Bài học ngoại giao 4 – Chào

Chuỗi “Bài học ngoại giao”

Chào các bạn,

Chào nhau thường là lúc mới gặp nhau và khi từ giã. Hiện tượng toàn cầu hóa ngày nay cho chúng ta một điều lợi là ta có nhiều cách chào của nhiều dân tộc khác nhau mà ta đều có thể dùng được tại bất kỳ lúc nào nơi nào. Điều này cho phép chúng ta sử dụng các cách chào một cách sáng tạo trong ngoại giao.

• Cách chào phổ thông nhất là bắt tay kiểu tây phương. Cách này thì có thể dùng mọi nơi trong môi trường làm việc. Thường là người cao chức hơn chìa tay ra trước, mình thấp chức thì chìa tay ra sau.

Xiết tay khá chặt (đừng nhũn như cọng bún, nhưng cũng đừng dùng nội công dữ dội đến nỗi người kia phải quỵ xuống sàn, trừ khi bạn đang thi triển võ công dằn mặt như trong truyện kiếm hiệp 🙂 ). Xiết tay và đưa lên đưa xuống chừng 3 lần (tiếng Anh gọi là pumping – bơm), rồi ngưng và thả tay ra. (Nếu tay nàng êm ái quá cũng đừng ăn gian và nắm lâu hơn, bất lịch sự 🙂 ).

Trong thời gian bắt tay thì nhìn thẳng vào mắt người mình bắt tay, đừng nhìn nơi khác. Thả tay ra rồi thì có thể không cần nhìn thẳng vào mắt nữa, nhưng cũng đừng có xoay ra nhìn nơi khác hay người khác. Vẫn tươi cười tập trung vào người mình bắt tay.

Trong trường hợp gặp nhau 2 đoàn đông người, mọi người phải chào nhau, thì mình cũng nên đợi một chút để các vị cao chức chào nhau, rồi mình mới tự do đi chào mọi người. Trong trường hợp đó, trong môi trường làm việc, mình tự do đến gặp người nào thì gật đầu chào rồi chìa tay ra trước và tự giới thiệu: “How do you do. My name is Hương, from Ministry of Foreign Affairs.”

(“How do you do” là câu chào trịnh trọng, không phải câu hỏi. Nếu người ta chào mình “How do you do” thì mình chào lại: “How do you do. Brian from State Department. Nice to meet you.” Nếu không muốn chào bằng “How do you do” thì dùng “Good morning/afternoon/evening” cũng được, hay không trịnh trọng thì “Hello” hay “Hi”).

Bên ngoài môi trường làm việc, ở Âu Mỹ thường không quan trọng tuổi tác, nên mình nhỏ tuổi chìa tay ra trước cũng được. Nhưng ở Á Châu, nếu không trong môi trường làm việc, thì nên đợi người lớn tuổi chìa tay ra trước cho phải lễ.

• Tuy nhiên, thế giới, đặc biệt là Á châu, có nhiều cách chào khác, mà chúng ta có thể dùng kèm theo bắt tay.

– Gật đầu lễ độ cách Việt Nam. Lúc mới gặp nhau chỉ hai người, hay 2 đoàn người, chúng ta luôn có thể lặng yên gật đầu lễ độ. Sau đó đến gần nhau hơn mới tự giới thiệu và bắt tay.

– Gập mình kiểu Nhật, rồi đến gần bắt tay và tự giới thiệu.

– Chắp tay cúi đầu kiểu Thái Lan, rồi đến gần bắt tay và tự giới thiệu.

(Khi từ giã thì làm ngược lại, bắt tay rồi mới gật đầu chào, gập mình, hay chắp tay cúi đầu).

Câu hỏi là, Bắt tay đủ rồi, sao cần phải thêm cách chào Á Châu làm chi cho rườm rà?

Câu trả lời là, Tùy theo ấn tượng bạn muốn tạo ra.

Các cách chào phương Đông luôn có vẻ rất lễ độ đối với người Âu Mỹ. Nếu bạn chào kiểu đó, tự nhiên họ rất lễ độ với bạn và có lẽ sẽ lễ độ như thế trong suốt cuộc họp, không dám dùng từ ngữ bất lịch sự với bạn.

Nó còn nói nhẹ nhàng: “Tôi rất truyền thống và sẽ bảo vệ Việt Nam tối đa. Đừng hòng chèn ép tôi.” Đăc biệt là nếu bạn mặc áo dài Việt vào phòng họp.

Các cách chào Á Châu này, người Á châu dùng chung nhau được, chẳng ai thắc mắc sao cô Việt Nam mà chào như Nhật hay Thái. Đối với thế giới người Á Châu lễ độ như nhau.

• Trở lại bắt tay. Có vài biến đổi của bắt tay.

Người Việt có cách bắt bằng hai tay rất lễ độ. Bạn có thể dùng cách này với người lớn tuổi hơn, người Việt hay người Âu đều được. Nhưng không dùng được trong nghi lễ ngoại giao – nếu tổng thống nước kia lớn hơn tổng thống mình 20 tuổi, thì cũng phải chào kiểu ngang hàng.

Bắt bằng tay phải và tay trái úp lên hai bàn tay đang bắt của hai người, tỏ tình thân mật. Nhưng cẩn thận, vì người đứng xa có thể nhầm đó là cách bắt hai tay.

Bắt tay phải và tay trái nắm cánh tay phải của người đối diện: Tỏ tình bạn bè thân mật, chỉ dùng được với bạn đã thân.

Ngoài ra, mỗi nước còn có những tục lệ riêng về bắt tay: Có nước thì bắt tay đàn ông, nhưng hôn tay phụ nữ. Có nước thì không được bắt tay (nắm tay) phụ nữ. Đến nước nào thì phải đọc qua văn hóa giao tiếp nước đó.

Chúc các bạn ngoại giao tốt.

Mến,

Hoành

© copyright 2017
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

6 thoughts on “Bài học ngoại giao 4 – Chào”

  1. Em cám ơn anh chỉ dẫn. Thật thú vị khi trong bài có tên ví dụ giống tên em.

    Em có thắc mắc về xưng tên họ ạ. Khi em nêu cả họ và tên của em (cả trong văn viết và nói) thì em nên nói thế nào?

    “My name is Phạm Thu Hương”, hay “Hương Phạm”, hay “Thu-Hương Phạm”?

    Em biết phần lớn mọi người thường đưa tên của mình ra trước họ, ví dụ “Hương Phạm”, theo style xưng tên họ của người nước ngoài (tên trước, họ sau). Style xưng tên họ kiểu này, nếu phải dùng thì em dùng. Nhưng em nghĩ, mình là người VN, nếu mình xưng tên họ theo style VN (họ trước, tên sau) thì đó cũng là một nét văn hóa thú vị và đặc trưng VN với người nước ngoài. Trong thời đại toàn cầu hóa này, những nét văn hóa đặc trưng và truyền thống của dân tộc thường hấp dẫn trong mắt người nước ngoài.

    Em Hương

    Like

  2. Em cám ơn anh ạ.

    Em có suy nghĩ tiếp về cách chào, về cách chào Á Châu.

    Nếu em mặc áo dài Việt, em thường có khuynh hướng để tay như thế này:

    Có lẽ cũng có nhiều chị em mặc áo dài thường để tay như vậy (thay vì để hai tay buông thõng khi mặc suit). Và do đó, khi chào kiểu Á Châu, thường có khuynh hướng hơi cúi đầu và hơi gập mình một chút.

    Vừa để hai tay như vậy, vừa gập người chào như vậy – một mặt, em thấy đây là kiểu chào rất lễ độ và trịnh trọng, mặt khác, em thấy kiểu chào này hơi giống giống kiểu tôi tớ chào ông chủ, bà chủ thời phong kiến xưa. Em không biết đó có phải là cách chào nên dùng không.

    Em Hương

    Like

  3. Hi TH,

    Anh thấy để tay như vậy và cúi đầu một tí để chào thì rất đẹp và ngoại giao. Điểm chính là nó nhìn rất lễ độ và lịch sự.

    A. Hoành

    Like

Leave a comment