Thực hành lãnh đạo

Chào các bạn,

Điều khác biệt có lẽ là duy nhất giữa lãnh đạo và người không lãnh đạo (người đi theo – follower, lính), là lãnh đạo thì có nhiều áp lực và người không lãnh đạo thì không có nhiều áp lực. Kiểu như bố mẹ và con cái – bố mẹ có đủ thứ áp lực trên đời, từ những vấn đề trong gia đình đến những vấn đề bên ngoài; con cái có áp lực của con cái, nhưng so với bố mẹ thì coi như chẳng có áp lực gì. Hay tướng và lính. Hay thầy cô và học trò. Tổng giám đốc và các nhân viên cấp dưới.

Thường là lãnh đạo lãnh hết mọi áp lực lớn và che chở mọi người khác dưới mình khỏi những áp lực đó.

Chính vì vậy mà trong những chương trình đào tạo lãnh đạo – chương trình chính thống như các trường đào tạo sĩ quan quân đội, cũng như chương trình thường trực huấn luyện lãnh đạo trong mọi công việc hàng ngày trong các công ty – huấn luyện lãnh đạo chịu được áp lực luôn là điều chính yếu nhất, vì đó là điểm duy nhất tách biệt lãnh đạo ra khỏi người thường.

Trong các chương trình huấn luyện của các thiền sư thời trước cũng thế – thầy rất dữ dội với các học trò của mình cũng nằm trong hạng thầy – tức là thầy dạy thầy. Hay, “huấn nhục” (huấn luyện chịu nhục) thường xuyên trong các trường đào tạo sĩ quan. Hoặc trong cách ứng xử và huấn luyện các thành viên có tiềm năng lãnh đạo cao trong các công ty. Hoặc tập giao đấu trong các võ đường chuyên nghiệp dạy các thầy từ đai đen trở lên. Hoặc trong các trường/lớp đào tạo luật sư chuyên tranh tụng… Các “học trò” trong các chương trình này sẽ chẳng được uống thuốc có bọc đường như babies, mà luôn cố tình bị đặt trong những tình huống nhiều áp lực để quen chịu áp lực và chiến thắng áp lực.

Và đó cũng có nghĩa là nếu bạn là “học trò” và có tiềm năng trở thành lãnh đạo và muốn thành lãnh đạo/thầy, bạn phải tự mình đặt mình trong những tình huống nhiều áp lực để có kinh nghiệm đứng vững, không đợi đến thầy phải áp lực mình để giúp mình. (Đương nhiên đây là điều khác xa với những người không lãnh đạo, họ thường chạy trốn áp lực).

Ở mức lãnh đạo không có babies. Cho nên bạn chẳng có xa xỉ phẩm để được babysat.

Chúc các bạn luôn mạnh mẽ để lãnh đạo.

Mến,

Hoành

© copyright 2020
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

4 thoughts on “Thực hành lãnh đạo”

  1. Anh Hoành cho em hỏi bản thân mình có tự tạo được áp lực để tự rèn luyện trở thành lãnh đạo không ạ? Nếu có thì mình tự tạo áp lực như thế nào?
    Em cảm ơn anh.
    Em chúc anh và gia đình cuối tuần vui vẻ

    Like

  2. Good question, Long.

    Hồi anh học trong trường luật (ở Mỹ), trường anh có truyền thống hơn 100 năm là tập trung vào đào tạo luật sư tranh tụng cho người nghèo, cho nên mọi lớp học trong lớp luôn đầy ắp áp lực: các giáo sư điểm danh và các sinh viên phải ngồi đúng chỗ mình (và đây là cấp tiến sĩ, chẳng phải vườn trẻ). Và giáo sư sẽ gọi tên sinh viên bắt đứng dậy trả bài – nói về một vụ kiện – và giáo sư bắt đầu bắt bẻ sinh viên về các lý luận của sinh viên trong bài – sinh viên nói đằng nào cũng bị chận bí, vì thầy thì siêu mà mình là ma mới. Đối với các sinh viên luật ở Mỹ – đa số là sinh viên tốt nghiệp cử nhân hay thạc sĩ ưu hạng, chẳng có sinh viên trung bình vào được trường luật – thì bị chèn ép đến nghĩ không ra, nói không ra hơi, là một sỉ nhục cực lớn và rất đáng sợ – vì nó liên hệ đến điểm số của mình. Rất nhiều cô cậu bị gọi tên là hai tay run lẩy bẩy, mổ hôi dầm dề bắt đầu rỉ trên trán, mặt mày tái xanh. Một số sinh viên bỏ học luôn vì không chịu được áp lực.

    Anh tình nguyện trả lời mỗi khi thầy có câu hỏi cho lớp mà anh nghĩ là anh có câu trả lời, hoặc khi anh muốn lý giải một điểm nào đó. Anh tình nguyện thực sự là để tìm nhiều dịp làm quen với áp lực bị vây đánh, vì anh biết ra trường thì khả năng đứng vững trước áp lực tòa sẽ quyết định thành bại của mình. Hình như trong lớp anh, chẳng ai tình nguyện trả lời bao giờ, chỉ bi kêu tên mà thôi.

    Ngay từ lúc học lớp 11 – lớp đàn anh lớn nhất trường, trường có vài trăm học sinh từ lớp 1 đến lớp 11 – anh đã chịu quỳ nơi cột cờ giữa sân trường, trước mấy trăm đàn em dù chẳng có tội gì, vì anh quyết định phải chịu nhục cho quen. Chuyện là, mỗi sáng phải chào cờ, mọi lớp phải sắp hằng ngay ngắn trước phòng học của mình để chào cờ. Thấp đứng trước, cao đứng sau. Anh đứng đúng chỗ của anh. Tự nhiên có một thằng cao hơn anh từ đâu đến đứng ngay trước mặt anh. Ngay lúc đó linh mục (cha) tổng giám thị thấy và chỉ anh: “Anh kia, tại sao anh thấp mà đứng sau? Lên đây!” Anh phân trần: “Em có làm gì đâu. Thằng kia tự nhiên nhảy vô đứng trước em, chứ em đứng đúng chỗ rồi.”

    Linh mục này có lẽ mới bị vợ (vợ lén lút 🙂 ) mắng đầu ngày nên chẳng nghe anh một câu nào, chỉ cột cờ bảo: “Ra đó quỳ.” (Linh mục độc đoán như thế, anh đã bị lãnh đủ vài lần trong đời lúc đó rồi, nên cũng chẳng ngạc nhiên. Nếu phải kết luận là những người độc đoán nhất mà anh đã từng gặp là linh mục, thì kết luận đó rất đúng). Và anh suy nghĩ rất nhanh: “Mình chẳng làm gì, lại một ông điên chèn ép, bắt quỳ nhục nhã trước mấy trăm đàn em. Mình chẳng cần học trường này vì mình đi đâu học thì mình cũng thi đậu.” (vì anh học thực sự là chẳng cần thầy và trường, mà chỉ cần đọc sách là đủ để đi thi). “Mình chỉ cần bước ra khỏi trường này và ghi tên vào bất kì trường tồi tệ nào mình cũng tự học và thi được. Chẳng cần ở đây. Nhưng năm nay là năm thi – tú tài 1 – nếu mình bỏ học giữa năm, mẹ mình sẽ rất lo. Chẳng nên làm mẹ lo không cần thiết. Hơn nữa mình cũng cần quen chịu nhục, chứ cứ tự ái như con nít mãi thì khá sao được.” Thế là anh ung dung bước đến chân cột cờ và quỳ. Sau có hai hôm, đi ngang qua Huyền, cô bạn gái rất đẹp và có chiếc Yamaha sang nhất trường, cô ấy chỉ nói có một chữ: “Hèn!”, và đương nhiên là cuộc tình chưa kịp nở đã rụi chết. Đây cũng là câu goodbye ngắn nhất mà anh đã từng nghe trong đời.

    Tình nguyện chịu áp lực là như thế. Đôi khi mình sẽ gặp chuyện này chuyện kia đầy áp lực – đứng lại, chịu áp lực, và giải quyết. Đừng bỏ chạy.

    Ai đó đổ rác ngay trong đường nhỏ của khu láng giềng mình, nói cho họ biết đó là sai, đừng lờ đi. Chuyện như thế xảy ra rất thường.

    Đại khái là vậy.

    A. Hoành

    Liked by 3 people

  3. Hi anh,

    Cảm ơn bài viết của anh.
    Em cảm thấy bị hành cứ như ăn cơm bữa của lãnh đạo. Cũng hơi mệt. Nhưng nếu mục đích lãnh đạo của mình là chân chính, lương thiện và làm lợi lạc cho cuộc đời thì “Cứ hành tiếp đi. I’m OK”.

    Hi Long,

    Long có thể tự tạo áp lực cho bản thân để trở thành lãnh đạo bằng việc tình nguyện giúp đỡ người khác, mà mọi người thường gọi là lo chuyện bao đồng.

    Chúc cả nhà cuối tuần vui vẻ ạ.

    Em Phương

    Liked by 1 person

Leave a comment