Tam đoạn luận và giới hạn của luận lý

meeting

Chào các bạn,

Hôm nay chúng ta sẽ khảo sát hai lý luận căn bản nhất trong luận lý học, mà ta dùng hằng ngày, để hiểu rõ và nắm vững chúng trong đời sống và công việc hằng ngày. Đó là tam đoạn luận suy diễn và tam đoạn luận quy nạp. Đồng thời ta sẽ cảnh báo về các giới hạn tự nhiên của ngôn ngữ và lý luận.

• Tam đoạn luận hầu như là nền tảng của phần lớn, nếu không nói là tất cả, suy tư của con người. Tam đoạn luận là lý luận ba câu. Ví dụ: (1) Mọi người đều chết. (2) Ông Xuân là người. (3) Vì vậy, ông Xuân sẽ chết. Hai câu đầu (1) và (2) của tam đoạn luận nầy là 2 tiền đề–tiền đề 1 và tiền đề 2. “Tiền” là trước (không phải là “money”, nhưng nếu bạn hiểu là money cho dễ nhớ thì cũng tốt, vì money thường đi trước mọi sự :-)), tiền đề là mệnh đề đi trước; câu (3) là kết đề, tức là kết luận rút ra từ hai tiền đề.
Tam đoạn luận trên đây là tam đoạn luận suy diễn, nó vì nó “suy” từ cái chung (mọi người) đến cái riêng (ông Xuân).

• Lý luận theo chiều ngược lại, từ VÀI cái riêng đến cái chung, goi là quy nạp. Và quy nạp thì dựa vào quan sát các trường hợp cá nhân, mà “quy” về một định luật chung cho tất cả. Ví dụ: (1) Hùng Vương chết, Hai Bà Trưng chết, Trần Hưng Đạo chết, Quang Trung chết, ông tôi chết, bà tôi chết, v.v.. (2) Các vị đó là người. (3) Vì vậy, mọi người đều phải chết.

• Hai tam đoạn luận này ta dùng rất thường xuyên trong ngày, nhưng gọn gàng hơn. Ví dụ, suy diễn kiểu các bà :-): “Ông này làm gì mà ôm điện thoại đi ra xa, nói nhỏ xíu. Chắc là liên hệ bất chính với cô nào rồi.” Đây là rút ngắn của môt tam đoạn luận: (1) Đàn ông nói điện thoại cách bí mật là có liên hệ bất chính với đàn bà. (2) Ông này đang bí mật. (3) Vì vậy, ông này có liên hệ bất chính.

argument1

• Lỗi lầm thường thấy nhất trong tam đoạn luận suy diễn là tiền đề đầu tiên thường quá rộng, theo kiểu vơ đũa cả nắm. Trong ví dụ trên, ở tiền đề 1, ta thấy ngay là nói chuyện bí mật đâu nhất thiết có nghĩa là có liên hệ bất chính, giả sử đó là bí mật quốc phòng hay bí mật nghề nghiệp thì sao?

Muốn cho chính xác hơn thì ta phải “thu nhỏ” lại một tí,và nói theo kiểu xác suất. Ví dụ: (1) Đàn ông, không thuộc diện có bí mật nghề nghiệp, mà nói chuyện bí mật thì có khả năng cao là có liên hệ bất chính. (2) Ông này không thuộc diện có bí mật nghề nghiệp mà cứ nói chuyện kiểu bí mật trước mặt mình, (3) thì có khả năng cao là có liên hệ bất chính.

“Khả năng cao” thì khá chính xác trên phương diện lý luận, nhưng không mạnh như trăm-phần-trăm. Vì vậy, các quí vị thiếu kinh nghiệm thuyết phục thường cứ cố ăn nói viết lách kiểu trăm-phần-trăm cho mạnh mẽ, nhưng làm người nghe và người đọc nhận ra ngay là mình lớ ngớ và không thành thật.

• Điểm yếu của tiền đề 1 của tam đoạn luận suy diễn cũng chính là điểm yếu của kết đề của tam đoạn luận quy nạp. (1) Tôi thấy ông A nói điện thoại bí mật và có liên hệ bất chính. (2) Tôi cũng thấy ông B cũng vây; ông C cũng vậy.… (3) Vì vậy, hễ đàn ông nói chuyện điện thoại bí mật là có liên hệ bất chính.

Kết luận này quá rộng, theo kiểu vơ đũa cả nắm, cho nên không tin được. Nếu giảm lại một tí theo cách nói xác suất thì dễ tin hơn: “Vì vậy, hễ đàn ông nói điện thoại bí mật là có khả năng có liên hệ bất chính.”

• Cả suy diễn và quy nạp (cũng như mọi luận lý khác của con người) đều có môt điểm rất yếu nữa, đó là các từ ngữ của con người luôn luôn có tính cách mù mờ, dùng tạm qua ngày thôi, chứ không giải quyết điều gì rốt ráo được. Ví du: (1) Hồng nhan thì đa truân. (2) Cô ấy đẹp quá. (3) Thành ra đời cô ấy khổ.

Phản biện: “Trời, con nhỏ đó, cái mặt mẹt như vậy mà chị nói là đẹp. Nó cực vì chuyên môn nói xạo, chớ hồng nhan cái gì!”

Ở đây ta thấy, từ “đẹp” rất mù mờ. Đẹp xấu tùy người đối diện, tùy say hay tĩnh. Bất cứ từ nào trong ngôn ngữ con người cũng đều mù mờ như thế. Cho nên, những người tin rằng có thể dùng ngôn ngữ và lý luận để giải quyết mọi thắc mắc ở đời, tìm ra mọi chân lý ở đời, là những người rất thiếu kinh nghiệm về lý luận.

argument

• Một điểm yếu rất lớn khác nữa là tất cả mọi phương thức lý luận (kể cả tam đoạn luận) chỉ do con người tìm ra được trong cuộc sống mắt thấy tai nghe. Ví dụ: Tiền đề “Mọi người đều chết”. Ta biết được điều này là do thấy trong lịch sử (qua sách vở) và chung quanh ta ai cũng có lúc chết, cho nên ta “qui nạp” thành kết luận “Mọi người đều chết.” Rồi ta lại mang kết luận quy nạp này làm tiền đề cho một suy diễn mới, “Mọi người đều chết, hắn là người, cho hắn tha hồ ba hoa chích chòe đi rồi cũng có lúc phải chầu chúa thôi!”

Tức là quy nạp, suy diễn, hay bất kỳ lý luận nào ta sẽ học sau này, cũng chỉ là do kinh nghiệm quan sát của con người mà ra. Cho nên, các lý luận này khi gặp điều gì vượt quá vòng kinh nghiệm thường ngày của con người thì hoàn toàn không sử dụng được. Ví dụ: Tự nhiên có một cô gái rất trẻ, nhìn mới hai mươi mấy, đến gặp bạn và nói: “Tôi nói cho cậu bé hay nhé, cậu năm nay cở bốn mấy, thế thì cậu phải gọi tôi là ‘bà tiên tổ’ mới đúng, vì tôi năm nay 3.125 tuổi rồi.” Nếu cô bé này cứ nhất định như thế, và nếu chúng ta không thể chứng minh được tông tích cô này, toàn hệ thống công an cảnh sát của thế giới không có cách nào chứng minh được cô này từ đâu mà có, thì lúc đó ta có thể thấy lời cô ta nói có một cái gì đó có thể có giá trị, chứ chưa chắc là cô ta điên, và qui luật “Mọi người đều phải chết” có thể không dùng được, tối thiểu là trong trường hợp cô bé này.

• Nhận xét trên đây có hậu quả rất lớn cho đời sống con người trên thế giới ngày nay: Trong những lãnh vực xa hơn kinh nghiệm mắt thấy tai nghe (cộng thêm các máy móc phụ mắt và phụ tai), thì toàn hệ thống suy luận của con người không sử dụng được, và đó là lý do tại sao mà tôn giáo và các truyền thông tâm linh luôn luôn sống mạnh cho đến ngày nay, dù là tôn giáo và các truyền thống tâm kinh nói nhiều điều rất khác với kinh nghiệm hằng ngày và lý luận hằng ngày của ta. Các tôn giáo và truyền thống tâm tinh thường nhấn mạnh đến những kinh nghiệm vượt xa kinh nghiệm hằng ngày—Ví dụ: Nói chuyện với Chúa hiện ra trước mặt, nói chuyện với Quan âm Bồ tát hiện ra trước mặt… Ở đây ta không bàn đúng sai, ta chỉ cần hiểu rằng các kinh nghiệm cá nhân siêu hình, dù thật hay không thật, là các kinh nghiệm không thuộc trong lĩnh vực hoạt dộng của ngôn ngữ và lý luận thông thường. Cho nên nếu ta cố gắng tranh biện về các vấn đề này tức là ta rất thiếu kinh nghiệm về ngôn ngữ và lý luận.

• Một điểm quan trọng khác trong việc sử dụng và hiểu biết ngôn ngữ là: Ngôn ngữ, vì giới hạn rất lớn của nó, thường được sử dụng như là “hé cánh cửa” để mời ta vào bên trong và thấy rõ hơn. Nếu ta không chịu mở cửa bước vào, thì không thể thấy bên trong. Ví dụ: Bạn thường ngày về nhà 6 giờ chiều. Hôm nay không hẹn nhưng lại về 11 giờ đêm, vào nhà thấy nàng còn ngồi đó bên mâm cơm và nói “Em đợi anh từ chiều đến giờ.” Bạn thực sự thấy được gì, thấy được bao nhiêu, trong câu nói đơn sơ nhẹ nhàng đó, hay là chỉ lý luận: “Đến giờ thì đi ngủ đi chứ, tại sao đợi làm gì?”

• Luận lý học là khoa học về sử dụng ngôn ngữ và lý luận chính xác. Nó rất cần cho chúng ta trong công việc và đời sống hằng ngày. Cho nên ta phải nắm vững. Và khi đã nắm vững, ta cũng phải biết ngôn ngữ và lý luận có rất nhiều giới hạn. Khi đọc hay nghe một câu nói, có nghĩa là chúng ta nhận được cái bánh ít bọc lá chuối. Ngôn ngữ lý luận là lớp lá bọc, tư tưởng tâm tình là bánh bên trong. Ta ăn bánh bỏ vỏ, hay ăn vỏ bỏ bánh?

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

Stumble It!

© Copyright 2009, TDH
Licensed for non-commercial use

24 thoughts on “Tam đoạn luận và giới hạn của luận lý”

  1. Cám ơn anh Hoành đã đưa ra thảo luận này.

    Cách nay khoảng 2500, Aristotle đã giới thiệu môn luận lý học, mà nhiều khoa học dựa vào đó để phát triển thành các phương pháp tiếp cận. Trong luận lý học có đưa ra lý thuyết về tam đoạn luận như anh Hoành giới thiệu với chúng ta. Tuy nhiên dường như phương pháp lập luận này đúng nhiều hơn với toán học theo cách hiểu đơn giản nhất là A=B, B=C suy ra A=C (cũng nói thêm là triết học Hy Lạp suy tôn toán học như là “thượng đế” của mọi khoa học. Platon còn cho rằng ai muốn nghiên cứu triết học phải học toán ít nhất 8 năm). Thế còn đối với các diễn dịch khác thì sao, đúng như anh Hoành nói, khi tiền đề 1 đã sai thì tiền đề 2 cũng chỉ là ngộ nhận mà thôi (điều này cũng đã được Aristotle công nhận là yếu điểm của thuyết tam đoạn luận). Khó mà có thể lấy sự chính xác trong tóan học làm thước đo cho các hiện tượng, sự vật mang tính xã hội. Chẳng hạn trong giáo dục, liệu chúng ta có thể diễn giải như sau: Việt Nam có số giải thưởng Olympic xếp thứ 5 trên thế giới, suy ra Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về giáo dục, hay VN có tỉ lệ TS/số dân cao hơn Thái Lan, suy ra nền học vấn của VN cao hơn. Nhưng bây giờ, ai cũng biết rằng để đưa ra 1 kết luận cần có sự tham gia của rất nhiều tham số (và dường như đánh giá về giáo dục lại cần sự tham gia của nhiều tham số hơn hết thảy các vấn đề khác). Vậy thì vấn đề xét tương quan các tham số có liên quan đến tam đoạn luận không?
    Phải 1500 năm sau khi văn minh Hy Lạp đã mất đi sức sống lung linh của nó, dường như nó lại quay trở lại châu Âu vào thời kỳ Phục Hưng. Ở thời kỳ Khai sáng người ta tin rằng chỉ cần dựa vào phép lý luận là có thể nắm vững mọi vấn đề. Nhưng điều này lại đẩy con người vào siêu hình với tất cả sự rắc rối của nó. Người ta nghĩ rằng chỉ cần có sự hoạt động của trí óc, con người có thể tính toán được mọi thứ từ vận tốc của trái đất cho tới giới hạn vũ trụ.
    Nhưng I. Kant đã cười mà cho rằng con người không phải là thần linh, do đó con người không thể biết được tất cả. Nhận định này một lần nữa khiến người ta hoang mang và hoài nghi. Schopenhauer, một triết gia bi quan của thế kỷ 19, dường như cảm thấy sự bất lực của luận lý.

    “không gì làm ta tức bực hơn, khi ta dùng lý luận và giải thích để cãi với một người nào, mất công thuyết phục y, mà cuối cùng ta lại khám phá rằng y nhất định không muốn hiểu, rằng chúng ta đang đương đầu với ý chí của y. Do đó, luận lý thật vô dụng: không ai từng thuyết phục ai được nhờ luận lý; và ngay những nhà luận lý cũng chỉ sử dụng luận lý như một nguồn lợi. Để thuyết phục người nào ta phải lôi cuốn lòng tư lợi của y, dục vọng của y”

    Luận lý, dưới hình thức đơn giản của nó là tam đoạn luận, chỉ có thể dùng để huyễn hoặc chính bản thân cá nhân sử dụng nó, chứ không khiến người ta tin được. Phải chăng chỉ có thể chiếm niềm tin của con người bằng khơi gợi lợi ích, tham vọng (dục vọng) của họ?

    Like

  2. Cám ơn chị Phương Hoa đã trình bày vấn đề rất rõ ràng. Đúng là trong truyền thống triết lý Tây phương, con người đã có những thời kỳ quá nô lệ vào ngôn ngữ, luận lý và toán học, và tin là những thứ này có thể tìm ra mọi chân lý của cuộc sống và vũ trụ. Ngày nay thì bớt đi một tí, nhưng truyền thống tôn thờ luận lý (điển hình là tôn thờ IQs) vẫn rất cao trong giới trí thức. Ở Đông Phương, từ ngàn xưa chúng ta đã nhận biết giới hạn của ngôn ngữ. Lão tử bắt đầu Đạo Đức Kinh bằng, “Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh” (tạm dịch, đạo có thể gọi là đạo thì không là đạo vĩnh cửu, tên có thể gọi là tên thì không là tên vĩnh cửu.” Phật Thích Ca nói, “Lời ta giảng là ngón tay chỉ lên mặt trăng, chứ không phải mặt trăng.” Đức Giê-su (vùng Palestine là vùng trung đông, tức là Đông phương, chứ không phải văn hóa tây phương như người ta hay lầm nghĩ) nói, “Bạn nhìn nhưng không bao giờ thấy, nghe nhưng không bao giờ hiểu, vì con tim của bạn đã thành chai đá.” Ngày nay, khoảng năm 1920 Thorndike đã nói đến “thông minh xã hội” (social intelligence), một loại thông minh trong việc cư xử và quản lí người khác, bên cạnh thông minh luận lý và toán học (biểu hiện bằng IQs). Đến thập niên 80s, người ta nói đến nhiều loại thông minh (multiple intelligence)–bên cạnh IQs, và thông minh xã hội, còn có thông minh về hiểu biết chính mình (intrapersonal intelligence) và thông minh về hiểu biết và cư xử với người khác (interpersonal intelligence, đây có lẽ là mức sâu hơn của social intelligence của Thorndike). Đến thập niên 90s, Daniel Goleman với quyển Emotional Intelligence, thông minh tình cảm, đã nâng EQs lên ngang hàng với IQs ngày nay.

    Rất mong chị Phương Hoa và các anh chị chuyên gia về giáo dục và tâm lý cho thêm ý tưởng.

    Like

  3. Sao hom nay khong the go co dau duoc. Dinh “thao luan” tiep nhung go khong dau thi chan lam. Chu nha xem ho sao lai the voi.
    Thanks

    Like

  4. Chi oi, ma’y cua em cung ko go~ duoc tieng Viet truc tiep vao dday (em nghi~: ko phai lo^i~ trang web, ma la do loi^~ configure cua computer). Co’ 1 ca’ch: chi. co’ the go~ tieng Viet vao file MS.Word, roi cut & paste vao dday! Chi? co ddieu hoi ma^’t thoi gian 1 chut thoi! 🙂

    Like

  5. Theo như a Hoành thì ngôn ngữ rất quan trọng trong việc chuyển tải thông tin, thuyết phục người ta. Người Việt ta hay nói “Tâm phục, khẩu phục” (hic, ai dịch giúp cái saying này với). Xin bàn cái vế sau trước- “khẩu phục”. Ngày xưa các cụ bảo “lập đức, lập công” rồi mới đến “lập ngôn”. Thiển ý tôi hiểu, trước hết phải trau dồi đạo đức, sau nữa chịu khó lao động để đóng góp được cái gì đấy cho xã hội, rồi nữa mới học cách nói sao cho hay, cho thấu tình đạt lý để mà phô bày cái kiến thức của mình, để mà thuyết phục người khác. Ngôn từ có sức mạnh ghê gớm lắm “một lời nói bằng một đạo quân” cơ mà. Trước các cụ nhà mình đã lấy ví dụ về uy quyền của ông Tolstoy. Ông ấy chỉ sử dụng mỗi ngòi bút mà khiến Nga hoàng phải run sợ. Nhưng tôi ngờ rằng người ta sợ là sợ cái đức, cái công của ông, chứ đâu có lẽ chỉ sợ mỗi cái văn của ông. Cụ Phan Bội Châu đã kể về bài học “lập ngôn” bị thất bại. Năm cụ 17 tuổi cũng là năm Bắc Kỳ rơi vào tay Pháp, trong lòng cụ chất chứa căm hờn, vậy là tức tốc trong một đêm thảo ngay “Bình Tây Thu Bắc”, rồi đem dán đầy đường, hy vọng thu phục được lòng người. Vậy mà nào ai để ý đến, cụ than “thân còn ty tiện, hơi tiếng hèn bé, một tờ giấy suông chẳng có ảnh hưởng gì”. Và cụ giành gần 60 năm còn lại của cuộc đời để “lập ngôn”.
    Còn cái vế đầu tiên, cái chữ “tâm” ấy, mới thật là rầy rà. Người Việt chắc là sùng bái chữ tâm hơn mọi người nào trên thế giới, vào nhà nào, cứ hơi có học một chút là thấy có chữ tâm treo rồi. Người Việt tôn sùng chữ tâm cũng như người Tây tôn sùng “intelligence” hay “rationality” vậy. Chữ tâm này người ta thường viết bằng chữ Nho, không hiểu các cụ Khổng Mạnh giải thích nó nghĩa ra làm sao. Theo cái sự học kém cỏi về Nho của tôi, hình như các cụ có giải thích các chữ “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”…, còn chữ tâm này các cụ bàn thế nào?
    Chữ tâm này, trong tiếng Anh có từ nào tương đương không ạ?

    Like

  6. Cám ơn chị Phương Hoa. Ngôn ngữ dĩ nhiên là cần thiết và quan trọng, vì nó là cách truyền thông thông dụng nhất của con người. Nhưng ta phải biết giới hạn của ngôn ngữ. Mọi khí cụ đều có giới hạn, dùng búa tạ để thái thịt đương nhiên là không được rồi. Anh chị mới làm quen thì phải nói hơi nhiều, đến một lúc nào đó thì bốn mắt (hay tám mắt, tùy theo trường hợp) nhìn nhau chẳng nói một câu, nhưng lại hiểu nhau hơn tất cả mọi người trong thiên hạ.

    Chị Phương Hoa nói rất phải, là khi ta nghe một câu, không phải là ta nghe những từ đó, nhưng là nghe cái đức, hay ít ra là cái uy tín của người nói. Cùng một câu nói, mọi người nói với nhau cả ngày thì không ai thèm để ý, đến lúc đóng ngoặc mở ngoặc rồi có tên Trần Hưng Đạo hay Abraham Lincohn ở sau thì mọi người bắt đầu để ý. Tương tự như vậy, nếu ta có cái gì đó làm cho người khác yêu và phục, thì lời nói mới có hiệu lực được.

    “Đức” từ tâm mà ra. Và “tâm” là danh từ của nhà Phật. Tất cả giáo lý của nhà Phật cũng chỉ nhằm vào một chữ “tâm.” Kinh Pháp Cú, kinh căn bản nhất trong Phật giáo Nguyên thủy, và là một trong những kinh căn bản nhất trong Phật giáo Đại thừa, mở đầu bằng:

    Tâm dẫn đầu tất cả
    Tâm làm chủ; tâm tạo hành động.
    Nếu tâm ô nhiễm,
    Lời nói, việc làm, đâu thể khác?

    Nói chung, tâm là chủ của mọi tư tưởng và hành động của ta, cũng như hiểu biết của ta về vũ trụ bên ngoài. “Tâm dẫn đầu tất cả.”

    Ở đây mình dùng chữ tâm, và nhiều bản Kinh Pháp Cú dùng chữ tâm, nhưng trong bài dịch của TT Thích Minh Châu chẳng hạn, chữ “tâm” lại được viết là chữ “ý”. Tâm và ý đều là một. Đối với người phương đông, “tâm” bao gồm con tim và khối óc. Chúng không rời nhau như mind và heart của tây phương. Cho nên khi dịch chữ “tâm”, người tây phương dịch là mind, hoặc heart, tùy theo trường hợp, hoặc viết luôn là mind-heart hay heart-mind. Trong triết lý nhà Phật, tức là môt loại meta-psychology (siêu tâm lý), thì tất cả mọi hoạt động tâm thức của con người đều có cả tim và óc, cảm xúc và suy tưởng. Không có chuyện khối óc làm việc độc lập đối với con tim. Dĩ nhiên, bất kỳ tâm lý gia nào ngày nay cũng đều thấy như vậy.

    Và mình nghĩ “tâm phục khẩu phục” có thể dịch là “To admire in words and in heart.” 🙂

    Like

  7. Hi chi Phuong Hoa. Hôm qua overloaded, nên viết nhầm tên chị mà cũng không kịp thấy. Hôm nay mới biết. Xin lỗi chị nhiều lắm nha. I feel REALLY bad. I will not do it again. Sorry, ma’am. 🙂

    Like

  8. Không sao đâu anh Hoành ạ, cái tên chỉ là vỏ bọc bên ngòai, gọi lên bao cái tên chẳng được, tôi vẫn cứ là tôi mà (hic).
    Đọc qua một lượt các bài viết ở web này thấy các anh các chị cổ vũ nhiệt tình cho triết lý của Phật. Sống giữa không khí duy lý của Mỹ, thỉnh thoảng dân ta rủ nhau đi nhà hàng chay, âu cũng là một cách giải tỏa tâm lý. Triết lý phương Tây dạy cho người ta tiến lên, triết lý phương Đông dạy cho người ta biết lùi, biết dừng, biết nghỉ, biết rằng 1 ngày không làm việc cũng có ý nghĩa bằng 2 ngày đi làm. Nhưng phương Tây bây giờ người ta cũng ngấm “phương Đông” lắm rồi, người ta còn học nhanh hơn nữa kia.
    Theo cách hiểu rất hạn chế của tôi về Phật pháp, Phật chỉ cho chúng ta một “nirvana”, một cõi niết bàn rồi nói “đấy, đó là chỗ hoàn thiện hoàn mỹ, cố mà tu nhân tích đức rồi lên đấy”. Than ôi, nhưng lời Phật dạy cao siêu quá, kẻ tầm thường như tôi đây, làm sao thấu hiểu hết lời của Người. Cứ như từ khi mới bắt đầu đi học ta phải biết cách cầm bút, rồi biết đánh vần, rồi viết ra chữ, ra từ, ra câu. Chứ đâu có mới học mà thụ đắc được ngay cả một cuốn sách, cho dù nó hay.
    Các anh các chị bàn rằng “phải suy nghĩ tích cực, tránh tư duy tiêu cực”, vâng, thế nhưng thế nào là tích cực, thế nào là tiêu cực. Bực bội, đố kị, ghen tuông hẳn là tiêu cực, sung sướng, hạnh phúc hẳn là tích cực. Thế nhưng nếu không có buồn khổ thì làm sao chúng ta biết được thế nào là vui mừng, nếu không có ghen tuông thì biết sao được yêu thương.

    Đúng như anh Hoành nói là phương Tây dựa vào “intelligence”, vào “quantitative”. Một công trình khoa học dựa vào “định lượng” vẫn được đánh giá cao và thuyết phục hơn thuần túy “định tính” (mặc dù bao giờ cũng phải có sự kết hợp của cả hai). Một trong những đặc điểm của triết lý này là sự phân loại định lượng, phân loại về thời gian, không gian, tính chất, ….Chúng ta nhờ đó được chỉ dẫn cụ thể, biết bắt đầu từ đâu, biết đặt ra mục tiêu nhỏ, mục tiêu lớn. Nhờ đó ta có thể biết ta đang nằm ở đâu, còn thiếu cái gì, phải bổ sung gì, cập nhật gì. Thế rồi người ta giúp chúng ta gọi tên các sự vật hiện tượng. Trong khi đó nhà Phật nói rằng chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được bao giờ chúng ta sẽ “giác ngộ”, có thể được mà cũng có thể không bao giờ được. Và có biết bao câu chuyện của nhà Phật về quá trình “đắc đạo”, tưởng sắp “tới nơi”, nhưng lại không phải. Vậy phải chăng con người sẽ càng vô vọng hơn?

    Like

  9. Cám ơn chị Phương Hoa. Thực ra nói là cổ vũ triết lý nhà Phật thì đúng, nhưng chỉ đúng một nửa thôi chị Phương Hoa à. Âu Mỹ trong vòng mấy thập niên, từ sau thế chiến thứ 2, phát triển kinh tế rất nhanh với consumerism, trong đó tiêu thụ cá nhân đóng vai đầu tàu, kích thích mọi công ty và mọi cá nhân cạnh tranh dữ dội để phục vụ. Mấy mươi năm chạy đua với nhau và chạy đua với cái đồng hồ, đến đầu thiên niên kỷ mới đa số người mệt mỏi và tìm cái gì đó có chiều sâu. Và Âu Mỹ khám phá Phật học như là môt triết lý sống có căn bản luận lý sâu xa, cho người ta chậm lại, nhưng không phải là ngủ, mà là tĩnh thức để biết mình, biết người và biết đời sâu xa hơn. Tất cả những điều này rất hợp với bản tánh người Âu Mỹ cho nên Phật học trở thành nhu cầu của trí thức Âu Mỹ.

    Nhưng thực ra, thanh lặng con tim để hiểu chiều sâu của chính mình và của cuộc đời đã có trong bất kỳ truyền thống tâm linh nào. Ví dụ, trong Thánh kinh thiên chúa giáo, thanh lặng cầu nguyện một mình mỗi ngày, tịnh tâm, suy gẫm, là truyền thống thánh kinh đã mấy ngàn năm. Và nếu Phật giáo có thiền vô ngôn, thì Thiên chúa giáo cũng có những dòng tu kín, trong đó người ta hầu như chẳng mở miệng nói bao giờ. Và nếu đọc Kinh Koran của Hồi giáo, ta cũng sẽ thấy truyền thống con tim thanh lặng trong đó.

    Tất cả những truyền thống sống nhằm đào sâu vào trái tim con người, hơn là chỉ nhà xe bên ngoài, ngày nay trở thành nhu cầu trong giới trí thức Âu Mỹ, và Phật giáo rất logic, cho nên được trí thức Âu Mỹ ưa thích, thế thôi. Còn chúng ta thì khác Âu Mỹ, ta đâu có cần học cái gì mới đâu. Phật học đã có từ trong nhà ta mấy ngàn năm nay, vì ta lớ ngớ cho nên không biết được giá trị của nó, bên giờ chỉ cần lấy ra, phủi bụi, và dùng mà thôi. Và vì Phật học rất là logic và rất tâm lý, cho nên dùng Phật học để giải thích chiều sâu con tim thì dễ hơn là các truyền thống thần quyền như Thiên chúa giáo và Hồi giáo lệ thuộc hầu như 100% vào thực nghiệm.

    Nhưng mà, nhiều truyền thống khác nhau, đâu có nghĩa là cái này đúng, cái kia sai, bỏ một chọn một đâu. Nói đàn bà dễ thương đâu có nghĩa là đàn ông đáng ghét 🙂 Logic khoa học thương mãi Âu Mỹ và logic Phật học cho con tim chỉ là những khí cụ. Mỗi thứ có những công năng và giới hạn riêng. Nhà kho của ta đâu phải chỉ chứa một khí cụ đâu. Muốn làm việc cho mạnh, cho dữ dội, phải biết khi nào nghỉ và nghỉ thế nào. Nghỉ và tĩnh lặng không làm cho người ta chậm lại như nhiều người hiểu lầm, mà nó là recharge (sạc điện). Ngày nay ta có 2 ngày nghỉ cuối tuần cũng là lý do đó. Rất tiếc là nhiều người không biết dùng 2 ngày đó để làm cho mình mạnh lại, mà lại làm cho mình bận thêm và stress thêm.

    Còn nói về “cái biết” hay giác ngộ, thì theo mình, đời là một cuộc hành trình và đích điểm luôn luôn ở trước mình vài sải tay, ngay cả khi thấy như sắp tới cũng không với tới. Cuộc hành trình đó chỉ chấm dứt khi ta chết–chết chứ chưa hẳn là đến đích. Nhưng, who cares? Mình vẫn thích miệt mài trên cuộc hành trình hơn là đến đích. Mình nhớ ai đó nói: “When you are through with changing, you are through.” Và Kinh Kim Cang nói, “Bồ tát mà nghĩ là mình giác ngộ thì đó không phải là Bồ tát.”

    Chị Phương Hoa có một ngày vui nhé. 🙂

    Like

  10. chú Hòanh ơi cho cháu hỏi: làm thế nào để biết 1 tam đọan luận có hợp logic không?
    cháu cảm ơn trứoc !

    Like

  11. Hi Duy,

    Cách thông dụng nhất là dùng Venn Diagram (giản đồ Venn) gồm các vòng tròn, thường là 3 vòng tròn. Có khoảng 24 loại tam đạon luận khác nhau, như là ở đây http://en.wikipedia.org/wiki/Syllogism#Barbara_.28AAA-1.29 . Nếu Duy muốn nghiên cứu thì phải mua một quyển luận lý học khá khá.

    Nhưng để nói chuyện thuyết phục thì không cần. DÙ óc hợp luận lý 100% mà không biết nói chuyện thì cũng chẳng thuyết phục ai được. Hơn nữa đa số chuyện ở đời không phải là chuyện logic.

    Like

  12. Quý Bạn nào có học và nghiên cứu sâu về Tam Đoạn Luận thì xin vui lòng giúp mình nhận xét đoạn Lý Luận sau trong kinh Lăn Nghiêm với. Đây là cách lập luận để “Phật chỉ cho ông A-nan tìm Tâm qua 7 trường hợp khác nhau”.
    Tôi chỉ xin post Trường hợp đầu tiên để cho tiện Khảo sát:

    “A Nan, nay ta hỏi ngươi: lúc ngươi phát tâm duyên theo Ba mươi hai tướng của Như Lai, lấy gì để thấy? lấy gì để biết sự ham thích?

    – Bạch Thế Tôn, dùng tâm và mắt của con thấy tướng thù thắng của Như Lai, sanh lòng ham thích nên phát tâm, nguyện xả bỏ sanh tử.

    Phật bảo:

    – Như ngươi vừa nói, sự ham thích do nơi tâm và mắt. Nếu chẳng biết tâm và mắt ở đâu thì chẳng thể hàng phục được trần lao; ví như đất nước có giặc, vua sai binh dẹp trừ, binh lính tất phải biết sào huyệt của giặc. Khiến ngươi bị luân chuyển ấy là lỗi tại tâm và mắt. Ta hỏi ngươi: Tâm và mắt của ngươi hiện đang ở đâu?

    (Phá chấp tâm ở trong thân)

    – Bạch Thế Tôn! Tất Cả Mười Loại Chúng Sanh trên thế gian đều cho tâm thức ở trong thân. Nay con nhận được Mắt Con Ở Trên Mặt con và Tâm Thức Ở Trong Thân, như Mắt Thanh Liên Hoa của Như Lai Ở Trên Mặt Như Lai vậy.

    Phật bảo:

    – A Nan! Nay ngươi ngồi trong giảng đường của Như Lai, nhìn thấy rừng Kỳ Đà ở chỗ nào?

    – Bạch Thế Tôn! Giảng đường rộng rãi thanh tịnh này trong vườn Cấp Cô Độc, còn rừng Kỳ Đà thì ở ngoài giảng đường.

    – A Nan! Bây giờ ngươi ở trong giảng đường trước tiên thấy gì?

    – Bạch Thế Tôn! Con ở trong giảng đường trước thấy Như Lai, sau thấy đại chúng, rồi nhìn ra ngoài mới thấy rừng cây.

    – A Nan! Ngươi thấy rừng cây, do nhân nào được thấy?

    – Bạch Thế Tôn! Vì cửa sổ giảng đường mở trống nên con ở trong thấy suốt bên ngoài.

    Phật bảo A Nan:

    – Như ngươi vừa nói, thân ở trong giảng đường, nhờ cửa mở trống nên thấy rừng cây; mà có chúng sanh nào ở trong giảng đường chẳng thấy Như Lai, lại thấy rừng cây bên ngoài chăng?

    – Bạch Thế Tôn! Ở trong giảng đường chẳng thấy Như Lai, lại thấy rừng cây bên ngoài thì chẳng đúng.

    – A Nan! Ngươi cũng như vậy, linh tâm của ngươi tất cả sáng tỏ, nếu tâm sáng tỏ hiện tiền của ngươi thật ở trong thân thì trước tiên phải thấy rõ trong thân. Vậy có chúng sanh nào trước thấy trong thân rồi sau mới thấy vật bên ngoài chăng? Dẫu chẳng thấy được tim, gan, tỳ, vị, thì các chỗ: móng ra, tóc dài, gân chuyển cũng phải thấy chứ, sao lại chẳng thấy? Nếu trong thân còn chẳng thấy thì làm sao thấy vật bên ngoài? Cho nên ngươi nói “Cái tâm giác tri trụ ở trong thân” là chẳng đúng.”
    http://tuvien.com/kinh_dien/show.php?get=1&id=25langhiem01

    Chân thành cảm ơn Quý bạn !!

    Like

  13. Cám ơn bạn Vô Thủ đã chia sẻ kinh Thủ Lăng Nghiêm. Mình có cuốn kinh này và có đọc lướt qua vài nơi, nhưng chưa nghiên cứu kỹ, mà chì đọc các bài tham luận ngắn của các vị khác, cho nên không hiểu rõ về Thủ Lăng Nghiêm lắm.

    Đoạn lý luận và bạn Vô Thủ chia sẻ, cũng như các đoạn tương tự như thế trong Kinh, thì mình đọc cũng nhiều lần. Các đoạn này dùng tam đọan luận để chứng minh một tiền đề là sai. Tam đoạn luận là kỹ thuật lý luận căn bản.

    Nhưng cách dùng tâm đoạn luận ở đây là kỹ thuật để phản biện. (1) Người X nói một “tiền đề”, như là “Mặt trời luôn luôn sáng”. Và người Y đưa ra một ví dụ khác làm “phản đề” như là: (2) Khi trời mưa mặt trời không sáng. (3) Do đó, “kết đề” là: tiền đề của người X không đúng.

    Căn bản là vậy, nhưng người phản biện đi đến “phản đề” của mình bằng cách dựa vào tiền đề, để đưa ra một loạt câu hỏi, từ từ dẫn người kia đến phản đề của mình.

    Đây là kỹ thuật phản biện mà ở Âu mỹ người ta gọi là “Phương pháp Socrate”, vì triết gia Socrate chuyên dùng cách này để chứng minh thiên hạ sai.

    Cách phản biện này thường chỉ dùng tốt để chứng minh người khác sai. Để mình đưa ra một tiền đề hoàn toàn khác lạ của minh. Ví dụ: Người kia nói Thượng đế xử phạt công minh; thượng đế luôn ban thưởng cho người lương thiện. Ta có thể đưa ra các ví dụ khác để cho biết các tiền đề đó đều không đúng trong một số trường hợp ta thấy trong lịch sử hay đời sống. Rồi ta sẽ giới thiệu tiền đề mới của ta: Thượng đế là tuyệt đối, bất khả tư nghị.

    Nói về Không, hay Chân tâm của ta cũng thế. Nói gì cũng sai, vì chân tâm của ta (Không, bản lai diện mục) là tuyệt đối, bất khả tư nghị.

    Like

  14. Cảm ơn bạn Hoành đã có lời chia sẻ !

    Nhưng như bạn nói thì đã rơi vào Thuyết “bất Khả tư Nghì” mà phương Tây thường gọi là “chủ nghĩa Hoài Nghi” (“khác Văn” nhưng “đồng Nghĩa”), và cũng có nghĩa là “Có trả lời cũng như Không tra lời”.
    Giống như khi hỏi: “Cái đó” “Đúng” hay “không Đúng”?, thì câu trả lời có 2 khả năng rõ ràng:
    – Đúng, do… (sau đó là dữ kiện chứng minh)
    – Ko đúng, do… (sau đó là dữ kiện chứng minh)
    và đây được xem là Có quan điểm, Có Chánh kiến (chưa xét tính chân thật của dữ kiện)
    {cái này trong kinh Nguyên Thủy Phật dạy là “Không có khả năng thảo luận”, tham khảo:

    “Với sự thảo luận, này các Tỷ-kheo, một người có thể biết được là Có khả năng nói chuyện hay Không có khả năng?
    Nếu người nào, này các Tỷ-kheo, khi được hỏi một câu

    không trả lời một cách Dứt Khoát một câu hỏi cần phải trả lời Dứt Khoát,
    không trả lời một cách phân tích một câu hỏi cần trả lời một cách phân tích,
    không trả lời một câu hỏi ngược lại với một câu hỏi cần phải trả lời với một câu hỏi ngược lại,
    không có gạt qua một bên một câu hỏi cần phải gạt qua một bên.

    Như vậy, này các Tỷ-kheo, một người như vậy không có khả năng để thảo luận. – http://budsas.org/uni/u-kinh-tangchibo/tangchi03-0507.htm“}

    còn như khi hỏi: “Cái đó” “Đúng” hay “không Đúng”? lại đi trả lời:
    – “Cái đó” là “bất Khả tư Nghì” thì rõ ràng là đang hỏi gà lại đi nói vịt,

    Cũng vậy, đó là cách mà bạn Hoành đang trả lời cho tôi (không biết có phải do uy danh của Phật lớn quá mà bạn “không dám” mổ xẻ cái Đúng-Sai của Kinh). Vì rằng tôi hỏi là: “Bạn nào có học và nghiên cứu sâu về Tam Đoạn Luận thì xin vui lòng giúp mình nhận xét đoạn Lý Luận sau trong kinh Lăn Nghiêm đúng hay sai?” thì bạn nên trả lời “Dứt Khoát” THẲNG vào câu hỏi theo “góc độ của TĐL” chứ theo không phải quan điểm của Kinh.

    Không giấu gì bạn là tôi nêu câu hỏi về Vấn đề “diễn dịch” trong kinh vì tôi muốn chứng minh rằng “Kinh Sai” (hay đúng hơn là người chế tác Kinh sai). Vì tôi muốn nói rõ cho đồng đạo của tôi hiểu rằng tất cả kinh Đại Thừa không phải do Phật thuyết (nhưng không phải tất cả những gì không do Phật thuyết đều sai). Về phương diện “Lịch sử, khảo cứu, nguồn gốc…” thì đã có nguồn tư liệu và quá rõ rồi, chỉ còn phần phản biện về “nội dung” của Kinh (mà bạn tôi hỏi rõ vào phần “7 đoạn hỏi Tâm” đó). Tôi xem xét thấy dùng phương tiện “Tam Đoạn Luận” là đơn giản mà hiệu quả nhất nên sẵn hữu duyên tôi nêu luôn câu hỏi ở đây. Rất tiếc là tôi hơi thất vọng với câu trả lời (đùa 1 tí cho vui bạn Hoành nhé 🙂 )

    Chẳng hạn trong Tam Đoạn Luận có quy tắc là: “Nếu cả 2 tiên đề đều là phán đoán Phủ định thì KHÔNG Thể rút ra bất kì kết luận nào”. Nếu Quy Tắc này Đúng thì với lập luận kiểu như:
    1 – Tâm Không ở trong Thân
    2 – Tâm Không ở ngoài Thân
    => 3 – Kết luận là gì cũng sai quy tắc TĐL (tức là kết luận Có Chân Tâm cũng Sai mà Không có Chân Tâm cũng Sai)

    hoặc như có Quy tắc: “là phán đoán Tiên khởi không được Qúa Lớn”. Nếu Quy tắc này Đúng thì lập luận kiểu như:
    (1) – Tất cả chúng sanh trên thế gian đều dùng mắt để thấy
    (2) – Con dơi là chúng sanh trên thế gian
    => (3) – Con dơi dùng mắt để thấy

    kết hợp với cái TĐL ở trên thì dù: “con dơi Có dùng mắt để thấy hay Không dùng mắt để thấy” cũng KHÔNG THể Kết Luận “ông Anan Có chân tâm hay Không có Chân tâm” (theo kiểu chuyện Nọ xọ chuyên kia)
    v.v…..

    và còn rất nhiều, rất nhiều kiểu lập luận như vậy ở trong Kinh.

    Tôi có đôi lời chia sẻ thẳng thắng, có gì không phải mong hoan hỷ bỏ qua bạn Hoành nhé. Cảm ơn bạn rất nhiều!

    Kính chúc an lạc và mọi điều tốt đẹp !!!

    Like

  15. Nghe 2 anh trao đổi, em tự nhiên nảy ra câu chuyện này:

    Có một cái lá cây xanh tươi, sạch sẽ đang xào xạc bên trên theo gió chợt quay xuống nhìn cái gốc già cỗi, sù sì lẫn trong đất bẩn rồi hỏi:

    – Anh gốc ơi, anh đã già nua quá rồi. Anh có biết hàng ngày em vẫn đang phải vất vả hít thở để lấy khí trời và đưa mình hứng những tia nắng quý giá cho anh không?

    Gốc cây vẫn đang cúi đầu miệt mài hút nước trong lòng đất nên không kịp ngẩng lên nhìn lá và trả lời chậm rãi: “Cám ơn em đã cho anh biết điều đó. Anh cám ơn em nhiều lắm.”

    Câu chuyện của em hết rồi!

    Em thấy thật vui vì được đọc trao đổi của các anh. 🙂

    Cám ơn anh Vô thủ (không có đối thủ ???) vì nhờ anh mà em được biết tới bài viết từ năm 2009 này của anh Hoành. 🙂

    Em Thắng.

    Like

  16. Em chưa đi đến kết luận “chân tâm của ta (Không, bản lai diện mục) là tuyệt đối, bất khả tư nghị” nhưng em thấy đúng là “nói gì cũng sai”. 🙂 Cám ơn ạnh về cái kết luận rất … rõ ràng và dứt khoát. Em lại quay về với vô ngôn, rồi thông gì thì thông, hay thông đến đâu thì biết đến đó. 🙂

    Like

  17. @Quỳnh Linh

    “nói gì cũng sai” <= Phải Chăng Câu Nói Này Cũng "SAI" ? 🙂

    Mến chúc sức khỏe và xin chào thân ái !!

    Like

  18. chào cô chú xin giup con vs: chung minh tam doan luan sau day co hop logic khong:
    a. mọi nhà văn đều là người trí thức. Có người trí thức không yêu nước. Vậy có những nhà văn yêu nước.
    b. mọi giáo vien deu la nguoi tri thuc. Nen co nha van la giao vien. Vì tất cả những nhà văn đều là người tri thức
    c. co khoa hoc khong mang tinh giai cap. Ma triet hoc la khoa hoc. Vay chac chan triet hoc khong mang tinh giai cap
    d. Có sinh viên là hoa hậu. vậy có hoa hậu là người cần thơ. Vì có sinh viên là người cần thơ

    Like

  19. Hi TN Nghiep

    Các tam đoạn luận dưới đây đều không đúng logic.

    a. mọi nhà văn đều là người trí thức. Có người trí thức không yêu nước. Vậy có những nhà văn yêu nước.

    Mọi nhà văn đều trí thức
    Có người trí thức không yêu nước, có nghĩa là có người trí thức yêu nước
    Nhưng người trí thức yêu nước có thể không là nhà văn.

    b. mọi giáo vien deu la nguoi tri thuc. Nen co nha van la giao vien. Vì tất cả những nhà văn đều là người tri thức.

    Mọi nhà văn là người trí thức
    Mọi giáo viên là người trí thưc.
    Chẳng ăn nhập gì đến nhà văn có là giáo viên hay không.

    c. co khoa hoc khong mang tinh giai cap. Ma triet hoc la khoa hoc. Vay chac chan triet hoc khong mang tinh giai cap

    Có khoa học không mang tính giai cấp
    Triết học là khoa học
    Chẳng ăn nhập gì đến triết học có mang tính giai cấp hay không

    d. Có sinh viên là hoa hậu. vậy có hoa hậu là người cần thơ. Vì có sinh viên là người cần thơ

    Có sinh viên là hoa hậu
    Có sinh viên là người Cần Thơ
    Chẳng ăn nhập gì đến Cần Thơ có hoa hậu hay không

    Like

  20. chào các anh chị ạ. em đọc xong hết các cmt của anh chị xong nhưng em vẫn chưa hiểu dõ lắm vì nó cao xa quá. các anh chị có thể lấy vd về các lỗi logic khi vi phạm các quy tắc chung cho mọi loại hình tam đoạn luận thông qua thực tế cuộc sống ko ạ. nếu có thể anh chị phân tích nó luôn hộ em được không ạ để em mở mang tri thức ạ

    Like

  21. Hi Quang,

    Tam đoạn luận (syllogism) là “lý luận 3 câu.” Hai câu đầu là 2 tiền đề (premise) và câu cuối là câu kết luận (conclusion). Câu kết luận là suy từ hai tiền đề mà ra.

    Ví dụ:

    Mọi người con gái đều đẹp (tiền đề 1)
    An là con gái (tiền đề 2)
    Do đó/suy ra/kết luận: An thì đẹp

    Triết gia Aristote là người được cho là ông tổ của tam đoạn luận. Nhưng có lẽ điều đó không đúng. Tam đoạn luận “nhìn” có vẻ như rất tự nhiên với cách suy nghĩ của con người. Có lẽ là Aristote chỉ chính thức hóa nó thành một lý luận thường xuyên và quan trọng nhất trong lý luận của con người.

    Tiền đề 1 bên trên còn gọi là tiền đề lớn (major premise) là nói đến cái CHUNG, một TÍNH CÁCH chung của MỌI cô (đều đẹp). Cái tính cách chung đó được gọi là predicate. Nghĩa tiếng Việt tạm gọi là “chính cách chung.”

    Tiền đề 2 còn gọi là tiền đề nhỏ (minor premise) là nói đến một hay một vài người/chủ thể/chủ từ cũng có (ở phần kết luận) TÍNH CÁCH CHUNG đó. Tiếng anh gọi (vài) chủ thể đó là subject. Tiếng việt tạm dịch là “chủ thể.”

    Câu kết luận là: Chủ thể (trong tiền đề 2) cũng có Tính Cách Chung như mọi người (trong tiền đề 1). Rất dễ hiểu.

    Tam đoạn luận này bắt đầu từ cái chung (cái lớn) đến cái riêng (cái nhỏ) nên được gọi là deductive syllogism (Tam đoạn luận suy diễn) hay deductive reasoning (lý luận suy diễn). Suy diễn là suy từ cái chung đến cái riêng.

    * Muốn tam đoạn luận đúng thì cả 3 câu phải đi hợp với cách suy nghĩ tự nhiên của con người, như trên. Nếu ba câu đi theo kiểu suy luận của con bò chẳng hạn, thì tam đoạn luận sẽ sai, như là:

    Mọi phụ nữ đều đẹp.
    An là phụ nữ
    Do đó, cỏ này nhai ngon quá.

    Kết luận này rất phi lý, kiểu bò vàng, chẳng liên hệ gì đến hai tiền đề, cho nên nói là lý luận này invalid (không hiệu lực) hay illogical (phi lý, phi luận lý), như là “That argument is invalid/illogical”. Câu cãi đó không hiệu lực/phi luận lý.

    * Còn một đòi hỏi nữa cho tam đoạn luận là cả hai tiền đề đều phải đúng (true). Nếu một trong hai tiền đề mà sai (false), thì kết luận sẽ sai theo.

    Ví dụ: Tiền đề một, “Mọi phụ nữ đều đẹp.” Phản biện: “Sao anh nói vậy. Có người đẹp người xấu chứ. Sao “mọi phụ nữ đều đẹp được?”

    Như vậy tiền đề này có vấn đề, có thể sai, hay ít nhất là có dấu hỏi (questionable), do đó kết luận “Cô An thì đẹp” cũng có thể sai (false) hay có dấu hỏi (questionable) vì lý luận này invalid – không hiệu lực.

    Hoặc, nếu “cô An” thực ra chẳng phải là một cô, mà là một cậu thì sao? (THời đại này đôi khi cũng khó biết ai là nam ai là nữ). Nếu Cô An là nam, thì tiền dề 2 sai (false), do đó lý luận bị invalid (không hiệu lực/phi luận lý) và kết luận “Cô An thì đẹp” cũng bị invalid theo.

    – Bên trên là tam đoạn luận đi từ cái chung/lớn đến cái riêng/nhỏ, gọi là deductive syllogism (tam đoạn luận suy diễn, hay deductive reasoning (lý luận suy diễn).

    Còn một syllogism đi từ nhiều cái nhỏ/cái riêng để tới cái lớn/cái chung, gọi là inductive syllogism (tam đoạn luận quy nạp) hay inductive reasoning (lý luận quy nạp).

    Vi dụ:

    Tiền đề 1: Khổng Tử chết, Quan Trung chết, Hồ Chí Minh chết, bác Bày chết, Ông Ba chết, bà ngoại chết, Soa Soa chết…
    Tiền đề 2: Các vị đều là người.
    Kết luận: Do đó, mọi người đều phải chết

    Cũng như trên tam đoạn luận này chỉ valid (có hiệu quả, hợp lý) nếu hai tiền đề đều đúng (true). Nếu có một tiền đề sai (false) thì tam đoạn luận invalid (không có hiệu quả, phi lý).

    * Tấn công kết luận của tam đoạn luận này: “Sao anh biết mọi người đều chết. Nhỡ có một người đã 2 triệu 500 ngàn tuổi đang ở trong một hốc núi vời vợi nào đó chưa có dấu chân người, chẳng ai biết đến thì sao?”

    Cách phản biện với lý luận này là:

    Cách 1: Làm nhẹ bớt kết luận: “Trên lý thuyết có thể có một hai người đã vài triệu tuổi và còn sống nhưng chẳng ai biết, thực tế ta có thể thấy là mọi người đều phải chết.”

    Cách 2: Anh đi tìm ông nào hai triệu rưỡi tuổi đó đi, rồi chúng ta nói chuyện tiếp. Bằng không thì đừng cãi chày cãi cối kiểu truyện Tề thiên đại thánh.

    Tàm tạm như thế. Chúc Quang hiểu vấn đề. Nếu rối rắm, thì đọc rất chậm từng câu để hiểu rất rõ, trước khi đọc sang câu mới.

    Like

Leave a comment