Chào các bạn,
Rất nhiều điều trong cộng đồng, trong nước, là do người dân tự xử lý. Nhà nước thường chỉ đủ sức làm một số chuyện. Ví dụ: Nếu khu bạn ở thiên hạ xả rác bừa bãi nhiều quá, có lẽ bạn và láng giềng sẽ phải họp lại tìm cách giải quyết vấn đề. Đó thường chẳng là việc của nhà nước, và nếu đó là việc của nhà nước thì có lẽ nhà nước quá bận để có thể xử lý.
Những nhóm dân tụ lại làm việc như thế được gọi chung là xã hội dân sự (civil society). Xã hội dân sự là một phần cực lớn của phát triển đất nước. Người ta còn có vài từ khác để chỉ xã hội dân sự, như là: các tổ chức thiện nguyện (charitable organizations, COs), các tổ chức phi chính phủ (non-government organizations, NGOs); các tổ chức bất vụ lợi (non-profit organizations – NPOs). Dù là tên gì thì chúng đều có nghĩa là người dân bắt tay vào việc để giải quyết vấn đề, bất vụ lợi, thường là làm việc tình nguyện không lương, dù là các tổ chức chuyên nghiệp luôn có một số cán bộ chính có lương.
Xã hội dân sự là nơi mọi người dân đều góp tay vào việc phát triển đất nước. Những nhà thờ, nhà chùa, các hội đoàn học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ, và những tổ chức từ thiện đều là xã hội dân sự.
Xã hội dân sự cũng được các chính phủ quan tâm bằng luật pháp và quy định để giúp xã hội dân sự phát triển tốt. Tại Việt Nam, luật pháp về xã hội dân sự có vẻ như chưa được phát triển tốt, cho nên nhiều người hoạt động chuyên nghiệp trong các tổ chức NGO cũng không rành hết những vấn đề và luật lệ liên quan đến họ và các hoạt động của họ. Nghĩa là khung luật pháp VN về NGO hiện nay vẫn chưa được hoàn chỉnh.
Nhưng các việc NGO, ngay từ căn bản là việc của người dân tự lo cho chính mình và đất nước, tự động đứng ra giải quyết những vấn đề quanh mình mà mình có thể giải quyết được. Thưòng là, nếu người dân làm việc tốt, thì nhà nước cũng có cách ủng hộ tiếp tay. Ví dụ: Đồng bào trong xã muốn quyên góp tiền bạc để xây một chiếc cầu nhỏ qua một con kênh, giúp các em học sinh và mọi người có phương tiện di chuyển tốt, không phải đi đò. Có lẽ chính quyền xã sẽ giúp hỗ trợ dự án đó bằng mọi cách có thể, như là cấp giấy phép xây cầu, có chuyên gia xây dựng xem xét độ an toàn của cầu, v.v…
Ở Mỹ có 1 triệu 500 ngàn NGOs, Dân số Mỹ khoảng 300 triệu người, Tức là trung bình khoảng 200 người thì có một NGO. Các NGOs này làm đủ mọi thứ trên đời – vận động giáo dục và làm luật chống uống rượu và lái xe, chống các loại phân biệt trong học đường và nơi làm việc, cách thức nuôi trẻ em, gìn giữ môi trường… Nói chung là mọi vấn đề quan trọng cho đời sống mà nhà nước chẳng đủ sức để quan tâm đến. Chính vì vậy mà NGOs giúp cho một đất nước phát triển rất tốt.
Mình cảm thấy sinh hoạt thiện nguyện ở VN, so với các nước, vẫn còn rất yếu. Chúng ta cần tích cực hơn vào việc tự động thấy những vấn đề quanh mình và tự động tụ lại bàn cách giải quyết. Ở VN, chỉ cần đi vòng thành phố nào đó một lúc là bạn có thể thấy được có rất nhiều vấn đề chẳng ai quan tâm, đặc biệt là môi trường, là loại vấn đề dễ thấy nhất bằng mắt.
Đa số mọi việc công ích xã hội chẳng vướng vấn đề pháp lý gì nếu không dính đến tiền. Nhưng khi bạn dính đến tiền – quyên góp tiền bạc rộng lớn – thì cần quan tâm đến giấy phép quyên tiền và minh bạch tiền bạc. Cách dễ nhất là nhờ một tổ chức bất vụ lợi có uy tín – như là một tờ báo – đứng tên cho chương trình thiện nguyện của bạn để bạn có thể làm việc nhờ giấy phép của tổ chức đó. ĐCN đã có chương trình học bổng kéo dài hơn 10 năm bằng cách nhờ báo Tiền Phong đứng tên bảo trợ, để ĐCN không phải lo vấn đề giấy tờ, thủ tục phức tạp, vì luôn có dính đến quyên góp tiền bạc rộng rãi. (Ngày nay, chương trình học bổng ĐCN thuộc về Hội Từ Tâm Đắk Lắk, và hội sẽ chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của chương trình).
Ngoài những việc liên quan đến tiền bạc rộng lớn, những việc không liên quan đến tiền hay chỉ có một ít tiền của các thành viên hoạt động bỏ túi ra để làm việc (như các câu lạc bộ tiếng Anh, câu lạc bộ làm sạch láng giềng, câu lạc bộ đi thăm các viện cô nhi), thì chẳng có lý do gì phải quan tâm đến những thủ tục rườm rà.
Điều chính mình muốn chuyển tải là các bạn nên luôn tích cực tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng. Đó là môi trường thực tế để các bạn thấy được những vấn đề quanh bạn, học cách làm việc teamwork, học cách xử lý nhiều vấn đề… Nghĩa là, đó là một cách cực kì tốt để phát triển đầu óc, trái tim, và cá tính của bạn. Cách rất tốt để chuẩn bị vào đời.
Nhà nước làm không hết việc. Mọi người dân phải tìm cách tích cực nhúng tay vào giải quyết những vấn đề quanh mình. Đó là nền tảng của xã hội dân sự.
Và nước nào có xã hội dân sự tốt, nước đó tiến mạnh.
Chúc các bạn luôn tích cực hoạt động.
Mến,
Hoành
© copyright 2022
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com