Nguồn gốc của sức mạnh tập thể

Chào các bạn,

Lúc còn học đại học mình học đủ thứ môn trên đời—luật, kinh tế, chính trị, xã hội, triết… Và trong các môn này ta luôn luôn học được các trường phái và các chủ nghĩa khác nhau, và đương nhiên là ta có thói quen lựa chọn các trường phái và chủ nghĩa ta cho là hay nhất. Bên cạnh đó, hành nghề luật cũng tập cho mình thói quen giấy tờ bài bản. Nhưng những năm sau này, có một sự kiện làm thay đổi thang giá trị của mình rất lớn, và làm cho mình nhìn các liên hệ con người và phát triển xã hội với một cái nhìn hoàn toàn mới—đó là sự thành công của các công ty gia đình của người Việt tại Mỹ.

Các công ty gia đình này thường là công ty nhỏ, đa số làm nhà hàng hay buôn bán nhỏ. Điều đặc biệt của các công ty này là, có lẽ vì máu di dân còn đầy, cho nên làm việc gì thì cũng làm hùng hục, nhưng chẳng có bài bản gì cả. Thích làm nhà hàng là dành dụm một món tiền, vợ chồng con cái thuê chỗ nào đó. Nghiên cứu thị trường thì chỉ bằng cách lượn qua lượn lại khu đó, nếu thấy không có tiệm phở thì ta làm tiệm phở. Chẳng có một chiến lược chiến thuật nào ghi xuống giấy để cùng tham khảo. Hầu như chẳng ai mượn tiền ngân hàng, vì ngân hàng chẳng bao giờ cho bạn mượn tiền nếu không có một chiến lược rất đẹp trên giấy tờ. Hợp đồng thì chẳng bao giờ nhờ luật sư. Trong nội bộ thì chẳng bao giờ có hợp đồng định rõ ai được quyền gì, trách nhiệm gì, lương bổng ra sao. Nói chung là giới MBA và luật sư rất là kinh hãi khi thấy họ mở công ty.

Nhiều cửa tiệm chết, đó không phải là chuyện đáng ngạc nhiên. Chuyện ngạc nhiên là rất nhiều tiệm sống và sống rất mạnh, làm cho dân Mỹ phải kinh ngạc và khiếp sợ sức sống của dân Việt.

Chuyện gì đã xảy ra? Tại sao họ không đánh nhau, cãi nhau tranh giành tiền, trong khi chẳng có hợp đồng rõ ràng gì cả? Tại sao họ không chết trong khi chẳng có chiến lược gì cả? Và nhiều công ty trở thành công ty bạc triệu, bất chấp tiên doán của luật sư và MBA là họ sẽ chết vì thiếu bài bản ?

Thưa, họ sống mạnh vì họ đoàn kết. Vì họ là gia đình, và các bạn đã biết gia đình Việt Nam đoàn kết mạnh như thế nào.

Vì đoàn kết nên họ không đánh nhau. Khi có khó khăn, họ cùng nhau chịu trận và chia sẻ. Cần chiến lược thì họ chạy hỏi bạn bè hay các chuyên gia. Cần vào tòa thì họ nhờ luật sư. Sức sống, tài năng, và thành công của họ chỉ đến từ một điểm: Đoàn kết. (Ồ còn một điểm nữa mà hầu như mọi người Việt đều có—đó là “làm việc tận lực”).

Trong khi đó, làm việc trong môi trường các công ty Mỹ, mình thấy rất nhiều hợp đồng, mỗi bên k‎ý có cả một dàn luật sư cố vấn, nhưng trước khi k‎ý là mình có thể đoán biết là hợp đồng nào sẽ phải vào tòa cãi nhau sớm, chỉ vì thấy được việc không tin nhau giữa hai bên.

Vì thế những năm sau này, mình luôn luôn cố vấn cho các thân chủ là: “Trước khi ký‎ hợp đồng hùn vốn làm ăn chung, anh phải cảm thấy rất tin tưởng và thoải mái và rất muốn ‘làm đám cưới’ với người kia. Không thể dùng luật sư, chiến lược, và giấy tờ làm chính. Phải dùng cái tâm và lòng tin yêu đối với nhau là chính”.

Và điều này đúng không chỉ trong hợp đồng thương mại mà còn trong phát triển quốc gia. Thực sự là các vấn đề chủ nghĩa, chính sách, chiến lược chỉ quan trọng hàng thứ nhì. Hàng đầu phải là đồng bào anh em cùng một nước phải “cùng với nhau” vì yêu nhau và lo lắng cho nhau. “Cùng với nhau” có nghĩa là tư duy và cảm xúc của anh em cùng một nhà, cùng nhau lo lắng cho nhau và lo lắng cho căn nhà tổ quốc. Còn các suy nghĩ khác nhau của mỗi người, thì đó chỉ là những cách nhìn từ mọi góc cạnh khác nhau của vấn đề, để làm phong phú kiến thức cho nhau. Không phải là lý do để cãi nhau hay chia rẽ.

Dĩ nhiên mỗi người chúng ta nhìn vấn đề dưới một góc cạnh khác nhau, và nhiệm vụ đòi hỏi chúng ta chia sẻ quan điểm đó với mọi người, và nếu ta tin vào cái nhìn của ta, thì ta còn có nhiệm vụ thuyết phục mọi người. Và các anh em khác cũng có nhiệm vụ làm thế với cái nhìn của họ, và khi họ nói ta có nhiệm vụ phải lắng nghe. Rồi tất cả có nhiệm vụ trao đổi với nhau để tìm đồng thuận. Giải quyết đồng thuận chính là đoàn kết, là gia đình.

Mình thường rất ngạc nhiên mỗi khi thấy một bạn nào đó vịn vào các lý thuyết và chủ nghĩa chính trị, tôn giáo hay xã hội như là lý do để ăn thua đủ với nhau. Có nhiều cách để xây một căn nhà. Khi mọi người trong nhà đánh nhau vì ai cũng cho là cách xây của họ mới đúng, thì mình thật sự là luôn luôn kinh ngạc về sự ngớ ngẩn đó. Anh em thân thiết mới là điếm chính, xây căn nhà kiểu nào là điểm phụ. Dùng cái chính để giải quyết cái phụ, đừng dùng cái phụ để đập vỡ cái chính.

Đoàn kết để chiến thắng. Chỉ giản dị có vậy.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

2 thoughts on “Nguồn gốc của sức mạnh tập thể”

  1. Chào anh Hoành,

    Về sức mạnh tập thể thì em có nghe một câu từ Ấn Độ, không ai có thể vỗ với một bàn tay. Và thực tế thì những người bạn Ấn Độ em biết, họ làm việc nhóm rất tốt và hiệu quả rất cao.

    Tập thể mà anh đề cập đến trong bài viết này là gia đình, những người có quan hệ huyết thống với nhau, nên việc họ đoàn kết đùm bọc nhau nhất là những lúc khó khăn sóng gió thì hoàn toàn dễ hiểu.

    Em chỉ thử đặt một câu hỏi để lật ngược vấn đề, làm rõ thêm sức mạnh tập thể của người Việt Nam. Nếu những người không cùng huyết thống cùng làm việc với nhau, thì anh nghĩ, họ có tạo được sức mạnh đến như vậy không?

    Vinh

    Like

  2. Dear Anh Hai

    Ngày còn nhỏ, mỗi khi học đến các bài học liên quan đến sức mạnh tập thể em thường được nghe các thầy cô giáo kể về câu chuyện bẻ bó đũa. Qua đó em hiểu được khái quát về sức mạnh của tập thể, sức mạnh của sự đoàn kết.

    Và với bài chia sẻ này Anh Hai đã cho em thêm kinh nghiệm cũng như kiến thức để hiểu về sức mạnh tập thể không chỉ giới hạn trong những con người cùng chung huyết thông, nhưng được trải rộng ra cho những con người có cùng chung căn nhà tổ quốc với những điều căn bản:

    “… Các vấn đề chủ nghĩa, chính sách, chiến lược chỉ quan trọng hàng thứ nhì.

    Hàng đầu phải là đồng bào anh em cùng một nước phải “cùng với nhau” vì yêu nhau và lo lắng cho nhau.

    “Cùng với nhau” có nghĩa là tư duy và cảm xúc của anh em cùng một nhà, cùng nhau lo lắng cho nhau và lo lắng cho căn nhà tổ quốc.

    Còn các suy nghĩ khác nhau của mỗi người, thì đó chỉ là những cách nhìn từ mọi góc cạnh khác nhau của vấn đề, để làm phong phú kiến thức cho nhau. Không phải là lý do để cãi nhau hay chia rẽ.”

    Em cảm ơn và chúc Anh Hai nhiều may mắn và thành công trong cuộc sống.

    Em M Lành.

    Like

Leave a comment