
Quang cảnh buổi tọa đàm.
(Ảnh: Đỗ Thúy/Vietnam+)
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Quân trình bày một số nét chính trong chính sách phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam, đặc biệt là việc đầu tư ngày càng lớn cho lĩnh vực này của chính phủ và các doanh nghiệp, với mục tiêu dành đầu tư 2% GDP cho khoa học và công nghệ vào năm 2020.
Ông nêu các mục tiêu của ngành khoa học công nghệ Việt Nam từ nay đến 2020, như phát triển nghiên cứu và ứng dụng, khoa học cơ bản. Các ngành được ưu tiên phát triển là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ năng lượng… Ngoài ra còn một số lĩnh vực như an ninh mạng, công nghệ quốc phòng, không gian, đại dương, môi trường.
Sau khi điểm lại những hoạt động hợp tác thời gian qua giữa Mỹ và Việt Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ, tiến sỹ William Colglasier, Cố vấn Ngoại trưởng Mỹ, nêu một số đề xuất cho việc phát triển khoa học công nghệ ở Việt Nam, từ việc đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và đại học, tăng cường đầu tư chính phủ cho các phòng thí nghiệm ở các trường đại học và phòng thí nghiệm cấp quốc gia…
Các nhà khoa học và quản lý của cả hai nước sau đó đã có hai phiên thảo luận, trao đổi về các kinh nghiệm tốt của quốc tế trong lĩnh vực hợp tác khoa học công nghệ, những việc cần làm, cách thức thực hiện và hành động trong thời gian tới để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước.
Phát biểu với phóng viên sau cuộc tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết hai nước đang đứng trước triển vọng hợp tác rất lớn trên tất cả các lĩnh vực khoa học công nghệ. Hiện lĩnh vực được chú trọng nhất là công nghệ cao do Mỹ là nước phát triển hàng đầu thế giới.
Một trong những lĩnh vực được quan tâm, theo bộ trưởng, là năng lượng hạt nhân và Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong lĩnh vực này để bảo đảm tính an toàn cho các nhà máy sẽ xây dựng trong tương lai.
Ông cho biết bên cạnh việc giúp Việt Nam trong xây dựng các văn bản pháp quy, các tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn, hiện Mỹ còn đang cùng Việt Nam đàm phán một hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự. Ông hy vọng hai nước có thể ký hiệp định này trong năm 2013.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Mỹ lần này, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã tới thăm công ty Westinghouse, công ty hàng đầu thế giới về lĩnh vực năng lượng hạt nhân.
Công ty này hiện đang xây dựng bốn nhà máy điện hạt nhân tại Mỹ và bốn nhà máy tại Trung Quốc với công nghệ AP1000, được đánh giá là có mức độ đảm bảo an toàn cao nhất hiện nay.