Tiền học bổng: Của để dành cho con vào đại học
Đây là lần đầu tiên chương trình học bổng Đọt Chuối Non của báo Tiền Phong chính thức được triển khai trên địa bàn tỉnh Gia Lai, sau hơn 6 năm hoạt động và nhiều lần trao cho học sinh 2 tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk. Trong danh sách học sinh do Phòng Giáo dục&Đào tạo 4 huyện phía đông nam tỉnh Gia Lai giới thiệu, đã được Sở GD&ĐT Gia Lai xét duyệt, có nhiều em đã thật sự là tấm gương sáng cho cộng đồng về hiếu học, hiếu thảo, vượt khó.

Lớp trưởng bán rau
Nhà em Huỳnh Thị Thu Nghiệp ở gần cuối thôn Đoàn Kết, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa. Nghiệp là lớp trưởng lớp 7.1, trường THCS Phan Bội Châu (huyện Ia Pa) được các bạn yêu mến vì tính cách thân thiện, gương mẫu. Chăm chỉ học hành từ thầy cô, bạn bè nên các năm qua Nghiệp luôn là học sinh giỏi cả về phẩm chất đạo đức và lực học. Em không tự ti về hoàn cảnh nghèo khó, lại hát hay, là “cây nhạc số 1” của lớp. Nghiệp nói: Cô giáo chủ nhiệm thường động viên em rằng “Đừng trách cha mẹ vì nhà nghèo, mà phải lấy đó làm động lực để học hành, phấn đấu”.
Nghiệp thích nhất môn Ngữ Văn. Mỗi tối em thường giành ra 2 tiếng để học bài, 30 phút để soạn bài vở cho buổi học mới, vấn đề gì chưa hiểu ngày mai lên lớp sẽ hỏi thầy cô. Nhóm bạn 5 người của Nghiệp hàng ngày đều gặp nhau giải bài tập. Cứ vài ngày lại mời một bạn học giỏi, có điều kiện được thầy cô dạy kèm kiến thức nâng cao đến chia sẻ kỹ năng.
Cha của Nghiệp bỏ nhà đi từ khi em mới 3 tháng tuổi. Nghiệp sống với mẹ và ông bà ngoại ngoài 70 tuổi sống chật chội trong gian nhà cấp bốn rộng vỏn vẹn 25 m2. Mỗi ngày từ 3h sáng mẹ con Nghiệp đã phải dậy nhặt rau, ra bán ở chợ sớm, vì tới 7h đã phải trả lại mặt bằng cho người bán quần áo. Ai thuê việc gì chị Hoà cũng làm để có tiền lo cho Nghiệp được đi học, với thu nhập thường xuyên trung bình chỉ khoảng 50 nghìn đồng mỗi ngày. “Cứ trở trời là đầu tôi đau như búa bổ. Tôi vẫn chẳng dám đi khám, vì lỡ ra bệnh cũng không có tiền chữa, ngược lại chỉ lo thêm. Thôi phó mặc cho ông trời !” – Bà Hoà, mẹ Nghiệp nói với PV Tiền Phong.

Tôi hỏi “Nếu cháu Nghiệp được báo Tiền Phong trao học bổng Đọt Chuối Non, suất đặc biệt 5 triệu đồng, thì mẹ con chị sẽ làm gì với số tiền ấy?”. Nhìn con gái đầy hy vọng, chị Hoà khẳng định “ Lâu nay tôi đã xác định dù tôi có phải đi ăn xin, thì cháu Nghiệp cũng vẫn phải đi học tới nơi tới chốn. Khoản tiền học bổng lớn ấy nếu nhận được, sẽ là của để dành. Mẹ con tôi nhất định không đụng tới mà gửi tiết kiệm, để yên tâm sau này cháu Nghiệp có tiền vào đại học.”.
5 anh em chung 1 chiếc xe
Đến thăm em Siu H’Han (lớp 6A, trường THCS Lý Tự Trọng, huyện Krông Pa) trong căn nhà sàn nhỏ ở buôn Lao (xã Chư Gu, huyện Krông Pa) gần cuối chiều, tôi thấy cô bé gầy gò Siu H’Han vẫn đang chăm chỉ học bài. Em kể, thường buổi tối em phải ngủ sớm để tiết kiệm tiền điện, sáng mai còn dậy đi sớm đi hơn 6 km đến trường.

Nhà H’Han che bằng vài tấm tôn đã nhiều lỗ thủng, mưa thì dột ướt, còn nắng thì nóng như trong lò lửa. Gia đình em đã quá nghèo gần đây lại càng khó khăn hơn khi bố em là anh R’ô Dinh (SN 1984) trong lúc đi vác trụ tiêu thuê bị trượt ngã, trụ tiêu đè gãy cánh tay phải. Mẹ của H’Han đi khắp nơi tìm việc làm nhưng nhìn bà quá gầy yếu, ít người dám thuê. Nguồn sống của cả nhà chỉ trông vào hơn 2 sào mì (sắn), nên khoản nợ 60 triệu đồng điều trị cho cánh tay gãy của bố không biết khi nào mới trả hết.
Kể về sự hiếu học của Siu H’Han bằng giọng bùi ngùi, cô Nguyễn Thị Hồng Phúc Chủ nhiệm lớp 6A nói: Cả trường đều nhất trí đề cử em Siu H’Han là trường hợp xứng đáng được nhận học bổng Đọt Chuối Non của báo Tiền Phong. Nhà nghèo quá, cả 5 anh chị em nhà H’Han phải dùng chung 1 chiếc xe đạp. Anh trai Han học lớp 9 trường này, có lúc 2 anh em đèo nhau đi, cũng nhiều khi H’Han phải nhờ xe bạn khác chở. Dù hoàn cảnh rất khó khăn, em Han vẫn cố gắng học giỏi, là tấm gương chuyên cần với nhiều đức tính tốt để các bạn khác noi theo.
Tiền Lê
‘Niềm tin chiến thắng’ cho trò nghèo vùng sâu
TP – “Pờ Tó chưa bao giờ vui như hôm nay”- nhiều thầy cô giáo cảm động nói với các phóng viên trước những học sinh hiếu thảo vượt khó vừa nhận học bổng Ðọt Chuối Non, và các bậc cha mẹ sau khi nghe “tiếng hát họa mi” lại được chứng kiến đứa con bé bỏng của mình ăn ngon lành bữa “cơm có thịt” ngay tại trường.

Hội tụ giữa hoang sơ
Sự kiện “hai trong một” do báo Tiền Phong tổ chức tại trường TH&THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) ngày 7/1/2019 có hơn 600 người dự, gồm học sinh, thầy cô giáo, đại biểu, khách mời, phóng viên các báo đài, cán bộ lãnh đạo từ cấp tỉnh đến các huyện thị, đồng bào các thôn, buôn.


Dưới sự điều hành sinh động của nhà báo Hoàng Thiên Nga, Trưởng văn phòng đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên, những tấm gương hiếu học, hiếu thảo, vượt khó của 4 huyện thị phía Đông Nam tỉnh lần lượt được vinh danh. Nổi bật, là sự nỗ lực vượt qua nhiều hạn chế của hoàn cảnh sống để được tiếp tục đi học, và học giỏi, của 4 học sinh được các Phòng Giáo dục nhất trí đề cử nhận suất học bổng đặc biệt từ Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ của Trung ương Đoàn.

Lần đầu được nhận học bổng, cũng là lần đầu tiên được đi xa, em Siu H’ Han, lớp 6A, trường THCS Lý Tự Trọng kể em hồi hộp đến mức cả đêm không ngủ. Sợ dậy trễ, em vừa đặt chuông điện thoại, vừa nhờ mẹ canh giờ báo thức. Nhà có 4 anh chị em, gia cảnh rất khó khăn, Han nhỏ bé, ốm yếu nhưng mỗi ngày đều phải đạp xe hơn 20 cây số đến trường. Nhiều hôm học 5 tiết, bụng đói lả, em cố đạp xe đến kiệt sức mới… “bò” được tới nhà, nhưng Han không bỏ buổi học nào.

Nữ sinh lớp 7/3 Ksor H’Rim (thôn Plei K’ Sing A, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, trường THCS Ngô Gia Tự) bị bệnh nan y bẩm sinh, cao chưa tới 1 mét. H’Rim chia sẻ: Bố mẹ đã đưa em đến nhiều bệnh viện ở Gia Lai, TP Hồ Chí Minh, bác sĩ bảo phải dùng thuốc liên tục. Chỉ cần thiếu thuốc vài hôm là tay chân H’ Rim sưng phù lên đau nhức, không thể di chuyển hay cầm bút viết được. Dù bị bệnh tật hành hạ, cô bé Ja Rai có khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt to tròn long lanh vẫn khát khao đến trường, vẫn học khá giỏi và được thầy cô, bạn bè quý mến.

Cô Trương Thị Thu Thủy giáo viên trường THCS Lê Lợi (xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa) chở em Nay H’Grơ (lớp 8) bằng xe máy hơn 50km đến nhận học bổng. Bố mẹ Nay H’Grơ thường xuyên đau ốm, có 6 đứa con thì mấy đứa lớn lấy vợ, hỏi chồng cũng đều nghèo và ở xa cả. “H’Grơ rất nỗ lực, là lớp phó học tập, luôn gương mẫu. 15 phút đầu giờ mỗi ngày em thường được phân công lên bảng giải bài tập cho các bạn. Khoản học bổng báo Tiền Phong đối với gia đình Nay H’Grơ là rất lớn và có ý nghĩa vô cùng!” – Cô Thuỷ nói.

Em Đinh Ber người Bana học lớp 2/2 trường Đinh Núp đến trường dự lễ vẫn với đôi chân trần như mọi ngày. Được báo Tiền Phong tặng dép, em thẹn thùng cảm ơn. Nhân dịp này, báo Tiền Phongtặng 4 Phòng Giáo dục 400 đôi dép 2 cỡ lớn-nhỏ, để Phòng chia cho các trường tặng học trò chưa có dép mang. Cô Rcom Hiếu chủ nhiệm lớp 1/2 trường Đinh Núp kể: Chuyện đi chân không đến trường của học sinh nơi đây rất phổ biến. Lớp cô chủ nhiệm có 22 học sinh dân tộc Ba Na đều hay “quên” dép ở nhà hoặc trên rẫy.

“Niềm tin chiến thắng”
Trao xong 64 suất học bổng Đọt chuối non, báo Tiền Phong phối hợp Quỹ trò nghèo Vùng cao khai trương chương trình “Cơm có thịt Tây Nguyên” cho 2 lớp Một của trường TH-THCS Đinh Núp. Nguồn hỗ trợ hơn 160 triệu đồng đủ để trường dựng bếp, mua sắm các vật dụng cần thiết, cho các cháu ăn miễn phí đến hết năm học. Từ cơ sở vật chất và cơ chế huy động đã có, trường sẽ tiếp tục giữ lửa đỏ bếp cho những năm sau. Chứng kiến con trai bé bỏng lần đầu được ăn cơm đủ dinh dưỡng tại trường, chị Đinh Miết mẹ cháu Đinh Ngư học lớp 1/2 nghẹn ngào kể: “Ở nhà quanh năm chỉ có món cá khô và canh lá mì. Vào dịp lễ hội, hay thu hoạch mùa màng, mình mới có chút tiền mua thịt cho con ăn. Mình cảm ơn những người tốt đã thương và giúp đỡ cho các con chu đáo quá”.

Buổi lễ khiến nhiều người rơi nước mắt, trước phần hòa ca và trình diễn nhiều loại nhạc cụ trong liên khúc “H’Jen lên rẫy – Tuổi thần tiên – Niềm tin chiến thắng” của nhóm nhạc 7 thầy trò khiếm thị, tài năng đến từ trường chuyên biệt Vi Nhân (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Nụ cười và gương mặt ngời sáng lạc quan của các em bé mù lòa khiến cử tọa rung động, tràn ngập cảm xúc thiện lành.

Tiếng hát vút cao, trong vắt, lảnh lót như họa mi hót giữa đại ngàn của Nghệ sĩ Nhân dân Rơ Chăm Phiang quyến rũ đến mức tất cả say mê nghe chị hát hết bài này đến bài khác. “Bóng cây Kơ nia”, “Cánh chim báo tin vui”, “Ơn bác Hồ với người Tây Nguyên” … Rơ Chăm Phiang cảm ơn báo Tiền Phong đã có lời mời chị từ Hà Nội bay về hát phục vụ đồng bào trong chương trình thiện nguyện đầy ý nghĩa.
Ca sĩ, đại tá, giảng viên trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội người J’rai chia sẻ: Khi nhìn các em, Phiang như thấy lại mình. Ngày xưa Phiang cũng nghèo khó, chân trần phơi nắng đi học ở huyện Đức Cơ. Mình đã vượt qua rất nhiều thử thách để có được ngày hôm nay. Được hát ở nơi từng là căn cứ Cách mạng, trước các em bé đầy nghị lực vượt khó, không gì hạnh phúc hơn. Phiang mong và tin sau này các em cũng sẽ thành đạt, cũng biết chia sẻ và giúp đỡ người khác như những gì hôm nay các em đang được nhận.
Thay mặt lãnh đạo báo Tiền Phong, nhà báo Phùng Công Sưởng- Phó tổng biên tập cảm ơn lãnh đạo địa phương đã rất quan tâm hỗ trợ chương trình. Thậm chí nhiều vị còn dùng lương thưởng cá nhân tài trợ, góp phần giúp học sinh hiếu học được nhận học bổng, các cháu nhỏ có thêm những bữa cơm ngon tại trường để có đủ sức khỏe học tốt. Ðây là lần đầu tiên Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam trao học bổng cho học sinh nghèo Tây Nguyên, vừa là vinh dự, vừa là động lực khích lệ các em không ngừng phấn đấu, mong sẽ thành nhân tài cho đất nước.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Long-Phó giám đốc Sở GD&ÐT Gia Lai phát biểu: Cả 2 chương trình học bổng Ðọt Chuối Non, và “Cơm có thịt Tây Nguyên” đều là hoạt động thiện nguyện độc đáo, ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc. Giá trị của sự kiện này không chỉ cho học sinh, mà cho cả các nhà giáo, các cán bộ địa phương trong việc chăm sóc, giáo dục, khích lệ thế hệ trẻ không ngừng sống đẹp, vươn lên. Mong rằng chương trình tiếp tục có thêm nhiều nguồn tài trợ, để lan tỏa ngày càng rộng khắp, vì chắc rằng rất nhiều trường và địa phương mong được đón tiếp báo Tiền Phong đến tổ chức những sự kiện tốt đẹp, đặc sắc tương tự.
Cám ơn Thiên Nga tài ba. em làm chương trình càng ngày càng lớn, và kéo các chương trình khác theo cùng. Wonder Woman!
A. Hoành
ThíchThích
Chị Thiên Nga giỏi quá. Cảm ơn chị Thiên Nga đưa học bổng ĐCN đi ngày càng xa và rộng tới các em.
Chúc chị khoẻ
e. Hằng
ThíchThích