Chào các bạn,
Mình kể bạn nghe tình yêu với biển của người dân Cù Lao Chàm nhé.
Khoảng tháng Sáu năm 2010 mình đến Cù Lao Chàm chơi – một hòn đảo nhỏ nhắn xinh xắn cách Cửa Đại, Hội An khoảng 15km. 15km đường biển, nếu đi ca-nô cao tốc thì chỉ mất 15 phút nhưng nếu đi tàu chợ thì mất khoảng 2 tiếng, chưa kể thời gian chờ tàu.
Hồi đó tụi mình đi tàu chợ vì muốn ở trên biển lâu lâu một chút, đi chơi mà, vội vàng chi. Biển mùa hè rất đẹp. Khắp chốn óng ánh những dải màu đủ sắc nơi giọt nắng và giọt biển gặp nhau. Các bạn nắng và biển này chẳng ngồi yên một chỗ bao giờ, cứ nhảy nhót chạy qua chạy về đến chóng mặt. Ngồi ở mạn tàu ngắm các bạn thì rất dễ say, chỉ muốn nhảy xuống hòa làm một với các bạn. Nếu không biết bơi thì khả năng đi chơi với các bạn mãi mãi là rất cao. 🙂
Khi đến Cù Lao Chàm, tụi mình ở homestay, ở trong nhà dân (là người quen của bạn mình) – Tụi mình đi chợ và nấu cơm cùng chị chủ nhà, ngủ cùng giường với chị chủ và mấy con gái của chị (anh chủ và mấy con trai thì trải chiếu ngủ dưới đất, ngoài hiên).
Khi đi chợ mua đồ ăn trưa, mình ngạc nhiên thì người dân ở đây dùng túi giấy để đựng đồ. Túi giấy là giấy vở và giấy báo được gấp ngay ngắn, dùng ghim bấm bấm quanh các mép giấy. Và các chị dùng túi giấy rất tự nhiên, vui vẻ; khi dùng trước mặt người lạ cũng không giảng giải hay tuyên truyền gì cho người lạ, người lạ có hỏi thì chỉ nói giản dị: “Ở đây dùng túi giấy thôi.”

Trước khi đến Cù Lao Chàm, mình có nghe nói ở đây đang thực hiện phong trào không dùng túi nilong nhưng khi đến tận nơi mới thấy đây không phải là phong trào, đây là nếp sống của người dân. Từ người già đến trẻ nhỏ, tình yêu với môi trường và với biển được thể hiện qua từng hành động nho nhỏ, đơn giản và tự nhiên, làm mình cảm giác nếu mình ca ngợi họ thì họ chẳng hiểu mình nói gì.
Những con đường trên đảo nhỏ xíu và sạch sẽ, chỉ có hoa, lá và người trên đường. Cát trắng tinh không một cọng rác trên bờ biển. Nước biển trong xanh đầy cá và san hô. Người dân hiền hòa (đi chơi trong chiều nắng nên khát nước, đứng trước cửa nhà một chị, chị hỏi có chuyện gì, nói em mệt, em khát nước, vậy mà chị mở cổng cho tụi mình vào nhà rửa chân và lấy nước cho tụi mình uống).
Cảm giác như lần đầu được nhìn thấy một nơi đẹp đẽ, sạch sẽ, văn minh và hiền hòa đến vậy.
Những điều đó làm shock mình.
Đêm trên đảo, đêm yên bình và yên tĩnh, mình tự nhủ khi về “đất liền” sẽ làm gì đó cho những người bạn đảo và bạn biển đáng quý này.
Khi trở về “đất liền”, mình dùng túi vải thay cho túi nilong khi mua đồ hoặc dùng túi nilong có sẵn ở nhà thay vì nhận túi nilong mới; dùng hộp nhựa có sẵn ở nhà thay cho hộp xốp dùng một lần khi mua thức ăn ăn liền; nếu ăn uống tại chỗ được thì ăn uống tại chỗ, thay vì mang đồ ăn về (mang cà-phê, trà sữa, nước ép, bún phở… về).
Nhiều lúc mình quên hoặc lười, dùng túi nilong mới, dùng ly nhựa, ống hút nhựa…, đến khi về nhà nhìn thùng rác với một mớ bao nilong và đồ nhựa, mình nghĩ về các bạn ở biển, thấy thương các bạn quá, tự hứa lần sau sẽ nhớ dùng túi vải và suy nghĩ một chút trước khi mua đồ ăn đồ uống, làm sao để mình vừa ăn ngon mà các bạn ở biển cũng được sống vui sống khỏe trong môi trường sạch sẽ.
Gần đây đọc tin Cù Lao Chàm phát động “Không sử dụng ống hút nhựa”, Cù Lao Chàm đã nói không với túi ni lông và bây giờ là nói “Không sử dụng ống hút nhựa”, mình ngưỡng mộ Cù Lao Chàm quá, thật là văn minh và tiến bộ. Chúng ta còn đứng cách xa Cù Lao Chàm nhiều lắm.
Mình ít khi dùng ống hút nhựa vì ít uống nước ở ngoài nhưng mình có để ý vài sản phẩm tre nứa (ống hút nứa, ống hút tre…), trong tương lai nếu cần mình sẽ dùng.
Vài chia sẻ với các bạn, về tình yêu với biển và với môi trường chung của Cù Lao Chàm, một tình yêu giản dị, tự nhiên và chân thành, đã và đang chuyển đổi trái tim mình ra sao.
Chúc các bạn một ngày tình yêu.
Phạm Thu Hương