Lái đi an toàn

Chào các bạn,

Các bạn có thấy nhiều quan chức mạnh miệng chống tham nhũng trong mỗi tuyên bố và diễn văn của họ, cho đến lúc họ bị điều tra và phát hiện là vua tham nhũng. Các bạn lý giải thế nào về hiện tượng này.

Mọi chúng ta có lẽ đều kết luận đó là đạo đức giả – vừa đánh trống vừa ăn cướp. Hoặc là dương đông kích tây – đánh lạc hướng tập trung của thiên hạ. Nhưng mình nghĩ rằng có lẽ có một lý do khác thường xuyên hơn. Đó là: Ta thấy người ta tham nhũng, nhưng ta không thấy mình tham nhũng. Và đó là si mê của Phật gia.

Người ta tham nhũng, gian lận rành rành. Còn mình thì chỉ nặng ân tình giúp bạn bè chút xíu đây đó, tụi nó tặng quà đáp lễ thì mình nhận cho tụi nó vui lòng, chứ mình có đòi hỏi tụi nó phải làm gì cho mình đâu; hay, huyện đó còn hoang vu quá, mình lấy tiền thuê đất thật rẻ để khuyến khích các công ty đến đầu tư, có gì là tham nhũng, mình có lợi lộc riêng tư gì đâu; hay, mấy thằng đàn em làm giặc, mình có biết gì đâu…

Nếu bạn nghe các bị cáo quan tham nói trong tòa, có lẽ các bạn cũng như kiểm sát nhân dân và quan tòa gạt phăng các lải nhải đó ra ngoài, nhưng mình nghĩ rằng nhiều lý lẽ đó có thể là sự thật. Dù là sự thật những lý lẽ đó cũng chẳng cứu quý vị được, vì các tội danh như “Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” (Điều 219 Bộ luật Hình sự Việt Nam) tập trung vào “vi phạm quy trình” và “gây thất thoát lãng phí” cho tài sản nhà nước. “Vi phạm quy trình” và “gây thất thoát lãng phí” là đủ để bóc lịch, dù vi phạm quy trình vì bạn bất cẩn hay cố tình, và dù bạn có nhận tiền tham nhũng hay không. Các quý vị tham nhũng thường giấu tiền rất kỹ, cho nên tập trung vào quy trình thì dễ nắm tóc quý vị hơn.

Tuy nhiên điều mình quan tâm không phải là quý vị đó có tội hay không đối với luật pháp quốc gia. Điều mình quan tâm là nhiều người phạm tội mà không biết mình phạm tội, chỉ nghĩ là mình giúp này giúp nọ mà thôi. Thường là các quý vị công ty tham nhũng chẳng hề nói tôi sẽ đút tiền cho anh để anh giúp tôi vụ này. Các công ty đưa đủ lý do ích nước lợi dân để thuyết phục quan chức, nghe rất có lý. Và các công ty thường nói thật mảng đó, chỉ là một mảng tai hại cực lớn cho quốc gia thì công ty chẳng nói gì, vì: “Đó không phải là việc của em. Việc thấy cái hại là việc của nhà nước. Chúng em chỉ nhìn vào cái lợi cho đất nước (suỵt, và cho túi tiền của chúng em) thôi.” Nghĩa là, rất nhiều quan chức địa phương vì lớ ngớ mà không thấy cái hại, chỉ thấy được cái lợi do công ty trình bày. Kiểu như bạn đi mua hàng mà gặp nhân viên bán hàng nói về cái hay của món hàng và không thể nói cái tồi của món hàng (vì sẽ bị cho nghỉ việc ngay tức thì). Còn công ty đút lót thì khỏi phải trả giá, bạn cứ làm tốt cho công ty rồi công ty sẽ tặng quà cảm ơn bạn.

Mình đã thấy nhiều người bị đi tù vì bất cẩn hơn là cố ý. Đó mới là vấn đề. Tham nhũng và thanh liêm chỉ cách nhau một đường chỉ. Lỡ chân là bạn bước sang đường chỉ đó mà không biết. Mình có anh chàng bạn cựu Nghị viên Hạ viện Mỹ, bị đi tù vì lobbying cho khủng bố, dù anh chàng nói là chẳng biết các quý vị kia có liên quan đến khủng bố.

Luật sư cũng rất dễ phạm các lỗi về đạo đức nghề nghiệp nếu mình không cực kỳ để ý. Luật đạo đức nghề nghiệp của luật sư ở Mỹ chi li đến mức mỗi công ty lớn đều có ít nhất là một luật sư làm chuyên gia luật đạo đức nghề nghiệp cho các luật sư khác, mình làm gì cũng cần hỏi ý kiến luật sư đạo đức đó cho chắc ăn.

Ví dụ: Có một lần mình thắng kiện cho chính phủ của một nước, muốn làm bữa tiệc nhỏ ăn mừng thắng kiện. Hỏi luật sư đạo đức: “Mình muốn mời một nhóm quan chức ăn uống với nhóm luật sư của mình, mừng chiến thắng, có được không?”

Anh luật sư đạo đức nói: “Anh tính trả tiền cho buổi tiệc phải không?”
– “Đương nhiên là mình trả.”
– “Giả sử anh có 5 quan chức, mỗi người tốn khoảng 100 đô thì đó là 500 đô. Luật ấn định quà cho quan chức không quá 25 đô.”
– “Vậy làm sao mà có bữa tiệc được.”
– “Anh phải biến bữa tiệc thành buổi làm việc. A working lunch. Vừa ăn vừa bàn công việc. Như là những biện pháp kế tiếp để đỡ bên kia chống án. Và chi phí lunch là chi phí làm việc của anh, không phải là quà cho quan chức. Và mỗi người 100 đô cũng không phải là một buổi ăn trưa bình thường. Giảm xuống một chút.”

Đấy, các bạn thấy mình sơ ý là có thể phạm luật rất dễ. Bình thường cũng không ai quan tâm đến mấy chuyện nhỏ đó. Nhưng khi có chuyện gì, thì mọi thứ lắt nhắt stupid như thế sẽ được đưa lên báo, thành chuyện rất tồi.

Mình nói thế để các bạn quan tâm. Chúng ta làm sai thường xuyên chưa chắc là vì cố tình, nhưng vì sơ ý và bất cẩn thì nhiều. Cho nên, muốn cho khỏi bị sai lạc, thì thường phải tránh đường ranh giới đúng sai thiện ác rất xa. Đừng đi quá sát ranh giới, lỡ một tí là bước chân sang bên kia.

Luật pháp vô tình. Thấy sai là chém. Đừng làm sai rồi cố giải thích, chẳng ai nghe.

Chúc các bạn luôn an toàn.

Mến,

Hoành

© copyright 2022
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

One thought on “Lái đi an toàn”

  1. Em cảm ơn anh. Chia sẻ của anh rất là đáng giá. Em thấy làm quản lý muốn vận hành theo quy định không dễ dàng gì. Vì
    1. Trong một môi trường nơi sự chuyên nghiệp còn ở mức sơ khai, tâm thức chung vẫn là khi phát biểu thì theo sách vở, lúc tiến hành thì theo lợi ích. Oscillation quanh ranh giới là một thứ “bất thành văn” thường ngày.
    2. Peer pressure lớn. Con người là sinh vật tập thể, không ai muốn mình bị chỏi so với nhóm. Nên khi mình muốn giữ vững lập trường làm đúng mình cần sẵn lòng cười được khi thường bị gắn các nhãn “khó” , “cứng nhắc”, “thằng khùng”, …
    3. Dù mình có thành công trong việc giữ mọi thứ đúng quy định, mình lại phải đối diện với các cám dỗ và traps tâm lý trong con người mình từ thô cho đến vi tế như cảm giác thua thiệt “ Mình làm vậy bị ghét mà chẳng được gì, trong khi đứa A, B, C gian dối thì được cái này cái kia. Sao mình làm tốt mà chẳng ai động viên công nhận. Hay mình cứ theo họ đi vì 99,9% là chả vấn đề gì, vừa không bị ghét vừa có lợi”. Hoặc như vô thức thấy mình thanh cao hơn người, tâm lý ngạo đời và bất mãn nảy sinh.
    Đó là khi mình có tâm nguyện làm đúng và từ chối tư lợi. Còn những người quản lý với mong muốn tư lợi ngay từ đầu thì si mê ngay điểm xuất phát rồi chẳng bàn tới.
    Quả là không dễ anh ha. Dẫu vậy qua nhiều năm em cũng có tiến bộ trong việc giữ mọi thứ đúng quy định mà có thể truyền thông tốt cho cấp dưới, đồng nghiệp và cấp trên hiểu được quyết định của mình.
    Em cầu nguyện cho mình không bị sảy chân, cho các vị quản lý với tâm nguyện tốt đứng vững trước cám dỗ một cách khôn khéo, cho tâm thức cộng đồng dần bớt vị kỷ hơn, và cho các quy định hỗ trợ vận hành quản lý càng ngày càng chặt chẽ hơn để tất cả mọi người coi việc làm đúng là đương nhiên vì có muốn lách cũng chả dễ.
    Chúc anh một ngày sáng suốt,
    Em

    Liked by 1 person

Leave a comment