GS.Michael Porter: Tư nhân phải là khu vực dẫn đầu nền kinh tế

Tác giả: Cao Nhật – Phạm Huyền

(VEF) – “Tư nhân phải là khu vực dẫn đầu trong phát triển nền kinh tế, Nhà nước phải nhìn nhận nó như là một tài sản cực kỳ quan trọng”, GS Michael Porter nhấn mạnh tại Hội thảo công bố báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam sáng nay (30/11).

GS Michael Porter: “Đã tới lúc Việt Nam cần thảo luận xem mình muốn đứng ở vị trí nào trong nền kinh tế toàn cầu, đâu là những ngành, lĩnh vực và thế mạnh về môi trường kinh doanh mà thế giới biết tới.

Vị giáo sư được coi là “cha đẻ” của chiến lược cạnh tranh còn nhấn mạnh thêm, nếu không dẫn đầu thì tối thiểu khu vực tư nhân cũng phải là người tham gia cực sâu trong quá trình phát triển kinh tế.

Nhận thức lại vai trò của Chính phủ

Theo GS Michael Porter, trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ Việt Nam cần xác định được một vai trò mới cho mình, phù hợp với yêu cầu của  một nền kinh tế thị trường năng động, đang trỗi dậy và đang hội nhập ngày càng sâu rộng.

“Từ kiểm soát, vai trò của Chính phủ cần chuyển sang xây dựng lợi thế cạnh tranh cho một nền kinh tế thị trường, Chính phủ cần hướng tới tạo ra một điểm đến kinh doanh với các lợi thế cạnh tranh rõ ràng”, GS nhấn mạnh.

Với vai trò này, Chính phủ sẽ đảm nhận những công việc tạo điều kiện và đảm bảo thị trường được vận hành theo nguyên tắc của nó. “Chính phủ sẽ phải cung cấp một môi trường thể chế minh bạch và hiệu quả, trong đó các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần cạnh tranh với nhau một cách bình đẳng trên mọi mặt”.

Theo đánh giá của GS, trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được tăng trưởng kinh tế ấn tượng, Việt Nam giờ đã trở thành một bộ phận năng động của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên mức độ thịnh vượng và năng suất còn thấp, những quan ngại về tính bền vững của mô hình phát triển hiện nay ngày càng tăng.

“Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư chủ yếu do yếu tố chi phí nhân công thấp nhưng trong một môi trường toàn cầu đang thay đổi, điều này là không đủ để duy trì tăng trưởng bền vững”, ông khuyến cáo.

GS Michael Porter cho rằng Việt Nam đang đứng trước thời điểm chuyển giao quan trọng từ tăng trưởng dựa trên các lợi thế so sánh sẵn có sang tăng trưởng dựa trên việc nâng cấp năng lực cạnh tranh và xây dựng những lợi thế cạnh tranh mới ở trình độ cao hơn.

“Đã tới lúc Việt Nam cần thảo luận xem mình muốn đứng ở vị trí nào trong nền kinh tế toàn cầu, đâu là những ngành, lĩnh vực và thế mạnh về môi trường kinh doanh của Việt Nam mà thế giới sẽ biết tới”, GS Michael Porter nhấn mạnh.

Khu vực Tư nhân là tài sản cực kỳ quan trọng

Thừa nhận thực tế các DNNN vẫn là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam và sẽ vấn tiếp tục giữ vai trò này trong thời gian tới nhưng GS cho rằng cách tiếp cận chính sách hiện nay trong quản lý DNNN không tạo ra được các doanh nghiệp mạnh, có năng lực cạnh tranh cao nhưng mong đợi ban đầu của các nhà hoạch định chính sách.

“Cách tiếp cận chính sách mới cần tách biệt vai trò của Chính phủ với tư cách là chủ sở hữu với vai trò quản lý điều tiết và ra quy định, cùng với đó phải xây dựng và thực thi các tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp hiện đại đối với các DNNN”, ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, GS cũng nói thêm rằng các DNNN cần phải tuân thủ các quy định chặt chẽ về công bố thông tin như các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là thông tin về kết quả tài chính của doanh nghiệp, hiệu quả hoạt động, các mối liên hệ về tài chính với Chính phủ…”

“Cách tiếp cận chính sách mới cần tách biệt vai trò của Chính phủ với tư cách là chủ sở hữu với vai trò quản lý điều tiết và ra quy định, cùng với đó phải xây dựng và thực thi các tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp hiện đại đối với các DNNN”

Cũng theo GS Michael Porter, Việt Nam cần thay đổi từ việc chỉ tập trung vào khu vực DNNN và FDI sang sự kết hợp do thị trường điều chỉnh giữa doanh nghiệp tư nhân trong nước, FDI và các DNNN được cải cách.

Theo đó, cần có sự cạnh tranh bình đẳng giữa các khu vực, từ đó cho phép những doanh nghiệp có đóng góp nhiều nhất vào sự thịnh vượng và hiệu quả của nền kinh tế được phát triển.

“Tôi tin Tư nhân phải là khu vực dẫn đầu trong phát triển nền kinh tế, Nhà nước phải nhìn nhận nó như là một tài sản cực kỳ quan trọng để dẫn dắt và thúc đẩy sự cải thiện năng lực cạnh tranh”, GS Michael Porter nhấn mạnh.

Theo GS, thảo luận chính sách hiện nay của Việt Nam thường tập trung vào quan điểm chính trị về sở hữu nhưng thực ra cấu trúc thị trường, gồm những yếu tố như mức độ cạnh tranh, quan trọng hơn nhiều so với yếu tố sở hữu trong việc quyết định năng suất của một doanh nghiệp.

Đề xuất lập Hội đồng năng lực cạnh tranh

Dựa trên kinh nghiệm của nhiều quốc gia khác, GS Michael Porter và nhóm nghiên cứu đưa ra đề xuất thành lập Hội đồng năng lực cạnh tranh Việt Nam thì theo ông, đối với mỗi sáng kiến cải cách cụ thể cần có một cơ quan hay nhóm công tác chịu trách nhiệm chính về triển khai thực hiện sáng kiến đó.

Chính điều này đòi hỏi phải có một cơ quan ở vị trí trung tâm của hệ thống nhằm quản lý toàn bộ các hoạt động, chương trình cải cách, để đảm bảo rằng những nhiệm vụ, hoạt động quan trọng nhất sẽ được ưu tiên thực hiện.

Quang cảnh Hội thảo

Cụ thể hội đồng này sẽ làm nhiệm vụ điều phối, hỗ trợ các cơ quan chính phủ. Hội đồng cũng sẽ giám sát và báo cáo với các cơ quan của Đảng và cộng đồng về tiến trình thực hiện chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhưng để thực hiện được các nhiệm vụ trên, GS cho rằng phải hội đủ được ba yếu tố quan trọng.

Đầu tiên là vai trò lãnh đạo của Chính phủ, “những lãnh đạo cao nhất của Chính phủ phải thấy được sự hữu ích của Hội đồng này và tham gia cũng như lắng nghe một cách sâu sắc, không hình thức”

Sau đó, Hội đồng phải tập hợp được những cá nhân xuất sắc, quan tâm đến lợi ích chung của đất nước chứ không phải chỉ lo cho lợi ích của chính họ hay nhóm của họ.

Điều rất quan trọng không thể thiếu nữa là phải có một ban thư ký giúp việc tuyệt vời, làm vệc chuyên nghiệp, tận tụy và trách nhiệm.

“Vấn đề quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay là hành động, chúng ta đã nói, đã bàn bạc rất nhiều, nhưng cần phải có những bước đi cụ thể và cương quyết, đó cũng chính là điều mà báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam lần này hướng đến”, GS Michael Porter nhấn mạnh.

Trao đổi tại phiên thảo luận sau đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng như Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá rất cao những kiến nghị trong báo cáo nói chung cũng như về đề xuất thành lập Hội đồng năng lực cạnh tranh nói riêng.

“Chúng tôi sẽ báo cáo lên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và sẽ có những bàn bạc cụ thể đổi với những đề xuất này”, ông Hoàng Trung Hải khẳng định.

Trả lời câu hỏi của VietNamNet, theo GS đâu là những điểm yếu trong cạnh tranh của các Doanh nghiệp Trung Quốc, GS Michael Porter cho rằng câu hỏi này rất khó, Trung Quốc có một thị trường rất lớn đằng sau họ cũng đang cải thiện năng lực cạnh tranh một cách rất nhanh. Nhưng Trung Quốc vẫn thường có sự bóp méo về tiếp cận vốn, về các trợ cấp của nhà nước.

Cho nên làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh được với các doanh nghiệp Trung Quốc là một câu hỏi lớn, tuy có được đề cập trong báo cáo này nhưng không nhiều.

Doanh nghiệp Việt Nam khó có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc về mặt quy mô, mình không thể có quy mô như họ, nên mình phải khéo léo đặt vị thế chiến lược của mình và cần phải chọn ra được những phân đoạn thị trường khác mà mình có thể phát huy được lợi thế.

2 thoughts on “GS.Michael Porter: Tư nhân phải là khu vực dẫn đầu nền kinh tế”

  1. Michael Porter ảnh hưởng rất lớn đến chính sách cạnh tranh của nước Mỹ, và do đó là cả thế giới, vì thế giới học cạnh tranh từ Mỹ. (Lúc mình còn làm việc tại Federal trade Commission (chuyên lo về cạnh tranh) thì các chuyên gia và giáo sư các nước, kể cả Âu Châu, thường đến FTC nói chuyện với bọn mình để học luật cạnh tranh (competition law) của Mỹ).

    Trong FTC và Bộ Tư Pháp Mỹ, luật sư và kinh tế gia rất rành các quyển sách vể industrial organization và competition của Michael Porter, và Porter thường tư vấn cho FTC trong các vụ kiện lớn.

    Các kinh tế gia ở Mỹ đã chú ý đến cạnh tranh ít nhất là từ năm 1911 khi đạo luật Sherman Act ra đời (antitrust law). Cho nên Porter không phải là kinh tế gia đầu tiên nghiên cứu về cạnh tranh, nhưng Porter hệ thống hóa các yếu tố kinh tế của cạnh tranh và làm cho phân tích kinh tế về cạnh tranh tinh vi hơn nhiều với các yếu tố mới như potential competion và barrier to entry/exit v.v….

    Like

  2. Em thấy các ý kiến của Porter rất hay và xác đáng. Trong một thế giới cạnh tranh khốc liệt như hiện nay các doanh nghiệp VN như ngày càng lu mờ đi trước sức tấn công của DN Trung Quốc, Thái Lan, Đài loan..

    Đi shopping ở Mỹ vào các Hongkong market, hay thậm chí các cửa hàng grocery của người Việt mà không thấy lấy một bịch gạo Việt Nam đâu. Hàng VN thì có 2 loại: 1 là Made in Vietnam, thì chủ yếu là chè, cà phê, gia vị, mì tôm, flour…, loại thứ 2 là sản xuất tại Mỹ, ví dụ như bánh đa (e ăn thấy ngon hơn ở nhà 🙂 ), bún, cháo, phở khô vv….

    Mẫu mã hàng Việt thì quê khỏi nói :). Chủng loại thì không nhiều lắm. Nhiều lúc đi tìm mua một hộp chè xanh túi lọc của Việt Nam sản xuất cũng khó, vì trong tiệm toàn bán chè pha ấm, hoặc là các loại chè (trà) trị bênh, nhúng vào nước sôi không khéo túi đi một đằng, dây đi một nẻo 😦

    Chẳng biết đến bao giờ mới có một món quà Việt đẳng cấp quốc tế đây.

    Anh Hoành khỏe nhé.

    E Hòa

    Like

Leave a comment