Hoàng Hạc Lâu – Thôi Hiệu

Hoàng Hạc lâu (黄鶴樓) (Lầu Hạc Vàng) là một ngôi tháp lịch sử, được cất trên vực đá Hoàng Hạc của núi Xà Sơn bên bờ sông Dương Tử, thuộc thành phố Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Hoàng Hạc Lâu được xem là một trong bốn tứ đại danh tháp của Trung Quốc và là ngôi lầu nổi tiếng được các thi nhân ca tụng.

Lầu Hạc Vàng đầu tiên được xây dựng ở trên ghềnh đá Hoàng Hạc thuộc huyện Vũ Xương tỉnh Hồ Bắc vào năm Hoàng Vũ thứ 2 đời nhà Ngô thời Tam Quốc (223 Tây Lịch). Đến nay (2019) suốt 1796 năm đã có 12 lần bị thiêu hủy, 12 lần xây cất lại, mỗi lần lại cao hơn và có nhiều tầng hơn.

Tên gọi “Lầu Hạc Vàng” bắt nguồn từ truyền thuyết dân gian. Tương truyền Phí Văn Vi, một tu sĩ đắc đạo thành tiên thường cưỡi hạc vàng ngao du sông thủy. Một hôm, tiên và hạc bay ngang Vũ Hán và dừng chân lại trên “Đồi Rắn” để nhìn ngắm, một bên là cảnh đẹp hùng vĩ của Trường Giang và bên kia là Ngũ Hồ trong khói sương diễm lệ. Người đời sau đã từ nơi tiên cưỡi hạc vàng bay đi xây lên một tháp lầu đặt tên là Hoàng Hạc Lâu.

Hạc trong tiếng Việt gọi là Sếu và tiếng Anh là Crane.

Ảnh đầu bài là Hoàng Hạc Lâu ngày nay.

 

Hoàng Hạc lâu

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu

Thôi Hiệu

 
Lầu Hạc Vàng

Người xưa cưỡi hạc vàng đi mất
Đất này chỉ còn Lầu Hạc Vàng
Hạc vàng một đi không trở lại
Mây trắng ngàn năm bay bay luôn
Hàn Dương bóng cây in sông lặng
Anh Vũ tươi xanh bãi cỏ hương
Chiều hôm quê nhà đâu nào biết
Khói sóng trên sông lắm sầu thương

TĐH dịch
Feb. 4, 2019
Ngày cuối năm Mậu Tuất
Stafford, VA, USA

 

Leave a comment