Mệnh Lệnh Năng Lượng Bắt Buộc – CHƯƠNG 6 (PHẦN 2)

Người dịch: Đoàn Công Điển

MỆNH LỆNH NĂNG LƯỢNG BẮT BUỘC:
100% TÁI TẠO NGAY BÂY GIỜ

CHƯƠNG 6: TÁI KHỞI ĐỘNG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ 21 (Phần 2)

Hiệu ứng đa phương của các sáng kiến đơn phương

Nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta trong việc giới thiệu sự chuyển đổi năng lượng là nhằm loại bỏ các ảnh hưởng bảo thủ về cấu trúc, vì càng nhiều quyết định được thực hiện bởi sự đồng thuận, thì sẽ càng khó để cản trở sức mạnh của các quyết định này, khiến cho cả tốc độ và mục tiêu của quá trình chuyển đổi năng lượng bị phụ thuộc vào sự đồng thuận. Tuy nhiên, khi những ảnh hưởng này càng bị cản trở nhiều hơn bởi những sáng kiến đơn phương, tự chủ, phạm vi của tốc độ thay đổi được quyết định nhiều hơn bởi các lực lượng tiên phong, những lực lượng thiết lập các tiêu chuẩn cho riêng họ. Điều này đã được chứng minh bằng việc đơn phương tiến hành Đạo luật các nguồn năng lượng tái tạo của Đức (EEG): Đạo luật đã phát sinh độc lập không phụ thuộc vào các hội nghị khí hậu thế giới, đạo luật chưa bao giờ là chủ đề của các cuộc đàm phán và, cũng như với các luật tương tự được giới thiệu tại nhiều quốc giađã có hiệu quả trong việc giảm nhiều hơn lượng phát thải CO2 so với nghị định thư Kyoto được khởi xướng tại các hội nghị khí hậu thế giới nhắm vào thương mại phát thải. Elinor Ostrom đã mô tả EEG như một ví dụ nổi bật của một cuộc thi thiết kế quốc tế với một mục tiêu được công nhận. Elinor Ostrom coi sự ấn định về các tác động toàn cầu là cách tiếp cận sai, ngay cả đối với chính sách khí hậu.

Phương pháp tiếp cận quản trị toàn cầu mà nhiều người đã tuyên thệ trung thành, và được kỳ vọng như là sự thay thế cho một chính phủ thế giới không tồn tại, đã thất bại phần lớn: như Thomas Fischermann và Petra Pinzler đã mô tả trong bài báo của họ về những ảo tưởng về một thế giới thống nhất, được công bố trong tuần báo của Đức Die Zeit, triển vọng về  “các chính phủ và chính quyền quốc gia ngày càng phối hợp nhiều hơn, và được hỗ trợ bởi các mối quan tâm toàn cầu, các tổ chức phi chính phủ (NGOs), nhiều học giả quốc tế và các chuyên gia khác. Cuối cùng, thế giới sẽ được quản lý bởi một phức hợp của các thỏa thuận thương lượng, các hợp đồng, các tổ chức thích hợp và nhiều cuộc hội nghị”. Tuy nhiên, các kết quả thật sự lại là sự tê liệt về chính trị.

Chỉ khi kết quả đáng thất vọng của Copenhagen, và những kết quả nghèo nàn và mâu thuẫn của “công cụ linh hoạt” mà thực tế lại là sự thiếu linh hoạt của thị trường chứng chỉ CO2 quốc tế, đã buộc những người từng chấp nhận khái niệm đa phương về nghĩa vụ và thực hiện sau Hội nghị khí hậu thế giới phải xem xét lại. Vào mùa xuân năm 2010, Connie Hedegaard, Ủy viên châu Âu về hành động chống biến đổi khí hậu (the European Commissioner for Climate Action), chính thức thừa nhận rằng hệ thống thương mại phát thải của EU đã thất bại trong việc đạt được mục đích dự định của mình và đã không khuyến khích được sự đầu tư cho việc bảo vệ khí hậu. Nhưng các Ủy viên EU không dám khuyến nghị từ bỏ các khái niệm về thương mại phát thải, một tình trạng cấm kỵ – (sacred cow*) đã được thiết lập từ lâu.

*sacred cow: một niềm tin, ý tưởng, thói quen hay điều gì đó được cho là cấm kỵ không đươc vi phạm hoặc chỉ trích (từ này bắt nguồn từ việc liên quan tới văn hóa Hindu thờ thần bò linh thiêng)

Hội đồng tư vấn về biến đổi toàn cầu của Đức (WBGU), dưới sự chủ trì của Hans Joachim Schellnhuber, giám đốc Viện Postdam về nghiên cứu tác động của khí hậu (PIK), cũng đã trải qua một sự thay đổi thái độ tương tự. Trong “văn bản chính sách” của mình về “chính sách khí hậu sau Copenhagen”, Hội đồng chỉ trích các “nguyên tắc của sự đồng thuận như là sự cản trở việc ra quyết định” và khuyến nghị “chính sách ưu đãi giá với điện từ năng lượng tái tạo khắp Châu Âu” với mục tiêu đạt được “đủ điện cho cả châu Âu  từ năng lượng tái tạo vào năm 2050”, cùng với việc “thực hiện một chiến lược công nghệ cao”, “các sáng kiến từ các thành phố và đô thị cùng làm việc với nhau trong các liên minh về khí hậu, cũng như đầu vào từ các doanh nghiệp và những người liên quan trong xã hội dân sự” và “những liên minh ở cấp thấp hơn của những người tiên phong chống biến đổi khí hậu khí hậu” với “quan hệ đối tác đặc quyền”, điều mà có thể vận hành như “động cơ tự chủ cho một chủ nghĩa đa phương mới về chính sách khí hậu” để kích thích một “sự cạnh tranh về sáng tạo xanh”, bằng phương pháp “sáng kiến đa trung tâm”.

Mặc dù vậy, Hội đồng không chỉ vẫn trung thành với quan niệm thương mại phát thải (cap and trade) với giới hạn trên được chấp nhận, mà hội đồng cũng khuyến nghị mở rộng hệ thống – mặc dù thừa nhận rằng điều này sẽ làm “tăng thêm độ phức tạp của thương mại phát thải hiện có”. Hội đồng thậm chí còn khuyến cáo thương mại phát thải được mở rộng để bao phủ “tất cả các ngành kinh doanh”, đi xa tới mức “thiết lập hệ thống giám sát và cho việc đo lường lượng phát thải ở các khu vực rừng”. Như vậy WBGU đã nhắm mắt làm ngơ trước sự cần thiết phải phá bỏ hệ thống cũ, thậm chí chấp nhận sự mâu thuẫn về khái niệm để làm như vậy.

Về mặt nội dung, sự mặc cả đáng hổ thẹn  trên tiêu chuẩn hạn ngạch phát thải là vô lý – đặc biệt khi xem xét cách tính đã được chấp nhận rộng rãi của Nicholas Stern rằng thiệt hại kinh tế khi bỏ qua bảo vệ khí hậu là cao hơn đáng kể chi phí để tránh phát thải CO2. Đánh giá trên phương diện nỗ lực chính trị cần thiết để thiết lập hệ thống thương mại phát thải, sự thiếu thành công của công cụ, sự dài dòng và tác động rất nhỏ của nó là rất hiển nhiên (ngay cả nếu cuối cùng nó thành công). Mua bán phát thải quốc tế tự bản thân nó đã đến hồi kết. Tuy nhiên, nếu các chính phủ buộc phải quyết định giữ lại một hệ thống như vậy, thì họ có thể làm điều này trong khu vực kinh tế của riêng họ, nơi nó có thể được thực hiện minh bạch hơn một chút, an toàn khỏiviệc sử dụng sai mục đích.

Nếu không có gì khác xảy ra, thương mại phát thải quốc tế sẽ chỉ đại diện cho một sự cải thiện tối thiểu trên tình trạng hiện nay. Nhưng cách hành xử “không làm gì cả” cũng không còn là một sự lựa chọn. Chúng ta cần nhiều hơn các hành động dứt khoát để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu, dựa trên một danh mục các nhiệm vụ mở rộng vượt xa hơn bản thân việc bảo vệ khí hậu – một dạng của “Tái khởi động chương trình nghị sự 21”, một Nghị sự giúp chúng ta từ bỏ các khái niệm đã làm chúng ta chệch hướng khỏi mục tiêu này kể từ năm 1992.

Một hội nghị thế giới về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường

Việc tránh khỏi CO2 không nhất thiết luôn luôn đồng nghĩa với phát triển bền vững và chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, như được thể hiện bằng các khái niệm được ưa chuộng tại các hội nghị khí hậu thế giới. Tuy nhiên, mỗi một khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo đều đồng nghĩa với việc loại bỏ CO2 (với trường hợp ngoại lệ là năng lượng sinh học, nơi mà sự giảm thiểu CO2 chỉ đạt được trong những điều kiện nhất định). Tuy nhiên, không thể tưởng tượng ra một nền kinh tế bền vững mà không có sự thay đổi hướng tới năng lượng tái tạo.

Do đó, chúng ta phải chuyển đổi các hội nghị khí hậu thế giới thành Hội nghị thế giới về bảo vệ khí hậu và cung cấp năng lượng bền vững. Điều này có giá trị tương đương như việc tập trung cả chính trị và các chủ thuyết vào năng lượng tái tạo và những yêu cầu bảo vệ khí hậu cả về mặt tự nhiên và kỹ thuật. Lý tưởng nhất, điều này sẽ mang hình thức của một Phiên họp Đặc biệt Hàng năm của Liên Hợp Quốc. Như vậy, sẽ không còn phải tổ chức lại các cuộc đàm phán hiệp ước quốc tế mất thời gian và kéo dài. Thay vào đó, như một đại diện cho diễn đàn toàn cầu, quá trình này cuối cùng trở thành cuộc tranh luận về cách thức nhằm cung cấp năng lượng bền vững trong một khuôn khổ hợp lý – với tính bền vững của các mục tiêu chính trị cốt lõi. Đồng thời, việc này cuối cùng có thể hướng dẫn cho các cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc phải chú ý nhiều hơn đến các mục tiêu cung cấp năng lượng bền vững, điều mà trước đây đã chỉ được thực hiện một phần bởi Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc.

Chúng ta có thể làm việc mà không cần những nghị quyết về “mục tiêu và thời hạn”, ví dụ như hạn ngạch bắt buộc đối với việc giảm lượng khí thải và giới thiệu năng lượng tái tạo trong phạm vi thời gian quy định. Một khi chúng ta bắt đầu đối phó với các nghĩa vụ quốc tế mà có ảnh hưởng đến cơ cấu kinh tế tổng thể của mỗi quốc gia, đe dọa những cấu trúc năng lượng bảo thủ và có ảnh hưởng của quốc gia, và sau đó làm tê liệt việc đàm phán hướng tới đồng thuận chắc chắn sẽ tiếp diễn một cách khó tránh khỏi. Các chính sách khuyến khích sáng kiến thay đổi năng lượng độc lập quan trọng hơn nhiều so với các chỉ tiêu định lượng. Những gì chúng ta mất đi do việc từ bỏ nghĩa vụ (mà chúng ta chỉ có thể đạt được nhiều nhất là mức tối thiểu), thì chúng ta giành chiến thắng trong việc hướng vào các vấn đề và động lực thực tế cho hoạt động mới.

Chúng ta có thể giữ lại các cấu trúc quan trọng nhất của hội nghị khí hậu thế giới, cụ thể là Ban Thư ký khí hậu của Liên Hợp Quốc với Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), các báo cáo của họ đã tạo ra và duy trì nhận thức toàn cầu về sự nguy hiểm của biến đổi khí hậu. Quan trọng hơn các hạn ngạch được đàm phán một cách kĩ lưỡng là sự phân tích minh bạch về những vấn đề giúp làm rõ mục tiêu ‘tự do trao đổi kinh nghiệm và sự trau dồi các chuẩn mực đạo đức – sự thiết lập các điều kiện khuôn khổ quốc tế để đơn giản hóa quá trình chuyển giao năng lượng cho tất cả mọi người và vượt qua các chướng ngại ẩn nấp trong các điểm của Điều ước quốc tế; các nghĩa vụ của các tổ chức chính phủ trên toàn cầu để theo đuổi mục tiêu cung cấp năng lượng bền vững; việc tạo ra các sáng kiến cho đầu tư không quan liêu và rộng khắp. Các vấn đề chủ đạo là: trực tiếp hơn, hợp tác quốc tế theo chiều ngang thay vì một chế độ toàn cầu cho tất cả; hỗ trợ cho sự tự lực và trách nhiệm cá nhân; ưu tiên cho hành động nhanh hơn là các cuộc đàm phán kéo dài, trong lợi ích của chính chúng ta và vì lợi ích chung.

(còn tiếp)

© 2014 copyright Verlag Antje Kunstmann GmbH

Permission granted for translating into Vietnamese and publishing solely on dotchuoinon.com for non-commercial purposes.

Bản quyền bản dịch:  dotchuoinon.com

Leave a comment