Kỹ năng viết: Tập trung vào một điểm

Chào các bạn,

Dưới đây là một loạt email trao đổi giữa mình và bạn, tạm gọi là, Đông. Trong đó mình chỉ bạn Đông cách viết tập trung vào một điềm, để người đọc nắm được điều mình muốn chuyển tải sau khi đọc xong bài.

Câu chuyện bắt đầu với một bài bạn Đông viết, bình giải câu “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” của Khổng tử, với đề bài “Chú tâm tự sửa mình để làm gương”.

 
Và email phản hồi của anh:

Hi Đông,

“Chú tâm tự sửa mình để làm gương” thì hình như không ăn nhập mấy đến “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.

Anh nghĩ là câu đó nói lên “Tu thân là cái gốc của mọi sự” thì đúng hơn.

Giả sử em đồng ý như vậy với anh, thì hãy viết lại bài, rất chặt chẽ và tập trung, để khi ai đọc xong, em hỏi người đọc “Bài này của anh nói gì vậy?” thì người đọc có thể trả lời “Tu thân là cái gốc của mọi sự”.

Có nghĩa là:

– Đề bài là “Tu thân là các gốc của mọi sự” (hay tương tự).
– Mở bài là “Tu thân là các gốc của mọi sự”
– Thân bài là “Tu thân là các gốc của mọi sự”
– Kết bài là “Tu thân là các gốc của mọi sự”

Vậy thì hy vọng người đọc sẽ nhớ được em nói gì sau khi đọc xong.

Em thử xem.

A. Hoành
_____

 
Đông gởi bài kế tiếp cho anh:

​​Hi anh Hoành,

Em viết lại rồi ạ. Tựa đề sẽ là “Tu thân là gốc rễ của thành công”.

Anh xem giúp và góp ý giúp em ạ.

Em cảm ơn anh nhiều.

 

    Đề bài là “Tu thân là gốc rễ của thành công”

    – Mở bài:

    Chào các bạn,

    Mỗi người chúng ta, ai cũng đều có một ước mơ trong đời. Nhỏ là xây dựng được một gia đình hạnh phúc; lớn là sáng lập nên một tổ chức, một công ty thịnh vượng hoặc vĩ đại hơn là dẫn dắt một đất nước trở nên giàu mạnh an vui. Vậy nhưng các bạn có biết điểm khởi đầu để hiện thực hóa những ước mơ ấy là gì không? Người xưa có câu “con đường lớn bắt đầu từ những bước chân nhỏ”. Trong trường hợp này cũng vậy, bước chân nhỏ đầu tiên để thực hiện mỗi một ước mơ lớn nói trên chính là Tu thân.

     
    – Thân bài:

    Tu là gì? Là mỗi giờ mỗi phút điều chỉnh ý nghĩ, lời nói và hành động của mình sao cho phù hợp với lẽ phải.

    1. Về ý nghĩ, trong lòng chẳng ôm ấp ganh ghét hận thù, chẳng tham lam ích kỷ. Bởi lẽ:

    – Nếu ta hận thù ganh ghét, làm sao có thể hợp tác trong sáng với bạn, với đồng nghiệp để phát huy sức mạnh tập thể (teamwork). Đặc biệt, trong thời đại ngày nay, sự hợp tác và vai trò tập thể càng trở nên quan trọng hơn hết. Do sức chuyên môn hóa cao, mỗi người chỉ giỏi một hoặc một vài lãnh vực, nên muốn thành công, các dự án đòi hỏi hợp tác đa phương. Một ví dụ điển hình nhất là các dự án khoa học đa ngành (tiếng Anh gọi là interdisciplinary research), nơi quy tụ các chuyên gia từ nhiều lãnh vực khác nhau.

    – Còn nếu ta luôn nghĩ tham lam ích kỷ, không nghĩ cho bạn bè và đối tác, sớm muộn sẽ chẳng còn ai muốn bắt tay với ta nữa.

    2. Về lời ăn tiếng nói, chẳng nên nói lời thiếu đứng đắn, hoặc nói thô lỗ, gây buồn giận, chia rẽ, cũng như chẳng nên nói lời lừa gạt.

    – Nói lời thô tục, ta vô tình tách mình xa khỏi những người bạn có trí tuệ, có đạo đức.

    – Nói lời chia rẽ đôi bên, ta có thể được cái lợi nhỏ trước mắt hoặc thỏa chí phút chốc, nhưng lâu dài sẽ tạo ra hai kẻ thù. Thương trường, chính trường đều khốc liệt, để thành công, ta nên thêm bạn mà bớt thù mới là thông minh chứ, phải không bạn?

    – Nói lời lường gạt tức là tự bán rẻ uy tín của mình, sau này khó “mua” lại lắm. Các bạn có thấy các vị lãnh đạo nào thiếu uy tín mà được lòng người chăng? Hoặc có người chồng, người cha nào thất tín mà lại có được sự yêu thương kính trọng từ vợ con chăng? (cũng như vậy với người mẹ, người vợ).

    – Tránh xa những lời nói hại mình hại người ấy, ta cũng nên tích cực thực tập nói lời hòa nhã, khuyến khích mọi người nỗ lực làm việc tốt hoặc nói lời xoa dịu những lo lắng sợ hãi cho người khác. Có như thế thì người người mới thương quý và sẵn sàng sát cánh với ta trong công việc và cuộc sống.

    3. Về hành động, chẳng nên “tiện tay cầm nhầm” dù là vật nhỏ, cũng không hành động thô bạo với kẻ khác, và chẳng nên có những hành vi thiếu đứng đắn với người.

    – Cầm nhầm vật nhỏ thành quen, khi ở vị trí có quyền lực, lại tiếp tục cầm nhầm những vật lớn, trở thành tham nhũng, hại dân hại nước. Những ước mơ lớn xưa kia lại càng trở nên xa vời.

    – Thô bạo với người khác thì khiến họ sợ nhưng không được họ kính trọng. Ngày ta yếu thế, tất sẽ bị người cho “nếm đòn”, nhân với quả chắc chắn không sai. Đó là nói trong xã hội, nay nói tới việc trong gia đình. Thô bạo với chồng/vợ và con, có thể thể hiện một chút “sức mạnh” cơ bắp. Thế nhưng ta có nghĩ chăng, lúc hoạn nạn ốm đau, khi mà cái “sức mạnh” ấy chẳng còn, ta sẽ ra sao? Người bị ta thô bạo khi trước sẽ là người chăm sóc nâng đỡ ta đó!

    – Hành vi thiếu đứng đắn là sàm sở với người khác giới hoặc tệ hơn là ngoại tình. Đó là “thích thú” phút chốc mà đánh mất tất cả. Mất danh dự, mất đi sự kính trọng của người xung quanh. Những nhân tố cơ bản để thành công nay đã không còn, sao còn thực hiện được ước mơ ngày xưa?

    Qua đôi lời chia sẻ trên, ta có thể thấy, Tu chính là điều chỉnh trong mỗi việc nhỏ hàng ngày, chẳng phải đợi tới lúc cần mới thực hiện. Bởi lẽ mỗi ý nghĩ, lời nói và hành động dù nhỏ đều sẽ trở thành những hạt giống trong tâm thức ta, tương lai sẽ nở thành cây tương ứng. (Trong khoa học, người ta gọi các hạt giống ấy là “neural path”).

    Từ đây, câu hỏi đặt ra sẽ là: Làm sao để có thể nhanh chóng phát giác và sửa những sai lầm trong ý nghĩ, lời nói và hành động hàng ngày? Theo mình, chúng ta cần một tâm tư tĩnh lặng. Tĩnh lặng như mặt hồ thu, phản chiếu soi bóng tất cả mọi thứ thật rõ nét, không lầm lẫn. Để có được sự tĩnh lặng, bạn có thể niệm Phật, Thiền hoặc cầu nguyện. Loạt bài trước đây của anh Hoành đã nói khá cụ thể về những phương pháp này, bạn có thể tìm đọc.

    – Kết bài:

    Các bạn à, tu thân thực sự là cái gốc của mọi thành công. Chẳng phải vô cớ mà Đức Khổng Tử xưa đã đặt Tu thân lên trước hết khi dạy đệ tử: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Mọi việc lớn nhỏ, từ an định gia đình, lãnh đạo đất nước cho đến mang lại hòa bình cho thế giới, đều phải dựa trên nền tảng tu thân. Tu thân trong việc nhỏ để tránh sai lầm trong việc lớn. Tu thân để lợi cho mình và cũng là làm gương cho mọi người. Kiên trì tu thân, chúng ta có thể cùng nhau tạo nên sự thay đổi tốt đẹp.

_______

 
Anh email lại:

Hi Đông,

Em đã có cố gắng. Nhưng em không viết được. Tư tưởng em hời hợt, không thể tập trung vào một điểm để người đọc chỉ đọc qua là thấm. Đọc bài của em, đọc xong người đọc không biết đã đọc gì.

Anh chưa biết sẽ chỉ em thế nào để tư tưởng em có thể tập trung vào một điểm.

Em phải tập nói 1 ĐIỀU DUY NHẤT mà thôi.

A. Hoành
______

 
Sau đó anh viết thêm một email:

Hi Đông,

Để anh viết chớp nhoáng bài “Tu thân là gốc rễ của thành công”, dùng câu “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” em muốn dùng, và nói chỉ MỘT ĐIỀU “Tu Thân”, để em hiểu nói một điều là gì.

 

    Tu thân là gốc rễ của thành công

    Chào các bạn,

    Tu thân là tu luyện con người mình. Tu là mài dũa, chỉnh sửa, uốn nắn…

    Tu thân là mài dũa uốn nắn hàng ngày để con người của chính mình càng ngày càng khá. Tu thân để ta càng ngày càng bớt tham sân si. Tu thân để thân khẩu ý của ta càng sáng suốt và trong sáng thêm mỗi ngày. Tu thân để ta tĩnh lặng và do đó thông thái hơn mỗi ngày.

    Khổng tử nói: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

    Tu thân thì ta tĩnh lặng và thông thái.

    Và do đó ta có thể giữ gia đình trật tự và phát triển. Đó là tề gia.

    Nếu ta làm lãnh đạo chính trị, kinh tế, hay xã hội ở tầm mức quốc gia, ta có thể cầm được giềng mối từ trên xuống dưới, tạo cảm hứng cho mọi người theo ta. Đó là trị quốc.

    Và nếu ta làm việc ở tầm mức thế giới, Liên hợp quốc chẳng hạn, thì ta có thể thuyết phục các lãnh đạo quốc tế làm việc theo con đường đạo đức, nhân ái và sáng suốt của ta. Đó là bình thiên hạ.

    Có nghĩa là chỉ một việc tu thân, đủ là cái gốc để ta làm mọi việc lớn nhỏ trên đời.

    Vì vậy các bạn hãy nhớ, tu thân là gốc rễ thành công của bạn.

 

Đông, từ đầu đến cuối anh chỉ nói đến TU THÂN. Phần chữ đỏ có giải thích thêm nhiều chuyện, nhưng các chuyện đó vẫn tập trung quanh TU THÂN và không làm loãng đề tài TU THÂN.

Đọc xong người đọc sẽ nhớ rất rõ, tu thân là cái gốc của mọi chuyện lớn nhỏ, mọi thành công.

Em cần học kỷ luật tư duy và viết như vậy.

A. Hoành

____

 

Sau đó Đông đề nghị anh post bài viết của anh lên ĐCN. Anh thấy đề nghị đó cũng hay, và anh đi xa hơn nữa là đăng cả chuỗi email qua lại để các bạn thấy được sâu hơn.

Chúc cả nhà vui.

A. Hoành

© copyright 2014
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

14 thoughts on “Kỹ năng viết: Tập trung vào một điểm”

  1. Cảm ơn anh Hoành và bạn Đông đã có đoạn email trao đổi rất hay và bổ ích về viết tập trung. Những điều này giúp cho chúng em tiếp tục thực tập viết lách tập trung 🙂

    Like

  2. Cảm ơn anh Hoành và anh Đông, em được hoc về tu thân và cả cách viết.

    Like

  3. Em cám ơn anh.

    Em có vài cảm nghĩ khi đã và đang thực hành kỹ năng viết này:

    1. Thực hành viết tập trung giúp mình nâng cao kỹ năng viết và quan trọng hơn, em nghĩ, là giúp mình sống thiền từng phút – tập trung một chuyện trong lúc này.

    Nhiều khi mình ham kể chuyện nọ xọ chuyện kia, nhưng nhờ kỷ luật này thì mình quản lý những suy nghĩ tốt hơn, ý thức được mình cần tập trung về chuyện gì. Đồng thời, mình cũng phát triển khả năng nhận diện những suy nghĩ “không mời mà tới”. Điều này có ích, vì từ đó mình có thể phát hiện những suy nghĩ tiêu cực.

    (Mà phát hiện được mình đang nghĩ tiêu cực là có thể hoá giải được nó rồi, là có thể chiến thắng cám dỗ được rồi.)

    2. Kỹ năng viết tập trung vào một điểm này còn giúp mình tăng rất nhiều khả năng truyền thông (Truyền thông của người Việt), hiệu quả rất nhiều trong công việc và đời sống.

    Biết viết tập trung thì biết nói, biết lắng nghe (Nói chuyện thế nào).

    Em cảm thấy cuộc sống của em thay đổi tích cực rất nhiều nhờ những bài thực hành của anh.

    Em cám ơn anh đã chia sẻ. 🙂

    Em Hương,

    Like

  4. Hay! Hơn một tuần qua mình bị một trận cảm cúm muốn liệt giường. Sáng nay chổi dậy đọc được bài này làm mình như khỏe hẳn lại. 🙂

    Lâu lắm rồi mới được đọc một bài đầy chi tiết lý thú của bạn Đông & ông xã diễn giải về các đề tài luôn gần gũi với mình do bị ông ngoại của mình áp đặt từ thuở đời xửa đời xưa một thời.
    Một bài rất bổ ích cho các bạn nào chưa biết và quan tâm muốn học hỏi rèn luyện bản thân với những điều răn dạy chính đáng của Khổng gia.

    Cám ơn bạn Đông và ông xã. 🙂

    Like

  5. Em chúc chị Phượng – người mới ốm dậy – ăn uống ngon miệng.

    Coi như chị vừa mang tấm thân ngọc ngà “chiêu đãi” các bạn virus cảm cúm một tuần liên hoan tưng bừng.

    Giờ đến lượt chị “chiêu đãi” các bạn kháng thể trong con người chị. Chuyến này, các bạn kháng thể sẽ có nhiều tuần liên hoan tưng bừng.

    Em dám cá chắc chắn sẽ là vậy đó. hihi…

    Like

  6. Cám ơn các bạn đã chú tâm đến bài này.

    Viết tập trung vào chỉ một điều là kỹ năng tối cần thiết cho các bạn muốn viết để thuyết phục ai về điều gì: luật sư trong tòa, chính trị gia thuyết phục quần chúng, sinh viên muốn trình bày một quan điểm với thầy, viết quảng cáo sản phẩm, giảng đạo, giảng bài, diễn giả… Nói chung là hầu hết mọi thứ viết và nói trên đời, ngoại trừ viết truyện và thơ… dẫn đọc giả đi lòng vòng cho vui.

    Viết tập trung vào một điều quan trọng hơn là viết. Cách viết này buộc các bạn phải tập trung suy nghĩ rất nhiều về điều bạn cần viết, loại bỏ các tư tưởng lăng nhăng, ngắn gọn, không làm người đọc mất thời giờ, không làm người đọc đi lạc vào các điều không quan trọng và quên mất điểm chính bạn muốn nói.

    Đây gọi là advocacy writing — viết để biện hộ, biện luận, thuyết phục.

    Các thầy dạy môn này sẽ nói: CHỉ nên nói một điều trong bài viết, hai điều là bắt đầu quá nhiều, ba điều là tuyệt đối không thể hơn được nữa.

    Nhưng mình khuyên các bạn không nên nghĩ đến con số 2 hay 3. Master chỉ nói một chuyện một lúc. Như Thiền từng phút mà Thu Hương nói.

    Cám ơn cả nhà đã quan tâm. Cám ơn cả bà xã cũng quan tâm.

    Các bạn có thể thực tập thường xuyên, bằng cách viết bài cho ĐCN. Chỉ thực tập mới có thể tiến bộ. Chẳng có cách nào khác.

    Like

  7. Dear Anh Hai

    Em cảm ơn anh Hai về bài chia sẻ thật hữu ích này.

    Đây chính là những kinh nghiệm thực tế anh Hai đã có đã thực hiện từng ngày trong các bài trà đàm của anh Hai.

    Giờ chúng em được kế thừa những di sản quí báu này.

    Em M Lành

    Like

  8. Cảm ơn anh Hoành nhiều ạ. Em cũng tập làm phóng viên trong công ty đang làm, muốn viết bài ca ngợi người tốt việc tốt và cũng non kinh nghiệm nên thường bị tập trung quá nhiều chi tiết khi viết bài. Em sẽ cố gắng luyện tập mặc dù biết luyện tập vậy không dễ.

    Like

  9. Thắng ơi, from the bottom of my heart, chị cám ơn Thắng thật nhiều đã chúc lành cho chị. Chị nhất trí với Thắng sẽ “chiêu đãi” các bạn kháng thể của chị chuyến này tưng bừng hoa lá mệt nghĩ luôn. 🙂 🙂 🙂

    Luôn được sức khỏe & an vui Thắng nghe. ❤ XO

    Like

  10. [đùa]

    Úi ồi, nhìn cái cồng-men đầy ai-cần của chị Phượng em hôm nay cứ gọi là trẻ ra không biết cơ man nào là tuổi.

    Chẳng lẽ cảm cúm có một tuần mà con người lại có thể trẻ ra dữ vậy ta?

    Chắc cái cảm cúm là do chị Phượng luyện bí kíp “cải lão hoàn đồng” thất truyền đây mà.

    hi hi.

    [/hết đùa]

    🙂

    Like

  11. Thắng à, 🙂 🙂 🙂 🙂 🙂 🙂 🙂 chị đọc cồng-men của Thắng mà không thể nào nhịn được cười. Nụ cười là mười thang thuốc bổ cho chị đó chứ chị chẳng hề có bí kíp bí kiết gì hết à. 🙂 🙂 🙂 🙂 🙂 🙂 🙂

    Chị cám ơn Thắng thật nhiều há. Good day Thắng. ❤ XO

    Like

Leave a comment