Sống trong tinh thần Bát Nhã Tâm Kinh – Sắc Không

Chào các bạn,

Bát Nhã Tâm Kinh bắt đầu bằng bốn câu. Hai câu đầu là:

Quán-Tự-Tại Bồ tát hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa thời
Chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách

Dịch:

Khi Bồ tát Nhìn-Tĩnh-Lặng thực hành Trí tuệ giải thoát
Thấy rõ mình là không, ngài vượt qua mọi khổ nạn

Tại đây, chữ “không” thường được hiểu là “không có.” Người ta thường lý giải rằng vào thời đầu tiên, khi chữ không bắt đầu được sử dụng như là trung tâm của triết học trong Phật giáo Đại thừa, nhiều người hiểu chữ không là không có, và do đó nghĩ rằng đời là không có, không thật, và do đó họ có khuynh hướng xa lánh và chối bỏ cuộc đời. Khuynh hướng này ngày nay vẫn còn rất mạnh trong tư duy của nhiều Phật tử. Lý do là nó giản dị, dễ hiểu, và cùng loại tư duy nhị nguyên mà con người quen thuộc khắp thế giới: có versus không – một là có, hai là không có. Rất dễ hiểu.

Nhưng Bát Nhã Tâm Kinh tức thì chặn đứng hiểu lầm nhị nguyên đó bằng hai câu kế tiếp:

Xá-lợi-Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc
Sắc tức thị không, không tức thị sắc

Dịch:

Này Con dòng Xá-lợi, sắc (hình thể) chẳng khác không, không chẳng khác sắc
Sắc chính là không, không chính là sắc

Hình thể (sắc) chẳng khác không, không chẳng khác hình thể.
Hình thể là không, không là hình thể.

Cái ly (hình thể) chẳng khác không, không chẳng khác cái ly
Cái ly là không, không là cái ly

Ngọn núi này chẳng khác không, không chẳng khác ngọn núi
Ngọn núi là không, không là ngọn núi

Cô Hoa chẳng khác không, không chẳng khác cô Hoa
Cô Hoa là không, không là cô Hoa

Vậy thì, “Không” bao trùm mọi thứ, là mọi thứ, và trường tồn vĩnh cửu. Nhưng mọi thứ thì đều không trường tồn, đều phù du, đều có đó rồi mất đó.

Vậy, “Không” là cái nền vĩnh cửu trong đó mọi thứ phù du sinh ra và biến mất. “Không” như là đại dương vĩnh cửu, trong đó những lượn sóng phù du sinh ra rồi biến mất tức thì. “Không” (nước) chính là mỗi lượn sóng, mỗi lượn sóng chính là Không, dù rằng mỗi lượn sóng chỉ là một phần của Không.

“Không” là cái nền tuyệt đối, vĩnh cửu, trong đó mọi thứ tương đối và phù du được sinh ra, biến mất, và thay hình đổi dạng.

Trong một số tôn giáo tập trung vào Thương đế thì Thượng đế là nền tuyệt đối, vĩnh cửu, trong đó vũ trụ và mọi thứ, mọi loài của vũ trụ, đều là tương đối, được sinh ra, biến mất và thay hình đổi dạng.

Sự khác biệt giữa “Thượng đế” và “Không” là: Thượng đế có một nhân cách như người, và Không thì hoàn toàn trung tính.

Đó là “Không” trong vũ trụ quan Phật giáo. Nhưng “Không” có nghĩa gì trong nhân sinh quan?

Trong nhân sinh quan (cái nhìn về cách sống) ta có thể tạm thu triết lý Sắc Không vào một câu dễ hiểu hơn: “Có mà là không, không mà là có.”

“Có mà là không, không mà là có.” Trong câu này, chữ “không” lại có nghĩa “không có”, đối lập với “có” – chẳng chính xác là Không tuyệt đối, vĩnh cửu như ta nói bên trên. Tuy nhiên, chúng ta cần mượn ngôn ngữ nhị nguyên ở đây để vấn đề trở thành dễ hiểu hơn trên phương diện thực hành.

Nếu có mà là không có, thì cái gì có – tiền bạc, của cải, danh vọng, danh dự, tổ quốc, tôn giáo… — cũng có đó mà mất đó, rất phù du, xem như là không có trong dòng thời gian vô tận. Cho nên đừng bám cứng vào chúng, đừng dính mắc vào chúng.

Không mà là có, chúng không có thực nhưng chúng cũng có một lúc đó, vậy thì hãy nghiêm chỉnh với chúng. Đó là sống nghiêm chỉnh đứng đắn.

Nghĩa là mọi thứ – nhà cửa, danh dự, tổ quốc, tôn giáo – đều có, vậy thì hãy sống nghiêm chỉnh với chúng. Nhưng chúng cũng không có thật, vậy thì đừng bám chặt, đừng dính cứng vào chúng.

Đó chính là sống vô chấp. Hãy nghiêm chỉnh với mọi thứ, nhưng đừng bám cứng vào thứ nào.

Các bạn, đó là cách sống trong tinh thần Bát Nhã Tâm Kinh.

Chúc các bạn luôn đầy trí tuệ.

Mến,

Hoành

© copyright 2021
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một bình luận về “Sống trong tinh thần Bát Nhã Tâm Kinh – Sắc Không”

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s