TPHCM qua 20 năm xây trường, mở lớp – 3 bài

TPHCM qua 20 năm xây trường, mở lớp – Bài 1: Dấu ấn tiên phong

SGGP – 10/04/2023 13:03 (GMT+7)

Nhờ “cú hích” từ Quyết định 02/2003/QĐ-UB ngày 3-1-2003 (Quyết định 02) của UBND TPHCM, mỗi đầu năm học, thành phố có thêm hàng chục ngôi trường mới đưa vào sử dụng, góp phần giải quyết nhu cầu về chỗ học, đồng thời tạo thêm điểm nhấn cho bức tranh chuẩn hóa trường lớp tại TPHCM.

Trường THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10 được xây dựng theo mô hình tiên tiến hội nhập. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Gỡ nút thắt

TS Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, nhớ lại, thời điểm năm 1999, dù ngân sách thành phố còn eo hẹp nhưng lãnh đạo TPHCM đã dành tỷ trọng 20% ngân sách đầu tư cho giáo dục, mở rộng việc xây dựng trường lớp với 1.118 phòng học trên địa bàn các quận, huyện. Trong đó, 2/3 số phòng học được phê duyệt cho khu vực ngoại thành và quận mới phát triển. Nhờ đó, tình trạng học ca 3, ca 4 không còn tái diễn, nhiều công trình trường học khang trang được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đến năm 2003, với quy mô gần 700.000 học sinh, điệp khúc thiếu chỗ học bắt đầu nóng ở các quận, huyện. Tốc độ xây dựng trường lớp không theo kịp đà tăng dân số cơ học do bình quân mỗi năm toàn thành phố tăng thêm khoảng 40.000 học sinh.

Bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, kể lại, năm 2003, quận mới được tách ra từ huyện Bình Chánh, với dân số trên 800.000 người. Thời điểm đó, toàn quận có 31 trường với 542 phòng học đáp ứng chỗ học cho gần 26.000 học sinh các cấp. Nhiều ngôi trường cũ kỹ, xuống cấp, số lượng phòng học không đủ đáp ứng nhu cầu về chỗ học của người dân…

Từ thực tế đó, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND TPHCM ban hành Quyết định 02 về quy hoạch mạng lưới trường lớp ở 24 quận, huyện. Quyết sách mang tính đột phá này đã tạo đòn bẩy cho các quận, huyện xây dựng các chương trình hành động, đồ án quy hoạch nhằm tạo thêm quỹ đất cho giáo dục, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường lớp, giải tỏa dần áp lực về chỗ học cho người dân. Hàng năm, ngân sách thành phố ưu tiên bố trí từ 3.000-4.000 tỷ đồng phục vụ công tác xây dựng trường lớp.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Kiều Thị Nông cùng cô trò Trường Tiểu học Trung Lập Thượng (Củ Chi, TPHCM). Ảnh: QUANG HUY

Dám nghĩ dám làm

Từ Quyết định 02, quận 10 đã giải tỏa áp lực thiếu chỗ học bằng nhiều giải pháp linh hoạt. Trong đó, không chỉ ưu tiên về quỹ đất, đẩy mạnh thu hồi đất dự án, địa phương còn huy động nhiều nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, thực hiện mục tiêu đầu tư mở rộng trường lớp, nâng cao chất lượng đào tạo. Chủ tịch UBND quận 10 Nguyễn Thị Thu Hường chia sẻ: “Trường THCS Nguyễn Văn Tố là ngôi trường tiêu biểu, thể hiện rõ nét sự đầu tư toàn diện cho giáo dục của địa phương trong 20 năm qua”.

Trước đó, ngôi trường có cơ sở vật chất xuống cấp, diện tích nhỏ hẹp, không đạt chuẩn khiến nhiều phụ huynh tìm cách “chạy” cho con qua trường khác. Không để tình trạng này kéo dài lâu, UBND quận 10 đã quyết liệt chỉ đạo triển khai kế hoạch xây mới trường này, mục tiêu không chỉ đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất mà còn đạt chuẩn quốc tế.

Không chỉ quận 10, hàng loạt quận, huyện như quận 2, 9 (cũ), 7, 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn… cũng hạ quyết tâm vượt khó, tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn trong thu hồi mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để mở rộng, xây dựng thêm trường lớp. Trưởng phòng GD-ĐT quận 3 Phạm Đăng Khoa cho biết, từ năm 2003 đến nay, toàn quận triển khai 102 dự án xây dựng trường học, xây mới 732 phòng học và hàng trăm phòng chức năng, đồng thời nâng cấp, sửa chữa nhiều công trình trường học góp phần đảm bảo điều kiện học tập cho người dân trên địa bàn. Trong đó, các cơ sở giáo dục được đầu tư xây mới đồng bộ, khang trang, hiện đại, góp phần chuẩn hóa chất lượng đào tạo.

Riêng ở huyện Củ Chi, nhờ có quỹ đất dồi dào nên nhiều dự án xây trường có quy mô lớn, cơ sở vật chất khang trang đã thành hình và đưa vào sử dụng. Tính đến nay, huyện đã thực hiện trên 100 dự án xây mới, sửa chữa công trình trường học với khoảng 2.000 phòng học. So với quy mô học sinh, Củ Chi hiện là địa phương đảm bảo tỷ lệ bao phủ trường học khá lý tưởng, trong đó số trường đạt chuẩn quốc gia luôn ở tốp đầu thành phố. Có thể kể đến một số ngôi trường vừa khánh thành với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại như Trường Mầm non Tân Thông Hội, Tiểu học An Phú, THCS thị trấn Củ Chi…

Từ những điểm sáng về quy hoạch trường lớp, từ năm học 2014-2015, TPHCM bắt đầu thí điểm mô hình “Trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế”. Chủ trương này được đánh giá là cơ sở thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, huy động thêm nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Sau 10 năm triển khai, mô hình đã khẳng định sự thành công ở hàng loạt ngôi trường như THPT Lê Quý Đôn (quận 3), THPT Nguyễn Du (quận 10), THPT Nguyễn Hiền (quận 11), THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1), THCS Trần Quốc Toản (TP Thủ Đức)…

Người dân hợp sức xây trường

Tại ấp Đồng Lớn, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, mẹ Việt Nam Anh hùng Kiều Thị Nông (87 tuổi) không chỉ được biết đến là tấm gương cách mạng tiêu biểu của vùng “Đất thép thành đồng” mà còn là người đã hiến gần 3.000m2 đất cho địa phương làm đường nông thôn, kênh thoát nước, đồng thời vận động con cháu trong gia đình hiến thêm 800m2 đất xây trường. Mẹ nói: “Gia đình tôi hiến đất cho Nhà nước làm đường, xây trường để bà con đi lại thuận tiện, trẻ nhỏ được học trong ngôi trường mới”. Phó Chủ tịch UBND xã Trung Lập Thượng Nguyễn Thị Mỹ Linh thông tin, nhờ những tấm gương tiêu biểu đi đầu như gia đình mẹ Kiều Thị Nông, đến nay đã có 1.290 hộ dân tình nguyện hiến cho xã gần 90.400m2 đất thổ cư, ruộng vườn để xây trường, làm đường nông thôn, kênh thoát nước… Nhờ đó, địa phương có thêm nhiều ngôi trường khang trang, đạt chuẩn quốc gia, chất lượng giáo dục ngày càng khởi sắc.

Tại quận 12, trong 20 năm qua đã có 285.000m2 đất được người dân hiến tặng, tổng giá trị gần 1.800 tỷ đồng. Huyện Cần Giờ có gần 340.000m2; huyện Bình Chánh hơn 300.000m2 đất được hiến tặng từ sự chung tay của người dân.

QUANG HUY – THU TÂM

***

 

TPHCM qua 20 năm xây trường, mở lớp – Bài 2: Trầy trật xây trường

SGGP – 11/04/2023 14:01 (GMT+7)

Thực hiện Đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp của UBND TPHCM, trung bình mỗi năm, TPHCM đưa vào sử dụng thêm từ 1.000-1.500 phòng học mới. Tuy nhiên, trước áp lực đô thị hóa nhanh, trong khi công tác xây dựng trường lớp còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng quá tải trường lớp, nhiều nơi duy trì sĩ số trên 50 học sinh/lớp.n liên quan

 

Những dự án treo

Theo Đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp của quận Tân Bình, phường 15 được quy hoạch xây dựng cụm trường gồm Trường Tiểu học Phan Huy Ích, Trường THCS Trần Thái Tông (đường Cống Lở), trường THCS tại khu đất Nhà máy nước đá Tân Sơn và Trường THPT Tân Sơn (khu đất phía Đông Bắc đường Hoàng Bật Đạt).

“Sau gần 20 năm quy hoạch, quận mới khởi đông xây mới được 1 trường tiểu học. 3 trường còn lại chưa khởi công xây mới vì gặp khó khăn trong thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, đền bù hỗ trợ cho các hộ dân trong diện quy hoạch, di dời”, Phó Chủ tịch UBND phường 15 Nguyễn Tất Hải cho hay.

Quá tải sĩ số tại một lớp học của Trường Tiểu học Huỳnh Văn Bánh (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh)

Cũng theo ông Nguyễn Tất Hải, hàng năm khi UBND và Ủy ban MTTQ phường tổ chức “Hội nghị tiếp xúc, đối thoại với nhân dân”, loạt dự án treo này đều được nhắc lại. Quận Tân Bình đã có nhiều buổi làm việc với 81 hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án xây trường, nhưng do hệ số giá đất bồi thường cho các hộ dân quá thấp nên người dân chưa đồng thuận. Nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh việc xây trường trong cụm dự án, UBND quận đã giao Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng khu vực Tân Bình thuê đơn vị tư vấn, tiếp tục thu thập thông tin về các giao dịch đất nông nghiệp trên địa bàn quận và các quận lân cận để có hướng xử lý phù hợp. Hiện nay, quận Tân Bình đã đăng ký vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện cụm dự án này.

Do khu vực phường 15, quận Tân Bình không xây được trường THCS nên học sinh phải xin về các trường THCS trên địa bàn lân cận. Thầy Tôn Thất Nhân Hiếu, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Hoa Thám (phường 13, quận Tân Bình) cho biết, trường được xây mới với quy mô 45 phòng học và đầy đủ các phòng chức năng trên diện tích gần 13.000m2 theo mô hình tiên tiến hội nhập. Tuy nhiên, từ khi khánh thành và đưa vào sử dụng đến nay, năm nào trường cũng phải gánh học sinh cho phường 15, một phần học sinh phường 12 và 14 với 75 lớp dẫn đến hiện tại đã vượt ngưỡng quy mô số lớp trong một trường học.

Tương tự, dự án xây mới Trường THPT Ernst Thälmann (quận 1) bị treo gần 17 năm nay, hiện chưa biết khi nào có thể khởi công. Đây là dự án tọa lạc ở vị trí trung tâm thành phố với 3 mặt tiền là các con đường lớn gồm Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thái Học, Phạm Ngũ Lão. Ngôi trường hiện có diện tích khuôn viên rộng khoảng 6.000m2 và được xây dựng đã lâu nên xuống cấp nghiêm trọng, mỗi năm được bố trí kinh phí chống thấm dột nhưng phòng học vẫn ẩm thấp, thiếu ánh sáng… Hiện trường có hơn 30 phòng học và một số phòng chức năng, chỉ đủ giải quyết cơ bản nhu cầu về chỗ học cho khoảng 1.400 học sinh.

Về dự án xây mới Trường THPT Ernst Thälmann, đại diện Phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, năm 2007, thành phố đã tổ chức đấu giá khu vực “tam giác vàng” Trần Hưng Đạo – Phạm Ngũ Lão – Nguyễn Thái Học (quận 1) với tổng diện tích khoảng 13.000m2. Trường THPT Ernst Thälmann nằm trong khu vực đấu giá nên thành phố đã có kế hoạch di dời trường sang nơi khác. Đến năm 2009, Trường THPT Ernst Thälmann được dự tính chuyển đến một khu đất nằm ở đường Bến Chương Dương (quận 1). Tuy nhiên, khu đất này hẹp, diện tích không đủ để xây dựng theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia. Kể từ đó, dự án xây mới Trường THPT Ernst Thälmann “giậm chân tại chỗ”.

Đụng đâu vướng đó

Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Đào Thị My Thư cho biết, năm 2021, toàn quận có hơn 690.000 dân, mật độ dân số nơi đông nhất lên đến gần 60.000 người/km2, thấp nhất 22.500 người/km2. Quận đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học. Tuy nhiên, hiện nay quỹ đất trống, đất làm nhà xưởng, cơ sở sản xuất hoạt động không hiệu quả do Nhà nước quản lý trên địa bàn quận còn hạn chế nên địa phương phải quy hoạch trường học tại các vị trí đất nhà ở của hộ gia đình, cá nhân quản lý để đảm bảo quỹ đất cho giáo dục. Trong khi đó, các quy định hiện nay về đền bù, giải tỏa mặt bằng có độ vênh lớn giữa đất trong khu vực quy hoạch trường học và đất quy hoạch nhà ở, dẫn đến đơn giá bồi thường chênh lệch, các hộ gia đình không đồng thuận khiến thời gian thực hiện dự án kéo dài.

Dẫn chứng dự án xây mới Trường Tiểu học phường 12, bà Đào Thị My Thư chia sẻ, theo kế hoạch, công trình có tổng diện tích đất cần thu hồi là 4.860m2 gồm đất của 5 hộ gia đình và một khu đất 78 ngôi mộ do 12 thân nhân làm đại diện. Dự án bắt đầu triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng từ năm 2012, nhưng nhiều lần bị “ách” lại. Lần thứ nhất khi Luật Đất đai năm 2013 (hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2014) ra đời khiến dự án phải tạm dừng chờ hướng dẫn mới. Lần thứ hai, các hộ dân không đồng ý đơn giá bồi thường. Người dân đề nghị phương án hoán đổi đất hoặc giữ lại một phần đất của gia tộc để mưu sinh ngay tại vị trí đất xây dựng trường học. “Sau rất nhiều lần điều chỉnh, các khó khăn lần lượt được tháo gỡ. Dự kiến quận sẽ khởi công dự án này trong năm 2023 và hoàn thành trong năm 2024 sau hơn 10 năm triển khai”, bà My Thư cho biết.

Tại quận 1, khi địa phương triển khai kế hoạch mua lại đất của các hộ dân liền kề để thực hiện dự án mở rộng Trường THCS Văn Lang, người dân đã đồng ý, nhưng sau đó do thủ tục chuyển đổi quá nhiêu khê, thời gian thực hiện kéo dài nên người dân không bán nữa. Đến nay, dự án tiếp tục “đắp chiếu”. Lãnh đạo các địa phương bày tỏ, do quỹ đất khu vực nội thành khan hiếm và được định giá là “đất vàng” nên kế hoạch cải tạo, mở rộng diện tích đối với các ngôi trường nhỏ, lẻ, xuống cấp, đụng đâu vướng đó.

Khu vực vùng ven ngoại thành, việc thiếu trường lớp, quá tải học sinh cũng “nóng bỏng” không kém. Quận Bình Tân, quận 12, huyện Bình Chánh, Hóc Môn chịu nhiều áp lực trong tăng dân số cơ học, nhiều dự án xây mới trường lớp không thi công được vì thiếu vốn, vướng đền bù giải phóng mặt bằng… Tại huyện Bình Chánh, 3 xã Vĩnh Lộc A (gần 170.000 dân), Vĩnh Lộc B (trên 146.000 dân), Phạm Văn Hai (khoảng 40.000 dân) là những địa phương “vỡ trận” vì thiếu trường lớp, quá tải học sinh. Tính riêng số học sinh tiểu học và THCS của 3 xã này là gần 33.000 em, nhưng chỉ có 10 trường tiểu học và 5 trường THCS công lập. Trường học phải trưng dụng, cải tạo phòng chức năng thành phòng học để tổ chức dạy học.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Lê Thụy Mỵ Châu cho biết, địa phương mới đạt tỷ lệ 211 phòng/10.000 dân. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2020-2025, huyện có 16 dự án trường học xây mới nhưng đến nay mới chỉ triển khai được 7 trường. Ngoài ra, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, huyện có 17 dự án xây trường, song đến nay chưa được ghi vốn.

Trước thực tế trên, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam kiến nghị TP Thủ Đức và 21 quận, huyện ưu tiên bố trí vốn ngân sách để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trường học theo kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch đã được phê duyệt phù hợp với yêu cầu phát triển và thực tế tại địa phương. Trong đó, cần tập trung các khu vực có tốc độ tăng dân số cơ học cao hoặc địa bàn có các khu công nghiệp, khu chế xuất như quận 7, 9, 12, quận Bình Tân, Gò Vấp, Thủ Đức và huyện Bình Chánh.

_____

Thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, tính đến cuối tháng 12-2022, thành phố có 117 dự án giáo dục chậm thực hiện do nhiều nguyên nhân. Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, mục tiêu thực hiện 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi) chưa triển khai đồng đều giữa các bậc học và quận, huyện. Trong đó, một số địa phương đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra, song có nơi tỷ lệ còn rất thấp. Điều này cho thấy sự thiếu quan tâm, chưa triển khai quyết liệt của các quận, huyện.

Thầy Nguyễn Ngọc Huỳnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Huỳnh Văn Bánh (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh), cho biết, trường có quy mô 50 lớp học, đầy đủ phòng chức năng để tiếp nhận trên 1.900 học sinh. Do áp lực tăng dân số cơ học, hiện học sinh toàn trường tăng 3.224 em, tương ứng 78 lớp, trong khi trường chỉ có 30 phòng học đúng quy cách, còn lại 9 phòng học được cải tạo lại từ các phòng chức năng mới đảm bảo đủ chỗ học 1 buổi/ngày cho học sinh toàn trường.

“Phụ huynh khổ cực vì phải bỏ công ăn việc làm để ngày 2 buổi chạy về trường đưa đón con, giáo viên nhà trường cũng khổ không kém do quá tải học sinh nên trường không tổ chức được công tác bán trú, giáo viên phải dạy thêm ngày thứ bảy”, thầy Huỳnh chia sẻ.

QUANG HUY – THU TÂM

***

 

TPHCM qua 20 năm xây trường, mở lớp – Bài 3: Gian nan đất công xây trường học

SGGP – 12/04/2023 10:14 (GMT+7)

Trước thực tế quỹ đất xây trường học ngày càng khan hiếm, nhiều khu đất được quy hoạch cho giáo dục nhưng không thu hồi được, các địa phương cần quyết liệt, kiên trì đeo bám; UBND TPHCM cần rốt ráo trong việc thu hồi mặt bằng, kho bãi sử dụng sai mục đích, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây mới trường lớp.

TPHCM qua 20 năm xây trường, mở lớp - Bài 3: Gian nan đất công xây trường học

TPHCM qua 20 năm xây trường, mở lớp – Bài 2: Trầy trật xây trường

Chây ỳ bàn giao đất

Tìm đến khu đất được quy hoạch xây trường học tại địa chỉ 75/4 Phan Văn Hớn, phường Tân Thới Nhất (quận 12) với mặt tiền dài gần 100m, cánh cổng sắt gỉ sét cài chốt bên trong. Mất gần 10 phút dò hỏi, gọi lớn nhưng không ai ra mở cửa, chúng tôi cũng tìm cách vào được bên trong và ghi nhận hiện trạng rất hoang tàn: vài căn nhà cấp 4 lụp xụp, rác thải vây quanh, khu vườn trồng chủ yếu là cây bạch đàn, táo, chuối, bụi xả…

Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, khu đất gần 11.000m2 tại địa chỉ 75/4 Phan Văn Hớn này được UBND TPHCM cấp phép cho đơn vị nghiên cứu SK5 (thuộc Bộ Y tế) tiếp quản từ năm 1983 để trồng, nghiên cứu dược liệu quý, thời hạn cấp phép là 10 năm. Trong quyết định nêu rõ, sau 12 tháng nếu không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích sẽ thu hồi giấy phép. Sau đó, SK5 đổi tên lần lượt thành Trung tâm Sâm Việt Nam, Liên hiệp Khoa học sản xuất sâm và dược liệu, nay là Trung tâm Sâm và Dược liệu TPHCM. Quá trình sử dụng khu đất trên được các đơn vị liên quan đánh giá là không hiệu quả, bỏ hoang. Đáng nói, khu đất đã có quyết định thu hồi hơn 20 năm trước để quy hoạch xây dựng Trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ (trường nằm giáp ranh khu đất và đang xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo chỗ học cho gần 1.000 học sinh), nhưng đến nay vẫn không thu hồi được.

Khu nhà, đất 75/4 Phan Văn Hớn (phường Tân Thới Nhất, quận 12) vốn được quy hoạch để mở rộng Trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ nhưng chưa thể thu hồi. Ảnh: QUANG HUY

Theo Phó Chủ tịch UBND quận 12 Đậu An Phúc, lý do Trung tâm Sâm và Dược liệu TPHCM đưa ra là khu đất được sử dụng làm vườn bảo tồn gene và giống cây thuốc các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, hiện nay khu đất không trồng bất cứ loại cây thuốc nào.

Qua trao đổi, đơn vị yêu cầu được hoán đổi một khu đất khoảng 10ha trên địa bàn TP Thủ Đức thì mới chịu bàn giao mặt bằng cho quận 12 xây trường. Ngoài khu đất nói trên ở đường Phan Văn Hớn, quận 12 còn 13 khu đất thuộc quản lý của Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước hiện không còn nhu cầu sử dụng nhưng việc chuyển đổi sang đất quy hoạch cho giáo dục đang gặp nhiều trở ngại. Quận đã đề xuất UBND TPHCM thu hồi các khu đất này nhưng đến nay chưa có đơn vị nào chịu bàn giao.

Chây ỳ không chịu bàn giao đất còn phải kể đến khu đất 419 Lê Hồng Phong (đường Vĩnh Viễn – Trần Nhân Tôn, phường 2, quận 10) với diện tích gần 11.000m2. Trước đó, khu đất 419 Lê Hồng Phong là đất công, thuộc sở hữu nhà nước. Trước năm 2000, UBND TPHCM cho Công ty Giày Sài Gòn (gọi tắt là GSG) thuê mặt bằng. Đến năm 2007, UBND TPHCM tiếp tục cho GSG thuê lại khu đất này để làm văn phòng, nhà kho, nhà xưởng sản xuất giày, túi xách. Quyết định của UBND TPHCM nêu rõ: “GSG không được cho thuê lại đất và tài sản gắn liền với đất”. Thế nhưng, trong quá trình sử dụng, GSG đã tự ý cho thuê lại mặt bằng và đã bị Thanh tra Sở TN-MT TPHCM xử phạt 720 triệu đồng vì vi phạm trong quản lý và sử dụng đất.

Vào thời điểm tháng 4-2017, UBND quận 10 kiến nghị UBND TPHCM chấm dứt cho GSG thuê khu đất 419 Lê Hồng Phong, giao về quận quản lý và sử dụng cho mục đích giáo dục, cụ thể là xây trường THCS cho cụm liên phường 1, 2, 3 của quận 10 – khu vực chưa có trường THCS. Đến tháng 5-2019, UBND TPHCM có chủ trương thu hồi và đến tháng 5-2021 chính thức ban hành quyết định thu hồi khu đất. Đến nay, sau gần 2 năm từ khi có quyết định thu hồi đất, việc thu hồi khu đất này chưa hoàn thành, học sinh các phường 1, 2, 3 tiếp tục phải đi học ké trường THCS ở phường lân cận.

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, thành phố hiện có quy mô dân số hơn 10 triệu người, chưa tính bộ phận dân cư vãng lai nên việc thực hiện các nhiệm vụ giáo dục và y tế gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, nếu xét theo tiêu chuẩn của ngành giáo dục, thành phố thiếu khoảng 3.000 phòng học, song nếu xét theo tiêu chí 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi), thành phố còn thiếu khoảng 8.000 phòng học.

Mới đây, UBND TPHCM đã ban hành Kế hoạch Phát triển giáo dục thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều chỉ tiêu quan trọng. Trong đó, về quy hoạch mạng lưới trường lớp, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 đảm bảo 60% trường mầm non, 80% trường tiểu học, 70% trường THCS và 50% trường THPT công lập đạt chuẩn quốc gia. Đây là mục tiêu đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và quyết tâm thực hiện của các địa phương.

Xử lý dứt điểm tình trạng lãng phí

Trước nghịch lý có đất quy hoạch trường học mà không thu hồi được, nhất là đất do Nhà nước quản lý, cử tri thành phố đã nhiều lần chất vấn về trách nhiệm, giải pháp kèm thời gian cụ thể với các sở ngành, quận huyện và lãnh đạo TPHCM. Chia sẻ với cử tri thành phố, một lãnh đạo thành phố cho biết, những khó khăn, tồn tại của ngành giáo dục cũng là những khó khăn chung của thành phố. Đó là áp lực tăng dân số cơ học, mật độ dân số cao, trong khi quy hoạch, xây dựng và phát triển hạ tầng nói chung, quy hoạch phát triển trường lớp nói riêng chưa theo kịp nhu cầu ngày càng cao của người dân thành phố.

Mới đây, vào cuối tháng 3-2023, tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội khóa XV về thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, lãnh đạo TPHCM tiếp tục khẳng định, thành phố luôn có ý thức trách nhiệm cao trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện, chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, dù thực tế gặp khó khi bình quân mỗi năm, thành phố tăng khoảng 200.000 dân, trong đó có hơn 40.000 học sinh. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu học tập của người dân trên địa bàn, thành phố còn chăm lo cho bộ phận người dân từ các địa phương khác đến thành phố sinh sống, học tập. Thực tế đó đặt ra nhiều thách thức đối với thành phố trong việc thực hiện công tác giáo dục và đào tạo. Thành phố phải tính toán kế hoạch dài hạn để thực hiện mục tiêu giảm sĩ số học sinh/lớp, tăng cường đầu tư xây dựng trường lớp đáp ứng nhu cầu về chỗ học của người dân.

Riêng với tình trạng lãng phí đất công đang diễn ra khá phổ biến, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội, nhìn nhận, việc thu hồi các khu đất của cơ quan trung ương, bộ ngành không dễ dàng, nhưng đây là vấn đề mà cử tri rất bức xúc, kiến nghị nhiều lần do tình trạng nhiều khu đất sử dụng không đúng mục đích, bỏ hoang, nhưng học sinh lại thiếu trường học là điều bất hợp lý. Vì vậy, chính quyền TPHCM cần có giải pháp để phát hiện nhanh, xử lý kịp thời nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, tổ chức và chính quyền địa phương. Song song đó, các địa phương cần thực hiện rà soát các dự án, công trình bỏ hoang, đề xuất giải pháp xử lý để chấm dứt lãng phí. Trường hợp doanh nghiệp lập dự án, ôm đất giữ phần, phải cương quyết thu hồi, thậm chí truy cứu trách nhiệm cán bộ, tổ chức buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng đất đai bị hoang phí.

Tình trạng sử dụng sai mục đích đất thuê của Nhà nước, hoặc không thu hồi chuyển đổi mục đích sử dụng do vướng quy trình, thủ tục… còn diễn ra ở nhiều địa phương. Mới đây, quận Gò Vấp đã đề xuất thành phố thu hồi 2 khu đất có quy mô 20.800m2 tại địa chỉ 59/9 và 59/9C Phạm Văn Chiêu (phường 14) để giao cho quận xây 1 trường tiểu học và 1 trường THCS. Hiện cả 2 khu đất này đều là đất sạch do thành phố quản lý, không vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhưng thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất diễn ra chậm, phải chạy “lòng vòng” lấy ý kiến nhiều sở ngành…

“Việc đầu tư xây dựng 2 trường phù hợp với tình hình thực tế, giải quyết được khó khăn về nhu cầu trường lớp, nhất là giải tỏa được áp lực sĩ số học sinh/lớp đang nóng bỏng từng ngày trên địa bàn quận”, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Đỗ Anh Khang cho biết.

QUANG HUY – THU TÂM

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s