Sau 40 năm gác bút chị Lý Phương Liên đã bắt đầu viết lại. Rất hân hạnh cho tôi và ĐCN, tôi là người đầu tiên được chị chọn gửi tặng 5 bài thơ rất riêng tư kể từ khi gác bút. Xin cảm ơn tấm duyên tao ngộ cùng chị.
5 bài thơ của chị hoài tưởng đến những thâm tình đã bước vào đời chị. Những thâm tình mà có lẽ chị sẽ cưu mang đến hơi thở cuối đời. Trong niềm hoài tưởng này chị đã làm cho tôi lắng lòng cùng chị trong Lời mùa đông năm Mão cho Khuê.
Ta ly quê mùa đông năm Mão (Ất)
Hà Nội rét ơi là mướt
Cha (anh) ngồi núi tiễn tiếng ừ
Mẹ (anh) chạy sông cắm sào bến khóc
…
Vẫn năm Mão (năm này Tân Mão)
Rét gì mướt thế Mão ơi
Ta đưa gái Út về Nơi (quê)
tuổi ngày mẹ đi bằng tuổi con về
Vùng dậy cùng chị trong Thưa lời với nhà văn lớn, tên T.
Hồi ấy tớ với cậu cùng làm một báo
Nhưng hình như hai người không biết nhau
…
Này tớ bảo: 40 năm đời chúng mình sống ấy
Đẹp chói chang xưa chẳng có bao giờ
…
Và chức tước kém cạnh gì ai nhỉ
Mình thật lòng mừng cậu chói chang
Chói chang thế sao vẫn thù mình thế?
Thù như đào đất đổ đi
…
Này T, đừng nghĩ tớ lão bà bà mắt kém
Mắt tớ còn nhìn thấu bùn tanh
Lẽ ra cậu tóe thêm bùn
Thì sen này cũng mặc
Nhưng chỉ bởi cậu có hàm có chức
Nên xin cậu đừng ném bùn tanh mặt các con tôi.
Bàng hoàng, xúc động, hạnh phúc cùng chị trong Vẫn là Ngô Thế Oanh qua phong cách sử dụng từ ngữ rất vi tế, từ hăm dọa:
Bốn mươi năm trước nắm cổ áo chồng em anh dọa:
/ Này chim bằng Bảy/ Mày mà làm khổ con Liên/ Thề với trời cao/ Tao vặt trụi lông mày/
đến hâm tình:
Hâm hâm hâm… bốn mươi năm hâm tình chưa nguội
Sảng khoái thưởng thức hương thơm phở Thìn, Hà Nội, cùng chị trong Lời ở Phở Thìn.
Ơ phở, hai lạm (nạm) cực
Khói phở thơm rét thành se ngọt
Ngọng ngon Hà Nội phở Thìn
Và quá đổi bồi hồi mang mang cùng chị trong Lời với bác Khoát quá cố.
Chuồn chuồn đậu cần câu bác
Bác giật lên tíu tít cá rô phi
Bác dục líu/ lá gừng, lá gừng, là gừng…/
Cháu nghe cả làng thơm gừng kho cá
…
Sao bác chẳng vào nhà mà ngồi mãi cầu ao
Bác Khang bảo / Hắn nhón chuồn chuồn ớt
…
Hôm nay cháu về thăm làng xưa
…
Cháu gái nhà ai hát Chuồn chuồn ớt
Cháu bỗng nghe bác dục lá gừng
Cháu ngẩng đầu mây trắng bay ngang
Thơ của Lý Phương Liên đưa người đọc gần kề tim chị bằng những xúc cảm chân thật diễn tả qua những từ ngữ chân thật và bình dị của một trái tim thật bình thường. Mời các bạn lắng nghe Lý Phương Liên…
Lời mùa đông năm Mão cho Khuê
Ta ly quê mùa đông năm Mão (Ất)
Hà Nội rét ơi là mướt
Cha (anh) ngồi núi tiễn tiếng ừ
Mẹ (anh) chạy sông cắm sào bến khóc
Chị Xuân Quỳnh vẫy tay mắt nhạt
Mím cười vênh cả chợ Hôm
Lê Minh Khuê gào xanh lời cỏ
Trời đầy mày tội thế Liên ơi?
Ta trôi theo sông Hồng nước vơi
Thấy mẹ về áo tơi nón lá
Con phải tản cư thôi, thưa mẹ
Cu Tám hát Sài Gòn ngọng vỡ ngô rang
*
Cứ năm Mão ( qua Đinh rồi Kỷ)
Nhang ly hương khấn vọng quê nhà
Cha đã theo mây về biển
Mẹ đã theo nắng về rừng
Cầu những cầu vắt lưng qua sông Cái
Mẹ (ta) vẫn chèo đò ơ hơ gió trên sông
Xuân Quỳnh ơi sao chị đi sớm thế
Không đợi em về vuông lại mặt chợ Hôm?
Ai hứa lẻn vườn ông Lành trộm táo
Lưỡi tuổi thơ dòn (ròn,giòn) đắng vị dầm
Cỏ mày Khuê gào ngày Mão ấy
Xanh sánh vào sắc cỏ Đạm Tiên…
*
Vẫn năm Mão ( năm này Tân Mão)
Rét gì mướt thế Mão ơi
Ta đưa gái Út về Nơi (quê)
tuổi ngày mẹ đi bằng tuổi con về
Ta về nghe câu lục bát
Nơi xuân nở lạnh đào phai
Tầu điện ơi bạn bè ai còn mất
Ta cười vã nước mắt Khuê
Rét cận chạp ôm nhau tìm ấm
Bỗng hai chín Tết nắng loa hoa
Hai đứa tình thơ đi ngược nắng
Gặp sông Hồng vàng óng dân ca
* Nhà văn Lê Minh Khuê
Thưa lời với nhà văn lớn, tên T.
Hồi ấy tớ với cậu cùng làm một báo
Nhưng hình như hai người không biết nhau
Giá biết nhau thì bữa cơm bác Hoàng Tùng mời tớ
Trăm phần trăm tớ xin cụ dẫn cậu theo
Ôi sao nỡ vì bữa cơm năm Dậu ấy
Mà cậu thị phi tớ đến bây giờ
Này tớ bảo: 40 năm đời chúng mình sống ấy
Đẹp chói chang xưa chẳng có bao giờ
Và sau càng không thể
Cậu viết văn và cả làm thơ
Và chức tước kém cạnh gì ai nhỉ
Mình thật lòng mừng cậu chói chang
Chói chang thế sao vẫn thù mình thế?
Thù như đào đất đổ đi
Cậu nào biết bữa cơm bác Hoàng Tùng năm ấy
No một đời tớ sống tu thân
Dằng dặc ca ba tớ vẫn tảo tần
Tảo tần vì tin có bình minh
Này T, đừng nghĩ tớ lão bà bà mắt kém
Mắt tớ còn nhìn thấu bùn tanh
Lẽ ra cậu tóe thêm bùn
Thì sen này cũng mặc
Nhưng chỉ bởi cậu có hàm có chức
Nên xin cậu đừng ném bùn tanh mặt các con tôi.
Vẫn là Ngô Thế Oanh
Bốn mươi năm trước nắm cổ áo chồng em anh dọa:
/ Này chim bằng Bảy/ Mày mà làm khổ con Liên/ Thề với trời cao/ Tao vặt trụi lông mày/
Bốn mươi năm sau anh lừ mắt cả chồng lẫn vợ
/ Này Bẩy Liên/ Chúng mi không nuôi con Ngọc (**) thành tài/ Thì thề trên đầu các con tao/ Tao không coi chúng mi là bạn/
Hâm hâm hâm… bốn mươi năm hâm tình chưa nguội
Bản quyền hâm này tên là Ngô Thế Oanh
(*) Nhà thơ Ngô Thế Oanh, Phó TBT tạp chí Thơ HNVVN
(**) Con gái tôi, họa sĩ Nguyễn Lý Phương Ngọc
Lời ở Phở Thìn
Nạ ( lạ) chưa sao rét lại than
Không rét thì gọi gì Hà Lội (Nội)
Cháu gái lôi bác đi trong rét đến Thìn
Thìn lày (này) là Thìn gin
Không gin cháu xin đền bác
Đền bún ốc bò gin
Ơ phở, hai lạm (nạm) cực
Khói phở thơm rét thành se ngọt
Ngọng ngon Hà Nội phở Thìn
(*) Thương hiệu phở có tiếng ở Hà Nội
Lời với bác Khoát* quá cố
Ao Hoàng Mai hay Tương Mai bác nhỉ ?
Chuồn chuồn đậu cần câu bác
Bác giật lên tíu tít cá rô phi
Bác dục líu/ lá gừng, lá gừng, là gừng…/
Cháu nghe cả làng thơm gừng kho cá
Rô phi om lá gừng thơm ngon là thế
Sao bác chẳng vào nhà mà ngồi mãi cầu ao
Bác Khang** bảo / Hắn nhón chuồn chuồn ớt
Thả vào bản nhạc dở dang /
Bác Vượng*** hát lời như van
/ Bay thấp xuống đi chuồn chuồn ớt
Để cho nhạc Khoát đón mưa…/
Hôm nay cháu về thăm làng xưa
Hoàng Mai Tương Mai đều đã phố
Ao làng nhà tầng biệt thự
Cháu gái nhà ai hát Chuồn chuồn ớt ****
Cháu bỗng nghe bác dục lá gừng
Cháu ngẩng đầu mây trắng bay ngang
* Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát
** Nhà thơ tự do Lê Khang (cha của nhà văn Lê Phú Khải)
*** Giáo sư văn học Đỗ Đức Vượng
**** Tên bài hát của nhạc sĩ Lê Minh Sơn
(Lý Phương Liên)
Con cảm ơn cô chú Phượng-Hoành/
Mẹ ơi, con mong ước từ bao năm nay sẽ có ngày như ngày hôm nay mẹ huy hoàng trở lại với thơ. Thơ của cha mẹ không trở lại với đời thì thiệt thòi biết bao cho dòng tộc Nguyễn chúng ta. Xin trời đất, ông bà phù hộ cho mẹ chân cứng đá mềm, vĩ đại như mẹ đang vĩ đại, con đêm ngày nguyện cầu. Con yêu mẹ lắm mẹ ơi!
ThíchThích
Cảm ơn Túy Phượng và chị Lý Phương Liên đã gởi về những dòng thơ rất thật từ cuộc sống hàng ngày. Đây là điều khích lệ cho thi ca ngày nay đầy dẫy cliché tình ái rất không thật.
ThíchThích
Đúng là lời thơ \”không câu nệ điệu vần câu chữ, vẫn giản dị mộc mạc và vẫn thơ\”. Đọc thơ nghe là lạ, như là một cuộc chuyện trò, rất sâu sắc và hóm hỉnh.
ThíchThích
Thưa DCN.com và chị Phượng, Bài bình những bài thơ mới của Lý Phương Liên, chị Phương viết nhẹ nhàng mà sâu sắc tình thơ. Tôi rất thích. Tôi tự mỉnh cũng viết một bài bình ngắn về những bài thơ đã xuất bản của chị Liên trong tập thơ Ca Bình Minh, xin chị Phương cho tôi nép bài viết vào đây để bạn đọc của DCN và chị Phương và tôi yêu hơn nũa thơ Lý Phương Liên nhé!
.
BÌNH MINH TRƯỚC MẶT
.
Tôi xin phép lấy bốn chữ trong câu thơ kết của bài thơ Ca Bình Minh của Lý Phương Liên/ Đã Thấy Bình Minh Trước Mặt/làm tiêu đề cho bài viết ngắn này về thơ của chị.
Viết về thơ Lý Phương Liên là điều không dễ dàng chút nào, vì thơ chị, ngay từ khi xuất hiện,dù chỉ khoảng thời gian ngắn năm 1970,đã xôn xao thi đàn và đã có quá nhiều những lời bình phẩm khen chê. Suốt 40 năm qua dư luận vẫn âm ỉ những theo rõi và bình phẩm không chính thức,với nhiều thiện cảm tiếc nhớ và tôn vinh những vần thơ xuất hiện năm xưa của Lý Phương Liên. Và đầu năm 2011 này, khi NXB Văn Học ấn hành cuốn thơ Ca Bình Minh thì một lần nữa thi đàn lại bật tung lên, áo mở những trang mạng bình phẩm khen ngơi thơ Lý Phương Liên. Bài viết ngắn này của tôi cũng trong số những bật mở đó. Và cũng sẽ giống như nhà văn Mai Thục dù rất mến mộ tài thơ Lý Phương Liên, đã có những phát hiện sâu sắc về cái chất tài hoa Lý Phương Liên, nhưng chị cũng đành chỉ viết tặng bạn thơ của mình một bài thơ nhỏ,mà không bình văn thêm vì hình như chị hoặc sợ mình đuối hoặc vì một lý do rào cản nào khác. Xin phép chị Mai Thục chép lại nguyên văn bài thơ chị tặng Lý Phương Liên dịp tết Tân Mão vừa qua.
Liên ơi! Ta với mình cùng tuổi
Khói lửa đan chiến tranh sinh ra
Mình mồ côi, ta còn cha mẹ
Liên sớm vỡ òa “Ca Bình Minh”
Tuổi hai mươi, Liên thả hồn thơ
Khóc mẹ cha, thương người cầm súng
Hát ru sông Hồng rầu rĩ ngàn xa
Ta ngây ngô, mơ trái cây già
Rồi đến ngày em ta ra trận
Ta khóc em, khóc cả đoàn quân
Nghe tiếng lá xanh rơi lả tả
Hồn loang loáng, đời là định mệnh
Em không về, trời trắng Hoa Lau
Khóc tuổi hai mươi, đau xé ruột
Tuổi hai mươi, máu tưới đất này
Tuổi hai mươi, mơ ngày hạnh phúc
Ta ngố chưa biết trái đất tròn
Liên đã tiên tri ngày gặp mặt
Cậu Phát, cậu Giôn râu tóc bạc
“Cười rụa ràn nước mắt” hôn nhau
Liên đớn đau, chuyện với Thuý Kiều
Biết đồng tiền đổi trắng thay đen
Thơ Liên quằn quại, buồn day dứt
Vụt bùng tuôn, mở lối vào đời
Ta lơ ngơ dại khờ, nào đâu hiểu
Kiều ngụp Tiền Đường sóng lao xao
Tuổi hai mươi, cuốn trào định mệnh
Mừng chúng mình, nhân định thắng thiên.
Thơ Mai Thục
Hồ Gươm, Mồng 5 Tết Tân Mão
Bài thơ của Mai Thục có tựa đề / Tìm lại Tuổi Hai Mươi/ . Thưa Mai Thục,tôi cũng độ tuổi ấy,ngày ấy vì thế tôi đồng cảm với chị là chúng ta cùng tìm lại tuổi hai mươi. Lúc đó tôi cũng” ngơ ngơ trong veo” như chị,còn Lý Phương Liên thì đã trải nghiệm hơn chúng ta. Lý Phương Liên đã hơn hẳn chúng ta ba điều.
Thứ nhất,chị ấy đã ghi chép lại bằng thơ chân thật nhất cái sự thật của những năm tháng ấy (1970), như thế chị ấy thay chúng ta nói lên tiếng nói chung của thế hệ tuổi hai mươi của chúng ta ngày đó.
Thứ hai,tính dự báo thơ của Lý Phương Liên quá tuyệt,khiến chúng ta ( ít nhất thì cũng là Mai Thục và tôi) bừng mắt, mà như Mai Thục nói/ Ta ngố chưa biết trái đất tròn/ Liên đã tiên tri ngày gặp mặt/ Cậu Phát,cậu Giôn râu tóc bạc/ ” Cười rụa ràn nước mắt” hôn nhau/. Đúng là khi ấy ( 1970 ) chúng ta ngố thật,còn Lý Phương Liên thì đã thấy trong một tương lai, không phải tương lai xa,mà là một tương lai gần, tức là sau chiến tranh Cậu Phát ( em LPL) và cậu Giôn ( hình tượng người lính Mỹ trên chiến trường Việt Nam ngày đó) đã ôm nhau như hai người bạn, có nghĩa là Ta và Mỹ sẽ không còn là “kẻ thù không đội trời chung”. Ôi, thơ Lý Phương Liên, ngày ấy mà dám tiên tri điều “ khủng khiếp “ thế này thì “ chấm xuống dòng” đời thơ có gì là khó hiểu. Tội nghiệp một tài thơ.
Thứ ba, bốn mươi năm sau ( năm 2011 sách thơ Ca Bình Minh của Lý Phương Liên được NXB Văn học ấn hành ), Mai Thục và tôi và chắc chắn là nhiều bạn đọc thời ấy (nay đều đã lão ông,lão bà ) và cả các em cháu bây giờ ( qua các lời bình luận trên các trang mạng) đọc thơ Lý Phương Liên mà vẫn chung cảm giác như thơ mới tinh tình tình, như vừa mới viết và lòng chúng ta vẫn nôn nao bao yêu thương mến phục ( Mai Thục và nhiều bạn thơ khác chẳng đã viết thơ tặng LPL đó sao!) . Thật đúng là những vần thơ không có tuổi. Khâm phục.
Nhưng có lẽ, Mai Thục sẽ không phản đối, nếu tôi cho rằng sự khâm phục của tôi và Mai Thục dành cho chị Lý Phương Liên còn ở khu vực không thuộc lãnh địa của thơ, đó là sự khâm phục sức tu thân của bản thân chị ấy. Biết bao khốn khó gian truân của đời sống, biết bao thị phi cạm bẫy, biết bao đố kỵ, ganh ghét…mà chị ấy vẫn vượt qua để đứng được đến ngáy hôm nay và trở lại với dòng thơ tên là Lý Phương Liên. Thật đúng là sức tu thân luôn luôn Đã Thấy Bình Minh Trước Mặt/
/ Liên ơi! Ta với mình cùng tuổi / Thưa Mai Thục, Chị đồng tuế với chị Liên nên hai người là bạn ta-mình, còn tôi, ít hơn các chị một xíu, dù ít hơn một ngày cũng thuộc vai em, xin các chị cho tôi được chọn ba bài thơ trong sách thơ Ca Bình Minh còn chưa được nhiều người nhắc nhớ: Bài Đôi Ta ( viết tặng Nguyễn Nguyên Bảy, bạn đời cũng là người thầy của LPL) / Bài Lục Bát Người Đang Yêu ( lúc sinh thời, bố tôi, biên tập NXB Văn Học rất thích hai câu / Sao ơi sao có yêu thơ / Vần tình ta đã gieo nhờ vào sao/ và bài viết mới nhất được in trong sách thơ, bài Viết cho sông Kỳ Cùng
ĐÔI TA
Lòng em như cốc nước đầy
Cốc nước đầy để trên bàn nhỏ
Cuộc địa chấn yêu rung từng nhịp thở
Sóng sánh nước tràn ra
Vẫn căn nhà vẫn phố xá hoan ca
Vẫn ngôi trường tuổi nhỏ
Vẫn dòng sông rì rầm sóng vỗ…
Mà hình bóng anh đầy trong mắt em
Hình bóng anh đầy trong mắt em
Tay em bắt được nắng trời vàng chói
Cái nắng cần cho lòng phơi tội lỗi
Cái nắng đi chia ấm khắp mọi nhà
Tình yêu đến rồi đụng thật đến thịt da
Anh hãy ấp bàn tay lên ngực
Mà nghe con tim thổn thức
Những lời thổn thức ngân nga
Anh ùa vào đời em như gió như hoa
Như cánh buồm nâu ùa ra cửa biển
Ngoài cửa sổ đôi cánh chim chao liệng
Trên bàn yêu một đĩa sấu chín vàng…
Anh vuốt ve lòng em những ve vuốt dịu dàng
Cho vơi bớt những khổ buồn ảm đạm
Tình yêu chín ngọt ngào từ tình bạn
Quấn quýt thành đôi ta…
Đôi ta
Hai tia lửa cháy thành ngọn lửa
Số phận ư ? Nhà ta ta mở cửa
Mai sau ư ? Đòi hỏi bước chân mình
Có gì đẹp hơn tình yêu không anh?
Thời trai gái yêu nhau đẹp nhất
Cái đẹp ấy có chắc bền sau bao nhiêu thử thách?
Lời đáp dành cho tháng cho năm. . .
Chỉ biết rằng bây giờ anh yêu em và em yêu anh
Thành trời riêng đất riêng thành sông riêng
Thành biển thành gạo thành thơ và thành ngọn nến
Thành gì cũng vẫn đôi ta…
LỤC BÁT NGƯỜI ĐANG YÊU
Ngôi nhà không ngủ nhà em
Tối nay anh đến hương đêm bồn chồn
Sao treo cửa sổ con con
Mắt anh hay mắt yêu đương của trời
Lặng im im lặng quá thôi
Mà trái tim cứ bồi hồi đập ran…
Sao ơi hãy ngả vai gần
Cho ta nói những lời thầm : Ta yêu
Bao nhiêu hạnh phúc bao nhiêu
Bảo lòng im lặng cứ reo reo hoài
Rượu gì không uống mà say
Chân ngồi mà bổng cánh bay lên trời
Một bầy sao xuống đùa vui
Giường mơ mơ nhé lạ đời giấc mơ…
Sao ơi sao có yêu thơ
Vần tình ta đã gieo nhờ vào sao
Trái tim rực sáng xiết bao
Cái gì nhợt nhạt cháy vào sao đêm
Cành cao quả chín đầy thêm
Quả nào anh quả nào em ngọt ngào
Tình yêu quả đọng xôn xao
Giận nhau chỉ bởi xa nhau đó mà
Sao ơi thân ái đôi ta
Điều gì nói tới cũng là anh anh…
Bởi yêu nên biết dụm dành
Từng lời nói từng quả xanh cây đường
Cái gì cũng thấy yêu thương
Cho gì trái cả lẽ thường anh ơi
Lúc em chưa hiểu nghĩa đời
Là anh lại đến môi cười chín thơm
Bầy sao bay xuống chật giường
Ta xin nói thật ta còn mải yêu…
Ngôi nhà nào cũng thức theo
Nhà anh chắc hẳn nghĩ nhiều đến em
Lặng im im lặng trong đêm
Anh nằm bề bộn bao niềm em em
Đêm nay mới thật là đêm
Đôi ta trôi giữa êm đềm thuyền mơ
Sao ơi này nhé bài thơ
Người đang yêu chẳng bao giờ khác nhau…
VIẾT CHO SÔNG KỲ CÙNG
Văn nghệ TPHCM, số 60, 16/3/1979
Sông Hoàng Hà từ trên trời đổ xuống
Hình ảnh này em đã đọc trong thơ…
Ở quê em có con sông không cạn bao giờ
Sông Kỳ Cùng chảy ngược về biên ải
Lịch sử đã bao lần lặp lại
Một dòng sông xâm lược một dòng sông
Sông trời thác dữ mênh mông
Sông quê em ngược lên chống giặc
Kỳ Cùng ơi,sông chảy mãi trong lòng đất nước
Em đang hát về sông bên sông nước Sài Gòn
Bài hát của em cũng tên gọi kỳ cùng
Nhân dân mình đánh giặc
Thơ Lý Phương Liên
Nguyễn Tùng Bách giới thiệu
ThíchThích
Nói thêm, Bài Hâm hâm hâm…hâm tình chưa nguội của Túy Phương đã được đăng trên các trang mạng:
Vanhac.com / Trieuxuan.info / Nguyentrongtao/ vanthoviet/ vandanviet/ nguyennguyenbay.com /
Bichcautho blog và….
Chúc mừng Túy Phương!
ThíchThích
Thân ái chào chị Bách,
Túy-Phượng đây chị ạ ! 🙂 Xin cảm ơn đã gửi bài bình thơ Lý Phương Liên của chị. Mình thích lắm.
Xem ra chị và Phượng rất “đồng thanh tương ứng” về thơ của chị Liên chị nhỉ? 🙂 Vui thật !
Cảm ơn chị nhiều về những thông tin chị Bách nhé !
Xin chúc chị thân tâm thường an lạc. 🙂
ThíchThích