Làm thế nào để tiếp thu được nhiều kiến thức?

openwindow

Chào các bạn,

Làm thế nào để tiếp thu được nhiều kiến thức? Chúng ta có thể thấy sự khác biệt rất rõ giữa mọi người. Hai sinh viên ra trường cùng bằng cấp, nhưng sau một thời gian thì kiến thức 2 người khác nhau hoàn toàn, một người thì vẫn cứ tù mù, trong khi người kia thì thông thái ra bội phần, và người tù mù lại có thể là người ra trường với hạng cao hơn. Hai người cùng vào làm một hãng, cùng một lúc, cùng một loại công việc, một người thì lên vù vù, một người thí cứ ì ạch một chỗ. Điều gì đã xảy ra?

Có nhiều cách để l‎ý giải hiện tượng này trong thực tế, nhưng hai điểm quan trọng nhất để lý giải là, thứ nhất, khả năng làm việc chung với mọi người và, thứ hai, khả năng tiếp thu kiến thức. Và hai điều này, thực ra liên hệ mật thiết với nhau.

Chúng ta nghĩ là cứ học nhiều, như là đọc sách nhiều, thì có nhiều kiến thức. (Học ở đây nói theo nghĩa hẹp—ngồi xuống dở sách ra học hay nghiên cứu điều gì đó). Chúng ta thường nghĩ rằng tiếp thu kiến thức là tích cực nhồi kiến thức vào đầu, như là mang từng bao gạo vào kho gạo cho đầy. Đó đúng là một cách tiếp thu kiến thức. Nhưng cách đó vừa chậm vừa mệt (Vác mấy bao tạ nhất định là phải mệt, phải không các bạn. :-)).

Thực ra, kíến thức như ánh sáng mặt trời, chiếu tự nhiên trên vạn vật. Tâm trí là căn nhà dưới ánh mặt trời. Chỉ cần mở toang hết các cánh cửa lớn nhỏ thì ánh sáng ùa vào tràn ngập, chiếu sáng từng ngỏ ngách tăm tối trong nhà. Cách tiếp thu kiến thức như vậy vừa nhanh, vừa nhẹ, vừa dễ, vừa hiệu lực, phải không các bạn?

openwindows
Tiếp thu kiến thức không phải là ì ạch khiêng kiến thức vào nhà kho, mà là mở toang mọi cánh cửa để kiến thức ùa vào. Hai cách tiếp thu này khác nhau, và có thể làm cho kiến thức của hai người khác nhau như 100 và 1 đó các bạn. Không thể xem thường được.

Nhưng điều gì là các cánh cửa tâm trí? À, câu này trả lời thì hơi mệt, vì danh sách thì quá dài. Chúng ta cần nghiên cứu một cách nhớ ngắn gọn hơn. Câu trả lời ngắn nhất và đầy đủ nhất là “cái tôi”, nhưng lại quá trừu tượng, cho nên ta cần phải cụ thể hóa “cái tôi” trong một vài thí dụ điển hình. Nói chung là: Tất cả những gì liên hệ đến việc định hình “Tôi”—định hình bạn là ai—đều là các cánh cửa có thể đóng kín tâm trí mù lòa hay mở rộng cho ánh sáng trí tuệ.

Ví dụ:

• Bằng cấp: Tôi đã có tiến sĩ, chỉ người có tiến sĩ trở lên mới có gì đáng cho tôi chú tâm nghe.

• Tuổi tác: Tôi đã thất thập cổ lai hi, con ruồi bay qua là biết ruồi đực hay ruồi cái. Mấy đứa con nít nói bậy bạ phiền quá.

• Danh tiếng: Tôi đức cao danh trọng, mấy người vô danh tiểu tốt sao cứ lép nhép hoài?

• Tiền bạc: Tôi đã thành triệu phú, mấy bà hàng rong thì biết gì mà bàn luận?

• Kinh nghiệm: Tôi đã làm việc này 20 năm rồi, có gì phải biết nữa?

• Địa vị: Tôi là lãnh đạo cao cấp trong chính phủ, mấy chú biết gì mà láp nháp?
openallwindows
• Thái độ: Toàn là một đám lăng nhăng; kẻ sĩ thông thái thức thời về quy ẩn.

• Nơi chốn: Học phải có nơi, như trường học hay thư viện, không phải là tất cả mọi nơi, và nhất định không phải là ngoài đường ngoài chợ.

• Giờ giấc: Học phải có giờ học, không phải là tất cả mỗi phút mỗi giây trong ngày.

• Con người: Học là phải có thầy giỏi hẳn hoi, không phải là bất kỳ ai trên đời cũng có cái gì đó mà mình có thể học.

• Vạn vật: Phải học với thầy có bằng cấp kinh nghiệm; mưa nắng, con đường, cây cỏ, chó mèo, có gì học được?

• Thứ bậc: Học từ thầy chứ làm sao học ngược từ học trò được?

• Gốc gác: Mấy chàng ở Lào Cai thì có gì để học? Dân Trung kỳ (hay Bắc kỳ hay Nam kỳ) thì có gì để học?

• Tôn Giáo: Mấy người mê tín dị đoan thì có gì để học? Dân Công giáo Hố Nai thì có gì để học? Dân Hòa Hảo thì có gì để học? Dân Hồi giáo thì toàn là khủng bố, có gì để học?

• Đủ rồi: Tui biết bao nhiêu đó đủ rồi, không cần biết thêm gì hết.

• Thông thái: Cả thiên hạ say chỉ mình ta tỉnh.

Danh sách này có thể dài vô tận, các bạn ạ. Nhưng nói vắn tắt thì: Tất cả những gì giúp ta định hình, định danh, định tính chính mình, đều là những cánh cửa của tâm trí. Nếu chúng ta cứ mở toang chúng ra, thì ánh sáng trí tuệ sẽ ùa vào.

Người ta hay nói “Học một biết mười”, có chuyện đó không các bạn? Thưa có. Nếu các cánh cửa của tâm trí của bạn mở toang, bạn nhìn một chuyện, có thể hiểu ra đến 10 chuyện, trong khi những người khác cũng nhìn sự kiện đó chỉ thấy có 1 chuyện hay ½ chuyện mà thôi.

Và ở đầu bài chúng ta có nói đến khả năng làm việc chung với mọi người như là một yếu tố, bên cạnh yếu tố tiếp thu kiến thức, để lý giải cho thành công, nhưng trong bài ta chẳng nói gì đến điểm này cả. Tại sao? Thưa, lý do là nếu ta mở toang hết các cánh cửa của tâm trí, thì ta sẽ làm việc tốt với tất cả mọi người. Người khiêm tốn và rộng mở như thế luôn luôn rất giỏi về làm việc nhóm (teamwork). Làm việc tốt với mọi người là hệ quả đương nhiên của sự mở rộng tâm trí. Mở rộng các cánh cửa của tâm trí vừa giúp ta tiếp thu kiến thức, vừa giúp ta làm việc tốt với mọi người.

Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

Mến,

Hoành

© copyright TDH, 2009
www.dotchuoinnon.com
Permission for non-commercial use

22 thoughts on “Làm thế nào để tiếp thu được nhiều kiến thức?”

  1. Hi Luân,

    Trong bài mình viết “tất cả những gì định hình, định danh, định tính ta là các cách cửa”, vậy thì mở các cách cửa này tức là sống như là không có chúng. Ví dụ: Có bằng vẫn sống và suy tư bình dị như người không bằng. Có địa vị vẫn sống bình dị như người không địa vị. Có tôn giáo vẫn rộng rãi hòa đồng như người không tôn giáo. Có kinh nghiệm vẫn mở rộng đề đón nhận học hỏi như người chưa kinh nghiệm…

    Nói chung là không để bất kỳ điều gì làm tâm ta bị đóng cửa.

    Em khỏe nhé.

    Like

  2. Chú ơi, chú có thể viết thêm một bài nửa, mổ xẽ sâu thêm vấn đề này được không ah?

    Like

  3. Bài viết hay quá anh Hoành ạ, em thật cảm ơn anh nhiều lắm.

    Trình độ em hiện nay thì đúng là thấy cần phải mở toang mọi cánh cửa để ánh nắng ùa vào. Vậy mà mỗi lần mở được cánh cửa này thì cánh cửa kia lại khép lại.

    trong khi mở cửa sổ em vẫn còn thấy mấy cái cánh cửa ra vào vẫn đóng kín

    rồi em thấy còn nguyên cả căn nhà nữa, nặng nề quá.

    anh hãy dìu dắt em với nhé, em sẽ luôn cần sự hỗ trợ của anh cho đến khi nào em có thể mở toang cả căn nhà ra giữa thanh thiên bạch nhật để không còn vật cản gì có thể ngăn trở tia nắng tràn vào tâm trí em.

    em mệt quá

    Like

  4. Một người không có khả năng tiếp thu nhanh (không được thông minh) nhưng luôn có tinh thần học hỏi thì có thể tiếp thu được nhiều kiến thức không ạh?

    Like

  5. Rất cám ơn “Chắc chắn 200%” của anh.

    Em vừa đổi một công việc mới, lượng thông tin kiến thức và khối lượng công việc làm em thấy choáng váng vô cùng. Học việc và tiếp thu kiến thức, khối lượng đó cần thời gian, dường như em đang bị ảnh hưởng bởi chữ “sợ”: sợ tiếp thu quá chậm, sợ không làm được, sợ… rất nhiều thứ anh Hoành ơi.

    Anh tư vấn giúp em, để em có thể bỏ qua hết những cái “sợ” đó và chỉ tập trung vô việc tiếp thu kiến thức của công việc mới.

    Like

  6. Hi Minh Trang,

    Vào nơi làm mà bị thông tin dồn dập như thế là tốt đó em. Có vẻ như đây là một job rất mới và có thể cho em nhiều cơ hội thăng tiến sau này.

    Em có hai nhóm người có thể giúp em:

    1. Boss: Hói boss em, em nên bắt đầu từ đâu.

    2. Các bạn cùng phòng: Hãy làm thân với các bạn, mời mỗi bạn đi ăn trưa (và em trả cho cả hai) để kết thân. Đây là những người em luôn có thể chạy đến để hỏi việc (Trên thế giới, đa số mọi người đều thích được hỏi việc và được ‘dạy” người mới). Nếu em có cả phòng giúp em, thì cần gì anh?

    Liked by 1 person

  7. Hôm nay em đọc lại bài của anh và hiểu thêm một chút nữa. Em cám ơn anh. 🙂

    Like

  8. Quả thực bài viết hay quá, đổi mới tư duy, phá bỏ giới hạn, phá bỏ những suy nghĩ cũ kĩ tầm thường thì việc học sẽ dễ dàng hơn. Cảm ơn bài viết của anh !!!

    Like

  9. Vào ĐCN mỗi ngày: Ngày càng thông thái hẳn lên 🙂
    – Nhận kiến thức, kinh nghiệm, niềm vui… của nhiều thế hệ đi trước một cách tích cực mà không phải mất nhiều thời gian, công sức hay tiền bạc gì cả.
    Cảm ơn tất cả bài viết của anh Hoành và DCN ❤

    Like

  10. Cảm ơn bài viết của anh Hoành. Trời ơi! đọc xong bài viết này tôi thấy hay và quá đúng. Bài viết ngắn gọn nhưng đã đề cập tới mọi khía cạnh trong rào cản tiếp thu kiến thức mà đại đa số mọi người đang mắc phải nhưng không hề ngộ ra điều đó. Làm sao để phổ biến được tới tất cả mọi người thì hay biết bao nhiêu.

    Like

  11. Cám ơn bài viết của anh!! rất hay và rất có ích cho thay đổi suy nghĩ của em.
    Anh có thể chỉ dẫn giúp em có phải định kiến bản thân khi cho rằng với xã hội phát triển và cạnh tranh nhau như hiện nay thì liệu rằng có ai sẽ “chỉ dạy” cho người mới? Hiện em rất phân vân vấn đề này. Cám ơn anh!

    Like

  12. Hi Hải Phượng,

    Anh hiểu ý em hỏi là vào thời đại này còn có ai là thầy chỉ cho người mới những điều lương thiện không. Trước hết anh thấy có anh, và đương nhiên là cũng có một ít thiền sư, linh mục và mục sư khác.

    Em quan tâm rất có lý là thầy thì rất ít, vì không mấy ai thích đi ngược dòng. Thích hùa theo đám đông, nói chuyện kiểu ganh đua chụp giật.

    Tuy nhiên đây là một bí mật giữa ban ngày: “Khi người học trò đã sẵn sàng để học, người thầy sẽ xuất hiện.”

    Có thầy hay không là do trò chứ không do thầy. Thầy đã luôn luôn có mặt ở đó.

    Liked by 1 person

  13. Rất hay, bổ ích lắm anh ạ!
    khi đọc bài của anh xong em càn lắm một lời chia sẻ,
    Hiện tại em mới chuyển công việc mới, bắt đầu tiếp thu lại tất cả kiến thức vì em làm bên lĩnh vực Kinh Doanh nên cần có sự am hiểu rất nhiều,nhưng cái đó là cái hạn chế của em, mỗi lần mọi người bàn tán 1 chủ đề nào đó là em lại ngồi im thin thít, đôi khi em cảm thấy mình tệ quá! em rất mong muốn nhận được sự tư vấn của anh, anh giúp em giải tỏa vấn đề này được không ạ! em cảm ơ anh nhiều lắm.

    Like

  14. Hi Cẩm Tú 1992

    Bước vào nhóm mới mà ít nói là tốt đó em. Nghe nhiều là tốt. Không biết thì hỏi, nhưng khi mọi người đang nói chuyện thì không hỏi được. Nếu trong nhóm có ai thích trả lời cho em mọi điều thì thân cận người đó như thầy để hỏi mọi chuyện. Vào nhóm mới mà nói nhiều thì sẽ bị sập hố.

    Em đọc bài “Bước vào nhóm mới” trong cuốn “10 Giá Trị Cốt Lõi của Thành Công” của anh.

    Bước vào nhóm mới

    cuốn đó có link bên cột trái ĐCN.

    Like

  15. Chú ơi, bài viết rất hay ạ, cháu cảm ơn vì đã cho cháu biết thêm nhiều điều, mong chú sẽ có nhiều bài viết có ích như vậy ạ.

    Like

  16. cho cháu hỏi có rất nhiều kiến thức mới như thế này mà cháu chưa biết và vì nó nhiều quá mà thấy cái nào cũng hay nên cháu phân vân không biết chọn cái gì đọc cái gì và hiểu như thế nào cho nó hiệu quả vậy mọi người có thể giải đáp cho cháu được không . cháu không quen trong việc trình bày câu hỏi của bản thân nên sẽ có sai sót mong mọi người thông cảm khi đọc câu hỏi này , cháu xin chân thành cảm ơn nếu có ai cho cháu lời khuyên, cháu xin chân thành cảm ơn

    Like

  17. Hi Tuyên,

    Câu hỏi của em rất hay. Nhiều điều mình thấy để mà ham học quá. Vậy thì học gì?

    Điều số một, quan trọng nhất, là hiểu cuộc đời sâu sắc, nhìn được cuộc đời ở tầng rất sâu, nhìn được cuộc đời “như nó là” chứ không phải chỉ là nhìn bề mặt loáng thoáng. Về điều này thì em nên đọc và thực hành loạt bài Tu duy tích cực của anh (ở cột bên trái, trang ĐCN). Cả mầy ngàn bài, em không cần đọc hết. Đọc vài bài cũng được, miễn là đọc đến đâu cố gắng thực hành hàng ngày đến đó.

    Các thứ kiến thức khác thì đọc điều gì mình thích. Thich triết lý thì đọc sách triết, thích Phật triết thì đọc sách Phật, thích hội họa thì đọc sách hội họa… Đọc các môn mình thích thì mình sẽ rất sâu.

    Chúc em đọc tốt.

    A. Hoành

    Liked by 2 people

Leave a comment