TTO – Vì những lý do khác nhau, họ đã phải trả giá bằng một phần cuộc đời mình trong tù giam. Cái giá phải trả quá đắt cùng vết đen tù tội trong lý lịch có hạ gục họ trong hành trình đứng dậy và làm lại cuộc đời?
Xưởng mộc ở Hóc Môn của anh Hùng hiện có 13 nhân công, thu nhập từ 9-12 triệu đồng/tháng – Ảnh: MY LĂNG
Sinh ra là một đứa trẻ không cha, 3 tuổi mẹ đi bước nữa. Ở với người cha dượng nát rượu, không được đi học, ngày ngày phải xuống biển xin cá. Tuổi thơ của Lê Thừa Hùng (còn gọi là Lê Thừa Dương Hùng) là chuỗi ngày cay nghiệt với những trận đòn, xỉ vả và sự ghẻ lạnh.
Ra tù mà không có việc làm rất dễ bị cám dỗ, nhưng tôi kiên quyết không đi lại con đường cũ
LÊ THỪA HÙNG
Tuổi thơ hung bạo
8 tuổi, Hùng bỏ nhà đi tìm cha rồi bắt đầu cuộc sống đầu đường xó chợ ở bến xe Đông Ba, ga tàu Huế. Ở được hai năm, nhớ mẹ, thương em, Hùng quay về nhà.
“Mày có ngon thì đi đi! Loại con hoang như mày chỉ có đi ăn cướp mà sống chứ không làm được gì!” – câu nói đó của dượng ghẻ găm sâu vào tâm hồn đứa con nít 10 tuổi. Hùng bỏ nhà về lại giang hồ.
“Bị nhóm này đánh nhóm kia đánh, môi trường sống toàn đầu đường xó chợ, tôi hung bạo, lì lợm lúc nào không hay” – Lê Thừa Hùng, giờ đã 45 tuổi, nói.
Mới 12 tuổi, với biệt danh Hùng “sầu”, cậu được một đại ca thu nhận và sớm trở thành cánh tay đắc lực chuyên bảo kê, đòi nợ thuê.
Trong một lần bị tấn công, Hùng “sầu” đã chém đứt cánh tay và cắt một tai của đối thủ! Có lần đi đòi nợ một phụ nữ đang mang thai, bất chấp người phụ nữ đó quỳ lạy, Hùng “sầu” thẳng chân đạp vào bụng khiến người phụ nữ đó sẩy thai.
15 tuổi, Hùng “sầu” bị bắt vì tội cố ý gây thương tích, đi cưỡng bức lao động 18 tháng.
Cuối năm 1992, 19 tuổi, Hùng “sầu” lại bị bắt vì tội cố ý gây thương tích. Án 2 năm tù. Ở 21 ngày thì trốn trại, Hùng “sầu” bị truy nã toàn quốc, phải trốn qua Campuchia rồi sang Lào và quay về ngã tư An Sương năm 1995.
“Đầu năm 1997 tôi lại bị bắt. Trên đường từ Sài Gòn di lý ra Huế tôi tính trốn nhưng nghĩ: Mình đã trốn nhiều năm rồi còn bị bắt lại. Không lẽ cuộc đời mình cứ trốn chui trốn nhủi mãi? Chi bằng cải tạo cho tốt để ra tù rồi làm lại cuộc đời” – Hùng “sầu” suy nghĩ.
Bản án dành cho Hùng “sầu” là ba năm sáu tháng. Đầu năm 2000, nhờ thành tích cải tạo tốt, Hùng “sầu” được ra tù trước thời hạn.
Anh nói: “Ở trong tù tôi nghĩ nếu không hoàn lương thì trước sau gì cũng chết hoặc vô tù lại. Nhưng ra tù mà không có việc làm rất dễ bị cám dỗ nhưng tôi kiên quyết không đi lại con đường cũ”.
Gác kiếm giang hồ, anh Lê Thừa Hùng kiếm sống bằng nghề điêu khắc mộc và tìm bình yên trong từng bức tượng Phật được đôi tay khéo léo của anh tạo ra – Ảnh: MY LĂNG
Cai nghiện và hoàn lương
Để làm lại cuộc đời, trước tiên phải đoạn tuyệt với ma túy. Nghĩ vậy nên Hùng “sầu” đã nhốt mình trong phòng 22 ngày liền để tự cắt cơn nghiện. Ra khỏi phòng, Hùng “sầu” tìm tới các xưởng gỗ ở đường Cộng Hòa (Tân Bình) xin học nghề nhưng họ không nhận.
Hùng tìm đến một xưởng gỗ ở bến xe Tây Ninh, coi cách người ta làm để học lỏm. Rồi anh kiếm củi để đục. Thích gì đục đó: mã tấu, dao găm, súng, còng số 8… Cái nào khó lại đi dòm người ta làm. Cứ miệt mài, kiên trì, chín tháng sau Hùng “sầu” biết nghề.
Anh xin vào xưởng gỗ gần ngã tư An Sương. Sáu tháng sau, Hùng “sầu” được cất nhắc lên vị trí kỹ thuật trưởng. Trong ba năm sau đó, anh làm việc cật lực. Thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ… đều xin làm thêm. Tiết kiệm được 47 triệu đồng, anh bỏ việc, thuê mặt bằng để có chỗ giúp những người như mình.
“Mọi người nói tôi khùng, tiền đó để mua miếng đất hoặc căn nhà cấp 4 mà ở. Nhưng tôi quyết tâm không chỉ lo được cho mình mà còn lo được cho người khác. Tôi thuê mặt bằng ở đường Đặng Thúc Vịnh (Hóc Môn), mua gỗ, mua máy rồi về quê dắt sáu đứa hư hỏng và mới ra tù vô dạy nghề.
Trước xưởng tôi đề bảng: Dạy nghề miễn phí, ưu tiên trẻ mồ côi, tù tội về. Tôi không lấy học phí, nuôi ăn ở. Bảy thầy trò làm rồi từ đó nhân lên. Lúc đông người chật quá, tôi chuyển qua thuê bên đường Lê Lợi (xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn)” – anh Hùng nhớ lại.
Ray rứt vì những tội lỗi mình gây ra, tối nào Hùng cũng về chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn) sám hối. Sau nhiều ngày lo lắng, anh quyết định đi Bình Phước rồi về Huế tạ lỗi với gia đình những người từng bị anh gây đau thương để mong gột rửa phần nào tội lỗi đã gây ra.
Tháng 10-2005, khi thành lập Công ty điêu khắc mộc mỹ nghệ Dương Hùng, anh dành một vị trí trang trọng để đặt tượng Phật Quan Âm. Sáng nào anh cũng đốt nhang sám hối trước rồi mới bắt đầu một ngày làm việc.
Tháng 4-2006, Lê Thừa Hùng quy y, pháp danh Tịnh Tín. Anh tìm đến các đàn em khuyên họ quay đầu hoàn lương. Câu chuyện đặc biệt về Hùng “sầu” khiến trụ trì chùa Hoằng Pháp quyết định làm hẳn một CD Phật pháp nhiệm mầu về cuộc đời anh.
Tháng 10-2006, sau khi đĩa CD phát hành, nhiều đơn đặt hàng từ khắp nơi gửi đến. Nhiều cô gái đem lòng yêu thương Hùng “sầu”. Cũng từ đĩa CD đó, Hùng gặp được người phụ nữ sau này là vợ mình. Họ đã có một cậu con trai rất kháu khỉnh.
Bây giờ Lê Thừa Hùng đã là chủ ba cơ sở điêu khắc gỗ ở Sài Gòn, Bạc Liêu, Lâm Đồng với 96 nhân viên, trong đó có 25 học trò ở tù về. Nhiều cuộc đời hư hỏng, tù tội đến đây đã được anh truyền nghề miễn phí và có việc làm ổn định.
“Có thằng tên Tý, xưa đi tù hơn một năm. Nó phá lắm, giống như con ngựa không cương. Ở với tôi từ từ nó cũng dịu. Bây giờ nó là thằng ngoan nhất. Năm nay nó mới 20, 21 tuổi nhưng khá lắm, toàn làm đồ gỗ xuất đi Đài Loan. Nó mới mua nhà gần 2 tỉ đồng.
Rồi thằng Sơn ở quận 4 (TP.HCM) đi tù 14 năm. Bốn năm trước, nó lấy vợ nhưng không có người thân. Vợ chồng tôi đứng ra cưới vợ cho nó…” – anh Hùng không giấu được sự tự hào khi kể về những học trò của mình.
________________________________
Kỳ tới: Cuộc đời mới của một tử tù
***
7-12-2018
TT – 21 năm trước. Ngày 15-8-1997, Đặng Văn Thế (Mỹ Sơn, Đô Lương, Nghệ An) bị công an bắt khi cùng đồng phạm Nguyễn Tất Dũng chở thuê 20kg thuốc phiện ở huyện Tương Dương (Nghệ An).
Gần một năm sau, ngày 23-6-1998, ở tuổi 23, Đặng Văn Thế bị tòa tuyên án tử hình.
15 tháng sau, Dũng bị thi hành án tử còn Thế đến ngày 27-7-1999 được đề nghị tạm hoãn thi hành án để mở rộng điều tra.
“Khi anh Dũng bị thi hành án, tôi rất hoảng loạn. Lúc đó trại giam không kiên cố như sau này, có người bảo tôi trốn nhưng tôi không nghe. Tôi nghĩ thà ở trong này, một là chết hai là còn hy vọng được sống. Trốn trại, trước sau cũng bị bắt lại. Có trốn cũng không thể thoát cả đời được “, anh Thế nhớ lại.
Việc hoãn thi hành án kéo dài cho đến gần 11 năm sau, đầu năm 2009, thấy Thế cải tạo tốt, ông Nguyễn Duy Tỵ – Giám thị Trại giam Nghi Kim (Nghệ An) – làm văn bản báo cáo và đề nghị trình Chủ tịch nước xem xét ân giảm án cho anh.
Ngày 23-6-2009, sau đúng 11 năm trong phòng biệt giam, Đặng Văn Thế như được tái sinh khi được chủ tịch nước ân giảm án tử hình xuống án chung thân.
Sau đó, nhờ cải tạo rất tốt, Thế tiếp tục được giảm án nhiều lần nữa. Tháng 6-2016, anh ra tù.
Lúc vào tù, Đặng Văn Thế mới 22 tuổi. Khi trở về, anh đã 41 tuổi! Gần 20 năm ngồi tù với 11 năm biệt giam, khi trở về với cuộc sống bình thường, ngay cả nắp chai bia cũng không biết cách mở.
“Ngàn người ra tù may lắm chỉ 5 người làm lại được cuộc đời. Lúc mới về, có những người rủ tôi về “làm” với họ nhưng tôi nghĩ “làm” với họ trước sau cũng lại phải vào tù” – Thế nói.
Anh Đặng Văn Thế đang đánh giá thiệt hại một xe taxi của công ty sau tai nạn
Hôm từ trại giam về nhà, Thế gọi taxi của hãng Hồng Lạc. Anh hỏi trong công ty ai là người to nhất. Tài xế giới thiệu giám đốc. Giám đốc đưa Thế gặp Chủ tịch hội đồng quản trị đưa đề xuất mang taxi lên phát triển thị trường ở huyện Tương Dương và Kỳ Sơn vì đã từng sống ở đó, các cung đường, diện tích đường, khu vực ăn chơi…anh biết hết.
Chủ tịch hỏi: Đưa được bao nhiêu chiếc? Theo anh, giá thành bao nhiêu là hợp lý? Thế bảo: “chỉ cần năm, bảy chiếc và tính giá rẻ cho đồng bào miền núi”.
Sau lần tiếp xúc với Thế, công ty Lạc Hồng quyết định đưa xe lên huyện Kỳ Sơn và Tương Dương. Đó là thời điểm tháng 10-2016. Lúc đầu, công ty đưa được 7 taxi rồi sau lên đến 16 xe.
Hiện giờ tất cả 16 xe ở Tương Dương và Kỳ Sơn đều là xe thương quyền. Đó là hai trong số những nơi mà Lạc Hồng đưa được xe lên nhanh trong thời gian khá ngắn, nhờ góp ý của Đặng Văn Thế.
Khi đó, mọi người trong công ty vẫn chưa biết Thế là tử tù vừa rời khỏi trại giam. Cho đến khi Thế tổ chức đám cưới, tháng 3-2017, anh Nguyễn Công Nhã – Chủ tịch HĐQT đến dự và mới hay lai lịch của Thế. Dù vậy anh Nhã cũng giao cho Thế công việc mới: làm cán bộ thanh tra hiện trường. Đó là một vị trí ngoài sự mong đợi của Thế.
“Sau này Chủ tịch nói lại tôi mới biết anh ấy đã gặp khó khăn như thế nào khi quyết liệt bảo vệ tôi, nhận tôi vào làm. Hội đồng quản trị phản đối nhưng người ta phản đối là có cơ sở.
Tôi mới học hết lớp bốn, lai lịch tử tù. Nếu nhận tôi vào làm lái xe thì rất bình thường. Nhưng tôi lại được nhận vào làm cán bộ thanh tra hiện trường, một công việc có quyền lực”, anh Thế nói.
Nhắc lại câu chuyện này, anh Nguyễn Công Nhã kể: “Khi tôi nhận anh Thế vào làm, nhiều người phản đối. Tôi bảo, nếu mọi người đều suy nghĩ ích kỷ thì anh Thế sẽ không có cơ hội làm lại cuộc đời. Nếu ngoảnh mặt với anh ấy thì xã hội sẽ có thêm ít nhất một tép heroin. Nếu không cho anh ấy cơ hội tái hòa nhập cộng đồng thì con đường hoàn lương của họ là không thể”.
Kể về ấn tượng lần đầu tiên gặp Thế tại công ty, anh Nhã cho hay: “Anh ấy có vẻ không tự tin lắm nhưng tôi cảm nhận được khát khao chiến đấu của anh ấy rất lớn. Khi biết anh ấy là tử tù , tôi lại có cảm giác muốn cưu mang.
Điều tôi quý mến ở anh Thế là tinh thần chiến đấu rất cao, dám đối mặt và vượt qua quá khứ”.
Làm cán bộ thanh tra hiện trường là một thử thách với Đặng Văn Thế. Đó là công việc đòi hỏi sự trung thực, đương nhiên sẽ va chạm với nhiều người.
“Các xe khi xảy ra tai nạn, lái xe điện báo cho tôi, tôi đến xử lý. Tôi làm việc với bên thứ ba, bên công an, rồi đưa xe về sửa chữa, hoàn tất hồ sơ. Thanh tra hơn 500 lái xe trong quá trình làm việc có tiêu cực hay không, ăn mặc đúng quy định hay không, rồi thái độ phục vụ…
Anh Đặng Văn Thế (đứng) phát biểu trong một cuộc họp cán bộ, nhân viên Gara Hyundai Lạc Hồng
Cán bộ nào, lái xe nào làm không đúng nếu trong tầm thì tôi xử phạt, vượt tầm thì báo cáo cấp trên. Làm mà hoàn thành nhiệm vụ thì phải động chạm. Mà không hoàn thành thì không xứng đáng với niềm tin của anh Nhã.
Nhiều lúc khó khăn quá, tôi luôn nhớ đến câu nói của Nhã: Em không cần anh phải chứng minh năng lực cũng như sự chân thành với em mà anh phải chứng minh cho mọi người thấy quyết định nhận anh vào làm của em là đúng. Vì câu nói đó, trong quá trình làm việc tôi cố gắng rất nhiều” – anh Thế nhớ lại.
Cuối năm 2017, nỗ lực của anh đã được Ban giám đốc và Hội đồng quản trị công ty ghi nhận, tặng giấy khen.
Hiện nay, Thế vừa làm cán bộ thanh tra hiện trường vừa làm mảng dịch vụ của Gara Hyundai Lạc Hồng tại thị trấn Đô Lương. Anh vừa nhận quyết định bổ nhiệm vị trí Trưởng phòng kinh doanh ở đây.
“Anh Thế rất nỗ lực cống hiến. Bây giờ ở công ty ai cũng nhìn vào anh Thế mà tự hào và phấn đấu” – chủ tịch HĐQT Công ty Lạc Hồng nói.
Bằng khen của Công ty Lạc Hồng dành cho anh Thế năm 2017 đã khẳng định phần nào nỗ lực của Thế
Đặng Văn Thế giờ có một công việc nhiều triển vọng, một gia đình yên ấm với người vợ nhỏ hơn anh chín tuổi.
Anh tâm sự: “11 năm biệt giam, bị cùm chân, là hơn 4.000 đêm chịu đựng cảm giác thấp thỏm, cô đơn, hoảng loạn đợi người đến đưa mình đi thi hành án tử, giờ nghĩ lại vẫn còn rùng mình.
Sai lầm của tuổi trẻ và những trải nghiệm khủng khiếp đó luôn nhắc tôi phải luôn sống tốt, sống đàng hoàng và xứng đáng với những người tốt đã giúp đỡ, thương yêu tôi”.
Nội dung: MY LĂNG
Hình ảnh: MY LĂNG
Thiết kế: KIỀU NHI
Concept: BẢO SUZU
***
09/12/2018 11:06 GMT+7
Ra tù làm lại cuộc đời – kỳ 3: Vượt qua tuổi teen tù tội
MY LĂNG
TTO – 16 tuổi, một nữ sinh chủ mưu vụ giết người, lãnh án tù 8 năm. 18 tuổi, chỉ vì ăn trộm một con chó, một nam sinh khác phải chịu giam mình sau song sắt. Nhưng nghị lực đã giúp họ vượt qua nghịch cảnh để lấy bằng đại học.
L. hiện thuê mặt bằng mở một quán cà phê nhỏ, vừa làm chủ vừa làm nhân viên phục vụ – Ảnh: MY LĂNG
Do lý lịch tù tội nên em xin việc rất khó khăn. Khoảng thời gian ở tù như vết mực đen trên tờ giấy trắng của cuộc đời em khiến thâm tâm em không bao giờ được thanh thản
L.
Tuổi 16 với bản án giết người
Năm 2006. Đang học lớp 10, L. ở trọ để đi học. Cô nữ sinh xinh xắn, ngây thơ cảm động khi được bà chủ nhà trọ hào phóng dẫn đi mua quần áo tặng.
“Mới ở được mấy ngày, đến ngày thứ ba bà chủ nhà nói có một người đàn ông thành đạt thích em, muốn qua đêm với em… Em không đồng ý. Bà chủ nhà uy hiếp, bảo em phải gặp người đó vì người ta có máu mặt.
Em vẫn không đồng ý. Bà ấy bắt em phải trả lại tiền quần áo. Em không có tiền, xin nợ. Bà ấy nói nếu không trả ngay sẽ nói cho bố mẹ, bạn bè em biết chuyện nợ tiền. Chỉ có mấy trăm nghìn đồng thôi nhưng em sợ” – L. kể.
Sáng hôm sau, L. kể với H., một người bạn thân, và nhờ H. đánh dằn mặt người đàn ông kia. Người đàn ông đó làm ngân hàng, đã có gia đình.
“H. nói em cứ giả vờ đồng ý đi với ông ta rồi H. sẽ đến đánh dằn mặt cho chừa thói trăng hoa. Buổi trưa đi học về em nói với chủ nhà trọ là đồng ý sự sắp xếp của bà ấy. Tối đó người ta đến, em sợ lắm. Em rót nước mời rồi bảo chú ngồi đây cháu ra đóng cổng.
Em ra gọi H., không ngờ H. rủ cả nhóm bạn thân đến xông vào đánh. Lúc thấy chú ấy nằm im, em hỏi: Chú ơi chú có làm sao không? Chú ấy cứ nằm thở, không nói được gì.
Đánh xong đứa nào cũng sợ. Bọn em bàn với nhau nếu bị bắt thì một trong năm đứa sẽ nhận tội thay để bốn đứa còn lại ngày mai vẫn đi học bình thường” – L. kể.
Giọt nước mắt trên gương mặt L. lại rơi xuống. Cô nghẹn giọng kể: “Tầm 2h sáng, bọn em bị bắt. Khi bị bắt vẫn còn ngơ ngác. Thậm chí bọn em không nghĩ đánh như vậy có thể làm người ta chết.
Lên công an thị xã mới biết ông ấy đã chết. Em khai mình là chủ mưu nhưng các bạn cũng nhận tội. Tụi em bị xử hai lần. Lần thứ hai tất cả đều bị tăng án. Em bị án 8 năm. Em hối hận lắm, vì mình mà các bạn mất hết tương lai”.
Khi vào trại giam Tân Lập (Phú Thọ), L. là phạm nhân nhỏ tuổi nhất.
“Em vào trại mấy ngày thì bố tự tử. Chắc do bố bị sốc tinh thần. Lúc đó nhà em chẳng còn ai. Mẹ thì đi lao động ở nước ngoài. Em trai mới 3 tuổi. Khi cứu được bố thì bố không nhận ra ai nữa, phải đi điều trị tâm thần một năm…”.
Trong thời gian bị tù, L. nói bố mang sách vào trại giam để ôn kiến thức. Ngày 30-8-2010, L. được tự do nhờ giảm án. Việc đầu tiên cô bé làm là đi xin học lại. Hai trường đầu tiên đều từ chối. Phải đến ngôi trường thứ ba L. mới được nhận.
Biết L. vừa đi tù về, bạn học nhìn L. lạnh lùng, xa lánh. “Em cố gắng học, một tuần đầu học không theo kịp. Nhưng đến khi thi thử tốt nghiệp, điểm em cao thứ hai toàn trường” – L. nói.
Khi học xong cấp III, L. thi đậu Đại học Thái Nguyên. Khi các bạn cùng trang lứa tốt nghiệp đại học thì mới là lúc L. bước chân vào giảng đường. Tốt nghiệp năm 2016, cô không đi làm mà muốn tự mình kinh doanh.
Hiện L. đã có chồng và cùng chồng mở quán cà phê nhỏ ở một tỉnh miền núi. Cuộc sống cứ thế bình lặng trôi qua.
Cô nói với tôi: “Em không nghĩ hậu quả còn đến tận bây giờ. Do lý lịch tù tội nên em xin việc rất khó khăn. Khoảng thời gian ở tù như vết mực đen trên tờ giấy trắng của cuộc đời em khiến thâm tâm em không bao giờ được thanh thản”.
L. pha chế cà phê cho khách – Ảnh: MY LĂNG
Cái giá khi trộm một con chó
15 năm trước, tháng 8-2003, Phan Đăng Khoa, 18 tuổi, vừa học cấp III xong.
“Tôi nhớ rất rõ đêm đó là 31-8-2003, một người bạn rủ đi trộm chó. Hai đứa cầm gậy sang xã bên bắt được một con. Đang chạy thì xe chết máy. Con chó tỉnh dậy kêu lên. Dân làng ùa ra. Khoa và người bạn bị bắt lên công an xã”, Khoa nhớ lại.
“Khi tòa tuyên án 18 tháng tù giam tội trộm cắp tài sản, tôi suy sụp lắm, quay xuống dưới tìm bố. Bố nhìn tôi, ánh mắt thất vọng, cùng quẫn, bất lực”. Phan Đăng Khoa thụ án ở trại giam Phủ Đức (Phú Thọ).
“Khi cầm trên tay bộ quần áo phạm nhân, tôi cảm thấy cuộc đời như chấm dứt. Những ngày đầu trong trại giam, tôi hoảng loạn, ngày nào cũng bị đại ca, đại bàng hành hạ” – Khoa kể.
Sau một năm ở tù, Phan Đăng Khoa được trả tự do. Lúc đó Khoa chưa nghĩ đến chuyện thi đại học mà chỉ nghĩ phải kiếm việc làm. Làm công nhân cũng được nhưng bố mẹ không muốn cậu ở gần nhà mà phải đi đâu đó thật xa để khỏi bị mọi người bàn tán, dị nghị.
Mười ngày sau khi ra tù, Khoa vào Sài Gòn xin làm nhân viên bán hàng cho Trung tâm điện máy Chợ Lớn. Làm hơn một năm, Khoa lên vị trí giám sát bán hàng rồi lên quản lý bán hàng.
“Tôi là một trong những người trẻ nhất lên vị trí đó ở Điện máy Chợ Lớn nhưng làm được sáu tháng, tôi nghỉ việc vì nhớ câu nói của bố mẹ: phải lấy bằng đại học mới rửa được cái điều tiếng ở quê. Thế là tôi thi đại học, phần cũng muốn sau này sẽ có công việc tốt hơn”.
Gần bốn năm sau khi ra tù, Khoa ôn thi đại học. Năm 2008, Phan Đăng Khoa thi đậu Đại học Bưu chính viễn thông. Vốn có máu kinh doanh, Khoa tập tành kinh doanh từ khi học năm nhất đại học.
Rồi Khoa về làm Nhóm Mua – một website mua sắm trực tuyến giá rẻ. Một năm sau Khoa lại rời Nhóm Mua, mở công ty môi giới bất động sản. Đó là năm thứ ba đại học.
“Những năm đó làm khiếp lắm. Một đêm chỉ ngủ 3-4 tiếng. Khi bước chân vào Sài Gòn, tôi chỉ nghĩ về tương lai, không nghĩ về quá khứ nữa” – Khoa nói.
Có thể sai lầm là may mắn
Năm 2012 Phan Đăng Khoa tốt nghiệp đại học. Làm việc, học hành, mưu sinh ở Sài Gòn bảy năm, cuối cùng Khoa lại về Phú Thọ làm nhân viên thi công cáp cho một công ty và hiện đang nhận công trình riêng làm về đo đạc. Khoa đã lập gia đình, có con cái.
“Thời gian ở tù đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của mình. Sau này đi học, đi làm, tôi không dám làm láo ăn thật. Có lúc tôi nghĩ có thể sai lầm đó lại là một may mắn cho mình”.
_______________________
Kỳ tới: Bắt đầu ở tuổi 42
***
10/12/2018 11:57 GMT+7
Ra tù làm lại cuộc đời – kỳ 4: Bắt đầu ở tuổi 42
MY LĂNG
TTO – Cha là cán bộ lão thành cách mạng, em trai là cán bộ công an, bản thân tốt nghiệp một trường đại học hàng đầu Việt Nam, có công việc tốt nhưng hai lần liên quan đến lao lý, tù tội. 42 tuổi ra tù, người đàn ông ấy phải bắt đầu làm lại từ đầu.
Gia đình hạnh phúc hiện nay của anh Hoàng Tú Mai – Ảnh: MY LĂNG
Tôi không còn mơ tưởng chuyện làm giàu bất chính. Cứ làm ăn lương thiện cho nó lành. Nghĩ đến cảnh tù tội, rồi lúc mới ra tù về là thấy sợ.
21 năm trước. Năm 30 tuổi, Hoàng Tú Mai có một công việc ổn định ở Sở Địa chính TP.HCM. Khi đó, anh đang học Đại học Luật sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP.HCM.
Cánh cửa tương lai đóng sập với người đàn ông này khi anh bị bắt vì làm giả số công văn liên quan đến việc hợp thức hóa lô đất hơn 1.000m2.
Gia đình tan nát. Vợ bỏ. Con gái mới 2 tuổi. Hoàng Tú Mai đi tù 2 năm rồi về.
Năm 35 tuổi, là giám đốc một công ty chuyên cung cấp cừ tràm cho các công trình xây dựng, Mai lại bị bắt vì liên quan đến một vụ buôn bán 6.000 viên ma túy tổng hợp. Mai không nhận tội. Tòa xử án 10 năm.
Ngày Mai bị bắt, người em trai ruột làm công an ở Hà Nội vào, đón con gái anh ra Hà Nội nuôi. Toàn bộ tài sản, nhà cửa, xe cộ, công ty Mai bán hết để lo lót nhưng vẫn bị tù.
Vì cải tạo tốt, Mai được giảm án. Ngày 3-10-2009, anh được ra tù.
“Lúc tôi về một tháng thì trại giam Z30D gọi vào làm sổ sách thống kê, thi đua cho trại. Làm được hai tuần, nhớ con quá, tôi xin nghỉ. Nếu không có con gái, tôi đã ở luôn trong trại giam làm việc chứ không muốn quay ra ngoài đời nữa.
Ở lâu trong tù, quen với môi trường trong đó. Bước ra đời tôi bị mất phương hướng vật lý, không biết đi hướng nào, đường nào” – anh Mai kể.
Rồi Mai vào Sài Gòn làm lại cuộc đời. Lúc đầu, anh tìm đến những người làm ăn ngày xưa thiếu tiền anh nhưng đều bị tránh mặt.
“Họ nghĩ mình đi tù rồi là mất – anh nói – Sáu tháng mới ra tù là khoảng thời gian vô cùng khó khăn. Đi xin việc gì cũng khó. Không có giấy tờ. Không có chứng minh. Người ta cứ nhìn mình kiểu rất sợ hoặc nghi ngại.
Nói dối thì không nói được. Mà nói thật thì người ta không dám nhận. Tôi chỉ dám xin việc phổ thông thôi. Cứ có việc gì thì làm việc đó, từ rửa chén bát, làm gà làm vịt”.
Hoàng Tú Mai (trái) và một người bạn tù khi còn trong trại giam Z30D – Ảnh: NVCC
Gầy dựng lại từ con số không
Một thời gian sau, Mai xuống Vũng Tàu xin làm bốc vác. Làm một thời gian, nghe người ta nói sao anh giống một người ngày xưa bị truy nã quá nên anh xin nghỉ. Tiền thì cạn kiệt.
“Tôi đã nghĩ đến chuyện làm liều, cướp của hoặc trộm xe, bắt cóc, lừa đảo. Nhưng tôi giật mình, nghĩ mình còn con cái, còn bố. Thế là tôi tự động viên mình cố gắng chịu đựng, vượt qua” – anh Mai nhớ lại.
Nhờ bà lượm ve chai, Mai chuyển sang lượm phế liệu. Anh mua một cục nam châm ra đường phố để hút bụi sắt, rất nhiều bụi sắt. Có ngày được bảy, tám ký. Cũng có ngày mười mấy ký. Mỗi ký bụi sắt bán được 13.000-18.000 đồng.
Nhưng rồi bụi sắt cũng hết. Anh vào một bãi than ở phường Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân, TP.HCM) xin làm bốc vác.
Sau một thời gian, ông chủ thấy Mai tính toán nhanh, cho lên văn phòng làm sổ sách. Nhờ sự nhanh nhạy, Mai còn tìm thêm được nhiều khách hàng về cho chủ. Anh được chia 3% lợi nhuận, rồi 1% trên tổng doanh thu.
Sau đó, anh tách ra làm riêng, thuê bãi và nhập hàng về. Từ một rồi dần dần anh có hai bãi thuê bán than đá với diện tích gần 1.000m2.
Năm 2011, anh gặp may mắn lớn với phi vụ nhập 6.000 tấn than đá. Chỉ sau tám tiếng đồng hồ, giá than lên hơn gấp đôi! Sau phi vụ đó, anh trích tiền mua 1,4ha đất ở Mũi Né với giá chỉ 450 triệu đồng.
“Mảnh đất đó có mỏ titan trữ lượng thô chiếm 45%. Bây giờ người ta mua tại chỗ giá 2,2 triệu đồng một khối” – anh Mai cho biết.
Năm 2013, giá than lên rất cao, giá dầu lửa cũng lên vùn vụt, nhiều nhà máy chuyển sang dùng các nhiên liệu hữu cơ như trấu, mùn cưa. Hoàng Tú Mai đầu tư mua bốn máy sản xuất củi trấu, đặt nhà máy ở Thạnh Hóa (Long An).
Một thời gian sau, thiếu nguyên liệu, anh dời nhà máy lên Tây Ninh. Đến cuối năm 2014, nguồn nguyên liệu trấu cũng hết, anh đầu tư một nhà máy sản xuất ở Bình Dương, chuyển qua sản xuất củi mùn cưa và củi bã mía.
Anh bảo: “Tôi không còn mơ tưởng chuyện làm giàu bất chính. Cứ làm ăn lương thiện cho nó lành. Nghĩ đến cảnh tù tội, rồi lúc mới ra tù về là thấy sợ. Lúc mới ra tù, để hòa nhập được với cuộc sống vô cùng khó khăn, nhiều thử thách.
Lúc nào tôi cũng sợ người ta biết mình đi tù về. Khi biết rồi người ta lạnh lùng lắm. Tôi về đây từ năm 2011 đến 2015 người ta mới biết. Giờ bà con ở đây ai cũng biết hết rồi”.
Ở tuổi 51, người đàn ông tù tội trắng tay năm nào giờ đã có mấy căn nhà, vài mảnh đất, có xe hơi.
“50 tuổi tôi mới đi đăng ký kết hôn lần đầu dù từng có đến ba người vợ. Tình duyên tôi trắc trở lắm. Nhưng cuộc sống giờ nhẹ nhàng rồi. Đi làm xong về với vợ con, chơi với gà vịt, chăm hoa” – anh nói.
Người vợ hiện tại của anh, chị Phan Châu Liễu Phụng – cô gái trẻ, tài giỏi – chấp nhận quá khứ của Mai và luôn tôn trọng chồng. Hai người gặp nhau năm 2013 và làm đám cưới ba năm sau đó. Họ đã có hai đứa con bụ bẫm.
Để làm lại cuộc đời, 42 tuổi cũng chưa là quá muộn nếu có quyết tâm và trì chí như Hoàng Tú Mai.
Thấy Hoàng Tú Mai (trái) đang bốc vác hàng, ít ai biết anh là một ông chủ có trong tay tiền tỉ – Ảnh: NVCC
Người ra tù sợ thủ tục hành chính
Hoàng Tú Mai cho biết: “Khó khăn nhất của một người ra tù là thủ tục hành chính. Tôi phải sáu lần ra Đà Nẵng làm thủ tục giấy tờ. Lần thứ năm tôi gặp ông Nguyễn Bá Thanh. Ông Nguyễn Bá Thanh cấp cho tôi một căn chung cư.
Ông Thanh nói: Tôi sẽ hỗ trợ những người hoàn lương như cậu. Nhưng nếu trong ba năm cậu mà vi phạm, tôi sẽ lấy lại tất cả. Ông Thanh nói sẽ cấp cho một tháng 3 triệu đồng, nhưng tôi không nhận vì nghĩ mình đàn ông sức dài vai rộng, đi kiếm tiền được.
Ông Thanh cấp nhà cho tôi nhưng cũng là cấp cho ba tôi. Ba tôi tham gia cách mạng từ năm 1941, chống Pháp rồi chống Mỹ”.
Kỳ tới: Thoát khỏi ký ức ma túy và án tử hình
***
11/12/2018 11:08 GMT+7
Ra tù làm lại cuộc đời – kỳ 5: Ký ức ma túy và án tử hình
MY LĂNG
TTO – Cứ khoảng 4h sáng, nghe tiếng xe ì ì dưới sân, nghe tiếng cạch mở cửa cầu thang hành lang, cả phòng tù mặt cắt không còn giọt máu. Họ mở cửa phòng nào thì tử tù trong phòng đó như chết lâm sàng hết. Tôi sống như thế suốt sáu tháng trời…
Ông Nguyễn Xuân Bàn với niềm vui bên vườn cây giống
Bây giờ tôi không giàu có gì nhưng tôi hài lòng. Tôi không còn mộng làm giàu bằng mọi giá nữa. Tôi đã vượt qua cám dỗ vì nhớ đến những cán bộ rất tốt ở trại giam Thủ Đức.
NGUYỄN XUÂN BÀN
Năm 1992, Nguyễn Xuân Bàn – một cán bộ của Công ty quốc doanh vật tư Thuận Châu ở xã Tông Lạnh (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) – được một người bạn rủ góp vốn mua… ma túy vào Sài Gòn bán.
Những đêm thức chờ chết
“Người ta vẽ ra viễn cảnh rất ngon lành, lời rất cao. Mà tôi có biết ma túy tác hại lớn thế nào đâu. Lúc đó công ty tôi làm đang gặp khó khăn, cả năm trời cán bộ nhân viên không có việc làm. Nghe thấy bạn nói bán ma túy lời nhiều là xuôi tai, gom hết tiền dành dụm góp được 15 triệu.
Lúc đó một cây vàng chỉ hơn 3 triệu đồng. Chúng tôi mua 6 bánh heroin tương đương 2,1kg, mang vào Sài Gòn bán” – ông Nguyễn Xuân Bàn, hiện 63 tuổi, nhớ lại.
Khi vào Sài Gòn, người bạn cũng không có mối bán, phải nhờ người nhà đi tìm… khách hàng.
Ông Bàn kể: “Đi bán ma túy không thể gặp ai cũng hỏi có mua ma túy không. Tìm mãi không được, hai anh em đem về. Đến đường Hai Bà Trưng gần chợ Tân Định (Q.1) thì bị bắt”.
Tháng 7-1993, Nguyễn Xuân Bàn bị tuyên án chung thân, còn người bạn án tử hình. Gần ba năm sau, tháng 3-1996, vụ án được đưa ra xử lại. Lần này, Nguyễn Xuân Bàn bị tuyên mức án cao nhất: tử hình.
“Tôi nghe tòa tuyên án, mắt mờ đi, chân khuỵu xuống, sợ đến không nói được, ngọng luôn. Mồ hôi ra như tắm, ướt hết bộ quần áo. Lúc đó mới biết sợ toát mồ hôi là gì. Hai anh công an phải xốc nách lôi lên xe vì tôi không bước nổi” – ông Bàn kể.
Về trại Chí Hòa, Nguyễn Xuân Bàn bị đưa vào khu biệt giam dành cho tử tù, bắt đầu những tháng ngày đáng sợ nhất trong cuộc đời mình. Khu biệt giam có 32 tử tù. “Tử tù chỉ ngủ ban ngày, đêm không dám ngủ, thức chờ xem trong đêm đó có phải đến lượt mình bị đưa đi bắn hay không.
Cứ khoảng 4h sáng, nghe tiếng xe ì ì dưới sân, nghe tiếng cạch mở cửa cầu thang hành lang, cả phòng tù mặt cắt không còn giọt máu. Không ai động chân động tay mà nín thở vểnh tai ra cửa nghe để chờ xem bước chân của bóng áo rằn ri của người thi hành án dừng ở phòng nào.
Khi họ mở cửa phòng nào thì tử tù trong phòng đó hầu như chết lâm sàng hết. Tôi sống như thế suốt sáu tháng trời, trong tâm trạng nơm nớp lo sợ đêm nay mình có bị đem bắn hay không”.
Tử tù Nguyễn Xuân Bàn ở cùng phòng với ba phạm nhân: một hiếp dâm và hai giết người. Tháng thứ ba, phạm giết người bị tử hình. Tháng thứ năm, thi hành án phạm hiếp dâm.
“Đêm đó cửa mở, hơn chục cán bộ công an tràn vào trong phòng. Tôi tưởng đến lượt mình, mặt tái mét. Một anh công an nói: Không phải anh, người kia, rồi chỉ sang Nguyễn Duy Linh.
Khi cán bộ đọc quyết định thi hành án, Linh không đứng nổi, hai anh công an phải đến xốc nách. Cán bộ hỏi: Anh có súc miệng, rửa mặt không? Nó không phản ứng gì. Người ta phải lay lay nó, nói: Anh phải đi thi hành án, rõ chưa? Bây giờ anh có rửa mặt không?
Nó gật một cái. Người ta đưa ca nước cho nó nhưng nó không cầm được, nước đổ lênh láng. Một người đưa bàn chải đánh răng, nó toàn đánh bên ngoài má” – ông Bàn kể.
14h chiều ngày 12-9-1996 là một ngày không thể nào quên với tử tù Nguyễn Xuân Bàn. “Tôi đang ngủ, có người lay bảo dậy dậy, giật mình nhìn ra thấy kín một phòng 20 người mặc quân phục chỉnh tề, đứng một hàng dọc bờ tường.
Tôi toát mồ hôi lạnh. Nhưng nhìn ra cửa thấy sáng rực nghĩ sao lại bắn mình vào buổi trưa. Anh cán bộ bảo: Anh mặc quần áo, đứng dậy nghe chúng tôi công bố quyết định. Họ đưa cho tôi quần áo dài vì tử tù chỉ mặc quần xà lỏn.
Tôi nghe loáng thoáng là công bố quyết định ân giảm án tử hình xuống chung thân, nghe câu được câu chăng vì niềm vui đến quá bất ngờ nên tôi lịm đi. Ông cán bộ trưởng khu hỏi: Anh có nghe được gì không?
– Tôi nghe câu được câu chăng.
– Anh bình tĩnh nhé. Giờ tôi đọc lại quyết định tha tội chết của Chủ tịch nước. Anh không phải chết nữa”.
Trong 32 tử tù ở khu biệt giam của trại giam Chí Hòa, chỉ có Nguyễn Xuân Bàn được giảm án xuống chung thân. Một tuần sau, ông được chuyển lên trại giam Z30D, còn gọi là trại giam Thủ Đức.
Ông Bàn và các công nhân người dân tộc thiểu số làm việc cho vườn ươm giống của ông
Phép thử ở tuổi 54
Ở tù đến năm thứ 11 (năm 2003), ông Bàn được giảm từ án chung thân xuống 20 năm. Nhờ cải tạo tốt, có nhiều đóng góp, ông tiếp tục nhiều lần được giảm án. Đến năm 2008, sau gần 16 năm trong tù, Nguyễn Xuân Bàn được tự do.
Vào tù năm 36 tuổi, ra tù năm 52 tuổi, đầu hai thứ tóc.
Năm đầu tiên sau khi ra tù, ông không biết làm gì.
“Làm gì cũng phải có tiền, phải vay mượn, mà mới ra tù, ai dám cho mượn. Đang lúc nợ nần, khó khăn thì một người bạn tù quê Hải Dương, ở cùng trại giam Thủ Đức ra sau tôi hai năm, đến rủ buôn bán, vận chuyển ma túy.
Tôi đã thức trắng đêm đấu tranh: làm hay không làm? Nếu làm, trót lọt thì sẽ trả được hết nợ mà biết đâu còn dư được ít tiền làm ăn. Một tuần sau, tôi trả lời dứt khoát: không làm! Sáu tháng sau người đó bị bắt” – ông Bàn kể.
Sau khi tìm hiểu, tính toán đủ thứ, cuối cùng ông mượn 400m2 đất ươm cây cà phê giống.
“Năm đầu lãi 5 triệu đồng, năm thứ hai lãi 25 triệu đồng. Đến năm thứ ba, tôi ươm thêm cây trồng rừng, lãi 70 triệu đồng. Năm thứ tư vay 200 triệu mở rộng diện tích và đa dạng thêm cây trồng thì lời 100 triệu đồng.
Những năm gần đây, mỗi năm lời 150 triệu đồng. Tôi đang cung cấp cây giống táo mèo, thông, keo phục vụ dự án trồng rừng của huyện và cây cà phê phục vụ nhu cầu của dân. Tôi định ươm thêm cây ăn quả, mở hợp tác xã” – ông Bàn cho biết.
Trưởng ban quản lý chợ Tông Lạnh Nguyễn Xuân Bàn thường xuyên đi kiểm tra chợ và thăm hỏi bà con tiểu thương
Được tín nhiệm
Hiện nay, mỗi năm vườn ươm của ông Bàn cung cấp 500.000 cây giống các loại, trong đó có cây cà phê, tạo công ăn việc làm cho 10 nhân công. “Làm gì cũng phải chuyên tâm, chuyên nghiệp, chuyên cần và phải đặt chữ tín, chữ tâm lên hàng đầu” – ông Bàn nói.
Hiện ông đang làm trưởng ban quản lý chợ Tông Lạnh, trưởng ban công tác mặt trận tiểu khu 1 (xã Tông Lạnh).
Đặc biệt, dù đã lên chức ông nội, ông ngoại, ông Bàn vẫn được tín nhiệm bầu làm hội trưởng hội phụ huynh cả hai trường cấp I và cấp III Tông Lạnh.
Kỳ tới: Từ tội phạm thành nhân viên công lực
***
12/12/2018 10:05 GMT+7
Ra tù làm lại cuộc đời – kỳ 6: Từ người phạm tội đến… công an viên
MY LĂNG
TTO – Vào tù vì một cây mía. Ra tù, hàng xóm nhiều người lạnh nhạt, ác cảm, gia đình xơ xác, con dị tật đau ốm. Nhưng đến nay Cừ đã 14 năm là công an viên của xã và còn được bằng khen của Công an tỉnh Hòa Bình.
Bùi Văn Cừ (phải) và anh Bùi Duy Tiên – người đã đề xuất anh làm công an xã 14 năm trước – Ảnh: MY LĂNG
Bùi Văn Cừ, 43 tuổi, là người dân tộc Mường ở xã Nhuận Trạch (Lương Sơn, Hòa Bình). 21 năm trước, Bùi Văn Cừ vào tù vì tội cố ý gây thương tích. Vào tù vì một cây mía.
Đó là ngày 9-5-1997 – cái ngày mà Cừ nói còn nhớ hơn ngày sinh nhật của mình, Cừ và hai người bạn đi đóng gạch thuê ở xã Thủy Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
“Buổi trưa hôm đó ăn cơm xong, ba anh em chuẩn bị đi làm. Khi đi ngang qua một vườn mía, mấy anh em khát nước vào bẻ mía ăn mà không xin phép. Chủ vườn mía chửi bới, cãi cọ, lời qua tiếng lại rồi đánh nhau.
Tôi ném một cục gạch, thằng bạn tát một cái, cậu còn lại đập chủ vườn mía một xẻng. Thấy chủ vườn mía nằm ngay đơ, bọn tôi đưa đi cấp cứu. Không ngờ anh ta chết, ba thằng tắm rửa rồi xuống công an xã đầu thú” – anh Cừ kể.
Bùi Văn Cừ bị xử án tù 5 năm. Hai người còn lại một người án 3 năm, một người án 10 năm.
“Lúc vào tù, có nhiều lúc tôi rất hận mình. Tôi cứ nghĩ giá mà hôm đó không uống rượu, giá mà mình vào xin cho tử tế, giá mà mình không nóng nảy…
Lúc đó tôi mới 22 tuổi. Gia đình khó khăn vô cùng. Gạo không đủ ăn. Tôi là lao động chính, đi làm kiếm gạo chạy ăn từng bữa cho cả nhà. Bố mẹ thì già. Vợ mọn con thơ.
Nghĩ mình là trụ cột, người ta cũng là trụ cột. Giờ mình vào tù, còn người ta chết. Vợ con người ta cũng khổ mà vợ con mình cũng khổ” – anh Cừ nói.
“Thời gian đầu vào tù tôi rất sợ. Cuộc đời mà mang tiếng tù tội như mất hết tất cả. Tôi thậm chí còn nghĩ mình không có ngày về. Sau được cán bộ, giám thị ở trại giam Chăm Mát (Hòa Bình) động viên, tôi cố gắng cải tạo tốt để được giảm án về sớm” – Cừ kể tiếp.
Tại trại giam, Cừ được bầu là trại viên xuất sắc. Anh được đặc xá đúng vào ngày 30-4-2000.
Cừ rất chịu khó. Cừ làm kinh tế rất giỏi, luôn luôn có nhiệt huyết với tập thể, vì thế rất được bà con nhân dân tín nhiệm
Bí thư chi bộ thôn Đồng Bưng BÙI DUY TIÊN
Gầy dựng từ con số không
Lúc Cừ đi tù, con anh mới 18 tháng tuổi. Khi anh về, con đã hơn 4 tuổi. Nhà anh giống như một túp lều. Trong thôn này, hoàn cảnh Cừ thuộc dạng khó khăn nhất. Hai đứa con, thằng lớn thì bình thường nhưng thằng thứ hai bị tật bẩm sinh, đến nay 12 tuổi rồi vẫn còn bế trên tay.
Hàng xóm nhiều người lạnh nhạt, ác cảm với kẻ tù tội như anh. Hơn một năm ra tù, Cừ không dám ra ngoài va chạm với xã hội, cứ quanh quẩn ở nhà, đi làm ruộng với vợ.
Sau đó, anh làm đủ nghề, từ vác gạch đến nấu rượu, cắt cỏ nuôi cá. Rồi làm bốc vác ở nhà máy thức ăn gia súc, thu nhập một tháng 800.000 đồng. Làm gần ba năm thấy vất vả quá, anh nghỉ.
Hội phụ nữ xã hỗ trợ cho vay 3 triệu đồng, vợ chồng anh xây chuồng nuôi heo, gầy dựng dần dần. Năm 2010, được ngân hàng cho vay 20 triệu đồng, vợ chồng anh mở quán bán cháo.
Mỗi ngày, quán cháo mang lại khoảng 300.000 đồng tiền lời, một tháng kiếm được 15 triệu đồng. Ở một vùng quê như thôn Đồng Bưng, thu nhập như vậy là mơ ước của nhiều người.
“Lúc mới về tôi vẫn còn nợ chồng chất. Hồi tôi đi tù, tiền án phí và bồi thường cho gia đình người ta chỉ có 7.750.000 đồng nhưng gia đình tôi cũng không có, phải vay. Đến năm 2010 vợ chồng tôi mới trả đủ cho gia đình người ta” – anh Cừ nói.
“Cừ rất chịu khó – bí thư chi bộ thôn Đồng Bưng là anh Bùi Duy Tiên cho hay – Cừ làm kinh tế rất giỏi, luôn luôn có nhiệt huyết với tập thể, vì thế rất được bà con nhân dân tín nhiệm. Thanh niên có máu mặt trong thôn xóm, chỉ cần Cừ nói một câu là nghe theo.
14 năm trước, khi đồng chí công an viên đã già xin nghỉ hưu, các ban ngành họp và đề xuất Cừ làm thay. Khi chúng tôi đặt vấn đề, Cừ tự ti, mặc cảm về quá khứ nên từ chối. Lúc đó cậu ấy mới ra tù được bốn năm.
Chúng tôi phải động viên, thuyết phục mấy lần Cừ mới đồng ý. Đến nay Cừ đã 14 năm là công an viên của xã. Trong quá trình hoạt động, Cừ được bằng khen của Công an tỉnh Hòa Bình”.
Công an viên Bùi Văn Cừ làm việc với người dân thôn Đồng Bưng – Ảnh: MY LĂNG
Nhiệm vụ mới
“Lúc mới nhận nhiệm vụ tôi lo không biết mình có làm được hay không, liệu mình có khuyên bảo được người dân khi xuất thân của mình là người tù trở về? Cũng may địa bàn này khá ổn định, không phức tạp lắm, tệ nạn ít.
Xã có 15 thôn, các công an viên phân lịch ra trực. Một tháng mỗi công an viên trực hai ngày hai đêm. Tôi quản lý địa bàn, có gì phức tạp hoặc bà con mất mát gì thì mình nắm rồi báo cáo ban công an xã.
Vụ việc nào lớn, phức tạp phải điện cho ban công an xã lên hỗ trợ. Còn cái nào tự giải quyết được thì phải làm” – anh Cừ nói.
Anh Cừ cho biết những năm gần đây, mệt mỏi nhất là nạn trộm cắp, trong đó có nạn trộm chó. Anh đã tham gia bắt nhiều vụ trộm chó mà đối tượng là người từ địa phương khác đến, rất liều lĩnh và luôn mang vũ khí “nóng”, sẵn sàng đâm chém để thoát thân.
“Gia đình mình con cái bệnh tật nên cứ bận như có con mọn. Công việc của xã thì cứ có việc là phải đi. Phải thu xếp để làm tốt việc tập thể, rồi việc gia đình. Giờ bà con trong thôn bầu mình làm công an viên vì uy tín, nên mình cố gắng đáp lại sự tin tưởng của mọi người cho xứng đáng.
Nhiều đêm đang ngủ hoặc chuẩn bị ngủ, ban công an xã có việc gọi thì phải đi làm. Không nhận việc thì thôi, đã nhận thì phải cố gắng hoàn thành”, anh cho biết.
Nhịn để được việc
“Sai lầm lúc còn trẻ đã giúp tôi thay đổi tính cách rất nhiều – anh Cừ tâm sự – Sau này ra đời làm việc cho Nhà nước, va chạm xã hội cũng nhiều nhưng tôi cứ tâm niệm một điều nhịn chín điều lành, cho nên lúc nào cũng cố gắng kiềm chế, cười xuề xòa cho qua.
Có người say rượu chỉ tay vào mặt tôi bảo mày là thằng ở tù về, sao lại làm công an viên, mình vẫn cười. Cả xã này đều biết mình đi tù. Ở đây người ta hay uống rượu, mà rượu vào là nát, không giữ mồm giữ miệng.
Mình mà không nhịn, đánh mắng họ lại nên tội, lại khổ vợ khổ con. Vì thế, không nhịn được là hỏng hết việc”.
_______
Kỳ tới: Tỉ phú thanh long
***
13/12/2018 10:45 GMT+7
Ra tù làm lại cuộc đời – kỳ 7: Tỉ phú thanh long
MY LĂNG
TTO – 11 năm trước, Trần Văn Dần – không bằng cấp, không nghề nghiệp – vừa ở tù về trong đợt đặc xá tháng 10-2007. Vợ bỏ anh từ khi anh còn ở trong tù, để lại một đứa con nhỏ cho mẹ chồng nuôi.
Anh Dần được con riêng của vợ phụ giúp trồng trọt và chăm sóc thanh long – Ảnh: MY LĂNG
Quá khứ tù tội là một vết đen trong cuộc đời Dần, nhưng anh không né tránh nó. Anh bình thản đối diện với quá khứ của mình
Bản án tù 18 năm
“Tôi đi tù với án giết người nhưng vì lý do không đáng – anh Dần nói – Năm 1997, tôi cất cái nhà cấp 4. Lúc xây xong, mấy thằng thợ hồ rủ tôi đi hát karaoke. Có người vô đòi giành phòng hát trước.
Hai bên cự cãi qua lại, mấy thằng thợ hồ xông vô đánh ổng, tôi không đánh nhưng không can, mà cổ vũ. Ai ngờ thành án mạng. Người ấy chết. Căn nhà tôi xây xong chưa ở được một ngày thì công an đến còng tay”.
Trần Văn Dần bị xử án 18 năm. Những người còn lại cũng tương đương. “Lúc mới bị bắt, tôi khóc ròng rã, muốn đập đầu vô tường, muốn thắt cổ chết luôn trong trại giam. Cha mẹ sinh ra được 23 tuổi mà nhận án tù đến 18 năm” – anh Dần nhớ lại tâm trạng những ngày đầu tiên vào thụ án tại trại giam Z30D (Bình Thuận).
Anh kể: “Lúc đó vợ tôi 21 tuổi. Chúng tôi có hai đứa con, một đứa 3 tuổi, một đứa mới đẻ. Mỗi lần gặp vợ chỉ được 10 phút mà vợ chồng cứ khóc riết.
Tôi nói em ráng nuôi con, không cần hằng tháng lên thăm anh, đừng mua cho anh thứ gì, ráng chờ anh về anh sẽ bù đắp cho mẹ con em.
Tôi không bao giờ nghĩ vợ sẽ bỏ mình, vậy mà ở tù gần bảy năm, vợ tôi mang đơn ly dị vào tận trại giam, bảo tôi ký đi để cổ lấy chồng.
Tôi ký cái rẹt, không níu kéo gì hết, nhưng đêm tới là khóc thầm. Cứ nghĩ tới hai đứa nhỏ ở nhà xơ bơ xấc bấc là tôi đứt ruột. Ba vào tù, mẹ bỏ đi lấy chồng, tụi nhỏ bơ vơ…”.
Vốn thật thà, siêng năng, Trần Văn Dần được đưa lên làm đội phó đội 12, sau này làm đội trưởng K3 trong trại giam Z30D.
Nhờ thành tích cải tạo tốt, anh được giảm án ba lần. Án 18 năm, anh ở 10 năm, đến tháng 10-2007 được tự do.
“Hồi ở trong trại tôi chăn nuôi cá cho một bà bên ngoài vô hợp đồng với trại. Ngày tôi ra trại, bả mua cho bốn bộ đồ, một balô, một đôi dép, một cái khăn mặt, kem đánh răng và cho 2.900.000 đồng.
Về nhà chỉ còn mẹ già hơn 60 tuổi, một đứa em gái sắp lấy chồng. Miếng đất và căn nhà cấp 4 bị bỏ hoang, cỏ mọc cao ngút thành rừng. Ở tù 10 năm, ra tù tôi không biết điện thoại di động là gì” – anh Dần kể.
Anh Dần giữa vườn thanh long đang kết trái của mình – Ảnh: MY LĂNG
Từ bàn tay trắng đến tỉ phú thanh long
Anh Dần thuê máy đào phá hết cỏ hoang trên mảnh đất có ngôi nhà cấp 4 cũ hết 2 triệu đồng.
Muốn trồng thanh long nhưng không có vốn, anh Dần nhờ người chị dâu đứng ra mượn ngân hàng giúp 10 triệu đồng.
Số tiền đó anh đầu tư trồng 400 trụ thanh long. Ban ngày đào hố, dựng trụ trồng thanh long, anh Dần tranh thủ đêm tối đội đèn pin trên đầu vô núi đào cát về bán. Cứ một chuyến xe bò 3 khối cát được trả 45.000 đồng.
“Vợ tôi lấy chồng, mang thằng lớn đi theo, để thằng út lại – anh Dần kể – Tối tối chỉ có hai cha con ngủ với nhau. Đi chở cát tôi dẫn nó theo cho đỡ buồn chứ nó nhỏ xíu, có phụ được gì đâu.
Ngày trồng thanh long, còn đêm dậy đi vô núi xúc cát. Một ngày đi ba chuyến, cực đến trâu còn không chịu nổi.
Làm cực vậy mà ngày được có hơn trăm ngàn đồng trong khi thấy người khác kiếm tiền dễ quá. Tôi phải tự bảo mình: thôi đừng ngó lên, cứ ngó xuống cho có động lực. Nghĩ vậy nên tôi không buồn tủi, không chán nản nữa, chỉ lo chí thú làm ăn”.
Ra tù sau 10 năm nằm trong song sắt trại giam, bạn bè thì không có, anh Dần cảm thấy cô đơn nên nghĩ mình phải có vợ.
Có vợ để có tình yêu và cảm thấy tâm hồn mình được che chở, ấm áp. Vì vậy, năm 2008, chỉ một năm sau khi hòa nhập với cuộc sống tự do, anh Dần cưới chị Nguyễn Thị Hằng, nhỏ hơn anh 4 tuổi.
“Chồng cổ chết, để lại hai thằng con trai. Khi ba tụi nhỏ mất, cổ nợ nần nhiều lắm. Thằng lớn nuôi không nổi phải về ở với ngoại. Tôi thấy tánh cổ hiền nên thương. Cổ giỏi lắm. Trùm giỏi. Từ 400 trụ thanh long của tôi với 600 trụ của cổ mà hai vợ chồng lấy ngắn nuôi dài, tích lũy lần lần, làm ăn dần dần lên” – anh Dần kể.
Còn chị Hằng thì bảo: “Vợ chồng tôi rất hợp. Ảnh lo làm ăn chứ không biết ly rượu ly trà là gì. Về nhà thì phụ giúp con cái. Ảnh thương hai đứa con riêng của tôi như con ruột vậy. Tụi nó gọi ảnh là ba mà ảnh còn ngại”.
Chỉ vào vườn thanh long đang ra trái, anh Dần cho biết vợ chồng anh vừa mua mảnh đất rộng 1,6ha đó với giá 1 tỉ 50 triệu đồng, trồng 1.800 trụ thanh long. T
ài sản của vợ chồng anh hiện nay là 5,5ha thanh long, trong đó có 3.500 trụ thanh long đã cho thu hoạch gần 10 năm nay.
“Thời điểm thanh long có giá, thương lái mua tại vườn 30.000 đồng/kg. Một năm thu 2 tỉ đồng, trừ tất cả chi phí lời khoảng 1,3 tỉ” – anh Dần cho biết, không giấu được niềm tự hào.
Cuộc sống gia đình êm ấm, tiền bạc dư dả, anh không phải làm quần quật như lúc mới ra tù nữa. Anh thuê người làm, xây nhà cấp 4 ngay tại vườn cho nhân công ở.
Bên mảnh vườn có 700 trụ thanh long, anh cất căn nhà nhỏ cho một cặp vợ chồng già ở miễn phí. Họ ở đó đã hai năm nay.
Cặp vợ chồng già cả nghèo khổ ấy anh vô tình gặp trong lần đưa vợ đi khám bệnh. Thương cảm, anh dẫn về cho ở đây.
Quá khứ tù tội là một vết đen trong cuộc đời Dần, nhưng anh không né tránh nó. Anh bình thản đối diện với quá khứ của mình.
Tỉ phú thanh long Trần Văn Dần – Ảnh: M.LĂNG
Chỉ để sai lầm một lần trong đời
Thỉnh thoảng Trần Văn Dần vẫn về trại giam Z30D, nơi anh từng thụ án, dự các buổi giao lưu, kể về câu chuyện vươn lên làm lại cuộc đời mình từ hai bàn tay trắng.
“Ở trong tù, tiếp xúc với nhiều phạm nhân, mỗi người có một sai lầm khác nhau, tôi nhận được nhiều bài học sâu sắc. Ra tù, làm cái gì liều mạng với pháp luật là tôi không chơi.
Đời người chỉ nên phạm sai lầm một lần. Vì lần đầu thì người ta còn nghĩ mình lỡ. Lần thứ hai, lần thứ ba thì hết xài rồi, là bản chất rồi nên sẽ chẳng còn ai coi trọng mình nữa” – anh Dần nói.
_________________________________
Kỳ tới: Đứng dậy để giúp người khác
***
14/12/2018 10:30 GMT+7
Ra tù làm lại cuộc đời – kỳ cuối: Đứng dậy để giúp người khác
MY LĂNG
TTO – “Cho đi để thanh thản. Tôi làm từ thiện không phải để lấy tiếng mà làm để chia sẻ cho chính mình”. Người đàn ông từng 10 năm 7 tháng 24 ngày ở trong tù vì tội tiêu thụ tiền giả nói như vậy về quan điểm sống của mình.
Ông Du và con heo bán lấy tiền làm từ thiện năm 2007 – Ảnh: NVCC
Tiền bạc không quan trọng bằng việc ta nuôi dưỡng được cái tâm để con cái sẽ được hưởng phúc đức về sau
Năm 1995, thời điểm đó việc kinh doanh của ông Nguyễn Ngọc Du, người Từ Sơn (Bắc Ninh), rất thuận lợi. Ông mở cửa hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ ở Bằng Tường (Trung Quốc) rồi dần dần tiến sâu vào trong nội địa, đi sang Thượng Hải khảo sát để chuẩn bị mở thêm cửa hàng.
Từ ông chủ đến trắng tay
Một buổi chiều cuối năm 1995, một Hoa kiều dẫn khách đến cửa hàng hỏi mua bộ bàn ghế và trả bằng 30 triệu đồng tiền Việt Nam.
“Mình không biết đó là tiền giả, mang về nước tiêu xài bình thường. Bạn bè mỗi người vay mấy triệu. Có một cô bạn tên Bích, vay tiền đi Hưng Yên.
Lúc cô ấy ngồi ở quán nước bên đường thì nghe bàn tán về vụ bắt tiền giả toàn 10.000 đồng, cô Bích buột miệng nói: Tôi mượn toàn 10.000 đồng của người ta mà không biết có bị tờ nào giả không… Công an theo dấu cô ấy lần tìm về nhà tôi” – ông Nguyễn Ngọc Du, giờ đã 54 tuổi, nhớ lại.
Rồi ông bị bắt vì tội tiêu thụ tiền giả.
Nhớ lại vụ án đó, ông Du cho hay: “Tòa xử tôi án 10 năm. Khi đến trại giam Tân Lập (Phú Thọ), tôi viết đơn chống án thì bị xử lên 20 năm tù. Tôi sợ quá không dám chống án nữa. Tôi nghe thì biết vụ mình thuộc án an ninh quốc gia và xử điểm vì là vụ án tiền giả đầu tiên ở Bắc Ninh”.
Vốn là thợ mộc giỏi, trong tù ông Du đề xuất ý tưởng thành lập xưởng mộc dạy nghề cho phạm nhân. Xưởng lúc đầu có 25 học viên, sau lên 45 người. Điều bất ngờ là từ khi có xưởng mộc, trại giam bình yên hơn.
Ông Du kể: “Lúc tôi mới vào, trong trại người kêu cấp cứu liên tục, phạm nhân đụng chạm tí cũng đâm nhau chết, đi làm xích mích cũng đập nhau chết… Nhưng từ khi có xưởng mộc, tâm tính con người cũng thay đổi.
Có xưởng mộc, họ tự tin khi ra tù sẽ có cái nghề để sống. Học mộc khiến con người ta tỉ mỉ, kiên nhẫn, bớt nóng nảy hơn. Dần dần, trong trại không còn chuyện đánh nhau, đâm chém, vượt ngục trốn trại.
Trong tù bắt đầu có tôn ti trật tự riêng bất thành văn. Người lớn được gọi bằng chú, bằng anh. Người nhỏ hơn xưng cháu, xưng em. Trong bữa ăn phạm nhân đã biết mời nhau”.
Năm 2006, ông Nguyễn Ngọc Du được đặc xá, sau 10 năm 7 tháng 24 ngày ở trong tù.
Ông cho hay: “Khi tôi về, nhà cửa thì dột nát. Con cái lớn hết cả. Lúc tôi đi tù, con gái mới học lớp 2, khi về con đã thi đại học. Ở nhà vợ tôi một nách làm lụng nuôi con, chỉ còn 32kg. Khi tôi đi tù, tất cả cửa hàng ở Trung Quốc đứng tên tôi, vợ không sang lấy về được nên mất hết”.
Một năm đầu mới ra tù, ông Du chỉ tập trung nghiên cứu thị trường. Năm sau, ông mở xưởng làm nhưng thất bại.
“Tôi ở trong tù gần 11 năm, lúc mới ra tù ngu ngơ không biết gì, toàn mua gỗ đắt về làm, bán không được hàng, bị thiệt hại 200 triệu đồng. Số tiền này tôi toàn vay mượn.
Sau thất bại đó, tôi không mở xưởng làm nữa mà đi buôn hàng, toàn buôn bằng… mồm, tức là dẫn khách Trung Quốc đến coi hàng của người ta rồi bán lại cho khách lấy chênh lệch” – ông Du nói.
Làm được một thời gian, có được một ít tiền, ông lại nhận đơn hàng làm. “Lúc đó ở đây, những đơn hàng mấy chục triệu đồng dân làng chê ít, không nhận. Tôi ở tù ra, thấy một giọt nước trong sa mạc cũng là quý.
Khách đặt một bộ, hai bộ bàn ghế tôi nhận hết, chắt chiu góp nhặt từng đồng. Cứ làm hai bộ thì lãi được một bộ gỗ. Lúc đầu khách đặt mỗi tháng làm một bộ, sau 45 ngày làm hai bộ, sau rút xuống 30 ngày.
Tôi làm ngày làm đêm. Khoảng năm tháng sau tôi nhận được đơn hàng lớn hơn. Lúc đó phải gọi thêm hai người thợ”.
Khi đã tích cóp được một số vốn, ông Du mua một lượng gỗ trắc khá lớn. “Thời điểm đó gỗ trắc về rất rẻ mà không có người mua. Năm 2008, có lúc gỗ trắc rớt giá từ 10.000 đồng/kg xuống 3.000 đồng/kg.
Người ta lúc đó chuộng gỗ hương. Xe hàng gỗ trắc từ miền Nam ra, có 90.000 đồng/kg nhưng không ai mua. Chủ hàng năn nỉ mua giúp. Tôi không có tiền mua hết xe, chủ cho thiếu tiền.
Một năm sau, khi Trung Quốc không ăn hàng gỗ hương, chuộng hàng gỗ trắc thì giá gỗ trắc lên từng ngày. Từ 1 triệu đồng/kg rồi 1,8 triệu đồng/kg. Một bộ ghế, trước chỉ 100 triệu hoặc 150 triệu, sau lên 400 triệu rồi 600 triệu đồng.
Mỗi ngày lên một giá, sau lên 1 tỉ đồng! Hai năm liền làm gỗ trắc là khoảng thời gian tôi thu được nhiều tiền nhất” – ông Du thật thà kể.
Công việc ngày một thuận lợi. Đơn đặt hàng nhiều, ông Du thuê thợ lên đến hàng chục người, trong đó có những bạn tù về.
Năm 2011, công nhân lên đến hơn 20 người, thu nhập 8-10 triệu đồng/tháng, có người 20 triệu đồng/tháng, ăn uống miễn phí. Nhiều anh em ra tù tìm đến ông để học nghề, nhiều người trong số đó sau này trở nên giàu có.
Giúp người khác
Từ năm 2007, dù còn khó khăn nhưng ông Du đã làm từ thiện. Bán một con heo được mấy triệu đồng, ông làm từ thiện hết.
Năm 2012, trong chuyến đi Mèo Vạc (Hà Giang), chứng kiến cuộc sống cơ cực của người dân bị lũ quét, lốc xoáy, ông mua mấy nghìn tấm lợp fibro ximăng chở lên tặng cho dân bản. Rồi ông đi phát quà.
“Nhìn cảnh đồng bào đi bộ hơn 20km trên đá tai mèo, mình mới thấy những món quà của mình ý nghĩa lắm. Họ nghèo đến gạo phải mua từng lạng”.
Rồi ông đi nhiều nơi khác để làm từ thiện.
“Tôi nghĩ nhiều tiền cũng chỉ cơm ăn một ngày ba bữa, tối ngủ cũng một chỗ nằm. Nghèo nhất cũng chết. Giàu nhất, quyền lực nhất cũng chết. Chết rồi không mang theo được gì. Tiền bạc không quan trọng bằng việc ta nuôi dưỡng được cái tâm để con cái sẽ được hưởng phúc đức về sau. Vợ tôi cũng ủng hộ tôi làm từ thiện” – ông nói.
Cho đi để thanh thản
Trong một lần đi làm từ thiện, ông Du gặp bà Thanh Mai cùng sư thầy Thích Hạnh Vinh. Họ cùng nhau thành lập nhóm từ thiện Mai Vàng, đi phát quà cho đồng bào nghèo, các cháu học sinh vùng sâu vùng xa nhiều nơi trong cả nước với số tiền nhiều tỉ đồng.
Những năm qua, nhóm Mai Vàng hơn 60 lần đi xây trường, phát quà cho các cháu học sinh vùng sâu vùng xa, đồng bào nghèo khổ từ Nam ra Bắc.
“Cho đi để thanh thản. Tôi làm từ thiện không phải để lấy tiếng mà làm để chia sẻ cho chính mình” – ông Du nói.