Chất lượng làm việc cao nhất

Chào các bạn,

Trong thế giới làm việc, giá trị quan trọng nhất của mỗi người chúng ta là chúng ta luôn luôn tạo ra sản phẩm lao động với “chất lượng cao nhất mà ta có thể”—the best quality possible.

Chất lượng cao nhất của sức lao động của ta không liên hệ gì đến thông minh, nhanh lẹ, tháo vát, hay tầm nhìn gì của ta cả. Chất lượng cao nhất của ta lệ thuộc vào chỉ một thứ duy nhất: Quyết tâm tạo ra sản phẩm với chất lượng cao nhất mà ta có thể.

Gọi là quyết tâm, nhưng thường thì ta cũng không nghĩ đến quyết tâm đó, vì làm việc với chất lượng cao thường là một thói quen sống. Người chất lượng cao luôn làm việc với chất lượng cao mà chẳng suy nghĩ gì cả. Chỉ người chưa quen làm việc như thế, người làm việc nửa nạc nửa mỡ, mới phải quyết tâm, cho đến khi làm việc với chất lượng cao nhất trở thành thói quen.

Nhưng chất lượng cao là gì?

Mỗi công việc đòi hỏi một số yếu tố chất lượng khác nhau. Giả sử bạn được sếp giao phó trách nhiệm làm một cuộc thử vị cà phê của công ty của bạn trong giới sinh viên, để xem các bạn sinh viên định giá cà phê của bạn thế nào. Và bạn có 2 tháng để làm xong việc đó. Bạn có một ngân sách đủ để thuê một số người giúp bạn.

1. Việc đầu tiên là có một kế hoạch thuê một số sinh viên giúp tay tại các địa điểm đặt bàn thử cà phê kế các trường đại học, và một bản định điểm giản dị để người thử cho điểm.

2. Làm việc với cảnh sát thành phố để xin phép về việc đó.

3. Trình kế hoạch rất nhanh với sếp để xin ý kiến sếp.

4. Làm việc với các bạn sinh viên đặt hệ thống bàn thử trong thành phố.

5. Trong khi làm việc phải làm cho các bạn SV giúp mình (1) hiểu công việc, (2) yêu mình và công ty mình, (3) hăng hái làm cho mọi sinh viên đến thử đều yêu công ty của mình, và (4) tự động quảng cáo cho công ty giúp mình.

6. Cho thông tin về cuộc thử nghiệm này trên trang web, và khuyến khích các bạn SV đến trang đó phản hồi ý kiến.

7. Thu nhận và thống kê kết quả định giá, và nhận xét về cảm mến của công SV đối với công ty mình.

8. Trình kết quả cho sếp đúng hẹn.

Các bạn đọc “roadmap” (lộ trình) ngắn ngủi bên trên có thể nhận ra rằng bắt đầu thì ta nói là thử vị cà phê, nhưng khi làm việc thì ta làm thêm 2 việc khác: (1) tạo ra một nhóm quân sinh viên yêu công ty và tự động quảng cáo cho công ty (và mai sau có thể là nhân viên thường trực của công ty), và (2) tiếp thị để nhiều sinh viên yêu công ty của ta và cà phê của ta.

Đó là làm việc với chất lượng cao nhất có thể. Không phải sếp nói thử cà phê, là chỉ biết đến ly cà phê và nếm cà phê, mà ta làm cho công việc của ta thành quan trọng và ‎ý nghĩa hơn thử cà phê rất nhiều, chỉ nhờ cái nhìn cẩn trọng của ta đối với công việc và thói quen làm việc với một ý nghĩa và chất lượng cao nhất mà ta có thể làm.

Các bạn, chất lượng của công việc của ta lệ thuộc vào thói quen làm việc với chất lượng cao nhất. Thường thì chỉ đọc email của một người ta cũng có thể biết được người đó có thói quen làm việc thế nào. Một email rõ ràng, dễ đọc, dễ hiểu, lịch sự, thì khác với một email mà mình đọc hai ba lần cũng không chắc là mình hiểu đúng ý người viết hay không.

Act like a queen and they will treat you like a queen. Hành xử như một bà hoàng và người ta sẽ xử với bạn như một bà hoàng.

Tạo sản phẩm lao động của bạn với chất lượng cao nhất, và người ta sẽ xử với bạn như người chất lượng cao nhất.

Sản phẩm lao động của mình chính là đại diện của mình. Đại diện của mình mà thiếu chất lượng thì chính là mình thiếu chất lượng.

Cho nên các bạn, nên tập có thói quen đòi hỏi mình có chất lượng cao như thế. Nếu mình có thể cẩn thận và tập trung để có chất lượng lên đến 10 điểm, thì đừng tạo sản phẩm chỉ 5 điểm chỉ vì lười hay cẩu thả.

Và khi bạn quen đòi hỏi mình phải có chất lượng cao như thế thì một điều lạ lùng xảy ra là bạn sẽ hấp dẫn loại người có chất lượng cao đến với bạn. Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã.

Chúc các bạn một ngày chất lượng cao.

Mến,

Hoành

© copyright 2011
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một suy nghĩ 12 thoughts on “Chất lượng làm việc cao nhất”

  1. Hi anh,
    Em chưa phải là người làm việc với chất lượng cao, em kỳ vọng sản phẩm ở chất lượng cao, nhưng cách làm của em chưa xứng với kỳ vọng ấy.
    Nhưng hôm nay, em sẽ bắt đầu làm việc để đạt được chất lượng cao chất:)
    Chúc anh một tuần vui vẻ:)

    Đã thích bởi 1 người

  2. Anh cho em hỏi một câu có vẻ chính trị văn phòng (office politics) một tí. Em tự nhận thấy mình là người có thói quen làm gì cũng làm hết mình để đạt chất lượng cao nhất có thể. Nhưng khi mới đi làm thì nhiều anh chị lão luyện dặn em là mới làm đừng bao giờ làm hết sức. Ví dụ em có thể làm 10 điểm, mà sếp yêu cầu 7 điểm thì chỉ nên làm 7 rưỡi hoặc 7.75 thôi (7 như sếp yêu cầu và hơn 1 tí nữa thôi). Mọi người dặn là như vậy em cứ tiến đều đều mỗi lần sếp giao việc cho đến lúc em đạt 10 điểm, và người làm sếp sẽ happy hơn. Còn nếu em ráng hết sức ngay từ đầu thì em sẽ bị burn out, và sếp thì không bằng lòng vì thấy sức em này cứ vậy mãi, không tiến bao nhiêu.

    Thực ra em cũng thấy là càng làm càng học được nhiều kinh nghiệm, và không có chuyện mình đạt được 10 điểm ngay từ đầu, nhưng em vẫn muốn được biết ý kiến của anh về suy nghĩ trên, vì giả sử người làm chủ có suy nghĩ rằng mình tiến bộ chậm thì cũng uổng công hehe.

    Đã thích bởi 1 người

  3. Hi anh Hoanh,
    Anh Hoanh cho em hoi ve con duong ”trung dao” trong dao Phat? Lieu co lien quan gi den cach song “nua nac nua mo” khong a?
    Em xin loi, vi em vao mang bang dien thoai nen khong viet duoc dau’.
    Em Duc.

    Thích

  4. @ Chị Huyền Vân: em chưa gặp ai dặn dò em như thế, nhưng những người làm việc như thế thì em gặp khá nhiều. Công việc của họ làm không có chất lượng, có trường hợp do khả năng hạn chế (trường hợp này thì không nói làm gì), có trường hợp do họ lười biếng, cẩu thả, và cũng có trường hợp là do họ có mục đích riêng. Với sếp thì họ ăn nói thật hay chứng tỏ thật giỏi, nhưng với đồng nghiệp thì họ đá bóng cũng thật tài tình, đặc biệt khi đầu ra của họ là đầu vào của người khác, họ chỉ làm qua loa lấy lệ gọi là cho xong phần việc của mình, và sau đó là phủi áo; hoặc là đến phút cuối họ mới tung sản phẩm của mình ra cho mọi người góp ý kiến trong một khung thời gian hạn hẹp, và rồi sau này nếu bị khiển trách, họ sẽ bảo là tôi đã xin ý kiến của mọi người rồi và lúc ấy không ai có ý kiến gì cơ mà, v.v… và v.v… Và những hạng người này, cũng thường hay tìm cách chê bai người khác để nâng mình lên, v.v…

    Nhưng theo quan sát của em, những người đã ngồi vào ghế “sếp” rồi thì họ cũng tinh tường lắm, ai làm gì làm như thế nào là họ biết hết đấy, nhưng cách xử lý của họ thì không phải lúc nào mình cũng thấy hay biết được, và họ nhìn được toàn cục.

    Cứ nghe lời anh Hoành đi chị ạ, luôn luôn hướng đến chất lượng cao nhất có thể, đã làm việc gì, dù là việc to việc nhỏ, thì phải làm với chất lượng tốt nhất, đặt hết tâm huyết và yêu thích vào đó. Chính chất lượng công việc mà mình làm ra sẽ tạo nên giá trị bản thân, dù người khác có cố tình tìm cách dìm hàng mình, mình vẫn cứ nổi lên như thường!

    Một vài lời chia sẻ thôi, em không có ý gì khác!

    Đã thích bởi 1 người

  5. Chào bạn Đức!
    Vì chưa thấy anh Hoành trả lời cho bạn nên tôi xin phép chia sẻ chút ít suy nghĩ của tôi về câu hỏi của bạn.
    “Nửa nạc nửa mỡ” là chữ anh Hoành dùng nên về nghĩa bóng, tôi không chắc là mình hiểu đúng.
    Tôi hiểu cách sống nửa nạc nửa mỡ là cách sống với tâm phân biệt và có điều kiện: có ân có oán (ân thì đền oán thì trả), có tốt có xấu (ai tốt với mình thì mình tốt lại, ai xấu với mình thì mình xấu lại), có tỉnh có mê (Khi tỉnh thì nói và làm có ý thức, có chọn lựa. Khi mê thì nói và làm không có ý thức, không có chọn lựa)…
    Đó không phải là cách sống của người “luyện tâm”, không phải cách sống của người “tỉnh thức”, không phải cách sống của “hành giả tư duy tích cực”.
    Còn “trung đạo” của đạo Phật, tôi hiểu là “giữa đường”. Không quá tả, không quá hữu – không thái quá, không bất cập – không lơ là, không căng thẳng – không ép xác, không xa hoa – không dính mắc, không buông trôi…
    Đó là con đường an toàn vì đi ở giữa, không bị rơi vào bên bờ vực nào.
    Vậy nên cách sống nửa nạc nửa mỡ và con đường trung đạo của Phật là hoàn toàn khác nhau.
    Có gì chưa đúng, mong được anh Hoành và các bạn điều chỉnh, bổ sung.

    Thích

  6. Cảm ơn anh Thảo. Mình không thấy câu hỏi của Đức trước đây.

    “Nửa nạc nửa mỡ” trong bài này là ý mình nói làm việc không nghiêm chỉnh, không cố gắng hết mình, không đòi hỏi phẩm chất tốt nhất mà mình có thể làm..

    Trung Đạo nói như anh Thảo là rất đúng trong Phật giáo nguyên thủy. Là không chọn các khuynh hướng cực đoan. Thời Đức Phật đi tu, có nhiều trương phái Yoga tu rất khổ hạnh, không ăn không uống nhiều ngày để mong được giác ngộ, đó là một cực đoan. Cực đoan kia là những ngươi chỉ sống xa hoa vật chất. Hoặc có những trường phái lấy thân thể làm trọng mà bỏ tinh thần, có trường phái chỉ trọng tinh thần mà coi thường thân xác. Tất cả những cực đoan như thế đều không tốt. Cơ thể và tinh thần đều quan trọng – sắc thọ tưởng hành thức – ngũ ấm tạo thành ta. Không cực đoan trong cách nhìn nhận sự vật. Trung Đạo này rất giống Trung DUng của Khổng Tử.

    Đây không phải là không nghiêm chỉnh trong cách sống.

    Tuy nhiên khi Đại Thừa phát triển, thì Trung Đạo của Phật giáo phát triển đến một mức hoàn toàn mới–đó là không chấp,không trụ vào đâu cả. Chấp vào đâu cũng đều là cực đoan. Không chấp có, cũng không chấp không. Có mà là không, không mà là có. Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Đó chính là Trung đạo.

    Trung Đạo này là vô chấp, Nhưng có thể rất cực đoan vào những thời điểm nào đó. Chẳng hạn các Thiền sư, có khi thì cực kỳ nhẹ nhàng với học trò, có khi dùng la hét đánh đấm với học trò, dùng bất ki cách nào hợp với người học trò để giúp học trò giác ngộ, nhưng không vướng mắc vào cách nào cả. Tùy học trò mà dùng cách hiệu quả. Đó chinh là vô chấp–trung đạo trong Đại Thừa. Trung Đạo này khác với Trung Dung của Khổng Tử hoàn toàn.

    Đã thích bởi 1 người

  7. Anh Hoành là người lớn đầu tiên em biết khuyến khích làm việc hết mình. Đa phần mọi người đi trước điều nói với em ” đừng làm hết sức của mình, đừng hoàn tất mọi công việc”. Bởi vì ai cũng sợ người khác ganh tỵ, bởi vì ai cũng sợ vắt hết sức mình ra làm việc xong sẽ bị đào thải.

    Cám ơn anh Hoành, cám ơn Huyền Vân.

    Giống như Huyền Vân đã nói, có kinh nghiệm làm việc mới biết muốn làm hoàn tất mọi công việc 100% không phải là chuyện nói là làm được. Càng sống, tư duy tích cực, sống cho hiện tại, tập trung vào công việc, càng thấy muốn làm hết 100% luôn luôn cần nhiều cố gắng và nỗ lực.

    Và một điều nữa, khi làm việc hết sức mình, lòng mình thanh thản hơn vì mình đã trung thực với chính bản thân mình về khả năng của mình.

    “To give anything less than your best is to sacrifice the Gift”

    Đã thích bởi 1 người

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s