Networking

Chào các bạn,

Tối hôm qua (thứ năm, 20/9/12) mình và bà xã dự một reception tại một công ty luật hàng đầu nước Mỹ. Đây là loại reception quen thuộc ở Washington D.C.—các luật sư vào hàng số một, vài thượng nghị sĩ, vài hạ nghị sĩ, nhiều cựu nghị sĩ, đại sứ các nước, quan chức nhà nước, cựu quan chức nhà nước, đại diện các đại công ty, etc… Không có ghế để ngồi. Buổi tiếp tân dài 3 tiếng đồng hồ, mọi người lấy nước uống ở quầy nước, có bartender pha nước cho khách (thường là rượu trộn với nước trái cây), lấy thức ăn ở nhiều quầy buffet đặt rải rác, vừa ăn vừa đi tìm người đứng nói chuyện.

Nếu không quen kiểu reception này thì đứng rất mệt. Người Mỹ dùng các coctail party như thế này để nói chuyện, làm quen, không ngồi một chỗ. Và rất bình đẳng, vì không có chỗ ngồi để có mâm trên mâm dưới, bàn chính bàn phụ.

Duy chỉ có một điều mình không thích là các luật sư trẻ và các chính trị gia trẻ quá hăng say networking, đâm ra thấy rất hời hợt và đôi khi bất lịch sự. Gặp nhau bắt tay giới thiệu nói hai ba câu kiểu không nói gì, mắt liếc tứ tung như đang tìm gái, rồi chào bye bye đi tìm người khác.

Đương nhiên là các luật sư trẻ và chính trị gia trẻ này là thuộc nhân tài hàng đầu nước Mỹ. Ai cũng có thể nói chuyện về nghề nghiệp rất thông minh, nghe rất ấn tượng. Nhưng điều đau khổ là ở trong những nơi thế này ai cũng thông minh cả nên thông mình cũng chẳng gây ấn tượng cho ai cả. Và các cậu chỉ tranh nhau networking, hấp tấp thấy tội. Và các cậu cạnh tranh với nhau để networking, dù là bạn bè nhau hết. Và theo mình thấy, networking như vậy cũng chẳng được gì, nhiều khi làm cho người ta thấy bực mình vì thiếu chiều sâu và thiếu thành thật.

Mình nói là luật sư và chính trị gia trẻ, nhưng có vài luật sư lớn tuổi và chính trị gia lớn tuổi cũng có vẻ hời hợt như vậy.

Mình cũng có đi vài vòng chào hỏi những người quen. Nhưng rất may là gặp một cậu tên Matthew, chuyên viên tài chính đầu tư, đệ tử của một người bạn của mình, rất giỏi về một số vấn đề tài chánh mà mình quan tâm. Mình đứng nói chuyện với cậu ấy rất lâu, có thêm một số thông tin quan trọng. Và cậu này cũng rất chăm chú nói chuyện với mình, để ý nghe mình nói từng chữ, nên cuộc nói chuyện có nhiều chiều sâu. Có bà xã và bạn mình đứng cạnh. Bà xã khi đi về nói là cậu này thật là người có ấn tượng. Và bạn mình nói, “Chỉ cuộc nói chuyện của anh với Matthew là đủ đáng công anh đến reception này.”

Mình ở Washington mấy mươi năm mà chẳng thể thích các kiểu networking như vậy một chút nào. Kinh nghiệm xây dựng relationship của mình là nối hai trái tim vào nhau bằng tin cậy và mến phục. Cách này thì tốn rất nhiều thời giờ với một người (không bay vù vù qua hàng chục người) và thường là tốn nhiều năm. Nhưng những liên hệ sâu đậm đó mới là quan trọng.

Và sau mấy mươi năm mình thấy là cách của mình mạnh bằng trăm lần các kiểu hời hợt kia, nhưng nó tốn rất nhiều năm, nhiều kiên nhẫn, và nhân cách của chính mình làm nền (Các cô cậu trẻ thường không đủ kiên nhẫn để nhìn xa đến 10 hay 20 năm sau).

Chúc các bạn một ngày networking tốt.

Mến,

Hoành

© copyright 2012
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

16 thoughts on “Networking”

  1. Một bài học về networking thật đáng giá cho em, qua câu chuyện Party reception của anh Hoành, Cám ơn anh với những chỉ dẫn thuyết phục qua một tình huống giao tiếp cụ thể, em xin phép copy bài này nhé anh Hoành. Em Tâm

    Like

  2. Em rất đồng ý với anh Hoành,dù chỉ một người mình quen ,nhưng là chân thành ,thì mình sẽ có một mạng lưới các bạn chân thành như thế

    Like

  3. Hi Tâm,

    ANh chỉ kể chuyện lại về một kinh nghiệm thật của anh và cảm xúc của anh thôi. Anh chẳng nghĩ đến thuyết phục hay không thuyết phục. Chỉ kể cho vui, và cũng hy vọng là chia sẻ được với someone. Someone.

    Cho nên, anh hơi ngạc nhiên thú vị khi em nói “chỉ dẫn thuyết phục”. Anh đã không nghĩ đến cụm từ đó, nhưng bây giờ Tâm đã nhắc đến nó, anh rất vui vì anh cảm thấy công anh viết đã được em sử dụng. (Chẳng có gì làm anh vui bằng khi thấy những chia sẻ của anh có lợi, dù chỉ là 1 mm, cho chỉ một người bạn).

    Em khỏi cần xin phép anh để copy và re-post lại các bài anh viết trên ĐCN mà. (Nhưng các bài anh viết trên ĐCN, thì em nên lấy bản trên ĐCN sau đó 24 giờ. Vì anh luôn luôn phải viết cấp kỳ, cho nên lỗi tùm lum. Sau khi post anh sẽ có cơ hội chỉnh từ từ, và 24 tiếng đồng hồ sau khi post là khá hoàn chỉnh).

    Thực sự là không có gì làm anh muốn bằng chia sẻ kinh nghiệm của anh với các em (vì làm anh thì đó là chuyện quan trọng số 1, đó là nhiệm vụ của người làm anh làm chị), và không có gì làm anh vui bằng một người em hiểu được chia sẻ của anh.

    Sau bao nhiêu năm, anh rất chắc chắn một điều là giá trị của chúng ta cho cuộc đời này lệ thuộc trực tiếp vào 2 điếu có vẻ như mâu thuẫn nhau 100%.

    1. Thứ nhất, ta là NOTHING, là bụi đất, không là gì cả (vô ngã). Và

    2. Thứ hai, ta là Phật đang thành, hay con yêu, con cưng, của Thượng đế.

    Hai điều này, nói về cảm xúc, thì khác nhau 180 độ. Nhưng nếu ta đạt được cả hai cùng một lúc, thì trái tim của ta có lẽ đã đến sát với CHÂN LÝ cách gần nhất mà một người của hành tinh này có thể đến.

    A. Hoành

    Like

  4. Hi Anh Hoành,
    Chính vì khi viết, anh Hoành không nghĩ đến việc thuyết phục hay không thuyết phục ai, nên em đọc mới thấy bị thuyết phục,

    Hic…hic… lỗi của em, đôi lúc em suy nghĩ vội vàng nên dùng từ hớ hênh thiếu chính xác, thực ra từ em muốn nói là “những chia sẻ rất hấp dẫn của anh, qua một tình huống giao tiếp cụ thể” kiểu case stydy, làm cho em rất tâm đắc, vì em đang sinh hoạt networking trong 1 nhóm, và em thấy những điều anh chia sẻ quá đúng !!

    Bây giờ thì em lại thấy cám ơn cái comment của em, vì em lại được nghe thêm những chia sẻ cốt lỏi từ Người Anh của mình,

    ” Sau bao nhiêu năm, anh rất chắc chắn một điều là giá trị của chúng ta cho cuộc đời này lệ thuộc trực tiếp vào 2 điếu có vẻ như mâu thuẫn nhau 100%.

    1. Thứ nhất, ta là NOTHING, là bụi đất, không là gì cả (vô ngã). Và

    2. Thứ hai, ta là Phật đang thành, hay con yêu, con cưng, của Thượng đế.

    Hai điều này, nói về cảm xúc, thì khác nhau 180 độ. Nhưng nếu ta đạt được cả hai cùng một lúc, thì trái tim của ta có lẽ đã đến sát với CHÂN LÝ cách gần nhất mà một người của hành tinh này có thể đến.

    Có lẽ em phải đọc những điều này hàng trăm ngàn lần nữa, suy niệm và thực hành nó hằng ngày để có thể hy vọng 1 ngày “rời bến mê”

    Và em đã rất xúc động khi đọc những dòng này

    “Thực sự là không có gì làm anh muốn bằng chia sẻ kinh nghiệm của anh với các em (vì làm anh thì đó là chuyện quan trọng số 1, đó là nhiệm vụ của người làm anh làm chị), và không có gì làm anh vui bằng một người em hiểu được chia sẻ của anh.”

    Có được Người Anh như thế này, có lẽ tụi em đã là những người may mắn, hạnh phúc và giàu có nhất rồi, Chúc anh cuối tuần nhiều an vui, e.Tâm

    Like

  5. Thật ấm áp khi đọc những chia sẻ tâm tình của anh Hoành, như được ngồi bên lò sưởi uống trà nóng trong buổi tối mùa đông tuyết giá.

    Like

  6. Cám ơn anh Hoành về bài viết – đúng hơn là lời tâm sự của anh. Em rất chia sẻ với anh vì em luôn có cảm giác đúng như anh nói khi đến những event như vậy.

    Em cũng chia sẻ với anh về hai điều anh nói ở phần sau. Em cũng luôn thường trực ý nghĩ là mình chẳng là ai cả chẳng là gì quan trọng trên đời này cả, nhưng mình lại đang hướng tới một cái gì đó thanh cao hơn

    Cám ơn anh Hoành

    Em Cường

    Like

  7. Anh Hoành ơi, đây mới là Real experience mà chúng em cần ở một bài viết thực. Em cảm ơn anh nhiều nhé! Vitamin.
    Diệp.

    Like

  8. Tiện anh Hoành chia sẻ một câu chuyện, em cũng muốn chia sẻ một câu chuyện nhưng ở dưới một góc độ khác:
    ” Hắn 25 tuổi làm việc cho 1 tổ chức NGO tại Việt Nam, việc tham gia các party, workshop là một công việc hắn thường phải làm mà không mấy thực sự hạnh phúc. Hắn không muốn đến chào người khác chỉ vì người khác có địa vị cao hơn mình, và họ cũng chẳng thèm quan tâm hắn là ai và thực tế thì hắn cũng chẳng là ai. Họ cũng đang rất bận để tạo network với các người đồng cấp hoặc cấp cao hơn khác
    Hắn chọn một giải pháp nhẹ nhàng và thoải mái hơn là tìm những người cũng trẻ tuổi và không có địa vị như hắn để network (tán gẫu cho đỡ bị quê). Hắn nhìn nhận những party không phải là nơi để thể hiện sự chân thành, mà chỉ là nơi để tạo các mối quan hệ làm ăn, trao đổi và những người trẻ như hắn thì có gì để người ta làm ăn và trao đổi.
    Sự chân thành và khiêm tốn có lẽ cũng cần đặt ở đúng nơi với đúng mối quan hệ

    Like

  9. Hi Huanito,

    Cảm ơn em đã chia sẻ.

    Anh không hiểu câu này: “Sự chân thành và khiêm tốn có lẽ cũng cần đặt ở đúng nơi với đúng mối quan hệ”. Anh luôn luôn nghĩ là người tư duy tich cực luôn chân thành và khiêm tốn, bất cứ nơi nào, bất cứ với ai.

    Anh nghĩ rằng nếu mình là người tổ chức các reception cho những người khác thì có lẽ họ bận networking với người khác và không cần quan tâm đến mình là người tổ chức. Nhưng giờ họ networking là giờ mình làm việc. Nếu mình đi vòng vòng trong buỗi tiệc, gặp ai có vấn đề gì mình giải quyết giúp họ ngay, ai cần gì–gọi một cú điện thoại, nhắn tin cho một người quen, mượn một cây bút, làm đổ đờ ăn ra sàn…– thì mình có thể giúp họ ngay. Làm một cách vui vẻ. Làm xong rồi, nói với họ: “EM tên là … Em là manager tổ chức buổi này, em đang đi vòng vòng ở đây, nếu anh/chú có gì cần thì cho em biết ngay nhé.”

    Trong một buỗi tiệc, người ta thường có vấn đề, và nếu có manager ở ngay đâu đó thì rất là helpful.

    Đó là cách làm việc của mình với chất lượng cao nhất, và networking mà không networking.

    Em khỏe nhé.

    Liked by 1 person

  10. Bài của anh Hoành làm em Thuận nhớ lại một cảm giác là giữa một rừng những người giỏi, đẹp, thông minh, mình muốn tìm một trái tim peaceful ở đó mà thấy không dễ. Đi tiếp xung quanh để bắt chuyện hay dừng lại để tĩnh lặng chút xíu hả anh?

    Like

  11. Haizz đây là vấn đề rất chi là vấn đề đối với em khi phải đi dự mấy buổi reception kiểu này.

    Business-minded people hay bắt chuyện giống như anh Hoành mô tả, Hello, how are you, khen nhau mấy câu đưa namecard rồi chạy. Nhiều khi em cảm thấy lạc lõng lắm.

    Nhưng em nghĩ nếu mình cố gắng tìm kiếm một cuộc nói chuyện có chiều sâu thì chắc cũng sẽ tìm được trong đám đông thôi. Ngưu tầm ngưu mã tầm mà mà 😀

    Like

  12. Chuẩn quá a Hoành! Em cũng hay có cảm giác lạc lõng giữa một rừng các nhân tài đang tranh thủ networking..

    Nhiều khi thấy người Mỹ nói chuyện nhạt nhẽo, cứng nhắc. Nói chung là chỉ loanh quanh mấy câu chào hỏi formal là thôi, không nhẽ đi nói chuyện thời tiết :D. Nếu may như a Hoành thì sau buổi nói chuyện có thêm một người bạn thì cũng đáng quá đi chứ, nên thôi ta vẫn cứ đi dự reception, có điều không networking kiểu tàu bay thôi 🙂

    Like

  13. Hi Khánh Hòa,

    Anh nghĩ là rất ít người Việt cảm thấy thoải mái trong một party để netwworking ở Mỹ. Người ta có thể thấy chụp giật, hời hợt và giả tạo rất rõ. Anh cũng chẳng hiểu là netwworking kiểu tàu bay thì được gì, nhưng đại đa số, 90% người trong các reception làm thế.

    Dù sao thì về hình thức, anh thích kiểu receptipon đứng và đi như vậy hơn là kiểu VN–ai đến nơi là lựa bàn ngồi xuống với một hai người, rồi ngồi cứng đó đến hết giờ, không làm quen được với người nào khác.

    Anh thích các receoption đứng kiểu Mỹ, và nói chuyện thành thật và sâu sắc hơn kiểu Việt.

    Nhân tiện, nói thêm một điểm nữa, là trong các buổi tiệc tùng ăn uống với các “đại gia” Việt (thỉnh thoảng qua Mỹ), các quý vị thích nói chuyện rượu (vài trăm đô la một chai), chuyện gái, và chuyện ăn chơi… Có lẽ các vị nghĩ rằng đại gia thì phải nói các chuyện như thế. Nghe như một đám teen kém thông minh . Rất tội nghiệp.

    Thấy các “đại gia” như thế, anh thường lo lắng hơn cho tương lai đất nước.

    Mỗi chúng ta phải tư duy tích cực thêm thôi.

    Like

  14. Em có dự 1 party kiểu kiểu như vậy 1 lần. Lấy được 1 nắm namecard. Em không bị cảm giác lạc lõng, hay chính xác hơn mặc nhiên em biết mình sẽ … lạc lõng, vì kiểu networking này hoàn toàn là sở đoản của em: tiếp cận 1 người chẳng có nội dung, chẳng biết nói gì, chẳng có mục đích gì rõ ràng. Thà đi ăn phở bắt chuyện cô bạn ngồi bàn bên cạnh để tán dóc, như vậy đối với em còn dễ hơn. 😀

    Em nói chuyện với bạn em, người tổ chức event đó, và bạn ấy nói trong các event như vậy chỉ để người ta biết nhau (chắc ý là biết về … sự tồn tại của nhau) và nếu có việc gì liên quan thì biết đường liên hệ. 😀

    Cầm nắm namecard về, em nghĩ, nếu có việc gì (ví dụ như cần đóng furniture và trong đó có 1 cửa hàng) thì mình có dùng namecard đó như một người quen được không? Câu trả lời của em là sẽ không như người quen, cảm giác sẽ không khác 1 tờ rơi quảng cáo một mấy tí.

    Và đôi khi, người ta thấy cần “phát tờ rơi”!?

    Like

Leave a comment