Truyện ngắn
Giáng sinh Sài Gòn chẳng lạnh, se se cũng hiếm, cũng chẳng mưa, chẳng rét… Giáng sinh ở đây nắng và nóng.
Từ khi vào đây Nguyện đi ra ngoài nắng nhiều hơn, thấy đầu óc và cơ thể khỏe hơn, nhờ đó mà được “tỉnh ngộ” về cái nắng nhiều hơn. Nguyện không còn dùng kem chống nắng, kem dưỡng da trước và sau khi ra nắng, áo váy khoác chống nắng, chống gió hay chống bụi, găng tay, tất chân… Nguyện chỉ đội mũ, đôi khi mang thêm kính râm, còn khẩu trang thì bắt buộc vì dịch Covid. Nguyện để da tiếp xúc trực tiếp với nắng, kể cả nắng 12h trưa. Những thông tin về nắng ít nhiều chứa mùi quảng cáo bán hàng khi đánh vào nỗi sợ của con người (sợ bị bệnh, sợ già, sợ xấu…): Tia tử ngoại buổi trưa sẽ gây ung thư da, không bôi kem chống nắng thì da dễ bị lão hóa, ra nắng nhiều sẽ nhanh già… Nguyện từng là tín đồ của các thông tin đó nên từ ngày phơi da trần dưới cái nắng gần 40 độ suốt từ 9h sáng đến 3h chiều, Nguyện cảm thấy mình thật tự do.
Nguyện đặt một tay lên ban công, tay kia mân mê một chiếc lá, ngắm nhìn dàn cây tùm lum của mình, mỉm cười. Mỗi lần tưới cây vào ban trưa, Nguyện thường nán lại lâu lâu, khi thì lượm lá vàng dính mắc trong dàn cây leo, khi thì chỉnh sửa chỗ này, quét dọn chỗ kia… Mục đích là để được ở ngoài nắng và thiên nhiên nhiều hơn. Mục đích là để tiếp xúc với Thượng đế nhiều hơn.
Tiếp xúc với Thượng đế – da kề da – như trẻ sơ sinh tiếp xúc da kề da với mẹ. Con người, dù nhiều tuổi đến đâu, vẫn là trẻ sơ sinh với Thượng đế, vẫn cần da kề da với Mẹ Thượng đế, để được làm lành những tổn thương thể chất và tinh thần, những tổn thương thấy được và không biết được.
Tổn thương, lâu lắm rồi Nguyện không có cảm giác đó, kể cả chuyện chồng sắp cưới của Nguyện sắp cưới người khác mà Nguyện không hề hay biết, Nguyện cũng chẳng thấy tổn thương. Ấy thế mà, dạo gần đây Nguyện lại có cảm giác hơi hơi bị tổn thương. Lại tổn thương vào mùa Giáng sinh, mùa thường dễ tạo ra nhiều xao động trong lòng.
Giáng sinh năm nay nằm trong mùa Covid thứ hai và sắp chuyển sang mùa thứ ba nên Nguyện không làm gì (tổ chức Tiệc Giáng sinh, đến dự tiệc nhà bạn bè, đi lễ nhà thờ buổi đêm…). Nguyện dành thời gian ở nhà và cầu nguyện. Nguyện luôn cảm thấy hạnh phúc khi có thời gian ở nhà để cầu nguyện với Jesus. Có thời gian cho người thân, bạn bè, công việc… cũng vui nhưng với Nguyện, thời gian quan trọng nhất vẫn là thời gian dành cho Jesus.
Nguyện yêu Jesus. Trước nay Nguyện chẳng nghi ngờ về điều đó nhưng mấy lúc này Nguyện thường tự hỏi: “Có thật mình yêu Jesus không? Nếu mình yêu Jesus thật lòng, tại sao lòng mình lại nặng nặng đến thế? Nếu mình yêu Jesus, trái tim mình phải tĩnh lặng dù có chuyện gì xảy ra chứ…”
Nguyện nghĩ về Điểm tâm Cầu nguyện (ĐTCN). ĐTCN là nơi các anh chị em đến, ăn uống và trò chuyện trong tinh thần Jesus. Mỗi tuần chọn một câu Thánh kinh để trò chuyện. Chia sẻ về câu Thánh kinh nhưng đó chính là chia sẻ về Jesus và về trái tim của mình.
Nguyện nhớ về ĐTCN thời gian đầu khi mới biết. Nguyện có lẽ là người đầu tiên nằm trong nhóm ĐTCN. Ban đầu nhóm có hai người, Nguyện và người mở nhóm, sau đó nhóm mở rộng ra thêm vài người, rồi vài người nữa…
ĐTCN lúc đó rất vui. Lúc đó mọi người rất tập trung vào tìm hiểu trái tim Jesus nên tinh thần mọi người lúc đó rất hăng say. Mỗi tuần mọi người cùng suy niệm một câu Thánh kinh. Suốt cả tuần, ngày nào cũng có người chia sẻ vài điều xung quanh câu Thánh kinh đó. Ai nấy đều hào hứng chia sẻ suy niệm của mình với Jesus nên mọi người được học hỏi lẫn nhau để hiểu thêm về Jesus, tinh thần của mọi người nhờ đó được phong phú và cảm thấy Thánh linh tràn trề trong huyết quản mỗi ngày.
Rồi, qua thời gian, ĐTCN được mở rộng, những người mới vào dù đã được tuyển chọn nhưng mức độ quan tâm đến Jesus của họ thấp hơn nhiều, thậm chí gần như không có; còn những người cũ thì càng ngày càng lạc khỏi Jesus. Thế nên bây giờ mỗi lần nghĩ đến ĐTCN, Nguyện không biết phải nghĩ như thế nào.
Nguyện cảm thấy trong lòng nỗi thất vọng đang dâng. Nguyện ở trong ĐTCN cũng lâu nên đã chứng kiến từng người, từng người trong ĐTCN lần lượt ra đi, từng người một. Ra đi – đa số là vì bản thân họ tự lựa chọn ra đi. ĐTCN chưa từng mời ai ra. Nhưng, lẽ nào bây giờ lại là lần đầu tiên?
Nguyện cảm thấy bị ức chế. Nguyện không thể nói với những người đến sau phải làm thế này thế nọ thế kia. Đây là thế giới tâm linh, không phải là thế giới công việc trần tục. Nguyện không thể bảo họ phải làm gì. Nếu họ làm gì, đó phải là ý muốn của họ, ý muốn thôi thúc tận sâu trong trái tim họ. Nếu họ khao khát Jesus, họ sẽ làm như Jesus làm, họ sẽ sống khiêm tốn, thành thật, yêu người như Jesus đã từng. Nếu trái tim họ đang mải mê với bất kỳ điều gì khác ngoài Jesus và vì thế mà làm nhiều điều tội lỗi và nhận nhiều khổ đau, Nguyện có thể làm gì? Thế nên, đây là công việc giữa họ và Jesus; Nguyện chẳng có phần gì ở đây. Nguyện chẳng thể làm gì.
Nguyện nghĩ về Jesus khi ở trong vườn Gethsemane. Lúc đó là buổi ăn tối cuối cùng với các môn đệ trước khi bị một môn đệ chỉ điểm, bị bắt và bị tử hình. Ăn uống xong cũng đã gần khuya, Jesus vào vườn Gethsemane gần đó để cầu nguyện. Jesus gọi 3 đệ tử đi theo để cùng cầu nguyện nhưng 3 người này chỉ ngủ. Jesus gọi dậy 3 lần nhưng cả 3 lần 3 đệ tử chẳng quan tâm đến thầy và chỉ quan tâm đến mình, vẫn tiếp tục ngủ, dù Jesus đã nói: “Hồn thầy đau buồn hết sức đến mức chết, hãy ở lại đây và canh thức với thầy” (Matthew 26:38).
Nguyện nhớ mấy năm trước, khi lần đầu suy niệm về nỗi đau buồn này của Jesus, Nguyện đã tự hỏi và cầu nguyện: “Buồn muốn chết là buồn như thế nào? Mình cũng muốn thử buồn muốn chết là thế nào để có thể hiểu một phần nào trái tim Jesus.”
Jesus biết – dù Jesus trồng, Jesus tưới, nhưng chính Thiên Chúa mới làm cho cây lớn lên (1 Corinthians 3:6). Dù Jesus có ngày đêm chỉ bảo học trò nên người nhưng học trò có học được hay không và học đến mức nào lại là chuyện khác, chẳng nằm trong khả năng của Jesus. Jesus biết vậy, thế thì Jesus buồn cái gì?
Jesus thất vọng, rồi tuyệt vọng. Trước khi trút hơi thở cuối cùng trên thập giá, Jesus nhìn trời và than: “Eli, Eli, lema sabachthani?” (nghĩa là “Chúa ơi, Chúa ơi, sao ngài lại bỏ rơi con?” (Matthew 27:46). Thật nhiều nhức nhối.
Nghĩ về Jesus, Nguyện nghĩ về mình. Những nhức nhối đó khiến Nguyện muốn chấm dứt ĐTCN. Tất nhiên, chẳng dễ gì chấm dứt được ĐTCN. Thế nên Nguyện muốn ra khỏi ĐTCN.
Bạn ĐTCN những ngày đầu tiên rất kết nối với Jesus và do đó rất kết nối với Nguyện đã không còn ai, hoặc còn nhưng bây giờ đã xa xa Jesus và do đó đã xa xa Nguyện, thế nên lúc này Nguyện thấy cô đơn. Cảm giác chỉ một mình đi trên con đường rộng, vắng, tối tăm và chẳng thấy điểm cuối.
Nguyện thầm thì với Jesus: “Chúa muốn con làm gì? Ở lại hay ra đi? Hãy cho con một dấu hiệu để con biết con nên làm gì?…”
Nguyện cầu nguyện như vậy trong gần hai năm qua. Và rồi, trong mùa Giáng sinh này, Nguyện đã có câu trả lời. Nguyện biết rất chắc chắn đó là câu trả lời của Jesus cho Nguyện. Nguyện đã biết mình cần làm gì.
Nguyện cần ở lại ĐTCN. Dù ĐTCN chẳng còn ai quyết tâm follow theo Jesus, Nguyện cũng vẫn ở lại. Vì ĐTCN là nơi duy nhất trên trái đất này mà con người có thể học về Jesus, Nguyện cần ở lại.
Và Nguyện cần tin vào ánh sáng bên trong mình. “Ánh sáng chiếu vào bóng tối, và bóng tối chẳng thể chiến thắng ánh sáng (John 1:5).” Nguyện cần tin vào ánh sáng bên trong mình – ánh sáng của một que diêm. Bóng tối của cả vũ trụ chẳng thể nào chiến thắng được ánh sáng của một que diêm.
…
Trưa nay Nguyện ra ngoài đường để mua ít đồ. Mỗi lần có dịp ra ngoài đường khi trời nắng, Nguyện luôn cảm thấy đó là cơ hội để được tiếp xúc da kề da với Thượng đế.
Ban đầu Nguyện đối xử với Thượng đế như một “người” ở bên ngoài Nguyện, rằng Nguyện và Thượng đế là hai “người” riêng rẽ, như thế thì Nguyện dễ dàng tâm sự với Thượng đế như một người bạn. Nhưng dần dần, Nguyện nhận ra Thượng đế ở bên trong mình, rằng mình cần để Thượng đế bên trong đó được thức dậy, sống và phát triển bình thường. Tiếp xúc với nắng, gió, cây… là để Thượng đế bên trong mình được sống với môi trường sống tự nhiên của Thượng đế – là sống với thiên nhiên. Sống với thiên nhiên ở đây đồng nghĩa với sống với con người, vì thiên nhiên và con người là một.
Nguyện muốn Thượng đế bên trong mình được sống.
Đêm nay Giáng sinh, Nguyện háo hức đón chờ. Nguyện sẽ bắt đầu năm mới với Thượng đế – một năm mới đầy hứng khởi. Nguyện và Thượng đế, như hai mà một, sẽ sống cùng nhau, không chỉ trong cùng một thân thể, mà trong cùng suy nghĩ, cùng lời nói và cùng hành động. Nguyện thấy tim mình như reo lên rộn rã cùng ca mừng của chuông khi Giáng sinh đến.
Sài Gòn, 24-12-2021
Phạm Thu Hương
Cảm ơn chị Hương đã chia sẻ.
Truyện này thật nhẹ nhàng và sâu lắng. Nhân vật Nguyên trong truyện đầy nghị lực và can đảm.
Chúc chị một Giáng sinh an lành.
Em. An An
ThíchThích
Jesus-Thuong Dê xuong trân là dê cho con nguoi duoc tro nên con Thuong Dê, tro nên chinh Thuong Dê. Do do nhân vât Nguyên trong truyên duoc moi goi sông hoà nhâp làm môt voi Thuong Dê dê tro thành Thuong Dê là cùng dich doi minh.
Cam on tac gia cho tôi niêm xac tin này.
Joseph NGUYEN
ThíchThích
Cám ơn An An và anh Joseph đồng cảm và chia sẻ.
Happy New Year, cả nhà.
Hương
ThíchĐã thích bởi 2 người