên cơ sở áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; Mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Tạo cơ chế và thủ tục đơn giản để các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thủy sản dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển sản xuất; tăng cường thu hút đầu tư, cải tiến công nghệ, góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực thủy sản để huy động nguồn lực xã hội cho phát triển thủy sản, giảm dần tỷ lệ và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Khuyến khích tích tụ đất đai để phát triển nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa lớn; Sử dụng đất đai, diện tích mặt nước theo quy hoạch.
Từ chủ trương này, người dân tin tưởng được thuê đất lâu dài để phát triển kinh tế nên đã đầu tư quy mô hệ thống đầm dèo ao nổi, cống điều tiết, kè bờ kiên cố tại các bờ xung yếu, nhà cửa lều trại, kho chứa…
Điều khiến người nuôi thuỷ sản tin tưởng hơn nữa, đó là Quy hoạch phát triển kinh tế thuỷ sản và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt vào tháng 11/2018. Nhưng, Quyết định 2009 ban hành đang đưa tới một nguy cơ nhãn tiền không mấy sáng sủa cho những khu đầm bãi, đó là sự ngổn ngang và sự lãng phí tài nguyên đất đai khi nó chưa có mục đích sử dụng khác; người nuôi trồng thuỷ sản mất việc làm, mất kế sinh nhai!
Kiên Trung – Huy Bình
***
NN – Thứ Tư 29/03/2023 , 07:28 (GMT+7)
Nam Định ‘đổi thuỷ sản lấy công nghiệp’ [Bài 3]: Ngổn ngang Nghĩa Hưng
Như hàng trăm hộ dân trong tỉnh đang lo lắng về số phận những ha đầm bãi nuôi trồng thuỷ sản của mình, Nghĩa Hưng cũng ngổn ngang bao nỗi lo!
Nam Định ‘đổi thuỷ sản lấy công nghiệp’ [Bài 2]: Thu trắng đầm bãi, không đền bù?
Nam Định ‘đổi thuỷ sản lấy công nghiệp’ [Bài 3]: Ngổn ngang Nghĩa Hưng
Qua cầu Thịnh Long vừa khánh thành đẹp đẽ như một con rồng khổng lồ bắc ngang sông Ninh Cơ, bắt đầu tới địa phận các xã ven biển của Nghĩa Hưng, trải từ Nghĩa Bình – Nghĩa Thắng, Nghĩa Phúc (2 xã này đã sáp nhập thành xã Phúc Thắng), tới Nghĩa Lợi, thị trấn Rạng Đông và chót cùng là xã Nam Điền.
Tuyến đường 490c mới mở rộng thênh thang được kỳ vọng sẽ đánh thức kinh tế vùng đất ven biển, đấu nối với KCN Rạng Đông đang được hình thành, mà dấu hiệu nhận biết duy nhất chính là chiếc cổng KCN đã được xây dựng hoàn thiện.

Khu vực đầm bãi của ông Bùi Văn Hạ (xã Phúc Thắng) đang phải bỏ hoang vì bờ kè sạt lở, biển đáng sâu vào đất liền hàng trăm mét.
Bên mặt phía Nam của tuyến đường mới, con đê biển chạy dài xây kiên cố, chân đê gia cố bằng những ụ bê-tông ba chạc ghim chặt vào bờ kè. Tiếp bờ kè đê là bãi bồi trải dài dễ tới gần 1km, rồi mới đến được mép nước biển Nghĩa Hưng.
Từ lâu, những hợp phần ấy kết nối với nhau khăng khít thành một thể thống nhất, vừa ngăn mặn xâm nhập vào bên trong đê để bảo vệ và thành hình những mùa màng trù phú, những làng quê bình yên. Bên ngoài đê là những đầm bãi nuôi trồng thuỷ sản nức tiếng sản vật nuôi trồng như cá bớp, cá bống biển, ngao vàng… được bảo hộ thương hiệu mấy năm qua, trở thành niềm tự hào của Nghĩa Hưng.
Nhưng, trật tự ấy đang bị xáo trộn. Một Nghĩa Hưng hiện tại đang ngổn ngang, nhiều bộn bề.
Ngổn ngang đầm bãi
Ông Bùi Văn Hạ, một người dân địa phương mấy năm trước quyết định “thâu tóm” lại đầm bãi của một số hộ dân khác, manh nha ý tưởng làm ăn lớn, đầu tư theo hướng tích tụ, mở rộng hạn điền.
Bỏ ra gần nửa tỷ để mua lại quyền sử dụng khu đầm rộng gần chục ha của một chủ đầm khác (người này cũng thuê đất có thời hạn của xã), ông Hạ dốc vốn liếng gần ba tỷ đồng để cải tạo, gia cố đầm bãi.
Thế nhưng, thời điểm thực hiện giấc mộng “làm ăn lớn” của ông Hạ cũng là thời điểm tỉnh cấp cho một đơn vị có tên Công ty Sông Đà – Hà Nội được khai thác cát biển ngay thẳng khu đầm của ông.
Từ năm 2020 đến nay, kè biển khu sinh thái du lịch huyện Nghĩa Hưng bị sạt lở, nhiều cơ quan chức năng vào cuộc, tìm nguyên nhân nhưng vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng. Nguyên nhân rất “chung chiêng” được đưa ra, đó là do… biến đổi khí hậu!

Bậc gạch này trước kia là lối lên xuống khu đầm dèo được ông Hạ xây kiên cố bằng bê-tông để nuôi tôm, cá giống…

Khu đầm rộng mênh mông này bị sạt lở, đánh chìm luôn giấc mộng mở rộng hạn điền, nuôi trồng thuỷ sản quy mô lớn của người đàn ông xã Phúc Thắng.
Đã có thời điểm, Nam Định yêu cầu đơn vị khai thác cát biển, công ty Sông Đà – Hà Nội dừng khai thác để xác định nguyên nhân; yêu cầu huyện Nghĩa Hưng – chủ đầu tư dự án kè khu sinh thái du lịch dài 2km với kinh phí 100 tỷ đồng – tìm phương án gia cố, khắc phục tình trạng sạt lở…, nhưng địa phương vẫn chưa có hướng khắc phục.
Trong thời gian đó, kè khu sinh thái tiếp tục sạt lở, mỗi năm sạt lở thêm cả trăm mét chiều dài, và sạt lở sâu vào bên trong, kéo theo cả một vạt rừng sinh thái trồng phi lao hàng chục năm tuổi xuống biển, và kéo theo cả khu đầm bãi – “giấc mộng đại điền” của ông Bùi Văn Hạ.
Không nỡ nhìn tiền của đổ sông đổ bể, ông Hạ quyết tâm gia cố, cải tạo: ông mua những bao nhựa khổng lồ để bơm cát vào bên trong, xếp với nhau thành một tuyến bờ bao, chiều rộng 3m, chiều dài hàng trăm mét để bao bọc khu đầm.

Để giữ đầm, ông Hạ “chôn” thêm gần 3 tỷ mua bao tải công nghiệp, luồn cát vào trong và kết lại thành một con lươn kiên cố… Tuy nhiên, cả dải rừng phi lao chắn sóng, nguyên là rừng phòng hộ cũng đã bị đánh sạt, tan hoang…

Những xác phi lao chết do biển sạt lở, dù dãy phi lao này cách xa bờ, cách xa dải rừng phòng hộ gần mép nước vài trăm mét…
“Số tiền tôi bỏ vào đây cũng gần ba tỷ, nuôi được một mùa thuỷ sản chưa kịp thu hoạch thì tiếp tục sạt lở. Cống bê-tông để nước ra vào đầm bị sạt, không còn nguồn nước vào, đầm khô cạn ngay sát biển. Đến nước này thì tôi không thể làm gì được nữa” – ông Hạ nói chực khóc.
Bỏ lại khu đầm hoang, ông thuê một người ra ăn ngủ, trông coi đầm bãi, vì bên dưới mực nước xâm xấp đến gối, vẫn còn một ít thuỷ sản ngao, vạng chờ đến tuổi thu hoạch, ông tính toán vớt vát lại được đồng nào hay đồng ấy…
Người đàn ông luống tuổi được ông Hạ thuê, hàng ngày ăn ngủ trong ngôi nhà cấp 4 ông Hạ dựng bên mép đầm, phân trần: “Tôi trông coi ở đây mấy tháng rồi nhưng chưa có đồng tiền công nào. Ông chủ đầm đang khốn khó, bĩ cực như thế, đòi tiền công cũng không nỡ”.

Ông Hạ chấp nhận bỏ cuộc, đầu hàng, vì theo ông, nếu những tàu hút cát còn hoạt động thì việc ông cố sức gia cố đầm bãi cũng chỉ là công dã tràng.
Xung quanh chỗ ông đứng, ngổn ngang những bê-tông, gạch đá… Nó trước đó là những bể nuôi tôm được xây dựng kiên cố, cách xa mép biển hàng trăm mét, nhưng cuối cùng cũng tan hoang.
Những cây phi lao chết khô nằm ngả nghiêng bên những ngổn ngang đất đá. Một vệt rừng phòng hộ cũng bị sạt lở, để lại một khoảng trống hoác nhìn ra biển.
Người dân cho biết, trước đó, khu rừng phòng hộ là một dải nối dài, liên tục không ngắt quãng. Hạt kiểm lâm Nghĩa Hưng (Chi cục Kiểm lâm Nam Định) xác nhận, diện tích rừng phòng hộ do đơn vị này quản lý tại xã Nghĩa Lợi là 33,04ha; xã Phúc Thắng là 41,58ha. Thời điểm hiện tại, diện tích rừng giảm tại hai xã lần lượt là 5,69ha và 3,16ha. Con số diện tích rừng phòng hộ bị suy giảm có lẽ vẫn chưa tiếp tục dừng lại.
Tan hoang bờ kè khu sinh thái
Công trình kè biển bảo vệ Khu du lịch sinh thái Rạng Đông do UBND huyện Nghĩa Hưng làm chủ đầu tư, kinh phí xây dựng hơn 100 tỷ đồng. Nhà thầu xây dựng (Công ty CP Xuân Trường Nam Định) hoàn thành, bàn giao cho huyện quản lý từ năm 2014.
Đầu năm 2019, ông Sái Hồng Thanh (khi đó là Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng) khẳng định: kể từ khi được bàn giao, kè không gặp vấn đề gì. Nhưng từ năm 2018 kè bắt đầu gặp sự cố, bị sóng đánh sập một số đoạn. Huyện đã một lần chi ra 2 tỷ đồng để khắc phục. Tuy nhiên vừa tu bổ xong lại bị sóng đánh sập tiếp.

Tuyến kè khu du lịch sinh thái bị sạt lở từ năm 2019 cho tới nay…

UBND xã Phúc Thắng (huyện Nghĩa Hưng) cho biết, năm 2022, kiểm tra cho thấy có thêm 70m chiều dài kè bị sạt lở.
Huyện báo cáo UBND tỉnh, đề nghị chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xác định rõ nguyên nhân để có giải pháp khắc phục, bởi nếu chưa rõ nguyên nhân mà khắc phục thì không hiệu quả, mặt khác huyện cũng không có tiền.
Cùng thời điểm kè bảo vệ Khu du lịch sinh thái Rạng Đông gặp sự cố, cách bờ kè không xa, cũng là lúc Công ty Cổ phần Sông Đà – Hà Nội bắt đầu triển khai các hoạt động khai thác cát biển bằng phương pháp lộ thiên.

Sóng biển cuốn trôi phần lớn bờ kè khu sinh thái

và đánh tan hoang một dải rừng phòng hộ.
Cụ thể, ngày 10/11/2017 doanh nghiệp này được Sở TN-MT tỉnh Nam Định cấp phép khai thác cát tại các mỏ cát lô số 1A (thời hạn đến tháng 3/2023), mỏ cát lô số 1B (thời hạn đến tháng 11/2022) khu vực ven biển huyện Nghĩa Hưng, mục đích khai thác cát san lấp.
Trong các năm từ 2017 – 2019, đơn vị tiếp tục được cấp thêm 2 điểm mỏ mới (điểm 2A, 2B) nâng tổng trữ lượng khai thác là 6.102.180m3; phạm vi 180 ha mặt biển, thời gian khai thác 5 năm.
Năm 2019, ông Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định trực tiếp xuống kiểm tra hiện trường sạt lở, yêu cầu các Sở, ngành liên quan xác định nguyên nhân; yêu cầu huyện Nghĩa Hưng phải khẩn trương xử lý tình trạng sạt sập kè.
Khi đó, mới chỉ có 2 điểm bị sập (đoạn thứ nhất tính từ đầu Đông công trình, chiều dài kè bị sập khoảng hơn 10m, diện tích bị sập khoảng 60m2. Đoạn thứ 2 cách đoạn thứ nhất khoảng hơn 100m về phía Tây, chiều dài kè bị sập khoảng 5-60m; diện tích bị sập khoảng 600m2..
Phó Chủ tịch tỉnh Nam Định yêu cầu rà soát, kiểm tra hồ sơ, quá trình cấp phép khai thác cát cho Công ty cổ phần Sông Đà – Hà Nội, nếu phát hiện vị trí cấp phép không hợp lý phải khẩn trương điều chỉnh; trường hợp cần thiết yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng khai thát cát để xác định nguyên nhân gây vỡ kè; yêu cầu Công ty cổ phần Sông Đà – Hà Nội báo cáo đầy đủ hồ sơ từ khi khai thác mỏ đến thời điểm có biến cố vỡ kè…

Người dân địa phương cho biết, từ khi tỉnh cấp phép cho đơn vị khai thác cát tại đây, bờ kè mới sạt lở, vì trong khoảng 5 năm trở lại đây, Nghĩa Hưng không phải hứng chịu một cơn bão nào.

Dàn tàu hút cát biển của công ty Sông Đà – Hà Nội bơm cát từ tàu vào san lấp trong KCN rạng Đông qua hệ thống đường ống dẫn dài hàng km, từ năm 2017 đến nay.

Đường ống dẫn cát chạy dài nhiều km…

Trèo qua nhiều địa hình để đấu nối về san lấp mặt bằng cho KCN Rạng Đông.
Một năm sau, tháng 9/2020, khu vực sạt lở tiếp tục mở rộng. Thay vì 2 điểm như ghi nhận trước đây, toàn bộ đầu phía Đông của công trình kè bị sập hoàn toàn, tổng chiều dài khoảng 1km. Không chỉ đánh sập đỉnh kè, thân kè, sóng biển tiến sâu, đánh sập toàn bộ phần đường chạy dọc kè, lật tung đường ống bê-tông thoát nước nằm phía bên kia đường, tiến sát vào rừng phòng hộ tạo nên cảnh tượng tan hoang.
Tháng 3/2023, khi PV Báo Nông nghiệp Việt Nam xuống ghi nhận thực tế, những điểm sạt lở này không còn phân chia thành các đoạn riêng biệt. Toàn bộ phần sạt lở đã “quy thành một mối”, kép một vệt dài hơn 2km thành một khối “tan hoang bền vững”, không phân định được đâu là đỉnh kè, thân kè, chân kè…
Cùng với đó, một dải rừng phi lao phòng hộ vài chục năm tuổi đã bị xô đổ, chết trơ gốc rễ…
Trong khi đó, việc khai thác cát của Công ty Cổ phần Sông Đà – Hà Nội vẫn hoạt động ngày đêm, duy trì liên tục từ khi được cấp phép đến nay. Trong các báo cáo của Nam Định, nguyên nhân vẫn cho rằng, kè, đầm bãi… bị sạt lở là do biến đổi khí hậu!
Kiên Trung – Huy Bình
***
NN – Thứ Tư 29/03/2023 , 14:49 (GMT+7)
Nam Định quyết tâm ‘đổi thuỷ sản lấy công nghiệp’ [Bài 4]: Biển đã bị xâm hại!
Tỉnh Nam Định đang đối mặt với thực trạng nhức nhối về môi trường biển, dù các dự án công nghiệp quy mô lớn mới đang ở giai đoạn bắt đầu triển khai.
Nam Định ‘đổi thuỷ sản lấy công nghiệp’ [Bài 2]: Thu trắng đầm bãi, không đền bù?
Nam Định ‘đổi thuỷ sản lấy công nghiệp’ [Bài 3]: Ngổn ngang Nghĩa Hưng
Từ năm 2017 đến 2019, Công ty Sông Đà – Hà Nội được Sở TN-MT tỉnh Nam Định cấp phép khai thác 4 mỏ cát tại khu vực ven biển huyện Nghĩa Hưng, mục đích san lấp khu công nghiệp. Tổng trữ lượng khai thác là 6.102.180m3 trên phạm vi 180 ha mặt biển, thời hạn khai thác 5 năm.
Điều đáng nói, ví trí các mỏ cát biển nằm ngay phía trước khu vực đã được Nam Định quy hoạch phát triển khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ven biển…
Công ty Sông Đà – Hà Nội, chủ mỏ, trước đó là công ty con thuộc Tổng Công ty Sông Đà. Hiện tại, Tổng Công ty Sông Đà đã thoái vốn tại đơn vị này.
Cấp mỏ cát biển “trước cửa” khu quy hoạch sinh thái
Kè sinh thái tại huyện Nghĩa Hưng bị sạt lở từ lâu. Cơ quan chức năng của tỉnh Nam Định cho rằng, nguyên nhân khiến khu kè bị sạt lở là do… biến đổi khí hậu, người dân địa phương khẳng định, nguyên nhân chính là do tàu hút cát, bởi mấy năm trở lại đây, Nghĩa Hưng không hứng chịu cơn bão nào.
Người dân cho biết, chỉ khi nào dừng việc khai thác cát biển mới có thể ngăn chặn được nguy cơ kè tiếp tục sạt lở.

Lãnh đạo tỉnh Nam Định kiểm tra thực tế điểm sạt lở trên bờ kè khu du lịch sinh thái Rạng Đông vào tháng 3/2019. Ảnh: TTXVN.
Ông Đinh Văn Bàng, (thôn Quần Vinh, xã Phúc Thắng) cho biết: 4- 5 năm qua, tàu hút cát biển có mặt ở xã Nghĩa Lợi cũng là lúc kè bị sạt lở. Mỗi năm, tình trạng sạt lở lại càng tồi tệ hơn, mỗi ngày một dài, và tiến sâu vào đất liền.
Theo người dân, đội tàu hút cát biển bất kể ngày đêm, tuỳ thuộc vào con nước. Khi nước lên, đội tàu có những lúc lên tới cả chục chiếc, ken thành một dãy dài trên biển. Lý do: nước lớn, tàu mới tiến sát được vào gần bờ hơn, việc hút cát dễ dàng hơn, năng suất hơn so với hút ngoài khơi, xa bờ.
“Phải khắc phục và loại bỏ ngay tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua trách nhiệm bảo vệ môi trường” – Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khi còn là Bộ trưởng TN&MT phát biểu tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ 5 ngày 4/8/2022.
Ông nhận định: “Những năm qua vấn đề môi trường luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong các chương trình nghị sự; các chương trình, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái.
Chất lượng môi trường tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chậm; môi trường ở một số nơi vẫn tiếp tục bị ô nhiễm, đặc biệt tại các lưu vực sông, làng nghề; một số sự cố môi trường vẫn xảy ra; việc khai thác tài nguyên không hợp lý, thiếu tính bền vững tiếp tục làm thất thoát tài nguyên và tác động xấu lên môi trường; tình trạng phá rừng, săn bắt, mua bán trái phép động, thực vật hoang dã, sinh vật ngoại lai xâm lấn đang diễn biến phức tạp…
“Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”
Đây là quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 450/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Chính phủ chủ trương phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cac-bon thấp… Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường.
Tháng 11/2018, UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế thuỷ sản, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại QĐ số 2896.
Tháng 7/2020, Nam Định ban hành QĐ 1645 huỷ bỏ quy hoạch, chuyển hướng sang phát triển công nghiệp.
Tháng 10/2021, Nam Định ký QĐ chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với Dự án Nhà máy gang thép số 1 Xuân Thiện tại xã Nghĩa Hải – Nghĩa Thành – Nghĩa Lâm huyện Nam Định, quy mô 341ha. Trước đó, địa phương này cũng phê duyệt KCN Rạng Đông – Aurora quy mô hàng nghìn ha với lĩnh vực chính là dệt – nhuộm.
Các Dự án này đều được quy hoạch tại vị trí ven biển Nghĩa Hưng, nơi trước đó được quy hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ sản trọng điểm của Nam Định.
Anh Vũ Văn Phong, người dân xã Nghĩa Lợi cho hay: “Có những đêm con nước lớn, dàn tàu cả chục chiếc bật đèn sáng choang, từ trên đê nhìn xuống như một thành phố nổi. Tiếng động cơ ầm ầm, dù sóng biển, gió biển át đi nhưng vẫn không vợi bớt những âm thanh chát chúa đó”.
Chủ tịch xã Nghĩa Lợi Nguyễn Văn Tuý phân trần: “Tàu hút cát hoạt động bất kể ngày đêm, chính quyền xã có ra cũng chỉ ghi nhận và báo cáo lên trên. Bởi thẩm quyền của xã chỉ quản lý từ mép sóng trở vào còn từ mép sóng trở ra và ở trên biển thì không phải thẩm quyền của xã”.

Đội tàu hút cát của Công ty Sông Đà – Hà Nội. Ảnh chụp sáng ngày 16/3.
Tháng 8/2021, lực lượng chức năng tỉnh Nam Định đã bắt giữ 4 tàu trọng tải lớn có hành vi khai thác cát trái phép tại khu vực phía trước kè bảo vệ khu du lịch sinh thái Rạng Đông thuộc địa bàn huyện Nghĩa Hưng, gồm 2 tàu mang biển kiểm soát Nam Định; 1 tàu mang biển kiểm soát Hải Dương, 1 mang biển kiểm soát Bắc Ninh.
Thời điểm bắt giữ, vị trí các tàu hút cát thực hiện việc hút trộm cát cách kè biển bảo vệ khu du lịch sinh thái Rạng Đông chỉ khoảng vài trăm mét và nằm ngoài khu vực mỏ cát được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác cát.
Trên Báo Tin tức (Thông Tấn xã Việt Nam) ngày 19/3/2019, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng khi đó là ông Sái Hồng Thanh (nay là Bí thư Huyện uỷ Nghĩa Hưng) cho biết: công trình dài hơn 2km có nhiệm vụ bảo vệ khu du lịch tránh khỏi tình trạng sạt lở, xói mòn.
Đây là một trong những hạng mục thuộc dự án kè lấn biển, hạ tầng kinh tế biển nằm ngoài đê biển huyện Nghĩa Hưng do UBND huyện Nghĩa Hưng làm chủ đầu tư. Dự án được triển khai từ năm 2012 – 2014 với tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng – nguồn kinh phí Trung ương.


Tàu hút cát biển của công ty Sông Đà – Hà Nội nhìn từ khu vực kè sạt lở vào sáng ngày 15/3.
“Sau khi hoàn thành, dù đã trải qua nhiều cơn bão mạnh, sóng lớn kết hợp với triều cường dâng cao song bờ kè khu du lịch sinh thái Rạng Đông vẫn đứng vững” – Báo Tin tức đề dẫn.
Điều đáng nói, Khu du lịch Rạng Đông thuộc Khu Dự trữ sinh quyển ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng. Nơi đây là bến đỗ của hàng trăm loài chim quý di cư, chim nước, với những cánh rừng ngập mặn, đầm lầy, bãi bồi ven biển và cửa sông rộng hàng trăm ha, nguồn lợi thủy sản phong phú, có giá trị kinh tế cao…

Bờ kè sạt lở thời điểm tháng 3/2023…

và thời điểm tháng 9/2021. Ảnh: Báo Tài nguyên Môi trường.
Năm 2005, UBND tỉnh Nam Định phê duyệt quy hoạch chi tiết khu du lịch Rạng Đông với tổng diện tích gần 200ha với tham vọng biến nơi này thành khu tắm biển, nghỉ dưỡng sinh thái hiện đại.
Tháng 8/2010, UBND tỉnh Nam Định phê duyệt Dự án “Đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế biển huyện Nghĩa Hưng” do UBND huyện Nghĩa Hưng làm chủ đầu tư, sau đó được điều chỉnh, mở rộng quy hoạch từ 200ha lên gần 1.000ha, mục tiêu là xây dựng nơi đây trở thành khu thương mại, du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng ven biển…
Vì sao UBND tỉnh Nam Định lại cấp phép 4 mỏ cát biển, vị trí liền trước khu vực được quy hoạch phát triển du lịch, nghỉ dưỡng ven biển – mà để bảo vệ khu vực này, địa phương phải chi 100 tỷ đồng xây dựng bờ kè chống xói lở (giờ đây đã bị xói lở!!!) cho khu sinh thái?
Bên trong Khu công nghiệp Dệt nhuộm Rạng Đông với tổng diện tích hơn 2.000ha, tỷ lệ san lấp mới được một phần rất nhỏ, nhu cầu sử dụng cát san lấp sẽ còn là rất lớn.
Tan tác rừng ngập mặn?
Trưa ngày 16/3, PV Báo Nông nghiệp Việt Nam tận mắt chứng kiến hai vòi hút như những con rồng khổng lồ hối hả hút cát san lấp mặt bằng xây dựng nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn (thuộc tổ hợp thép xanh Xuân Thiện Nam Định) – dự án vừa khởi công vào giữa tháng 11/2022.

Vòi hút cát để san lấp công trình xây dựng nhà máy cấu kiện bê tông đúc sẵn.
Điều đáng nói, những vạt rừng phòng hộ ven biển gần khu vực dự án đang xây dựng, đã bắt đầu toang hoác.
Dọc tuyến đê biển thuộc địa phận xã Nam Điền (huyện Nghĩa Hưng), những pano quảng bá lễ khởi công dự án vẫn còn treo trên các thân cột điện, dù mưa gió, bụi… đã làm những dòng chữ ố màu, bong tróc.

Hình ảnh tàu hút cát của Tập đoàn Xuân Thiện ngoài khu vực cửa sông





Cây cối tan hoang xung quanh khu vực tàu hút cát.
Mặt bằng của nhà máy kết cấu bê tông nằm ở ngoài đê biển, sát với cửa sông Đáy. Liền đó, vẫn còn tấm biển “Dự án trồng rừng ngập mặn – giảm nhẹ rủi ro thảm hoạ” do Hội chữ thập đỏ Đan Mạch – Nhật Bản tài trợ giai đoạn 1997 – 2015. Đây là dự án trồng rừng ngập mặn triển khai tại 16 xã ven biển thuộc 3 huyện Nghĩa Hưng – Giao Thuỷ – Hải Hậu. Diện tích rừng ngập mặn trồng mới, trồng dặm, trồng xen tại huyện Nghĩa Hưng là 2.001ha.
GS Đặng Hùng Võ: “Nếu là nhà máy chế biến kim loại đặt tại ven biển, đây là nguồn gây ô nhiễm và sẽ huỷ hoại nguồn sinh thái biển. Việt Nam đã chứng kiến thảm hoạ nhà máy thép Formosa tại Vũng Áng. Việc bố trí công nghiệp chế tạo kim loại ở đâu cần xem xét. Kinh nghiệm của Trung Quốc họ tổ chức nhà máy ở vùng Đông Bắc của họ, không đưa ra môi trường biển. Về nguyên tắc là không nên, thậm chí là không được tổ chức các cơ sở chế biến, chế tạo kim loại tại các vùng biển.
Trải hơn 20 năm, rừng ngập mặn đã bắt đầu khép tán, tạo thành một dải xanh rì ôm kín khu vực ngoài mép nước, bảo vệ cho vùng đầm bãi bên trong an toàn suốt bao năm qua.
Tuy nhiên, từ thời điểm dự án nhà máy cấu kiện bê tông triển khai san lấp mặt bằng, hai tàu hút cát nhập khẩu từ nước ngoài được Tập đoàn Xuân Thiện nhập về, làm nhiệm vụ hút cát.
Một lãnh đạo xã Nam Điền cho biết, việc bơm hút cát được tiến hành hơn một tháng qua. Đường ống hút cát kích cỡ lớn được nối dài nhiều km, từ tàu hút xối thẳng sát chân đê biển.

Dự án trồng rừng ngập mặn do Hội chữ thập đỏ Đan Mạch – Nhật Bản thực hiện tại Nghĩa Hưng.

Đứng từ trên đê nhìn xuống, một khoảng trống hoác ước vài trăm mét chiều rộng trắng xoá một màu nước. Hai bên vùng trống đó là màu xanh của rừng ngập mặn càng tạo nên sự tương phản.
Ông Nguyễn Văn Cương (hộ dân thuê đất đầm bãi trong Cồn Xanh để nuôi trồng thuỷ sản) cho biết: khu vực trống hoác đó trước kia là rừng ngập mặn của Dự án chữ thập đỏ. Từ khi có tàu hút cát san lấp, vạt rừng nói trên bỗng nhiên bị biến mất.
“Chúng tôi ăn ngủ đầm bãi ngoài này bao nhiêu năm, chỗ nào có cây, chỗ nào không có cây chúng tôi đều thuộc. Khu vực tiếp giáp cửa sông nơi có tàu hút, tôi khẳng định là rừng ngập mặn đã bị phá huỷ” – ông Cương cho hay.
Theo ông Cương, phần diện tích rừng ngập mặn “bị biến mất” khoảng 2ha. Cây bị nhổ bỏ lên, thuỷ triều cuốn đi, dễ dàng xoá dấu tích.
Chứng thực những lời ông Cương khẳng định, khu vực ngoài cửa sông, những đám cây chưa bị sóng cuốn vẫn còn lập lờ trên mặt nước. Kế bên là chiếc tàu hút cát công suất “khủng” vẫn miệt mài làm việc.
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nam Định cho biết, chủ đầu tư cam kết không xâm hại đến bất kỳ một cây nào trong rừng phòng hộ; cam kết tuyệt đối bảo vệ môi trường biển. Dự án của Tập đoàn Xuân Thiện cũng không lấy 1m2 rừng phòng hộ.
Tuy nhiên, khi tiếp nhận thông tin phản ánh của PV, lãnh đạo Kiểm lâm Nam Định cho biết “sẽ thành lập tổ công tác đi thực tế, kiểm tra xử lý ngay lập tức”.
Với những gì đang đe doạ môi trường sinh thái biển, câu trả lời cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng tỉnh Nam Định!
“Quy hoạch phải dài hạn, tối kỵ huỷ bỏ, điều chỉnh giữa chừng”
Một quy hoạch phải đảm bảo yêu cầu lâu dài cho những người thực hiện quy hoạch, để họ được hưởng lợi và yên tâm. Thay đổi quy hoạch xoành xoạch là một điều tối kỵ, không có nước nào làm như thế cả.
Việc điều chỉnh quy hoạch cần phải trả lời rõ các câu hỏi: vì sao thay đổi quy hoạch; trình tự thủ tục phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đó như thế nào; lợi ích của quy hoạch đó cho ai, vì lợi ích cho tư nhân hay là nhu cầu của cơ quan quản lý… Cần thời gian để phân tích chứ không thế nói điều chỉnh là điều chỉnh ngay được.
Ngoài ra, việc thay đổi mục tiêu từ phát triển kinh tế thuỷ sản, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản sang mục tiêu công nghiệp trong đó chấp thuận các dự án ngành nghề Dệt nhuộm; sản xuất cấu kiện bê tông; sản xuất thép quy mô lớn… tại khu vực ven biển đều hết sức nhạy cảm với môi trường.
Đối với việc lập quy hoạch ven biển càng phải hết sức thận trọng, bởi nó sẽ tác động lên môi trường biển. Việt Nam đã có cam kết là bảo vệ, giữ cho môi trường biển trong sạch.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT
Bạn đang đọc bài viết Nam Định quyết tâm ‘đổi thuỷ sản lấy công nghiệp’ [Bài 4]: Biển đã bị xâm hại! tại chuyên mục Điều tra theo thư bạn đọc của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Viber: 0369024447.
Kiên Trung – Huy Bình