Bạo hành ở học đường

Chào các bạn,

Có lẽ các bạn đã quá quen thuộc với các thông tin bạo hành ở học đường – một nhóm học sinh đánh đập và làm nhục một học sinh khác. Đôi khi tạo ra những xô xát đến mức chết người. Thường là học sinh bị bắt nạt lâu ngày có vấn đề tâm lý, sợ hãi, học không vào, không muốn đi học vì không có an ninh. Đôi khi có em còn trầm cảm đến mức tự tử.

Đây là một vấn đề nhức nhối lớn cho bố mẹ và thầy cô. Dĩ nhiên có trách nhiệm nhiều nhất là trường học. Các trường cần có những chính sách ngăn chặn các học sinh côn đồ bắt nạt các học sinh yếu, và những trường hợp học sinh đánh nhau. Giáo dục các em biết ứng xử với nhau hiền lành là một chuyện, nhưng trường cũng cần có những biện pháp an ninh, phối hợp chặt chẽ với công an khu vực, và có những hình phạt thích đáng với các em bắt nạt và bạo hành các em khác.

Tuy nhiên mình có cảm tưởng tình trạng một đám trẻ em côn đồ bắt nạt một em yếu đuối luôn xuất hiện dưới mọi hình thức, và thường là nhà trường và bố mẹ chẳng có cách chấm dứt. Và đó là điều khó khăn.

Hồi nhỏ, ba mình ở trong quân đội, nên vài năm là cả nhà di chuyển đến một tỉnh mới theo chân ba. Mỗi lần đến một nơi mới, mình và các em mình luôn bị nhóm học trò ma cũ ở trường và ở trong xóm bắt nạt. Thường là vì giọng nói người Quảng Bình của cả nhà mình không giống tiếng nói địa phương. Mình là anh cả, có mấy đứa em. Minh không muốn mấy đứa em bị bắt nạt và sợ hãi, nên đám nào chọc mình hay chọc mấy đứa em là mình cũng đánh nhau ì đùng. Dĩ nhiên là một mình đánh nhau với 5, 6 đứa, vừa đánh vừa chạy. Dĩ nhiên là luôn sợ, nhưng luôn chiến đấu và chạy. Và chuyện đó xảy ra cực kỳ thường xuyên, từ 8 tuổi cho đến năm mình 15, 16, qua nhiều tỉnh: Pleiku, Quy Nhơn, Nha Trang, Sài Gòn. Tới khoảng 15 tuổi, gia đình dời vô Sài gòn, mình và các em vẫn bị ma cũ bắt nạt. Mình đi học võ, rồi về tiếp tục đánh nhau với bọn trong xóm, cho đến khi chúng nó sợ mình và thành bạn của mình.

Mẹ mình hay lo mình bị ăn đòn, và đôi khi mình về nhà mặt mày bầm tím. Mẹ đôi khi đưa mình vào trường nói với hiệu trưởng, nhưng chẳng giải quyết được vấn đề. Ma cũ luôn có cách bắt nạt hoặc dùng ma mới làm trò cười.

Rõ ràng là giải pháp của mình từ nhỏ là đánh nhau liền tù tì cho đến lúc chúng nó ngại mình và thành bạn, hết trêu chọc. Kinh nghiệm của mình từ nhỏ cho thấy, nếu có một đám côn đồ bắt nạt, mình chống trả dữ dội, chúng nó sẽ ngán mình và trở thành bạn của mình. Và không còn màn bắt nạt nữa.

Cho nên, khi mình có con và chúng nó bị trêu chọc là “chin”, đây là từ sỉ nhục mà tụi nhỏ Mỹ dành cho dân Tàu, nhưng những đứa nhỏ ở Mỹ thì ai Á Châu cũng bị chúng nó gọi là Tàu (chin). Con gái mình về nhà nói bị mấy đứa ở trường trêu chọc và rất bực mình, nhưng không dám làm gì vì chúng nó đông. Cô con gái này của mình rất hiền, đến giờ lớn cũng rất hiền, nên ai cũng thương. Mình nói: “Đánh tụi nó. Nó lớn cũng đánh, nó đông cũng đánh. Đừng sợ đánh. Khi con đánh nhau con sẽ không biết đau. Cứ nhào vô đánh. Nó đánh trúng mình cũng đừng sợ, cứ nhào vô đánh, một lúc chúng nó sẽ sợ mình và chạy.” Mình còn dạy con vài cách đánh và cách quật ngã. Hai ngày sau khi mình dạy, con mình về kể cả lớp ra bãi biển chơi, có một cô bé cùng lớp chọc là chin, con mình nhào vô ôm cô nhỏ và quật xuống bãi cát, cô nhỏ nằm ngay đơ. Từ đó trở đi, chẳng còn ai dám chọc.

Mình nghĩ cách tốt nhất là các bố mẹ cho con đi học võ. Nếu có học võ, thường thì chẳng ai dám bắt nạt. Người học võ thường có kỷ luật, và thường được dạy biết nhịn. Nhưng côn đồ thường không dám chọc người học võ, và thường thân thiện với dân học võ. Vừa tập võ cho khỏe và tự vệ, vừa học được kỷ luật, và vừa có tự tin. Sau này ra đời con sẽ dùng kỷ luật và tự tin cho cả đời mình.

Và các trường cũng nên có chương trình dạy võ như một môn thể dục thể thao tương tự như bóng đá, cầu lông… Phần lớn các trường ở Hàn quốc có môn Tae Kwon Do là môn học bắt buộc trong chương trình thể dục thể thao. Võ thuật sẽ giúp các em mạnh mẽ, kỷ luật và tự tin.

Hiện tượng con nít bắt nạt con nít có khắp mọi nơi trên thế giới, và chẳng có cách nào chấm dứt được. Tốt nhất là cho con mình biết cách tự vệ. Và để mấy đứa nhỏ côn đồ khác tránh xa.

Chúc các bạn có giải pháp tốt cho con cái.

Mến,

Hoành

© copyright 2023
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Một bình luận về “Bạo hành ở học đường”

  1. Anh nói đúng quá.

    Hồi đi học, từ lớp 1 đến lớp 12, bạn con trai nào chọc em là em đánh. Có đứa cao hơn em 30cm, to gần gấp 3 em, em vẫn đánh. Đánh xong, mấy ngày sau, tụi nó tới nói với em: “Mấy bữa trước đánh gì mà ghê quá, bầm tím cả chân tay đến mấy ngày, ê cả người. Nhìn này.” Rồi tụi nó kéo ống quần lên, vén tay áo lên, xoay lưng lại… cho em xem.

    Có cậu bạn học chung cấp 2, hồi đi học quậy nhiều, bị nhà trường cho nghỉ học mấy buổi, hình như bị gửi đi học trong trường giáo dưỡng một thời gian. Sau khi ra trường khoảng 15 năm, tình cờ em và bạn gặp lại, nói chuyện với nhau, bạn nói: “Hồi đó không dám chọc bà luôn.”

    Kể vài mẩu chuyện góp vui.

    Chúc chúng ta luôn mạnh mẽ.

    Em Hương

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s