Điều gì là gốc rễ của ta?

Chào các bạn,

Kinh Pháp Cú nói, ngay câu đầu tiên, tâm là chủ. Nghĩa là tâm là gốc rễ của đời sống của chúng ta.

Trong các tôn giáo dòng Abraham – Do Thái giáo, Kitô giáo (gồm Chính thống giáo, Công giáo và Tin lành) và Hồi giáo – thì Chúa (God, Allah, Ông Trời) là chủ.

Đương nhiên đây có vẻ như là một khác biệt giữa Phật triết và thần học của các tôn giáo lấy God làm chủ đạo (kể cả những tôn giáo ngoài dòng Abraham như Ấn giáo, Sikhism), nhưng khác biệt đó vẫn là bên ngoài. God làm chủ vũ trụ và cả đời sống mỗi người. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn chẳng làm gì cho đời bạn. God có thể làm bất kì điều gì, nhưng God không muốn ấn nút bạn như con rô bô. God muốn bạn xử lý đời bạn, và God sẽ hỗ trợ bạn khi bạn cầu xin hỗ trợ (và cả khi bạn không xin hỗ trợ, nếu God cảm thấy muốn hỗ trợ bạn vì lý do gì đó).

God làm chủ, nhưng bạn có phần rất lớn trong việc định hình và định chất lượng của đời bạn, như chủ công ty của bạn là chủ, có quyền tăng lương, tăng chức hay cất chức bạn, nhưng bạn là người mở đường cho chủ bạn có những quyết định về bạn tùy theo bạn làm việc siêng năng cần cù hay là làm láo cả đời.

Cho nên khái niệm God làm chủ đời ta vẫn tùy thuộc vào ta có cố gắng làm chủ đời ta hay không. Nếu bạn tối ngày trộm cướp thì God cũng đành phải bó tay với bạn.

Vì vậy, khác biệt suy luận triết lý một chút xíu giữa Phật triết và thần học Kitô giáo không ảnh hưởng gì đến chân lý sống là bạn phải quan tâm và chăm sóc đời sống của bạn – cần cù và thánh thiện – và Chúa Phật cùng các thánh sẽ hỗ trợ bạn.

Tâm của bạn làm chủ đời bạn, và đó là gốc rễ.

Điều này thì mọi người đều hiểu, không sâu sắc thì cũng lờ mờ. Có lẽ không ai gạt tâm ra ngoài quy trình tư duy.

Tuy vậy, trong đời sống, đa số mọi người đều chạy theo những thứ khác bên ngoài tâm, và xem đó là gốc rễ thay vì tâm. Ví dụ: Sự nghiệp – đối với nhiều người, nhất là đàn ông trong xã hội cổ truyền, sự nghiệp là đều quyết định giá trị đời sống của họ (Đã sinh ra ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông). Tiền bạc, tài sản (Có tiền mua tiên cũng được. Đồng tiền đi trước, mực thước theo sau. Có thực mới vực được đạo). Danh tiếng (Hùm chết để da, người ta chết để tiếng. Tốt danh hơn lành áo). Quyền lực (Miệng người sang có gang có thép. Con quan thì lại làm quan, con sãi giữ chùa thì quét lá đa).

Cho dù bạn có tư duy thế nào về những điều bên ngoài như là “cứu cánh của cuộc sống”, rất nhiều người trên thế giới, mình đoán là phải 80% số người của thế giới, một lúc nào đó, khi họ đã trưởng thành được một lúc, không 40 tuổi thì 80 tuổi, sẽ nhận ra là chạy theo những thứ bên ngoài là một cuộc sống vô nghĩa. Chính vì thế mà chúng ta thấy hiện tượng những người gọi là thành đạt tự tử – các sao điện ảnh và ca nhạc, các đại gia kinh tế (nhất là khi tài sản bị mất hết), các lãnh đạo chính trị lớn (thường là khi bị điều tra tham nhũng), người thất tình, người mất việc (nhất là khi mất việc vì có mâu thuẫn với boss)…

Phần lớn mọi người, một lúc nào đó, nghiệm ra rẳng cuộc đời là một vòng lẩn quẩn chạy đua với mọi thứ quanh mình và chẳng có một nghĩa lý gì cả. Cô đơn, chạy quanh miệng cối, và lạc lõng, đó là đa số đời người.

Đây không phải chỉ là tư duy dành riêng cho các triết gia. Các bạn chỉ cần nói chuyện thường xuyên với những người lớn tuổi một chút thì nhận ra thiên hạ hay nói: “Ôi sống là sống tạm, có gì đáng nói”, hay “Cuộc đời thực là vô nghĩa, chạy theo nó làm gì,” hay “Tôi đã trèo hết 99 ngọn núi, chỉ chờ một ngọn cuối cùng là hết nợ.” Rất ít khi bạn nghe một người nào nói một câu gì tích cực về cuộc đời.

Và đó là mới chính là điều nhà Phật gọi là “khổ – suffering”, không phải khổ vì ngã gãy chân, mà khổ vì cuộc đời chẳng có gì có nghĩa, ngoại trừ tham sân si đấu đá vô nghĩa.

Nhưng thực sự là cuộc đời có nghĩa.

Chúng ta được tạo ra như là sinh vật có trí tuệ nhất trong mọi loài vật mà ta biết. Chúng ta có cái gọi là trí tuệ sáng tạo, mọi loài vật khác hầu như chỉ sống với bản năng chúng có từ hàng triệu năm trước, và hầu như không có óc sáng tạo hoặc óc sáng tạo quá chậm và quá thấp để có thể nói đó là sáng tạo. Hơn nữa, trí tuệ con người đi đến những điều trừu tượng về vũ trụ, về đời người, về Chúa, về Phật, về thế giới tâm linh, về luật pháp, về công bằng, về công lý, về quyền làm người, về quyền của loài vật. Chẳng loài vật nào có được trí tuệ như thế.

Con người đứng cao hơn hẳn các loài khác về trí tuệ. Và đó là một ân phúc lớn.

Thánh kinh mô tả cách God tạo loài người để nhấn mạnh điểm khác biệt này giữa loài người và loài vật. Thượng đế tạo muôn loài bằng chỉ một câu nói, không nhúc nhích dù chỉ một ngón tay: “Hãy có ánh sáng,” thì ánh sáng liền có trong bóng tối hỗn mang, và God gọi ánh sáng là “ngày”, bóng tối là “đêm”. “Hãy có nước trên trời tách rời khỏi các nước khác,” thì liền có nước trên bầu trời tách rời khỏi các nước dưới bầu trời. “Hãy để nước dưới bầu trời tụ lại một chỗ và nền khô hiện ra,” thế là có đại dương và đất liền. “Hãy có cây cối trên đất: cây có hạt và cây có quả sinh hạt,” thế là có các loại cây cối trên mặt đất. “Hãy có các ánh sáng trong bầu trời để phân chia ngày và đêm, và để chúng phục vụ đánh dấu những thời điểm linh thiêng, và ngày, và năm, và hãy có ánh sáng trong bầu trời để cho trái đất ánh sáng,” thế là có các sao và hành tinh và mặt trời, mặt trăng. “Nước hãy có nhiều sinh vật sống, và hãy có chim chóc bay trên đất xuyên qua bầu trời,” thế là có các loài sinh vật trong nước và trên bầu trời. “Hãy cho đất tạo ra những sinh vật sống: gia súc, những sinh vật bò trên đất, và dã thú,” thế là có đủ loài sinh vật trên đất. (Genesis 1:1-24).

(Chú thích: Tất cả những điều này, God tạo ra chỉ bằng lời nói (words) của God. Chính vì vậy mà Chúa Giêsu được cho là “lời nói của God”, tiếng Anh viết hoa là “the Word” và tiếng Việt gọi là “Ngôi Lời” (lời nói của God) và, thông qua Ngôi Lời, God tạo ra muôn loài.

(Vào thuở đầu tiên có Ngôi Lời, và Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời từ thuở đầu. Qua Ngài mọi loài được tạo lập; không có Ngài thì chẳng có gì làm nên mà được tạo lập – In the beginning was the Word, and the Word was with God, and the Word was God.  He was with God in the beginning. John 1:1-2)

God tạo ra mọi thứ chỉ bằng lời nói, tuy nhiên khi tạo ta con người, God lao động thêm: dùng hai tay nặn đất thành hình người, rồi thổi hơi vào mũi tượng đất, cho tượng đất sự sống, và tượng đất trở thành người đầu tiên: Adam.

Điều này muốn nói đến tính cách đặc biệt của con người – God có một tiến trình phức tạp hơn để tạo người, và cho con người Thánh linh (hơi thở) của God. Nghĩa là chúng ta là con cái đặc biệt của God với Thánh linh God chảy trong ta. Và đó là một điều tích cực cực lớn.

Nhà Phật cũng nói mọi chúng ta đều có Phật tính, đều là Phật đang thành, và sẽ thành Phật hoàn toàn một lúc nào đó, không kiếp này thì một kiếp tới.

Nghĩa là chúng ta có đủ lý do lớn để tích cực về đời sống của mỗi chúng ta và của thế giới loài người.

Cho dù chúng ta có thế nào, thế giới có thế nào, thì thế giới cũng là đền thờ của một loài linh thánh: loài người.

Cho nên các bạn, những tư duy tiêu cực về chính ta và về cuộc đời thực sự không nên có trong thế giới này. Chúng ta cần quý trọng chúng ta hơn: chúng ta là con Thượng đế và chúng ta là Phật đang thành.

Dù thế giới và loài người đang thế nào thì bản chất của ta vẫn không thể bị thay đổi: Chúng ta là con Thượng đế với Thánh linh trong ta. Chúng ta là Phật đang thành.

Nếu ta luôn nhớ điều gốc rễ đó, chỉ cần nhớ đến gốc rễ đó thường xuyên mỗi ngày, thì Thánh linh trong ta tự động đi ra ngoài để chuyển hóa thế giới thành thiện lành và tích cực hơn.

Mind over matter. Hãy nhớ đến gốc rễ ta thường xuyên, rồi để gốc rễ đó thức dậy và tự động chuyển hóa ta và thế giới quanh ta.

Dominus vobiscum.

Mến,

Hoành

© copyright 2022
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Leave a comment