Kinh Lạy Cha

Chào các bạn,

Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện do Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện. Tiếng Anh là The Lord’s Prayer, tức “Lời cầu nguyện của Chúa [Giêsu]”. Đây là một lời cầu nguyện ngắn, sâu sắc, và quan trọng nhất trong truyền thống Kitô giáo (Công giáo, Chính thống giáo, Tin lành).

Mình đã nói về Kinh Lạy Cha trước đây. Hôm nay nói lại, chi tiết hơn một chút. Vì kinh này đã thường bị hiểu sai hai ngàn năm nay, nên mình giải thích để các bạn, đặc biệt là các bạn Công giáo và Tin lành, nắm vững.

Dưới đây là lời kinh tiếng Anh và tiếng Việt. Mình dùng hai lời này, vì so sánh hai ngôn ngữ có thể giúp chúng ta hiểu rõ ràng hơn.

Our Father who art in heaven,
hallowed be thy name.
Thy kingdom come.
Thy will be done,
on earth as it is in heaven.
Give us this day our daily bread;
and forgive us our trespasses,
as we forgive those who trespass against us;
and lead us not into temptation,
but deliver us from evil. (Matt 6:8-13)

Lạy Cha chúng con ở trên trời,
chúng con nguyện danh Cha cả sáng,
nước Cha trị đến,
ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày
và tha nợ chúng con
như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.
Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.

Our Father who art in heaven,

Lạy Cha chúng con ở trên trời: Cha ở trên trời, tức là Ông Trời ở trên trời. Đây là khái niệm rất quen thuộc trong tâm thức con người trong mọi nền văn hóa. Trời trên cao là nơi thanh cao trong sạch sáng sủa. Người trời, Ông Trời, Thượng đế, Thiên Chúa thì ở trên trời.

Nhưng đó có thật là trên đỉnh cao Hy Mã Lạp Sơn không? Hay trên mấy tầng trời xanh ngắt? Đi phi thuyền không gian có thể tới không? Hay trời đó là biểu tượng cho một điều gì khác?

Mọi tôn giáo, dù gọi Ông Trời là gì, thì cũng đồng ý một điểm là Ông Trời ở khắp mọi nơi (Omnipresent God). Khắp mọi nơi là… khắp mọi nơi, kể cả dưới đất, chứ chẳng chỉ trên trời. “Trên trời” là ý nói nơi thanh cao, chẳng phải nói đến trời xanh mây trắng.

Nếu cần một nơi thanh cao để chúng ta nhớ chỗ ông Trời, thì nơi đó là gì?

Các bạn, đó là tinh thần con người, trái tim con người. Chẳng nơi nào của thế giới có thể thanh cao hơn thế, vì tinh thần con người là Thánh linh, vượt lên khỏi tầng vật thể của thế giới này.

Ông Trời luôn ở đó trong tâm thức ta, trong tinh thần ta, trong tâm ta, trong trái tim ta. Chúa ở trong lòng ta, đừng tìm đâu xa. Chúa Giêsu nói: “Không thể thấy nước Chúa đến bằng quan sát. Cũng không thể nói Ở đây! hay, Đằng kia! Bởi vì, nhìn kìa, nước Chúa ở trong các bạn.” (The kingdom of God cometh not with observation: Neither shall they say, Lo here! or, lo there! for, behold, the kingdom of God is within you. Luke 17:20-21 King James Version).

Phần nhiều người ta đọc kinh và tưởng tượng Ông Trời/Chúa Trời ở trên trời rất cao, hay ở một thiên hà nào đó cách trái đất hằng triệu năm ánh sáng, nhưng chẳng ai nhớ nước Chúa và Chúa ở trong lòng mình. Bố mẹ mình ngồi cạnh mình ăn cơm mỗi ngày, mà mình cứ nghĩ là bố mẹ mình đang ở một hành tinh khác là sao nhỉ? Đó là bệnh gì?

hallowed be thy name.

Chúng con nguyện danh cha cả sáng: Tức là chúng con cầu cho tên Cha được chói sáng. Theo lịch sử thì, bắt đầu vào câu này là con người có đủ loại chiến tranh.

Mỗi dân tộc đều đặt tên cho Thượng đế, và các tên của các dân tộc gọi Thượng đế đều khác nhau – thường khi khác nhau vì văn hóa và ngôn ngữ, chẳng khác nhau về ý nghĩa — nhưng vì khác nhau như thế mà các dân tộc giết nhau chí chóe vì “chúng mày là tà đạo”. Đây là câu truyện chiến tranh dài của các tôn giáo qua nhiều ngàn năm của lịch sử loài người, kể từ nhiều ngàn năm trước khi Chúa Giêsu ra đời, kéo dài đến ngày nay. Ngay cả trong tiếng Việt, bao nhiêu năm các con Đức Chúa Trời chẳng công nhận Ông Trời (ngày nay thì bắt đầu có tiến bộ hơn). Các bạn nên đọc lịch sử chiến tranh tôn giáo của thế giới để biết, mình không muốn tốn thời gian ở đây.

Thượng đế là Cha của chúng ta và Thượng đế là tình yêu (1 John 4:8). Mọi tôn giáo thờ phượng Thượng đế/Ông Trời đều đồng ý về điểm này, dù họ gọi Thượng đế là gì trong ngôn ngữ của họ. Vậy thì hãy nhớ điểm này.

Thượng đế là tình yêu. Nếu phải nhớ một tên để gọi Thượng đế mà mọi người, mọi dân tộc, đều đồng ý, thì hãy nhớ tên đó là “Tình Yêu”.

Chúng con cầu cho tên Cha – Tình Yêu – được chói sáng trong mọi hóc hẽm của thế giới, trong mọi trái tim của tất cả mọi người chúng con.

Thy kingdom come.

Nước cha trị đến: Tức là, nước của Cha cai trị được đến. Từ trước thời Chúa Giêsu, khi dân Do Thái đang đợi một Messiah (Đấng Cứu Thế), thì hình ảnh của Đấng Cứu Thế trong lòng người Do Thái là một đại đế, quân lực hùng hậu, giải phóng Do Thái khỏi mọi ách nô lệ của các dân tộc khác, chiến thắng cả thế giới, để thành lập nước Chúa trên toàn thế giới.

Chúa Giêsu đến trong yêu thương, khiêm cung và nghèo hèn. Nhưng đó là Giêsu. Các nhánh Kitô giáo cũng không màng dùng giáo mác, súng đạn, và quân đội thanh toán các nước khác để xây dựng nước Chúa. Gần đây nhất là hệ thống các quốc gia thực dân Âu Châu đánh chiếm thuộc địa khắp thế giới với một trong những lý do rõ ràng nhất là xây dựng nước Chúa khắp thế giới.

Các bạn, “nước Cha” là “nước Yêu Thương” trong trái tim của mỗi người chúng ta. Chẳng phải là đất đai, lãnh thổ, lãnh hải, nhân lực. Hãy nguyện cầu cho vương quốc Yêu Thương của Cha đến với trái tim của mỗi người trên thế giới.

Thy will be done, on earth as it is in heaven.

Ý cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời : Ý Cha là gì? Đây lại cũng đã được dùng để tạo lý do chiến tranh triền miên trong lịch sử. Mỗi tôn giáo, Công giáo cũng như Hồi giáo, đã từng xem ý của giáo hội của mình là ý Cha, và chiến tranh triền miên. Ngay cả Tin lành, cũng bị coi như chống Cha và bị đuổi bắt và tận diệt. (Chính vì thế mà Tin lành Âu Châu chạy sang Tân Thế Giới tị nạn và tạo thành nước Mỹ). Rất tiếc là ý niệm “ý Cha” của các tôn giáo như thế này, ngày nay còn hiện diện tại nhiều nơi có chiến tranh tôn giáo trên thế giới.

Các bạn, Cha là Tình Yêu. Ý Cha là các con yêu nhau. “Thầy cho các con một điều răn mới: Hãy thương yêu nhau.” (John 13:34).

Ý Cha chỉ là “Các con hãy yêu nhau.” Đừng diễn giải lăng nhăng để làm tội.

Give us this day our daily bread.

Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày: Nếu xin Cha, thì hãy xin lương thực cho ngày hôm nay. Đừng xin làm đại gia, đừng xin có nhà có xe xịn, đừng xin mở rộng “nước Cha”, đừng xin cho nhiều người theo đạo, đừng xin chiến thắng “kẻ thù”…

Lương thực hôm nay là gì? Lương thực cho cơ thể là thức ăn, và lương thực tinh thần là tình yêu. Xin cha cho hôm nay chúng con có thức ăn và có nhiều tình yêu trong lòng.

Hãy lo sống hôm nay và xin Cha giúp con sống hôm nay như thế. Ngày mai để ngày mai lo. Cha luôn yêu bạn và biết bạn cần gì. (Matthew 6:25-34). Đây chính là sống “ở đây lúc này”. Hãy tập trung vào sống ở đây lúc này, cho tròn đầy. Vì đó là cách sống làm cho đời bạn phong phú nhất.

and forgive us our trespasses, as we forgive those who trespass against us;

và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con: Chữ “nợ” trong bản tiếng Anh là trespasses, có thể dịch là xâm phạm, xâm phạm vật chất hay xâm phạm tinh thần.

Nợ vật chất là tiền bạc, nợ tinh thần có thể là nợ danh dự, lỗi lầm đã làm, hiềm khích đã có. Đừng cầm buộc ai, như Cha cũng chẳng cầm buộc mình.

Ở đây có câu hỏi thần học: Chúng ta phải tha nợ cho người khác trước, rồi Cha mới tha nợ ta sau? Hay, Cha luôn tha nợ chúng ta (nếu ta xin Cha tha), và vì ta yêu Cha nên ta học theo Cha tha nợ cho người khác?

and lead us not into temptation,

xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ: “Cám dỗ” là đầu mối của mọi tội lỗi. Nếu không có cám dỗ, thì chẳng có tội. Bị tiền cám dỗ thì thành trộm cắp, bị tình cám dỗ thì thành đấu đá, bị giận dữ cám dỗ thì thành tội phạm, bị quyền lực cám dỗ thì thành ích kỷ, bị cái tôi cám dỗ thì thành kiêu căng…

Bản tiếng Việt nói: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” rất dễ hiểu. Nhưng bản tiếng Anh, gần với bản nguyên thủy hơn, nói: “Lead us not into temptation” (Đừng dẫn/đưa chúng con vào cám dỗ). Điều này rất lạ. Tại sao lại sợ Cha “dẫn/đưa chúng con vào cám dỗ”? Sao Cha lại dẫn/đưa chúng con vào cám dỗ được?

Trong Thánh kinh, có nhiều nơi cho thấy chúa quỷ (satan, devil) là tempter (người cám dỗ), giúp God để cám dỗ con cái God. Ví dụ: Trong Matthew: “Rồi Giêsu được Thánh linh dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi! (Then Jesus was led by the Spirit into the wilderness to be tempted[a] by the devil. After fasting forty days and forty nights, he was hungry. The tempter came to him and said, “If you are the Son of God, tell these stones to become bread.”) (Matthew 4:1-3).

Tức là trong đoạn này, quỷ (the devil) cũng là tên cám dỗ (tempter), và Thánh linh God đưa Jesus vào hoang địa cho quỷ cám dỗ.

Hơn nữa, trong bản tiếng Hy Lạp chỗ này, tempted (bị cám dỗ) cũng có nghĩa là tested (bị thử thách, bị sát hạch, bị kiểm tra). Tức là đoạn này nói: Thánh linh God đưa Jesus vào hoang địa để được kẻ cám dỗ/chúa quỷ cám dỗ/sát hạch/kiểm tra. Tức là, có sự cộng tác giữa God và kẻ cám dỗ để cám dỗ/sát hạch Jesus (và loài người).

Tương tự như thế, trong Book of Job (Cựu ước), satan (chúa quỷ) là một trong những người con của God. (“Rồi có một ngày khi các con của Chúa Trời đến có mặt trước Chúa và satan cũng đến cùng họ – Now there was a day when the sons of God came to present themselves before the Lord, and Satan came also among them.” Job 1:6). Satan sau đó được Chúa Trời cho phép tạo ra đủ tai ương cho Job để cám dỗ Job chống lại Chúa Trời, nhưng satan thất bại.

Trong truyền thống cổ xưa này của Thánh kinh, thì cám dỗ cũng là công việc của Chúa để sát hạch chúng ta. Gần giống như Ông Thiện và Ông Ác làm việc với nhau, mà ta thấy trong nhiều cửa chùa.

Đây là một điểm triết lý và thần học rất sâu sắc: Các cám dỗ, các khó khăn, các thử thách mà bạn gặp đều là việc được Chúa cho phép được sắp đặt để khảo hạch bạn, để giúp bạn mạnh mẽ và lên lớp.

Nghĩa là trong những lúc đau đớn nhất hoặc sai sót nhất của bạn, thực ra Chúa luôn đứng gần đó và chăm chú nhìn bạn trong kỳ khảo hạch, và mong cho bạn vượt qua.

Đừng bao giờ tuyệt vọng.

but deliver us from evil.

nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ: Bạn không cần phải chống trả với cám dỗ một mình. Nói chuyện cùng God, cầu nguyện cùng God, tâm sự cùng God, để God thêm sức mạnh cho bạn, vượt qua được mọi cám dỗ, vượt qua tội lỗi ở đời.

Bạn không bao giờ cô đơn một mình. Nhớ điều này, và hãy nhờ God giúp bạn bất kì điều gì bạn cần. God chẳng muốn bạn phải đi một mình. Dù bạn đang bị khảo hạch, God cũng muốn giúp bạn một tay, nếu bạn nhờ God.

Đừng tuyệt vọng. Bạn không bao giờ đi một mình.

Chúc các bạn hiểu được “Thượng đế/Ông Trời là tình yêu”.

Mến,

Hoành

© copyright 2018
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

2 thoughts on “Kinh Lạy Cha”

  1. Anh Hoành kính,Bài viết về Kinh Lạy Cha/KLC của anh đáng chú ý, nhất là khả năng hiểu lầm (hay hiểu chệch đi) vì “cách nói” của thời xưa cùng hàm ý (tâm linh/trừu tượng)  – thí dụ như câu “Thy kingdom come” (nước/quốc cha trị đến) làm nhiều “nhà nước” chột dạ vì sợ bị nước người xâm chiếm … Chính vì câu này mà Đức Chúa Giê Su bị hành quyết (đóng đinh) và bản cáo trạng gắn vào thánh giá là “Giê-su Na-da-rét, Vua dân Do-thái.” (A). Ngay cả thời kỳ truyền vào Đông Á, khi chữ Nôm và chữ Hán còn phổ thông – có bản KLC bằng chữ Nôm bị cắt đi câu “quốc cha trị đến” (vì quan quân đa phần chỉ đọc được chữ Hán và Nôm so với chữ quốc ngữ) (B), cũng như một số LM và bổn đạo CG ở TQ bị hành quyết vì không trả lời “thoả đáng”…v.v…

    Vài hàng cùng chia sẻ Nguyễn Cung Thông

    (A) Trong Phúc âm Gioan (19: 19-20) những chữ này được giải thích: “Ông Phi-la-tô cho viết một tấm bảng và treo trên thập giá; bảng đó có ghi: “Giê-su Na-da-rét, Vua dân Do-thái.” Trong dân Do-thái, có nhiều người đọc được bảng đó, vì nơi Đức Giê-su bị đóng đinh là một địa điểm ở gần thành. Tấm bảng này viết bằng các tiếng: Híp-ri, La-tinh và Hy-lạp.”(B) Xem thêm chi tiết hai bài viết về KLC như trên trang này chẳng hạn  https://cvdvn.net/2018/02/04/tieng-viet-tu-thoi-lm-de-rhodes-kinh-lay-cha-phan-5a/

    Like

  2. Cám ơn anh Thông. Mình nhớ là lúc CVD đăng bài “Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes – Kinh Lạy Cha” mình có nhắc các bạn nên đọc, để thấy được sư tiến hóa rất interesting của chữ quốc ngữ trong thời gian mới được tạo ra. Bào học lịch sử và ngôn ngữ học rất thú vị.

    Về “quốc/nước cha trị đến”, mình nghĩ là các quý vị xâm lược xưa nay cố tình hiểu sai (để xâm lược), nhưng những nước bị xâm lược thì hiểu rất đúng ý đồ của các vị xâm lược. 🙂

    Mến,
    Hoành

    Like

Leave a comment