Trang phục thổ cẩm là nét đẹp văn hóa vật thể ở mỗi vùng, mỗi dân tộc. Trong cộng đồng các dân tộc Việt nam thổ cẩm không chỉ có mặt trong đời sống hàng ngày, trong sản xuất, làm vật mua bán đổi chác của phương thức sản xuất tự cung, tự cấp, mà bao giờ cũng có mặt trong các lễ cưới hỏi, lễ hội.

Không chỉ làm đẹp, mà còn chứng tỏ bàn tay tài hoa, chăm chỉ của những người phụ nữ. Thổ cẩm phía Bắc rực rỡ sắc màu, tạo nên sự ấm áp trong cái lạnh khắc nghiệt của vùng núi cao. Thổ cẩm Tây Nguyên lấy màu nền đen, chàm, trắng làm chủ đạo nhưng dựng mảng hoa văn nhàn nhạt hơn, có lẽ để cho phù hợp với cái nắng gay gắt của cao nguyên miền Tây Trường Sơn chăng?
Lâu nay xem trên phim ảnh, truyện tranh chúng ta thường thấy bà con các dân tộc phía Bắc cho đến nay vẫn giữ được bộ trang phục thổ cẩm trong cuộc sống hàng ngày. Điều này khiến tôi khâm phục lắm, và rất muốn tìm hiểu xem làm sao họ làm được điều ấy. Tôi quyết tâm đi Sa Pa xem chợ tình, cũng để mong giải đáp được điều mình thắc mắc bấy lâu nay. Rồi thì cũng hiểu, cũng biết, nhưng sự nhận ra này không khỏi mang chút ngậm ngùi. Nét độc đáo của thổ cẩm phía Bắc xin không nói nữa, mà chỉ để cập tới việc vì sao nó vẫn tồn tại được trong cộng đồng mà thôi.
Tôi có hỏi chuyện những người phụ nữ HMông Lềnh bàn tay đậm màu chàm thoăn thoắt không thôi se những sợi lanh, hỏi các bà mẹ vắt trên tay những bộ váy áo, mũ thổ cẩm chào mời bán cho khách du lịch. Hỏi những người đàn ông Dao gùi chiếc quẩy tấu to gần bằng người, cõng hơn 10kg gạo nếp, đi một ngày đường xuống chợ bán, chỉ để mua một nửa gùi muối, rẻ hơn ở trên bản chừng 3.000đ. Cũng đã lân la trò chuyện cùng các chàng trai ôm catssett tìm bạn trong đêm chợ tình, cả những cô gái Xá Phó đi chợ chỉ để xem người ta hát karaoke…vv… và ngộ ra rằng : Việc mặc trang phục dân tộc, ngoài thói quen của cả cộng đồng, còn chỉ là vì nghèo quá đấy thôi.
Vâng, đó là sự thật mà! Bởi tôi đã đứng khá lâu xem một chàng trai Mông mặc cả chiếc áo vải kate khá mỏng, chỉ 25.000 đ, mà nhấc lên, hạ xuống mãi không dám mua. Đồng tiền kiếm ra đâu có dễ ở một vùng cạn kiệt cả tài nguyên lẫn tiềm năng của đất ấy. Trong Khi trang phục thổ cẩm không phải mất tiền mua, chỉ nhờ vào sự cần cù, khéo léo quanh năm suốt tháng của bàn tay những người phụ nữ mà thôi.
Xin trở lại với thổ cẩm Tây Nguyên.Tuy không rực rỡ sắc màu như hoa văn thổ cẩm của các dân tộc phía Bắc, nhưng thổ cẩm Tây Nguyên cũng gây ấn tượng không kém. Với những đường nét hoa văn đan cài rất cũng đa dạng. Ở nhiều vùng sâu, vùng xa như tại các huyện miền núi của tỉnh Bình Định, nhiều vùng ở Kon Tum… phụ nữ vẫn mặc chiếc váy làm từ bông tự trồng, tự se và dệt. Tôi còn gặp các em gái Sê đăng ở huyện Ngọc Hồi, Kon Tum, mặc váy vải kate dệt theo kiểu hoa văn Tây Nguyên, rất mỏng mát, rất đẹp.

Nhưng thực chất thổ cẩm truyền thống Tây Nguyên đang mất dần chỗ đứng trong chính cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. May ra chỉ còn trong các dịp lễ hội (mà cũng rất ít được tổ chức ở chính buôn làng), hoặc còn chăng nữa là tấm vải cõng con của những người phụ nữ mà thôi. Mà tấm vải này cũng chẳng còn dạng hoa văn nào nữa, chỉ còn là những đường chỉ dọc màu khác mà thôi. Nguyên nhân? Dệt một tấm vải bằng khung cổ truyền chỉ tạo ra được vải khổ nhỏ (0,80cm), đủ may thành váy áo rất công phu và mất rất nhiều thời gian, mà vải nội địa ở phía Nam lại rất rẻ, mỏng và mát. Trong khi khí hậu ngày một nóng hơn, trang phục dân tộc, dù bằng bông tự se hay bằng chỉ mua ở chợ về, thì cũng rất dày, không còn phù hợpvới điều kiện lao động sản xuất và sinh hoạt hiện tại. Thổ cẩm trong đời thường lại còn phải phù hợp với thị hiếu và túi tiền của người dân… vv…và… vv… Còn hàng ngàn lý do rất chính đáng để bóng dáng những tấm vải mang hoa văn hình mặt trời, cánh chim…lùi dần vào cổ tích.
Việc truyền dạy nghề dệt cho thế hệ trẻ Tây Nguyên là điều cần thiết, bởi nó không chỉ làm sống lại một trong những nghề thủ công truyền thống phổ biến trên khắp khu vực, mà còn góp phần bảo tồn một trong những di sản văn hoá vật thể độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng Trường Sơn – Tây Nguyên, một nét đặc trưng không thể thiếu của không gian văn hoá cồng chiêng, nay đã trở nên “ di sản văn hoá của nhân loại”. Nhưng để nghề dệt thủ công thực sự tồn tại và phát triển, lại là điều cần bàn. Nếu không chúng ta sẽ chỉ tốn kém kinh phí dạy, mà vẫn không duy trì được sự sống thật sự của nghề.
Muốn duy trì và phát triển nghề dệt truyền thống, nên chăng không chỉ chú trọng việc dạy nghề bằng phương pháp thủ công, mà còn phải kết hợp song song giữa thủ công và công nghiệp, chú trọng tới việc tìm ra nguồn nguyên liệu mới, cải tiến mẫu mã, cải tiến khung dệt thủ công cho khổ vải rộng hơn, tốc độ dệt nhanh hơn, xử dụng chỉ nguyên liệu mỏng, cho thành phẩm mềm, mịn hơn… thì mới mong thổ cẩm trở lại được với đời sống buôn làng… Việc kết hợp nghề dệt truyền thống với nghề may sẽ tạo ra những mặt hàng mỹ nghệ, vật lưu niệm dùng chất liệu thổ cẩm cũng quan trọng không kém, sẽ có thể trở thành hàng hoá, tham gia vào thị trường, đặc biệt là thị trường du lịch đang ngày một mở rộng ở Tây Nguyên…
Để thổ cẩm Tây Nguyên thực sự trở lại được đời sống buôn làng, trước tiên, như đã nói ở trên, giá cả cần phải phù hợp với túi tiền của bà con người dân tộc có thể có. Nguyên liệu cũng phải thay đổi để tạo độ mềm, mỏng, phù hợp với cuộc sống đời thường. Chúng ta thử tìm hiểu qua một số “ hiện tượng” tương tự :
Gần nhất :

– Hiện ở một số buôn làng, bà con còn lưu giữ được một số bộ trang phục cổ truyền, dệt từ thời Pháp, bằng chỉ tốt, có độ mỏng, mềm và mặt vải rất mịn
– Trong một số cuộc thi Hoa hậu, Người đẹp Tây Nguyên mấy năm gần đây,nhiều cô gái đã lọt được vào vòng trong bởi rất đẹp trong cả trang phục nguyên gốc lẫn cải tiến trên chất liệu vải thổ cẩm, đặc biệt là những bộ cải tiến, mẫu mã rất đa dạng, phù hợp với thời trang hiện đại.
– Xa hơn một chút :
Thổ cẩm Chăm với cả khung dệt thủ công và công nghiệp, bằng các nguyên liệu chỉ cao cấp, đã có tới 36 mặt hàng bán đi khắp thế giới và trong nước. Giới trẻ các thành phố lớn cũng rất ưa chuộng một số vật dụng từ thổ cẩm ( balô, ví cầm tay, móc chìa khóa, áo…).
Tháng 10/09, tôi có một cuộc “ dạo chơi ” với văn hóa K’Ho, để có thêm chuyện kể với các bạn . Rằng nghề dệt truyền thống của người Chil, người K’Ho ở đây, vẫn có bốn buôn ở xã Đạ Đờn (Huyện Lâm hà, tỉnh Lâm Đồng) “ túc tắc” giữ nghề, bởi đến mùa cưới, người K’Ho cả tỉnh đổ về đây mua thổ cẩm (mỗi đám cưới nhà gái phải nộp cho nhà trai từ 20-30 tấm thổ cẩm). Tuyệt thật đấy! Đó còn là hai địa chỉ sản xuất và kinh doanh nghề dệt huyện Lâm Hà và huyện Lăk (Đăk Lăk).
Công ty Vân Nguyễn ở xã Đạ Đờn (Lâm Hà , Lâm Đồng) có một cách làm “không giống ai” : các chị em người Chil, K’Ho được học lại nghề dệt truyền thống, rồi trên nền những tấm thổ cẩm được cải tiến nhiều sắc màu ấy, chị Vy Vân đã bổ sung thành những bức tranh sơn mài, tranh thêu, đồng hồ treo tường mang tính nghệ thuật cao. Tôi rất thích những bức tranh thổ cẩm ở cơ sở Vân Nguyễn, nhưng chắc chắn sẽ không bao giờ dám mua vì toàn tranh lớn và quá đắt. Tất nhiên, nghệ thuật “ thứ thiệt” thì phải vậy thôi.
Làng dệt thổ cẩm ở xã Krông Nô, huyện Lăk là một cơ sở rất bề thế, có nhà trưng bày và bán sản phẩm, có xưởng chết tác, có khu nội trú cho nữ công nhân người Mnông, chủ là một doanh nhân Việt Kiều Mỹ. Chắc chắn thổ cẩm làm ra không chỉ bán ở đây, ở cái nơi tận cùng của tỉnh Đăk lakk này, vì giữa rừng núi, cận kề các bon làng, người ta không dại gì đầu tư mà không có lãi. Điều khiến tôi băn khoăn là ở chỗ khác : các thiếu nữ Mnông tại đây, đã được đưa sang tận Di Linh học nghề dệt. Nhưng là học nghề dệt truyền thống của…người Chăm. Sản phẩm thổ cẩm Chăm hàng ngày các em làm ra rất đẹp, kể cả chất liệu vải lẫn màu sắc. Nhưng sản phẩm thổ cẩm truyền thống Mnông thì dẫu hoa văn có rất độc đáo và khác lạ, nhưng nguyên liệu lẫn màu sắc sản phẩm thì không “ bắt mắt ” chút nào. Du khách nếu có ghé lại, chắc chắn sẽ mua các sản phẩm từ thổ cẩm Chăm chứ không phải thổ cẩm Mnông.

– Xa hơn nữa :
Công nghiệp dệt của Ấn độ đã góp phần duy trì bộ Sari truyền thống của phụ nữ, bởi chất lượng, các màu sắc đa dạng của loại vải dùng cho loại trang phục này. Ở Lào và Thái Lan cũng vậy.Chính ngành dệt may công nghiệp đã góp phần gìn giữ đặc trưng văn hoá mặc ở các nước này.( Bà con các dân tộc Tây Nguyên lâu nay vẫn rất thích sắm cho con gái chiếc váy Thái Lan hoặc vát Lào. Bản thân tôi thuở nhỏ cũng có được nhận một chiếc váy Lào, là vật kỷ niệm của bà nội dành cho đứa cháu gái đầu tiên ).
Như thế có nghĩa là : nếu muốn duy trì và phát triển nghề dệt thủ công truyền thống, thì không nên chỉ chú trọng đến việc dạy nghề bằng phương pháp dệt thủ công, mà phải kết hợp song song giữa thủ công với công nghiệp, chú trọng tới việc tìm và tạo ra những nguồn nguyên liệu mới, cải tiến mẫu mã… Việc tạo ra những mặt hàng từ nguyên liệu thổ cẩm cũng quan trọng không kém, để có thể trở thành những mặt hàng có giá trị kinh tế cao, tham gia vào thị trường, đặc biệt là thị trường du lịch đang mỗi ngày một đa dạng hơn, như cách làm của Vân Nguyễn.
Thổ cẩm nguyên gốc chỉ kén khách du lịch ưa tìm của lạ, không còn hợp với điều kiện lao động sản xuất và sinh hoạt hiện tại, lại còn rất cần vừa với tuí tiền và thị hiếu của lớp trẻ trong cộng đồng dân cư. Điều cuối cùng là nghề dệt phaỉ đi đôi với nghề may, nếu không cũng lại tốn tiền vô ích.
Sao cho những tấm váy, áo thổ cẩm rực rỡ sắc màu lễ hội, còn đó trong hiện tại, góp phần không nhỏ cho việc gìn giữ bản sắc văn hóa vật thể và không gian văn hoá cồng chiêng của đồng bào các dân tộc Tây nguyên.
Nhìn từ trang phục trong các liên hoan nghệ thuật dân gian
Đã từ lâu, thổ cẩm và trang phục các dân tộc thiểu số miền núi là một trong những nét đặc trưng của văn hoá của mỗi tộc người. Đến chợ Sa Pa, hay chợ Bắc Hà ở phía Bắc, người ta dễ nhận ra những cô gái Dao với chiếc mũ đỏ chói làm hồng thêm gương mặt, bước chân xúng sính của những thiếu nữ H’Mông trong chiếc váy xếp hàng mấy chục nếp gấp.Chị em người Thái óng ả trong tấm áo chẽn, hàng cúc bạc & chiếc váy đen kín gót. Bàn tay khéo léo của các nàng Xá Phó thêu hàng trăm ngôi sao trắng trên tấm váy áo đen xen chỉ đỏ… Đi về phương Nam các cô gái Chăm, Khơ mer lại phô vẻ duyên dáng qua đủ kiểu những tấm khăn choàng vai mềm mại.
Lấy nền đen, bằng tất cả những nguyên vật liệu của rừng đại ngàn Trường Sơn, phụ nữ Tây nguyên cũng tạo nên cho mình những bộ trang phục mang vẻ đẹp rất riêng của núi rừng. Hình tượng cuộc sống và môi trường xung quanh được dệt hết lên những tấm váy áo. Đơn sơ như trang phục nữ Jrai, lại khoe tài trên mảnh hoa văn nơi cặp mông đánh đưa uyển chuyển trong mỗi bước đi hay dáng múa. Những cô gái Bâhnar thả cho hai tay áo hững hỡ đính trên vai để khoe bắp tay trần tròn lẳn. Hay bộ váy ngắn ngang bắp chân, áo cộc tay khoẻ khoắn của những thiếu nữ Mnông, Bih chẳng khác gì thời trang hiện đại. Phụ nữ Êđê dường như kín đáo hơn trong áo cổ thuyền dài tay,váy trùm kín gót chân nhưng lại chỉ khép hờ nơi vạt trước, khiến mỗi bước đi rất cần khép nép. Tấm váy chỉ đủ cao che ngang bầu ngực của các thiếu nữ Ca Tu thật quyến rũ. Đặc biệt chiếc áo nam của tù trưởng Êđê với hai màu đỏ đen và những chiếc nút vàng thật rực rõ và oai vệ… Chỉ những bộ váy áo nguyên gốc đó thôi, cũng đủ là những mẫu thời trang lạ và không kém phần độc đáo, tôn vẻ khoẻ đẹp và duyên dáng của người miền núi.

Chợt nhớ :
– Một vài năm sau ngày đất nước thống nhất, phụ nữ các dân tộc thiểu số Tây nguyên vẫn giữ cách mặc váy đen dài cùng với áo thường phục các loại (kể cả nơi công sở & trường học). Phụ nữ Thái- H’Mông vẫn mặc thường ngày những bộ váy áo của dân tộc mình
– Trong “Liên hoan Văn hoá cồng chiêng & đua voi Tây Nguyên lần thứ I-1993” tại Buôn Ma Thuột Ban tổ chức quy định : các dân tộc phải mặc đúng trang phục truyền thống nguyên gốc của mình. Đa số nghệ nhân các tỉnh đều thực hiện nghiêm túc.Chỉ có hai đoàn phải có lời “trần tình”, đó là đoàn các nghệ nhân tộc người Rak glây (Khánh Hoà), vì cho đến cả những người già nhất của các làng, cũng không nhớ nổi trang phục nguyên gốc của mình là gì? Và đoàn nghệ nhân dân tộc Brâu ( Kon Tum), trang phục là những chiếc bao tải đựng gạo loại 50kg, khoét cổ & hai tay cộc, bởi trước khi lên đường “lửa ăn” hết cả buôn.
– Liên hoan cồng chiêng tỉnh Gia Lai năm 1996, hơn 500 nghệ nhân là hơn 500 bộ trang phục gần như nguyên gốc (kể cả những dân tộc phía Bắc có mặt trong liên hoan). Như một rừng hoa đẹp sáng bừng phố núi Plei ku.
Vậy mà tiếc thay, vài năm gần đây, mặc dù nghề dệt thổ cẩm ở Tây nguyên chưa bị mất hẳn, thậm chí ở một số vùng còn có thể phát triển (đặc biệt là thổ cẩm Chăm) qua những HTX dệt thổ cẩm, nhưng càng ngày những bộ trang phục nguyên gốc càng bị biến dạng và mất dần vẻ đẹp độc đáo của chính “ nó”. Như:

– Trong liên hoan “Dân ca –Dân vũ lần thứ II- 2004,Buôn ma Thuột”, đoàn nghệ nhân Đăk Nông hầu như không còn bộ trang phục nguyên gốc nào. Đoàn Đăk lăk cũng chỉ đạt tỷ lệ một nửa .
– Trong “Liên hoan Văn hoá cồng chiêng các dân tộc Trường Sơn – Tây nguyên” ở Lâm Đồng 7- 2002 và Đăk Lăk 12-2004, tỷ lệ các trang phục nguyên gốc cũng chỉ chiếm 30%. Thậm chí đoàn nghệ nhân của huyện Lâm Hà ( Lâm Đồng) xử dụng hoà toàn trang phục “ cải biên” như diễn viên đoàn ca múa chuyên nghiệp.
– Liên hoan nghệ thuật dân tộc & dệt thổ cẩm tỉnh Đak lăk, giao lưu các thôn buôn văn hoá thành phố BMT (trong khuôn khổ những hoạt động mừng kỷ niệm BMT 100 năm hình thành – phát triển & 30 năm ngày giải phóng), tình hình trang phục dân tộc “ cải tiến” cũng chiếm đa số.
Điều này thật làm buồn lòng không chỉ các ama, ami cao tuổi của buôn làng, mà còn cả trong tâm trạng những người yêu quý & thực tâm mong muốn gìn giữ văn hoá truyền thống của Tây nguyên.
Có ba trạng thái biến dạng của trang phục cổ truyền các dân tộc Tây nguyên :
– Một là: may đại trà (nhất là cho học sinh các trường nội trú dân tộc) theo kiểu trang phục của các đoàn nghệ thuật – Nghĩa là vải đen và một số đường kẻ ngang, phổ biến là vàng & đỏ. Váy áo cho nữ và áo ghile cho nam. Một số các đội văn nghệ quần chúng ở các buôn làng cũng may theo hình thức này, có khác chăng là đính thêm những hạt kim sa tạo sự lóng lánh cho trang phục biểu diễn. (Thậm chí chiếc áo dài đen của các cô gái Tày cũng viền kim sa quanh kín vạt).
– Hai là : váy thổ cẩm nhưng mặc áo thường. Nam thì ngược lại, áo thổ cẩm nhưng quần âu phục (đây hình như là cách mặc phổ biến nhất trong những ngày lễ hội)
– Ba là : vẫn là tấm vải thổ cẩm dệt từ tay các phụ nữ của buôn làng, hoặc thổ cẩm dệt máy công nghiệp, nhưng không còn hoa văn chỉ có những đường kẻ ngang và được may theo thời trang hiện đại ( cúp, đầm dây, xường sám, ghile…) váy áo nữ đính kèm đủ kiểu những đăng ten, ren các màu. Đây cũng chính là trang phục của đa số các nghệ nhân từ già đến trẻ tham dự những liên hoan nghệ thuật dân gian Tây nguyên gần đây.
Chúng tôi không có ý định phản đối lớp trẻ hiện nay cải tiến trang phục thổ cẩm. Nếu xử dụng trong sinh hoạt ngày thường, hoặc một ngày lễ chung nào đó, thì thổ cẩm được may theo thời trang mới sẽ là một hình ảnh rất đẹp. Cải tiến để có thể mặc được, mặc đẹp trong đời thường bằng thổ cẩm, càng là việc nên làm. Ví dụ như Á hậu Người đẹp Tây nguyên 2004 H’Wion Knul đã xuất hiện rất ấn tượng ở Tuần Châu trong vòng chung kết Hoa hậu Việt nam, với chiếc đầm dây may từ vải thổ cẩm do chính cô tự thiết kế. Hay vẻ đẹp trong trang phục thổ cẩm của cô gái Êđê Á hậu cuộc thi “Người đẹp dân tộc” ở Đà Lạt 2006. Hoặc kiểu áo ghile dành cho nam giới, rất tiện và lịch sự. Chỉ tiếc rằng chưa có ai quan tâm thật sự đến việc này, để các chị em tự cải biên một cách rất thiếu thẩm mỹ . Đã chẳng “ mốt” hơn ,lại còn dường như làm mất đi vẻ đẹp vốn có của trang phục truyền thống đích thực.
Trang phục truyền thống là vẻ đẹp riêng của mỗi một tộc người, không nên để bị mai một, hoặc bị cải biên một cách sai lệch, mà chẳng hề làm cho nó đẹp lên hơn. Cách bảo tồn và phát triển nghề dệt truyền thống tốt nhất là làm sao để nó tồn tại thực sự trong chính cộng đồng của mình. Làm sao để từ những chiếc khăn cõng con, tấm chăn đắp hàng ngày, nhất là bộ trang phục nguyên gốc, mỗi thành viên trong một gia đình đều nên có. Chỉ cần tìm kiếm một loại chỉ làm cho mặt vải mỏng hơn, may cách nào cho dễ mặc hơn. Sau nữa mới là những bộ cải tiến cho dễ mặc và hợp thời trang hơn của giới trẻ.
Với công tác văn hoá ở các vùng dân tộc, nên chăng cần có các quy định rõ ràng trong các cuộc liên hoan nghệ thuật dân gian, về trang phục nguyên gốc. Nếu có cải tiến chỉ xuất hiện trong những liên hoan nghệ thuật quần chúng & thi trang phục, có phần trình diễn trang phục tự chọn & cải tiến . Cũng nên có giải thưởng đặc biệt cho những bộ trang phục đẹp, hợp thời trang, cải tiến từ chất liệu thổ cẩm Tây nguyên.
Mong sao cho như tà áo dài của phụ nữ Việt Nam, cải tiến theo Đông, Tây thế nào, cũng vẫn giữ được dáng vẻ thuần Việt. Trang phục dân tộc nguyên gốc chắc chắn là những bông hoa làm đẹp thêm cho vườn văn hóa Việt nói chung và Tây Nguyên nói riêng.
Linh Nga Niê Kdăm