Tri Thức Thật

Kể với nhau về một truyện cười dân gian.

Một thầy đồ kém chữ mưu sinh bằng chữ. Thầy dạy đến chữ “kê” là “gà”, lại quên béng mặt chữ, cùng đồ sinh đạo tặc, thầy đọc phứa thành chữ “ dủ dỉ ”. Lộ chuyện, thầy chữa cháy bằng một tràng luân lí:
ThayDoCoc
Dủ dỉ là chị con công, con công là ông con gà. Tôi đang dạy đến tam đại con gà!

Mớ tri thức hỗn độn của thầy đồ dốt không mở ra chân trời mới nào, ta thấy nụ cười hóm mà thâm thúy của người nông dân. Và mở ra suy nghĩ…

Tri thức là vô tận, chiếm lĩnh toàn bộ tri thức nhân loại chỉ là giấc mộng của những kẻ điên cuồng. Nhưng vấn đề là nhận thức được mình.
Đứng trước sự nghiêm khắc của người giám sát có tên là “ cái chưa biết”, người trình diện nó thường có hai ứng xử:
Hoặc lừa dối, man khai vốn hiểu biết của mình hòng vượt rào bất chính.
Hoặc nghiêm túc, trung thực, tự kiểm định để định giá mình.

Bạn chọn lối nào?

Dấu dốt dể bảo toàn danh dự?
Bạn sẽ luôn lo lắng bởi một mình phải làm cuộc che dấu cả thiên hạ mà phía nào cũng trống.
Đến một lúc nào đó, bạn cay đắng hổ thẹn nhận ra: Sĩ diện hão là lá bùa vô nghĩa đã trù ẻo danh dự bạn suốt đời. Bạn đã trả một giá quá đắt cho sự giả dối. Rồi sẽ đối diện với lương tâm, một tiếng nói thầm luôn độc thoại làm bạn day dứt: Thập ác của sự dốt nát ta phải liều mình mang vác đến bao giờ?
Tri_thuc_pg

Nhưng nếu bạn trung thực tự kiểm định chất lượng tri thức của mình?
Trước mắt có thể bạn tổn thương. Rồi cay đắng, vỡ nát.
Nhưng, như những ca đại phẫu trí não, vết thương rồi sẽ lành. Đau đớn đối diện với cái chưa biết là để tri thức thật hồi sinh.
Rồi bạn sẽ nhận ra khiêm tốn, trung thực là khoa học cơ bản để đi đến với tri thức thật.

Ở đây nảy ra hai thái độ:
– Chấp nhận để thúc thủ, để tri thức bắt phục. Hay chấp nhận để ngẫm nghĩ, để bắt phục tri thức?
Không ở đâu như ở đây bạn nhận ra sự vô nghĩa của triết lí lớn: “ Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc”.
Tri thức không có lim, không giới hạn, vô cùng.
Vốn tri thức không đi bằng con đường tắt ( dù trong ứng xử chính qui nhân gian vẫn nhiều lối rẽ đường ngang).

V.I. Lê Nin đã từng phát biểu: “ Tôi thà tìm hiểu sự thật suốt đêm còn hơn nghi ngờ nó suốt đời.”
Vâng, đó là thái độ đúng đắn mỗi khi người ta học làm thức giả.
Luận bàn về vấn đề này tôi lại nhớ đến một danh ngôn:
“ Ngủ thì không phải là thức giả”
Và tôi hi vọng rằng mình không chỉ nhớ!

Nguyễn Tấn Ái

Leave a comment