Chào các bạn,
Mặc dầu em Belem chỉ ở nhà Lưu trú sắc tộc Buôn Ma Thuột một năm học lớp Mười, nhưng em Belem cũng để lại trong ký ức mình một ấn tượng về sự quan tâm giúp đỡ bạn bè.
Đó là vào ngày đầu của kỳ thi học kỳ I, buổi sáng sau khi thi môn Văn, các em được về nghỉ và một giờ chiều đến trường để hai giờ thi môn khác. Các em học sinh nhà Lưu trú của mình phải đến trường sớm vì trường cách xa nhà Lưu trú khoảng năm cây số, và phương tiện để các em đến trường thi là chiếc xe đạp.
Khoảng mười giờ sáng ở phòng làm việc mình nghe tiếng xe đạp thắng, nhìn ra sân mình thấy em Belem đang chống chiếc xe đạp, và đứng bên cạnh em Belem là một em thanh niên người cao gầy khoảng mười bảy mười tám tuổi. Nhìn em, mình đoán là người đồng bào sắc tộc Êđê bởi màu da của em không trắng như các em sắc tộc Sêđăng.
Sau khi dựng xe xong mình thấy em Belem nói gì đó và em đến ngồi đợi nơi chiếc ghế đá dưới gốc cây mít, còn em Belem đến phòng mình chào đã đi thi về. Mình hỏi:
– “Sáng nay em Belem đi thi về sớm nhất nhà không biết có làm bài được không?”
– “Dạ được!”
Ở với các em sắc tộc trong nhiều nhà Lưu trú mình thấy các em luôn lạc quan, lúc nào làm bài thi ở trường về mình hỏi có làm bài được không thì bao giờ câu trả lời của các em là “Dạ được”. Đến lúc có bảng điểm về nộp cho mình thì đa số là điểm yếu. Bởi vậy khi nghe em Belem nói được mình hỏi lại:
– “Chắc chắn gì không đó hay lại là điểm yếu?”
– “Mình nghĩ đúng mình mới làm còn cho điểm là do các thầy cô giáo.”
Nói xong em Belem nhìn ra sân nơi người bạn đang ngồi và ấp úng nói:
– “Hôm nay mình muốn xin yăh một chuyện, là cho người bạn học của mình đang ngồi ngoài kia trong mấy ngày thi buổi trưa được về nhà mình nghỉ để chiều thi tiếp, bạn chỉ xin nghỉ trưa chứ không xin ăn cơm, trưa bạn tự mua bánh mì để ăn.”
– “Bạn tên gì, ở buôn làng nào?”
– “Tên bạn là Y Joang, gia đình ở buôn Ea Pôk thuộc huyện Cưmgar.”
– “Thường ngày em Y Joang đi học bằng xe gì, xe đạp hay xe máy?”
– “Gia đình bạn Y Joang nghèo nên đi học bằng xe đạp, những ngày thi phải thi sáng và chiều, bạn Y Joang không dám về sợ không đến kịp. Thực ra bạn Y Joang không nhờ mình xin vì bạn Y Joang tính ở lại trưa tại trường, nhưng vì mình thấy thương nên nói với bạn Y Joang đi theo mình về nhà, mình xin yăh cho nghỉ lại trưa ở nhà mình và chiều cùng đến trường với mình luôn.”
Thấy em Belem nhiệt tình xin cho em Y Joang, mình nghĩ hai em chắc là bạn thân với nhau nên hỏi:
– “Em Belem nhiệt tình xin cho em Y Joang, có phải do em Y Joang là bạn thân của em Belem không?”
– “Không, chỉ là bạn thường nhưng mình muốn giúp bạn Y Joang vì mình muốn làm điều Chúa dạy, là khi mình làm điều gì cho người khác là mình làm cho chính Chúa!”
Matta Xuân Lành