Chào các bạn,
Mình thường nói với các bạn về yêu mọi người vô điều kiện. Và đương nhiên mình biết đây là điều cực kỳ khó làm, cho đến nỗi hầu như các thầy lớn nhỏ đều cực kì ít khi nói đến. Năm thì mười họa mới có người nhắc thoáng qua, vì các thầy cũng thường sợ người khác không thích nghe hoặc chê mình khùng.
Tuy nhiên mình biết rất rõ đó là giải pháp cho hầu hết mọi vấn đề của loài người. Con người có vấn đề vì con người chẳng yêu nhau (ngược lại thường dối gạt, áp bức, bóc lột, thanh trừng nhau). Giải pháp hợp lý nhất là mọi người phải yêu nhau.
Không phải là khi yêu khi ghét kiểu có qua có lại, vì có yêu có ghét thì chính là tình trạng thế giới ta đang sống với đủ thứ vấn đề tràn ngập. Có yêu có ghét chính là vấn đề, chẳng là giải pháp.
Các vị thầy lớn đều dạy yêu tất cả mọi người, chẳng chừa ai. Và mình đồng ý với các vị thầy lớn, vì mình thấy rất rõ đó là giải pháp logical (hợp lý luận) nhất.
Nhưng dù là hợp lý thì câu hỏi vẫn là: Làm sao ta có thể yêu mọi người, trong khi rất nhiều người quanh ta thuộc hàng ma quỷ cao cấp – lường gạt, trộm cướp, gian dối, bóc lột, áp bức, đạo đức giả, giết người…?
Đương nhiên là rất khó để yêu mọi người như thế. Ở tầm mức con người, rõ ràng là chúng ta chẳng thể yêu tất cả mọi người trong khi có quá nhiều người chỉ đáng được ở tù chung thân hay tử hình? Con người không thể yêu tất cả mọi người. Đó hầu như là một công việc ngược với bản năng của con người.
Nhưng các thầy lớn vẫn làm được, và vẫn dạy con người làm như các vị.
Thế, bí quyết của các vị là gì? Làm sao các vị có thể yêu tất cả mọi người?
Bí quyết nằm trong lòng tin của các vị. Các vị có Chúa có Phật trên đầu, các vị yêu Chúa yêu Phật, và Chúa Phật dạy yêu tất cả mọi người, cho nên các vị yêu tất cả mọi người.
Chúng ta tin vào Chúa Phật, và vì Chúa Phật bảo yêu tất cả mọi người, cho nên chúng ta yêu tất cả mọi người. Ta yêu mọi người không phải vì mọi người đáng yêu, mà vì Chúa Phật bảo ta yêu tất cả mọi người. Đó chính là bí quyết.
Mình có cảm tưởng rất rõ là chúng ta không thể yêu tất cả mọi người nếu chúng ta chỉ dựa vào chính mình mà không có một đấng quyền năng đứng trên mình.
Chúng ta sẽ không đủ sức yêu tất cả mọi người một mình ta.
Ta có thể yêu tất cả mọi người nếu (1) ta yêu Chúa Phật và, do đó (2) ta vâng lời Chúa Phật dạy yêu tất cả mọi người.
Nghĩa là, nếu bạn không tin vào Chúa Phật và, do đó, không biết nghe lời Chúa Phật, thì bạn chẳng thể có đủ sức mạnh để yêu tất cả mọi người. Lòng tin và yêu thương ta dành cho Chúa Phật giúp ta có sức mạnh để yêu tất cả mọi người.
Nghĩa là, mình tin rằng, nếu bạn không tin vào Chúa Phật, bạn chẳng thể thực hành yêu tất cả mọi người.
Cho nên, nếu bạn muốn thực hành hạnh yêu tất cả mọi người, bạn phải tin vào Chúa Phật và nương tựa vào Chúa Phật.
Không tin và không nương tựa thì ta chẳng thể thực hành yêu thương tất cả mọi người.
Mình không còn biết cách thứ hai để có thể yêu tất cả mọi người. Nếu bạn nào biết, thì chỉ cho mình với.
Chúc các bạn luôn yêu thương tất cả mọi người.
Mến,
Hoành
© copyright 2023
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Kính gửi anh Hoành, và Anh Chị Em Dotchuoinon,
Cảm ơn Anh đã chia sẻ bài Trà đàm mỗi ngày.
Nhân dịp đọc bài Trà đàm sáng nay, em xin phép chia sẻ thêm một góc nhìn khác như sau đây.
Với những đứa trẻ như bọn em – được sinh ra trong khoảng thời gian 1970-1980 và được giáo dục trong một nền giáo dục Vô thần – Cộng sản thì việc tin vào việc có Chúa có Phật trên đời là một điều khó. Thêm vào đó, có một số thành phần xã hội, tôn giáo lợi dụng những Đấng tối cao làm những việc vô lý, thậm chí làm lạm dụng thì việc tin vào “Chúa Phật và nương tựa vào Chúa Phật” với chúng em là một điều rất khó.
Ở một khía cạnh khác, về mặt ngôn ngữ học thì trên đời này thực sự không cái gì gọi là “tình yêu vô điều kiện”, nghĩa là có thứ gọi là TÌNH YÊU và có những thứ khác gọi là điều kiện – tức là sự có qua có lại (transaction) với nhau. Nhưng nếu đã gọi là TÌNH YÊU thì vốn dĩ nó là vô điều kiện. Do đó, khi tham gia Dotchuoinon, em hiểu và cảm nhận được tình yêu của anh cho mọi người, nhưng nếu nói chúng ta cố gắng đạt được “tình yêu vô điều kiện” với tất cả mọi người thì theo em là chưa ổn.
Ở một khía cạnh khác, sở dĩ con người “thường dối gạt, áp bức, bóc lột, thanh trừng nhau” là vì tự trong bản thân họ chưa biết cách tạo dựng sự ngọt ngào, niềm hạnh phúc ngay trong bản thân họ, hoặc nếu may mắn có được thì họ vẫn chưa biết cách làm sao để duy trì niềm hạnh phúc đó liên tục, viên mãn. Nếu chúng ta để ý quan sát trong cuộc sống, khi một ai đó đã là người thật sự hạnh phúc thì người đó sẽ KHÔNG BAO GIỜ làm việc “dối gạt, áp bức, bóc lột, thanh trừng…” ai cả.
Do đó, theo suy nghĩ của em, đối với những người vô thần như bọn em, cũng như số lượng khổng lồ của những cái đầu tư duy logic vào thời đại kỹ thuật số của thới trẻ hiện nay, việc tin vào sự hiện diện “hằng hữu” của những Đấng tối cao là rất khó. Việc tin này chỉ có thể xảy ra với những người đã lớn tuổi, đã trưởng thành đủ lâu để nhận ra, hoặc người có căn cơ cao về tâm linh.
Như vậy, theo em thì vẫn có một con đường khác để hướng dẫn giới trẻ tiến lên con đường tạo dựng phúc lạc (well-being, gracefull) cho riêng họ. Khi mà họ có thể tạo dựng sự phúc lạc, tạo dựng thiên đường ngay trong thân thể họ, bằng chính những gì họ có, giống như trong câu nói “một tinh thần khỏe mạnh bên trong một thân thể cường tráng” – mens sana in corpore sano thì chẳng ai cần phải đi hãm hại, “dối gạt, áp bức, bóc lột, thanh trừng” ai cả.
Vài lời chia sẻ cùng Anh và Vườn Chuối.
Chúc mọi người luôn AN,
L.D
ThíchThích
Cảm ơn Dư. Em nên dần đần khai triển tư duy và thực hành theoo hướng em nói, để sau này còn giúp được nhiều bạn. Anh cũng sẽ tiếp tục tư duy và nghiên cứu theo hướng em gợi ý.
A. Hoành
ThíchĐã thích bởi 1 người
Hồi năm 1997, khi còn học đại học ở Nha Trang em có được nghe kể về 1 trường hợp có 1 ông bố 70 tuổi, ông có 4 người con đều đã trưởng thành, gia đình giàu có hạnh phúc, nhưng ông vẫn đi chăn bò. Vì ông xuất thân nghèo khó và hàng ngày ông dắt 1 con bò ra đồng ăn cỏ, chiều tối ông dắt bò về nhà.
Các con ông đều không ủng hộ nhưng ông vẫn quyết định đi chăn bò. Ông là 1 người tốt bụng, thường giúp đỡ mọi người, ai cũng quý mến ông và ông không làm điều ác.
Một buổi chiều, khi ông dắt bò về băng ngang qua đường thì ông bị tai nạn xe ô tô đâm. Em nghe nói ông chỉ kịp bảo với mọi người là lỗi tại ông cố đuổi con bò đi nhanh qua đường nên tránh được tai nạn cho con bò thì ông lại bị nạn. Ông nói mọi người ở đấy đừng bắt đền chú tài xế không thì tội cho chú ấy.
Các con của ông vô cùng thương tiếc, đã đặt mua cho ông 1 cỗ quan tài bằng gỗ rất đắt tiền. Cùng ngày hôm ấy, trong xóm cũng có 1 đám tang của 1 gia đình nghèo khó khác. Người chở quan tài đã giao nhầm cho gia đình ông chiếc quan tài gỗ rẻ tiền, mọi người đều không để ý nên khi có quan tài là cho ông nhập quan. Sau đó mọi người mới biết chuyện. Ai cũng bảo số ông khổ, đến chết rồi mà vẫn còn khổ, không được sướng.
Bây giờ nhớ lại chuyện này thì em nghĩ ông đã thực hiện đúng câu “everything happens for you, not to you”. Có lẽ ông đã nghĩ rằng mọi chuyện xảy ra là dành cho ông. Nhưng mọi người thì đều nghĩ rằng mọi chuyện xảy đến với ông.
Đức Phật đã chỉ rõ “vô thường”, “vô ngã”. Nếu một người không có niềm tin, lại trải qua vô vàn nghịch cảnh mà vẫn không oán thán, giận dữ; không sân hận, tham lam,… thì quả thật là rất hiếm. Đối diện với nghịch cảnh mới có thể biết rõ hơn về 1 con người. Hơn nữa nếu không có niềm tin vào một Đấng tâm linh, người tốt đến mấy cũng khó lan toả được tư duy sống của mình đến những người xung quanh. Thiếu niềm tin con người sẽ tự cao, tự đại.
Tất nhiên trên trái đất có những vùng quê yên bình, quanh năm yên bình từ con người cho đến cảnh vật. Những người ở đó có thể không cần có niềm tin vào Đấng tối cao mà họ vẫn sống hiền lành tử tế. Nhưng đó là vì họ chưa phải sống trong nghịch cảnh bao giờ, từ khi sinh ra đến tận khi họ chết đi. Nhưng em không biết trước khi chết họ có chấp nhận chuyện cái chết là dành cho họ không hay họ nghĩ cái chết xảy đến với họ.
Em xin được chia sẻ câu chuyện và suy nghĩ của em với anh Hoành và các bạn.
Em Thắng
ThíchĐã thích bởi 1 người
Very interesting, Thắng.
Điêm intresting nhất là đã chết rồi mà thiên hạ còn nghĩ về sướng khổ sau khi chết (chỉ vì cái hòm). Anh không bao giờ ngừng ngạc nhiên về logic của thiên hạ. Sao mọi người không hiểu rằng cái hòm rẻ tiền chính là do Trời mang đến cho ông, vì sống khổ hạnh là chữ ký của ông ấy – Trời muốn ông ấy được an táng với chính chữ ký của ông, như là một cách Trời xác nhận giá trị ông để thế giới thấy mà noi gương.
A. Hoành
ThíchĐã thích bởi 2 người