Địa phương văn hóa

Chào các bạn,

Mình đang trong kỳ nghỉ hè, có chuyến đi về Việt Nam và mình đi dọc từ Nam ra Bắc. Có một điều thú vị khi mình đi trên đường, từ nông thôn đến thành phố, từ rừng cho đến biển thì đi qua chỗ nào cũng thấy những tấm biển , tấm bảng rất to mà mình biết chắc chắn là người Việt Nam cũng rất quen thuộc. Đó là tấm biển với dòng chữ: Thôn Văn Hóa, Phường Văn Hóa, Bản Văn Hóa hay là Xã Văn Hóa.

Mình không rõ là tiêu chí của từng nơi xét duyệt, đánh giá, quy định để được trở thành thôn Văn Hóa hay và để được treo cái biển đó lên là gì. Mình cũng chẳng biết được là định nghĩa Văn Hóa trong tiêu chí đó là gì?

Có một điều mình biết chắc chắn rằng trong những thôn, những làng, những bản, phường xã mà mình đi qua, những nơi “Văn Hóa” đó vẫn còn nghèo đói, vẫn còn trẻ em phải lao động kiếm sống và kiếm ăn hàng ngày, vẫn còn tham ô từ dân đến cán bộ và rất nhiều thứ khác không kể hết được…

Mình cũng đi qua một vùng bãi biển mà nó lộn xộn, nhếch nhác có lẽ tồi tệ hơn 20 năm trước mình đi biển như là Cửa Lò, Sầm Sơn. Và tất nhiên địa phương có cái vùng bãi biển đó cũng gọi là xã phường Văn Hóa. Mình vẫn chưa nói đến nhiều thứ khác xung quanh

Mình để ngỏ mấy câu hỏi ở phía trên về mấy thứ Văn Hóa và văn hóa biển hiệu như thế để chúng ta cùng suy ngẫm đâu là sự thật,  cái gì làm nên giá trị văn hóa, đâu là sự gian dối, đại khái. Để thấy chúng ta còn thật nhiều việc để làm, đặc biệt là các bạn trẻ. Mình chỉ biết rằng nếu chúng ta tiếp tục chấp nhận, làm ngơ những thứ văn hóa thành tích, văn hóa cào bằng, văn hóa biển hiệu thì đất nước Việt Nam còn nghèo nàn và ì ạch.

Dù sao thì nhiều thôn phường cũng đã lấy văn hóa làm mục tiêu trên các bảng hiệu. Nếu ta tập trung vào đó và bảo nhau cùng cố gắng thực hành thật sự, thì sẽ có nhiều hy vọng cho tương lai.

Mến,

Thu Hằng

4 thoughts on “Địa phương văn hóa”

  1. Chị từ nhỏ đã thấy những băng rôn khẩu hiệu như thế này, và tiêu chí Hộ gia đình Văn hóa nữa chứ, vui lắm, hồi chị đi học ở trên HN không đi họp tổ dân phố (hình như có đi 1 lần, vì bị nhắc quá, mà chuồn về ngay) nên không được gia đình văn hóa bao giờ cả!

    Nhiều khi ở trong hoàn cảnh xã hội đó mãi không cảm thấy có gì sai với “Mừng Đảng Mừng Xuân” hay băng rôn “Đảng Cộng Sản Việt Nam Quang Vinh Muôn Năm” ở khắp mọi nơi cả, giống như Làng Văn Hóa vậy, chỉ là những từ ca ngợi trừu tượng, ai thích ca ngợi gì cứ việc, chị cũng đồng ý với em sống thế nào mới là vấn đề cần quan tâm.

    Nhiều khi chị thấy việc ca ngợi cũng có ích, giống như anh Hoành hay nói phần đầu trong các bài Kinh Mừng thường là ca ngợi Thiên Chúa hay Đấng Allah để con người trở nên khiêm tốn vậy. Hình như đặc trưng văn hóa của con đường Cộng sản cũng rất tương tự như vậy, tung hô, băng rôn, khẩu hiệu và đề cao lãnh tụ. Nhưng việc đề cao lãnh tụ và tung hô Đảng CSVN hình như có hơi lố hehe.

    Còn chuyện cái cổng làng Văn hóa nữa chứ, bữa trước chị đọc Thầy Thái Bá Tân có bài thơ:
    LÀNG KHÔNG VĂN HÓA
    Khoảng mười năm về trước
    Tôi giúp làng tôi xây
    Chiếc cổng làng khiêm tốn
    Với điều kiện thế này:
    “Không ghi Làng Văn Hóa.
    Đơn giản Làng Vĩnh Yên.
    Tốn bao nhiêu, tôi chịu.
    Đồng ý, tôi gửi tiền.”
    Ông bí thư chi bộ
    Cáu tôi lắm, nhưng rồi
    Tính thực dụng đã thắng.
    Ông gọi điện cho tôi.
    Và thế là từ đấy,
    Ghi rõ trên cổng làng:
    Làng này không “văn hóa”,
    Nhưng cổ kính, đàng hoàng.

    Chúc em đi chơi vui, gặp nhiều người thú vị và kể nhiều chuyện hay
    Chị H

    Like

  2. Đồng cảm với bài viết của Hằng và rất thích bài thơ của Thái Bá Tân mà Hường giới thiệu!

    Chúc Hằng đi chơi vui, phát hiện và kể thêm nhiều chuyện “lạ” ở quê hương…

    Like

  3. Văn hóa là văn hóa trong cuộc sống chứ ghi lên như vậy có lẽ sẽ làm ai đó chạnh lòng. Bởi vì ngay tại làng văn hóa vẫn có cảnh chồng đánh vợ tối ngày, vẫn có hội cờ bạc, vẫn còn trộm cướp tài sản, vẫn còn cảnh làm thủ tục hành chính thì ” hành” là “chính”. Đó là ngay tại địa phương em, ngay những gì em thấy tận mắt, nhe tận tai, …
    Bài thơ của thầy Thái Bá Tân rất hay, cảm ơn chị

    Like

  4. Quanh chuyện này suốt nhiều năm nay đã có nhiều nói cười lắm rồi. Có lẽ mỏi miệng nên lâu rồi không thấy nhiều người lấy ra làm đề tài bàn luận nữa.

    Thế nên Linh hoàn toàn đồng ý với kết luận của Hằng “Dù sao thì nhiều thôn phường cũng đã lấy văn hóa làm mục tiêu trên các bảng hiệu. Nếu ta tập trung vào đó và bảo nhau cùng cố gắng thực hành thật sự, thì sẽ có nhiều hy vọng cho tương lai”. Ở nước mình hiện nay không hiếm chuyện có vỏ mà không có ruột. Thôi thì trong lúc chạng vạng này, có được cái vỏ hay cũng là tốt rồi, việc còn lại là mỗi người tự đổ đầy phần ruột của mình vào trong cái vỏ “văn hóa” này. 🙂

    Like

Leave a comment