Khiêm tốn

Chào các bạn,

Chúng ta được huấn luyện để sống vả nuôi dưỡng “cái tôi” – cố học hạng nhất, cố được thủ khoa, giật opmpic toán, giải thưởng này giải thưởng kia, bằng này bằng nọ, chức này chức nọ, “sống phải có danh gì với núi sông”… Nói chung là xã hội có đủ mọi cách để khuyến khích chúng ta làm cho cái tôi trương phình và sáng chói càng nhiều càng tốt.

Sở dĩ thế vì như vậy thì tốt cho management. Quản l‎í bất kỳ việc gì, cứ lệ thuộc vào việc tham bằng, tham hạng, tham tiền, tham chức vị, tham khen thưởng, để kích thích mọi người cố gắng, vậy thì hiệu năng của tổ chức được tăng cao.

Nhưng…

Cái tôi là đầu mối mọi vấn đề của con người. Trong Phật gia, chấp (vướng mắc) vào cái tôi là vô minh, ngu si, và không còn chấp vào tôi là giác ngộ (Bát Nhã Tâm Kinh: Khi Bồ tát Quán Tự Tại thấy thân ta là Không ngài liền vượt qua mọi khổ nạn).

Trong Thánh kinh Thiên chúa giáo, Adam và Eva muốn được thông thái bằng thượng đế nên mới ăn trái cấm và bị đuổi ra khỏi địa đàng. Vụ sát nhân đầu tiên trong Thánh kinh là do Cain giết em (Abel) chỉ vì ghen tức là thượng đế nhận lễ vật của em nhưng không nhận lễ vật của mình.

Các truyện triết lý này nhằm dạy ta rằng “cái tôi” là nguồn gốc mọi tội lỗi và đau khổ của con người. Vì thế trong Thiên chúa giáo, tội kiêu ngạo là tội lớn nhất trong 7 “mối tội đầu” (7 cardinal sins) của con người.

Dẹp bỏ cái tôi là “vô ngã”, không tôi.

Và người ta dẹp bỏ cái tôi bằng khiêm tốn, hay nhẫn nhục.

1. Về ‎ tư tưởng triết lý: Nhà Phật cho rằng “cái tôi” chỉ là sóng phù du trên mặt biển, chỉ trong một thoáng, chẳng ở đó lâu để mà ta phải ham hố về “tôi” và kiêu căng về “tôi.” Hơn nữa, tất cả mọi ngọn sóng đều hòa trộn chung nhau trong nước–mọi người khác và tôi cũng đều hòa trộn trong đại dương tuyệt đối gọi là Không, cho nên chẳng l‎ý do gì để tôi thấy tôi hơn người khác.

Thánh kinh Thiên chúa giáo cho rằng Chúa tạo ra loài người và chăn dắt loài người, cho nên điều gì tôi có, điều gì tôi đạt, cũng đều từ Chúa, chẳng lý gì tôi phải kiêu căng. Hơn nữa, tất cả mọi người khác cũng đều do chúa tạo ra và được hồng ân của Chúa như tôi, chẳng l‎ý gì tôi thấy tôi hơn ai.

2. Về thực hành:

a. Đối với những cái tôi có:

• Những cái tôi có—sắc đẹp, thông minh, tài sản, thể lực, giọng hát, tài âm nhạc, gia đình, v.v..– hoặc đến từ nhân duyên (Phật gia) hoặc đến từ ơn Chúa. Phần nhiều cái tôi có, như sắc đẹp hay sự thông mình, là tôi sinh ra được ơn phước như vậy, tôi chẳng có công cán gì cả mà kiêu căng.

Và tôi có làm việc khó nhọc trong đời để phát triển cái tôi có, thì kết quả chỉ một phần nhỏ là công tôi, phần lớn là do nhân duyên tôi không hiểu hết được, hoặc là do ơn phúc Chúa, cho nên tôi chẳng xứng để tự kiêu.

• Tốt hơn là tôi nên cám ơn Trời Phật và Chúa đã cho tôi những ơn phúc đó.

Mỗi buổi sáng và mỗi buổi tối nên cám ơn Trời, Phật, Chúa đã cho bạn tất cả những gì bạn đã, đang và sẽ có, kể cả một tia nắng đẹp một nụ cười tươi bạn có hôm nay.

(Bạn có thấy nhiều cầu thủ bóng đá quốc đế ngước mặt lên trời cám ơn Chúa mỗi làm được bàn thắng không?)

• Khi tôi cố gắng để phát triển cái tôi có, tôi không làm thế để chỉ phục vụ tôi hay để “có danh gì với núi sông”, mà là để phục vụ đời, tức là phục vụ tất cả cuộc đời, vì tất cả mọi sinh linh đều là MỘT với tôi, hay vì tất cả đều là con cái Chúa như tôi.

b. Đối với những người chung quanh

• Mỗi người đều có cái thiện và cái đẹp để ta học hỏi. Gặp ai ngoài đường, chị bán hàng rong, anh xích lô, chú bé đánh giầy… bạn thấy gì để khâm phục và học hỏi?

• Nhiều lớp học lãnh đạo cao cấp tại Âu Mỹ thường được gọi là “Leader/Servant seminar” (lớp lãnh đạo phục vụ), lấy hình ảnh chúa Giêsu rửa chân cho các đệ tử làm l‎ý tưởng, trong đó lãnh đạo là tôi tớ.

• Phật gia dạy nhẫn nhục ba la mật, tức là đường giác ngộ nhẫn nhục, được định nghĩa là:

“Nhẫn” là nhịn, chịu đựng những cảnh trái mắt nghịch lòng. “Nhục” là điều sỉ nhục, điều xấu hổ, làm tổn thương đến lòng tự ái của mình.

Nhẫn nhục Ba la mật là nhẫn nhục đến chỗ cùng tột không còn ai có thể nhẫn nhục hơn thế nữa.

Thành Phần Của Nhẫn Nhục Ba La mật

1. Thân nhẫn. Ðối với nghịch cảnh như nắng mưa, nóng lạnh, đói khát, đau ốm, hoặc bị người đánh đập, hành hạ, làm bức não nơi thân, mình cũng cam chịu, không phàn nàn hay chống cự lại. Ðây là chịu đựng về thể xác.

2. Khẩu nhẫn. Thân đã nhẫn chịu không chống lại người và miệng cũng không thốt ra những lời nguyền rủa độc ác, trước những lời mạ nhục chua cay, mắng nhiếc tồi tệ hay đánh dập tàn nhẫn.

3. Ý nhẫn. Nhẫn nhục cả trong tâm, không căm hờn, không oán giận, không nổi lên ý phản đối, những tư tưởng hắc ám để trả thù.

Trong ba thứ nhẫn này, “ý nhẫn” là khó nhất và quan trọng nhất. Có nhiều khi thân có thể chịu đựng được cực hình, nhưng miệng vẫn lẩm bẩm nguyền rủa. Thêm một lần nữa, miệng tuy không thốt ra những lời phản đối, nguyền rủa, nhưng ý vẫn ngấm ngầm phản đối, và tức giận đốt cháy tim gan.

Ðến khi “tâm ý” cũng không ngấm ngầm nổi dậy phản đối, sự tức giận lắng xuống tận đáy lòng; đứng trước mọi nghịch cảnh, lòng vẫn phẳng lặng như không, thì nhẫn nhục mới thật là hoàn toàn.

Trích “Nhẫn nhục Ba la mật”, Phật học phổ thông, Thích Thiện Hoa

Chúa Giêsu nói tương tự, Nếu kẻ thù con tát con má này thì con đưa thêm má kia.

Đó là khiêm tốn nhẫn nhục. Rất tiếc là nhiều người đi Chùa, đi nhà thờ, nói rằng tôi theo Phật, tôi theo Chúa, nhưng không bao giờ nhẫn nhục, ngay cả chỉ cố gắng nhẫn nhục, như các đấng dạy. Thế thì đi lễ làm gì nhỉ?

Các bạn có bao giờ hiểu rằng tất cả mọi cuộc chiến tâm linh của loài người thực ra chỉ là cuộc chiến của ta chống chính cái tôi của ta không?

3. Sống “không tôi”

Nói chung, sống khiêm tốn nhẫn nhục là sống không còn cái tôi đối với chính mình cũng như đối với tất cả mọi người chung quanh.

Người ta có thể cho rằng sống nhẫn nhục như thế là hèn kém. Nói nhảm. Các bạn thử dành ra năm phút suy nghĩ lại xem. Phải là bậc thầy lớn mới sống được nhẫn nhục khiêm tốn như thế trọn vẹn. Những kẻ hèn kém không thể nhẫn nhục thế được—tự ái và tham sân si của họ sẽ đẩy họ vào cãi vã, tranh luận, đánh nhau, kiện nhau, v.v…

Sống khiêm tốn nhẫn nhục là sống thực, không phải là chỉ giả vờ hòa ái nhịn nhục bên ngoài, như trong các sách đắc nhân tâm.

Sống khiêm tốn nhẫn nhục, vô ngã, làm người ta thật hiền dịu, nhưng cũng thật mạnh mẽ, vì khi “không tôi” thì ta chẳng có gì để sợ. Đó là l‎ý do các Bồ tát và thánh nhân vẫn điềm nhiên tự tại ngay cả khi dao kề cổ. Đó là lối sống của Phật tính và con Thượng đế.

Bạn có tin là mình có Phật tính, hay mình là con Thượng đế không?

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

9 thoughts on “Khiêm tốn”

  1. rất cám ơn anh Hoành về cách phân tích rõ ràng, dễ hiểu. Em đọc đi đọc lại bài này, em sẽ cố gắng nhớ để thực hành. Cám ơn anh lần nữa

    Like

  2. Em thích câu này của anh Hoành “•Mỗi người đều có cái thiện và cái đẹp để ta học hỏi. Gặp ai ngoài đường, chị bán hàng rong, anh xích lô, chú bé đánh giầy… bạn thấy gì để khâm phục và học hỏi?”

    Trước đây, em được dạy bằng cách rút kinh nghiệm từ những sai lầm của người khác vì cuộc đời rất ngắn, không đủ cho mình thử-sai. Cách này có nhược điểm là (i) tránh cái sai nhưng không chắc đã biết làm sao cho tốt hơn, và (ii) không làm tốt hơn quan hệ giữa người và người, mà thậm chí có thể làm xấu đi.

    Thế nên một cách hay hơn là học cái hay của người khác. Khi đó như việc ăn sẵn, sau khi tìm được cái hay để học, mình sẽ có 1 bộ sưu tầm những điều hay để áp dụng, thay vì bộ sưu tầm những điều dở để tránh. Và chắc chắn là thái độ này sẽ khiến mình cởi mở hơn, yêu người hơn và yêu đời hơn khi nhìn thấy được thật nhiều điều tốt đẹp ở xung quanh.

    Tuy nhiên, làm theo cách thứ hai khó hơn cách thứ nhất nhiều… Có lẽ vì thế mà anh Hoành không ngừng nói hàng ngày về tinh thần khiêm tốn. 🙂

    Like

  3. em kam on anh nhieu nha.e da hieu ra nhung dieu em chua pit.cam on anh.co gi anh tam su cho em qua email nha.thanks anh nhiu!

    Like

  4. Hi Peomemory, Quỳnh Linh, Mỹ Yến, Thế Hòa, Hai Tu và cả nhà,

    Nếu chúng ta nhận rõ được Phật tính, được thánh linh cúa Thượng đế trong ta, và sống với căn tánh cao quý đó, lìa bỏ cái tôi tầm thường, và cứ thế mà đi, thì không thể lạc đường. Vì tất cả các truyền thống tâm linh của con người dù là dùng ngôn ngữ nào, tại đâu trên thế giới, cũng chỉ xác nhận như vậy.

    Nói là giản dị, nhưng không dễ tí nào, vì:

    . Bản tính của ta là không muốn đi đường khó.

    . Bản tính của ta là không muốn đi một mình, muốn bạn bè thân nhân đi cùng. Nhưng rất tiếc sự thật là thiên hạ nói thì nhiều, đọc kinh thì nhiều, nhưng thực hành thì cực kỳ hiếm. Cho nên nếu bạn nghiêm chỉnh tu tập thì đương nhiên là bạn sẽ có rất ít người đi cùng bên cạnh.

    . Hơn vậy nữa, khi bạn thực sự nghiêm chỉnh về tu luyện con tim của bạn, bạn sẽ gặp chống đối mạ lỵ từ những người chung quanh. Vì bản tính con người là thế, người ta sợ những người đi đường khó, người ta sợ những người can đảm nói rằng tôi sống với Phật tính của tôi, tôi sống với thánh linh Chúa thở hằng giây trong tôi. Người ta muốn bạn tham sân si kiêu căng, phê phán nhau, đì nhau, ganh tị nhau… như họ, tay thì lần chuỗi miệng thì hô đánh nhau như họ. Họ sợ người sống khác họ, người đi con đường chánh đạo.

    Các trường phái tâm linh dùng nhiều từ để diễn tả hiện tượng sợ hãi này, như là “bóng tối sợ ánh sáng” hay “the dark force” hay “the enemy” hay “ma” hay “quỷ”…

    Đây chỉ là chuyện tâm lý con người thôi. Cho nên thánh nhân thường bị chà đạp.

    Nói thẳng thế để các bạn hiểu được không phải là tu tập tốt mình yêu mọi người thì mọi người sẽ yêu mình. Đọc lại Thiền sư Hakui Vậy À. Yêu người là việc của mình. Yêu mình hay ghét mình là việc của thiên hạ.

    Cho nên khó khăn cho người tu tập một phần là do kỹ luật tu tập và phần kia là do xã hội chung quanh đì mình (nhưng mình có giải thích cũng không ai hiểu mình, vô ích. Đọc lại “Vậy À”). Sự thật là như vậy, chúng ta phải nắm vững để đi vững.

    Còn tu tập, thì môn nào cũng vậy, ta có thể luôn luôn làm sai–mức thấp sai thấp, mức cao sai cao– luôn luôn sửa, luôn luôn tập, không bao giờ ngừng. Giản dị thế thôi. Đừng lo làm sai. Lo là mình có tập luyện mỗi ngày không.

    Nhưng tin vui cho các bạn, khi ta đã nhận Phật tính trong ta, thánh linh Thượng đế trong ta, thì mọi thử thách, dù nặng nề đến mức nào, đều trở thành chuyện lắt nhắt.

    Liked by 2 people

  5. Chú Hoành ơi, cháu đã đọc qua 1 số bài trong dotchuoinon và cháu rất thích vì nó rất tích cực và truyền cảm hứng :D. Nhưng có nhiều cái cháu chưa hiểu. Như làm thế nào để tâm luôn tĩnh lặng ạ? Có phải là ngồi thiền ko? Làm sao để khiêm tốn nhưng vẫn tự tin? Bởi vì những người khiêm tốn, trầm tĩnh, thường là những người rất mờ nhạt trong đám đông, vậy thì làm sao để vừa khiêm tốn, tâm tĩnh lặng, lại vừa sôi nổi, nhiệt huyết, năng động được ạ ?

    Like

  6. Hi Hằng,

    Chú có rất nhiều bài trong Chuỗi bài Tu duy tích cực. Hằng đọc từ từ thì sẽ hiểu ra mọi sự từ từ.

    Làm thế nào đễ vừa khiêm tốn tĩnh lặng, lại vừa sôi nổi nhiệt huyết năng động được? Các đệ tử võ học chân truyền đều phải học quyền cước chiến đấu nhanh như chớp, lại phải học tĩnh lặng khiếm tốn đó mà.

    Lúc nào phải hoạt động thì hoạt động thật là hăng say nhưng vẫn ăn nói rất khiêm tốn. Lúc nào không hoạt động tay chân thì ngồi thiền hít thởthiền quán. Hằng tập như thế thường xuyên rồi cho chú biết thế nào, để ta cùng nghiên cứu.

    Like

  7. Hôm nay cháu mới tình cờ vào đọc được trang webnay, những bài viết thực sự rất hữu ích. Cháu cảm ơn chú tdhoang va dotchuoinon.

    Like

Leave a comment