Cổ phần hóa gặp nhiều thách thức

Bài 1: Nhọc nhằn chào bán cổ phần

BTT – Theo kế hoạch, giai đoạn 2014 – 2015, 432 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) sẽ phải hoàn thành việc cổ phần hóa (CPH), nghĩa là căn bản hoàn thành toàn bộ chương trình CPH DNNN, trong đó, dự kiến cả năm 2014 sẽ CPH khoảng 200 DN. Thế nhưng, 10 tháng đầu năm, số doanh nghiệp CPH mới đạt con số 76. Thực tế này đang tạo áp lực rất lớn lên mục tiêu mà Chính phủ đặt ra cho việc CPH, thoái vốn.

Theo ông Bùi Hoàng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước – UBCKNN), dù hoạt động đấu giá từ đầu năm đến nay khá sôi động (6 tháng đầu năm, số phiên đấu giá tại hai Sở Giao dịch Chứng khoán gần bằng tổng số phiên đấu giá cả hai năm 2012, 2014; giá trị thực tế thu được cao hơn 30% so với tổng giá trị bán được năm 2012, 2013) nhưng kết quả hoạt động đấu giá CPH và thoái vốn nhà nước được thực hiện qua các Sở GDCK cũng cho thấy một số khó khăn.

Phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu của Công ty TNHH Một thành viên Kim loại màu Thái Nguyên tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) hồi tháng 4/2014. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Đáng chú ý là tỷ lệ nhà đầu tư đăng ký mua và tỷ lệ số cổ phần bán được thấp. Giai đoạn 6 tháng đầu năm, tuy giá trị cổ phần bán được cao hơn nhưng tỷ lệ đăng ký mua, tỷ lệ số cổ phần bán được so với tổng số cổ phần dự kiến bán đạt mức thấp hơn nhiều so với giai đoạn 2012 – 2013 (là giai đoạn khó khăn nhất của thị trường chứng khoán); tỷ lệ giá bán bình quân so với giá tham chiếu cũng thấp hơn so với giai đoạn 2012 – 2013… Tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài chưa cao. Đặc biệt trong những năm gần đây, tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư tổ chức có xu hướng giảm nhiều so với giai đoạn 2005 – 2007. Chính tình trạng khó bán cổ phiếu IPO đã tác động tiêu cực đến nỗ lực khắc phục tình trạng chậm CPH.

Một trong những bất cập dẫn đến tình trạng ít nhà đầu tư tham gia vào các cuộc đấu giá CPH là nhiều DN chưa xây dựng lộ trình niêm yết sau khi thực hiện CPH, đặt nhà đầu tư vào rủi ro mua phải các cổ phần không có tính thanh khoản.

Ông Bùi Hoàng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành (UBCKNN)

Một diễn biến đáng lo ngại là ngay cả các DN được giới đầu tư đánh giá là mang lại cơ hội đầu tư hấp dẫn vì là những DN đầu ngành, quy mô vốn lớn, có ưu thế cạnh tranh đáng kể so với các DN cùng ngành khi IPO cũng rơi vào tình cảnh ế ẩm. Ví dụ như Tổng công ty Viglacera, có vốn điều lệ 3.070 tỷ đồng, khi IPO chỉ bán được hơn 19,4 triệu cổ phần trên tổng số gần 77 triệu cổ phần đưa ra đấu giá. Một ông lớn khác cũng rơi vào tình cảnh ế ẩm khi IPO là Công ty TNHH một thành viên Cảng Hải Phòng (Cảng Hải Phòng).

So với các DN cảng biển đã cổ phần hóa, cũng như niêm yết, thì Cảng Hải phòng là DN có quy mô lớn, có nhiều lợi thế cạnh tranh khi hoạt động tại địa bàn có cửa ngõ quốc tế đường biển lớn nhất khu vực miền Bắc. Tuy nhiên, tại phiên IPO diễn ra giữa tháng 5/2014, Cảng Hải Phòng bán chưa được một nửa trong tổng số 37.635.600 cổ phần đưa ra bán. Do tình cảnh ế ẩm này, nên sau phiên IPO không lâu, Cảng Hải Phòng tiếp tục nỗ lực bán cổ phần, nhưng ế vẫn hoàn ế, khi trong tổng số 30.802.100 cổ phần chào bán thỏa thuận vào đầu tháng 6/2014, chỉ có một nhà đầu tư cá nhân đăng ký và mua 2.000 cổ phiếu của Cảng Hải Phòng, với giá 13.500 đồng/CP…

Là DN đầu ngành trong lĩnh vực dệt may, với vốn điều lệ lên tới 5.000 tỷ đồng, chiếm trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành hàng năm, công ty mẹ – Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã phải lùi thời gian tổ chức IPO trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE) so với kế hoạch ban đầu là 22/7/2014, do gặp khó trong tìm kiếm nhà đầu tư mua cổ phần, thêm một minh chứng nữa cho thấy, khó khăn trong tìm đầu ra cho cổ phiếu trong các đợt IPO đang tác động tiêu cực đến nỗ lực hoàn thành kế hoạch cổ phần 432 DN giai đoạn 2014 – 2015.

Bên cạnh đó, hiện nay việc tiếp cận của nhà đầu tư đối với các thông tin về tình hình tài chính, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN thực hiện CPH còn hết sức hạn chế do hầu như các thông tin này chỉ được công khai chính thức khoảng 20 ngày làm việc trước ngày tổ chức đấu giá bán cổ phần theo quy định. Như vậy, nhà đầu tư không có đủ thời gian tìm hiểu kỹ về DN để từ đó đưa ra quyết định đầu tư. Do vậy, ngoài danh sách các DN thực hiện CPH trong giai đoạn 2014 – 2015, cần phải nhanh chóng xác định thời điểm đưa ra CPH đối với từng DN để các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài có thời gian xem xét, nghiên cứu và chuẩn bị nguồn vốn cần thiết để tham gia đấu giá.

Đánh giá chung về kết quả thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa DNNN thời gian qua, Bộ Tài chính cho biết, quá trình sắp xếp, cổ phần hóa diễn ra chậm hơn so với yêu cầu đặt ra do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, như tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và những khó khăn của kinh tế trong nước, ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán và kế hoạch bán cổ phần ra công chúng của các DN CPH cũng như thoái vốn đầu tư. Bên cạnh đó, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa chỉ đạo quyết liệt và tích cực tổ chức triển khai phương án sắp xếp, CPH và thoái vốn. Đối tượng sắp xếp, CPH hiện nay hầu hết là các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng lo ngại, các chính sách hiện tại mới tập trung vào mục tiêu tăng nhanh số lượng DN được CPH, qua đó trực tiếp tăng nguồn cung, trong khi thiếu các chính sách đủ mạnh để tăng sức cầu cho thị trường để có thể hấp thụ tốt lượng cung cổ phiếu IPO tăng đột biến trong thời gian ngắn. Do đó, cần có cơ chế điều phối kế hoạch tổ chức đấu giá của các DNNN CPH để tránh tình trạng quá nhiều cuộc đấu giá diễn ra cùng một thời điểm khiến cung hàng hóa nhiều, trong khi cầu không cao do trên thị trường niêm yết đang có khá nhiều cổ phiếu hấp dẫn hơn. Việc sớm có lời giải cho sự mất cân đối này sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy CPH thời gian tới, không chỉ về lượng, mà cả về chất.

 Thu Hường

Bài 2: Băn khoăn về cơ chế thoái vốn

***

Cổ phần hóa gặp nhiều thách thức – Bài 2

BTTĐể đẩy nhanh việc thoái vốn, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 15 (về một số giải pháp để thúc đẩy, đẩy nhanh tiến độ thoái vốn, thúc đẩy CPH, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước) và được thể hiện bằng Quyết định 51 với hàng loạt giải pháp mang tính đột phá. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn có những vướng mắc cần phải có hướng dẫn thêm.

Một trong những biện pháp quan trọng để thực hiện CPH là thoái vốn đầu tư ngoài ngành trong những lĩnh vực “nhạy cảm”. Theo thông tin tại hội nghị phổ biến một số chính sách mới về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán tổ chức mới đây tại Hà Nội, Bộ Tài chính cho biết tính đến cuối năm 2013, tổng giá trị đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty vào lĩnh vực “nhạy cảm” là 21.417 tỉ đồng; trong đó riêng lĩnh vực tài chính, ngân hàng lên đến 15.242 tỉ đồng. Năm 2014, các DN này phải thoái vốn 3.568 tỉ đồng (lĩnh vực tài chính, ngân hàng chiếm 2.863 tỉ đồng). Giá trị còn phải thoái vốn trong năm 2015 theo kế hoạch là 16.367 tỉ đồng.

EVN gặp nhiều khó khăn khi thoái vốn đầu tư ngoài ngành khỏi Ngân hàng An Bình. Ảnh: Ngọc Linh

Tuy nhiên, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành trên thực tế diễn ra rất chậm so với mục tiêu kế hoạch. Tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu năm 2014 vừa qua, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho biết: Tính đến hết tháng 7/2014, đã thoái vốn được 7.139 tỉ đồng, mới bằng 28,8% tổng vốn đầu tư cần phải thoái. Việc thoái vốn còn đặt ra dấu hỏi về tính thực chất của nó khi đa số phần vốn được chuyển giao trong nội bộ khu vực nhà nước và DN nhà nước”, ông Cung nhìn nhận.

Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa VINALINES Ngày 13/11, phát biểu tại lễ ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác giữa Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VINALINES) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nhận định, sự hợp tác giữa VINALINES và HNX được xem là có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình cổ phần hóa của Bộ Giao thông Vận tải. Thông qua cổ phần hóa, VINALINES sẽ thu hút nguồn vốn, tái cấu trúc lại doanh nghiệp, nâng cao chất lượng trong hoạt động, và từ đó tham gia tích cực hơn nữa vào hoạt động của thị trường chứng khoán.

Liên quan đến việc thực hiện cổ phần hóa, theo ông Vũ Bằng, Quyết định 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp Nhà nước (có hiệu lực từ 1/11 tới) đã có nhiều đột phá mang tính cải cách trong việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tài chính, thời gian qua, các đơn vị của UBCKNN đã phối hợp với cơ quan quản lý tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai cụ thể Quyết định trên.

PV

Theo ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), việc thoái vốn nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng vào đầu mối là Ngân hàng Nhà nước nên cơ hội để SCIC tham gia mua lại các khoản đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty trong lĩnh vực này là rất hạn chế. Do đó, phần vốn khi đến được với SCIC đa phần là những khoản đầu tư có hiệu quả kinh doanh thấp và không thực sự hấp dẫn đối với thị trường. Do đó, đại diện SCIC kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc chấp thuận cho SCIC tham gia mua lại vốn đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty tại các ngân hàng thương mại “chứ không phải chờ Ngân hàng Nhà nước không tiếp nhận quyền sở hữu vốn, các ngân hàng thương mại nhà nước từ chối mua mới đến lượt SCIC”.

Đánh giá cao Quyết định 51 đã tạo ra bước đột phá cho việc thoái vốn (như cho phép bán cổ phần dưới mệnh giá, dưới giá trị sổ sách vốn là điểm nghẽn hiện nay…) nhưng ông Vũ Đức Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội, cho rằng, vẫn còn nhiều điểm Quyết định 51 chưa đề cập đến hoặc cần làm rõ thêm. Chẳng hạn, theo Quyết định 51 các công ty mà Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, từ 51% trở lên vận dụng Quyết định 51 để thoái các khoản đầu tư. Như vậy, các DN này có được thoái dưới mệnh giá, có lỗ lũy kế… và việc thoái vốn dưới mệnh giá, giá trị sổ sách phải đảm bảo nguyên tắc DN trích lập đủ dự phòng các khoản đầu tư theo quy định hiện hành.

Tuy nhiên, trên thực tế, các khoản đầu tư tài chính dài hạn thì việc trích lập dự phòng phải theo phương pháp vốn chủ sở hữu, không được trích lập dự phòng theo giá thị trường. Do đó, đối với một số công ty cổ phần đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch, giá trị sổ sách của DN sau khi đã trừ đi dự phòng tổn thất đầu tư tài chính vẫn còn cao hơn giá chứng khoán trên thị trường thì DN có được chào bán giá chứng khoán theo giao dịch ngày chuyển nhượng hay không? Hay điểm vướng nữa là quy định giảm 10% giá trong trường hợp không bán hết số cổ phần chào bán là thấp. “Và trong nhiều trường hợp chúng tôi gặp thì việc giảm một lần 10% không giải quyết vấn đề gì cả, vẫn bị tắc nghẽn”, ông Tiến nói.

Theo ông Phạm Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Dầu khí, việc quy định doanh nghiệp không phải 100% vốn nhà nước có thể vận dụng Quyết định 51 để thoái vốn. Tuy nhiên, việc dùng chữ “vận dụng ở đây là rất khó” cho đơn vị tư vấn hay doanh nghiệp nhà nước bởi “nếu vận dụng đúng thì không sao nhưng khi sai thì lại chết và đó cũng là điều chúng tôi rất sợ”. “Hay như công ty lỗ năm gần nhất hay lỗ lũy kế thì không được đấu giá ra ngoài công chúng; báo cáo tài chính gần nhất có nội dung ngoại trừ hoặc công ty kiểm toán không nằm trong danh mục của UBCKNN; công ty đang tạm ngừng hoạt động… thì sẽ phải xử lý ra sao việc bán vốn đó?”, ông Huy băn khoăn.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng, để thúc đẩy thoái vốn đầu tư ngoài ngành, DNNN cần lên kế hoạch rõ ràng, chi tiết về lộ trình thoái vốn. Bộ Tài chính hoặc cơ quan chịu trách nhiệm giám sát, tổng hợp về tiến độ thoái vốn, nên lập một website công khai kế hoạch thoái vốn tại các DNNN. Đây sẽ là cơ sở để người dân, giới đầu tư theo dõi và giám sát, cũng như chủ động lên kế hoạch tham gia mua lại các khoản vốn.

Thu Hường

Bài cuối: Tăng chất lượng quản trị doanh nghiệp

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s