Đúng giờ

Chào các bạn,

Dân Việt ta nổi tiếng về giờ dây thun. Có lẽ đó là kết quả của nền văn hóa nông nghiệp, ra đồng trễ 15, 20 phút chẳng ăn thua gì. Trong các nền kinh tế công nghiệp, một chuỗi dây chuyền cả trăm người làm việc, người nào cũng phải đúng từng giây, trễ là trễ cả dây chuyền, cho nên mọi người rất quen đúng giờ.

Ngày nay trí thức, chuyên gia, sinh viên Việt chúng ta chẳng ai làm việc ngoài đồng, và nền kinh tế thành phố của ta là kinh tế công nghệ và dịch vụ cao, các chúng ta cần nắm được bí quyết đúng giờ.

Nếu bạn làm dịch vụ mà trễ giờ là hỏng. Ví dụ: Bệnh nhân lấy hẹn với bác sĩ, sáng vào đúng giờ hẹn, nhưng bác sĩ còn uống cà phê đâu đó, bắt bệnh nhân đợi nửa tiếng trong phòng mạch, thì có lẽ là phòng mạch đó không sống được lâu nếu đó là phòng mạch tư.

Ngay cả các tiệm ăn, đến giờ mở cửa mà các cô tiếp viên còn đi chơi ngoài đường. Khách vào đợi cả 45 phút mới có người tiếp, thì chắc là tiệm ăn đóng cửa.

Khi chúng ta trễ giờ, đương nhiên là ta làm hại uy tín và vận tốc làm việc của công ty.

Trong các sinh hoạt cộng đồng cũng thế. Trong các buổi họp, các buổi liên hoan, các buổi sinh hoạt tập thể, những người đi trễ rất là bất công với các bạn khác, vì người đi trễ đã lấy tiền trong túi của người đi sớm và đốt đi. Chuyện là thế này: Thời giờ là tiền bạc, nhất là trong đời sống thúc hối của thành thị ngày nay. Nếu ta có cuộc họp bắt đầu lúc 7 giờ, nhưng phải đến 7 giờ 30 mới có đủ mặt để họp, thì những người đến từ lúc 7 giờ đã mất 30 phút. 30 phút họ mất đó là do những người đi sau lấy, như là lấy tiền trong túi họ (vì thời giờ là tiền bạc) và đốt đi (vì chẳng bỏ được vào túi của mình để dùng). Đó rất là bất công với người đến đúng giờ.

Kỹ năng đến đúng giờ rất quan trọng trong việc hiển lộ con người bạn. Ở Mỹ, trong những công việc trong các công ty liên hệ đến cả một nhóm nhân viên hay liên hệ đến khách hàng, thì đến trễ vài lần là bị mất việc, đó là chuyện đương nhiên. Nhưng trong những dịp khác—hội họp hay kể cả hẹn đến nhà bạn ăn tối—những người hay đến trễ thường bị nghĩ là những người không đáng tin cậy. Ở VN cũng thế thôi, nếu bạn hay đến trễ đương nhiên là mọi người cũng có ấn tượng là bạn không đáng tin cậy (dù là người rất thân bạn có thể biết là bạn rất đáng tin cậy trong mọi chuyện, ngoại trừ chuyện đúng giờ). Nếu bạn giao thiệp với người nước ngoài mà cứ đi trễ thì rất khó có thể nhờ họ giới thiệu công việc với công ty nước ngoài cho bạn.

Việc đúng giờ là một kỹ năng tốt và cần thiết để trình bày con người của mình cho mọi người, cũng như kỹ năng ăn nói thành thật và chính xác vậy. Ấn tượng mọi người có về bạn rất quan trọng cho thành công của bạn trên đời.

Luôn luôn đến trước 5 phút. Nếu người ta mời ăn tối lúc 7 giờ, hay cuộc họp sẽ bắt đầu lúc 7 giờ, có mặt trước đó 5 phút, để có thời giờ thoải mái chào hỏi nhau và chuẩn bị, trước khi bắt đầu. Đúng giờ có nghĩa là đến vài phút trước giờ bắt đầu.

Và những người tổ chức hoạt động cũng nên chấp hành nguyên tắc đúng giờ cho mọi người. Khi mời mọi người đi họp nên nói rõ: “Cuộc họp sẽ bắt đầu đúng 7 giờ. Các bạn có mặt lúc 6 giờ 50 phút để chúng ta có 10 phút trà nước.” Viết đậm chữ “đúng” như thế. Và đến giờ họp thì bắt đầu đúng 7 giờ, không đợi những người đến trễ, như là lớp học đến giờ là học, không đợi các em vào trễ. Như vậy thì mới có thể tạo lập truyền thống đúng giờ. Nếu đợi những người đến trễ là khuyến khích mọi người vào trễ, không thể có truyền thống đúng giờ được.

Đến đúng giờ (trước 5 phút) là kỹ năng giao tiếp và ngoại giao. Bắt đầu đúng giờ là kỹ năng quản lý. Đằng nào cũng quan trọng cho chúng ta.

Chúc các bạn một ngày đúng giờ.

Mến,

Hoành

© copyright 2011
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

3 thoughts on “Đúng giờ”

  1. Em đã học tập và làm việc ở đây cũng khá lâu nhưng vẫn chưa thuần thục cái tác phong công nghiệp lúc nào cũng phải đúng giờ. Đa phần cái gì die die phải đúng giờ là em rất đúng giờ và thậm chí đến sớm nữa (như phỏng vấn, họp hành quan trọng v.v..), còn cái gì không mấy quan trọng thì rất chi là vô tư thoải mái (đi chơi với bạn bè (và đã bị bạn giận rồi), thậm chí đi làm (một khi đã thành ma cũ và thuần thục văn hóa công ty,…).

    Nhất định là em sẽ thuần thục kĩ năng này. Nhờ anh phân tích mới thấy rõ tác hại của nó. 😀

    Cảm ơn anh.

    Like

  2. Em cảm ơn anh Hoành nhiều về bài viết ạ,,,,
    Em thi thoảng cũng hơi khó chịu vì giờ dây thun.Em thường tham gia bên khâu tổ chức họp nhóm,họp hội …nhiều lần, em đã bực mình khi một số thành viên ko thể đến đúng giờ nhưng ko báo lại cho ban tổ chức…
    Nhưng suy đi nghĩ lại,bản thân em đôi lúc cũng hơi cao su,,,,Hi,Một vấn đề rất là lan giải anh nhỉ?

    Like

  3. Em rất tán thành việc “on time”, nhưng trong tình hình lớp em hiện nay thì thực sự là “cao su” trầm trọng. Trễ nửa tiếng như anh nói thì có khi cũng chưa ai đến. Cán bộ đôi khi cũng trễ, mà cả khi muốn đúng giờ nhưng lớp mới lèo tèo vài người thì cũng không sinh hoạt được. Họp lớp hay đại hội mà với nửa số người cũng chẳng ai dám tiến hành. Cán bộ mới ra chiêu bài là thông báo giờ lệch đi một tiếng để mọi người “cao su” ra là vừa. Ban đầu thì cũng có một hai người mắc bẫy, và cũng chỉ một hai lần. Rồi từ đó mấy con “nai tơ” ít ỏi còn sót lại này cũng mất. Cái biện pháp tối dạ này chẳng cải thiện được tình hình mà còn làm nó trầm trọng thêm. Cái đà này mà muốn phát triển cho bằng người ta cũng khó thay!

    Like

Leave a comment