Chào các bạn,
Sống với anh em đồng bào buôn làng một thời gian, mình cảm nhận anh em buôn làng rất tin tưởng bok và yăh. Vì tin tưởng nên chuyện to chuyện nhỏ xảy ra trong gia đình không giải quyết được là tìm đến bok hoặc yăh, và không riêng gì người lớn mà các em nhỏ cũng vậy! Có điều các bố mẹ thì tế nhị hơn, có chuyện gì thì đến nhà tìm gặp và trình bày, còn các em nhỏ thì gọi điện, gọi bất kể ngày đêm sáng chiều, nghĩa là chuyện xảy ra lúc nào là gọi cho yăh lúc đó.
Cũng bởi tin tưởng yăh mà một buổi sáng thứ Bảy lúc đó khoảng gần mười giờ, một mẹ trên bốn mươi tuổi đến nhà xin gặp mình. Thời gian đó mình mới về buôn làng nên cũng chưa biết cũng như chưa quen ai, nhìn thấy mặt mẹ rất buồn mình mời mẹ vào nhà khách, sau mấy câu chào hỏi mình nói với mẹ:
– “Yăh mới về buôn làng được ít tuần nên cũng chưa biết ai, mẹ thông cảm cho yăh biết tên và gia đình đang ở thôn mấy.”
– “Mình là mẹ Truyên ở xóm Đào, mình đến gặp yăh để nhờ yăh một chuyện.”
– “Mẹ Truyên cứ xem yăh như người nhà, cần giúp gì mẹ Truyên nói, giúp được yăh sẽ giúp.”
– “Mình đến nhờ yăh khuyên giúp em Truyên con gái lớn của mình cho nó biết nghe lời bố mẹ, chịu đi làm ăn đỡ đần mình với, chớ cứ ở nhà đi lừa hết người này đến người khác, chủ yếu là đến lừa để mượn tiền mua card điện thoại, không chịu đi làm, suốt ngày ở nhà gọi điện thoại hết người này đến người khác, mỗi tháng tốn không biết bao nhiêu là tiền điện thoại, mình thấy mắc cỡ với anh em buôn làng quá.”
– “Em Truyên bao nhiêu tuổi, học đến lớp mấy và còn đi học không?”
– “Em Truyên mười tám tuổi, chỉ học đến lớp Sáu rồi nghỉ học, bây giờ ở nhà gọi điện làm quen với bạn trai lấy tên của người em gái kế em Truyên và lấy lớp học của người em gái làm lớp học của mình. Giờ người em gái của em Truyên là em Thảo đang học lớp Chín, cũng thấy ngại và mắc cỡ với các bạn cùng lớp về chuyện này.”
Mặc dầu mình mới về nhưng do đã ở với nhiều anh em đồng bào trong những buôn làng khác, mình biết anh em đồng bào sắc tộc rất tôn trọng tự do của con cái. Mỗi lần nhớ đến nhắc đến, mình không biết phải nói sao về tình thương và sự tự do mà anh em đồng bào buôn làng dành cho con cái của họ. Một khi con đã nói: “Người ta không muốn mà!” Kể cả việc học hay bất cứ thứ gì người ta mà không muốn thì thôi! Khỏi! Bởi vậy khi nghe mẹ Truyên nói về em Truyên, thật ra, không phải lần đầu mình nghe về em Truyên, mình đã biết về em Truyên rất nhiều nhưng giờ mới biết mẹ của em Truyên, mình hứa là sẽ gặp và khuyên cũng như tìm cho em Truyên một công việc trên phố. Trước khi về mẹ Truyên cảm ơn mình và nói:
– “Con cái là của Chúa, Chúa gởi đến cho mình chăm sóc nên nó ngoan hay không ngoan, nó lành lặn hay dị tật mình đều phải thương nó nhiều bằng nhau!”
Matta Xuân Lành