Những Năm Thìn Đáng Nhớ Trong Lịch Sử Việt Nam

    TĐH: Các thông tin dưới đây là do mình sưu tầm và tổng hợp từ vài nguồn khác nhau, đặc biệt là từ năm 1940 là năm Thìn đầu tiên có những khác biệt về việc viết sử của người Việt chúng ta. Mình muốn chính xác và công bình từ đó đến nay. Và năm 2012 là phần viết của riêng mình.

GIÁP THÌN (257 trước Công Nguyên): An Dương Vương lập ra nước Âu Lạc.

GIÁP THÌN (137 trước Công Nguyên): Triệu Đà tức Triệu Vũ Vương mất, thọ 121 tuổi. Cháu đích tôn (con của Trọng Thủy) là Triệu Hồ lên nối ngôi, lấy niên hiệu là Triệu Văn Vương.

MẬU THÌN (248 sau Công Nguyên): Bà Triệu (tức Triệu Thị Trinh) khởi binh đánh nhà Ngô (Ngô Tôn Quyền, thời Tam Quốc).

MẬU THÌN (458): Sau khi Lý Nam Đế mất, Triệu Quang Phục bèn xưng vương để chống lại quân Tàu.

CANH THÌN (860): Nhà Đường sai Lý Hộ sang làm Đô Hộ Sứ ở Giao Châu.

GIÁP THÌN (944): Ngô Quyền mất, thọ 47 tuổi.

MẬU THÌN (968): Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, sử gọi là Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư (thuộc tỉnh Ninh Bình nay là Hà Nam Ninh). Lần đầu tiên nước ta được Trung Quốc thừa nhận là một quốc gia độc lập và phong cho Đinh Bộ Lĩnh làm Giao Chỉ Quận Vương, phải tuân theo lệ triều cống như các nước khác đối với Trung Quốc.

BÍNH THÌN (1076): Vua Lý Nhân Tông (1072-1127) lập trường Quốc Tử Giám dành cho các hoàng tử và con các quan đến học và chọn những người có trình độ văn hóa cao vào dạy.

NHÂM THÌN (1171): Từ 1171-1772, vua Lý Anh Tông đi thăm trong nước, xem hình thế núi sông, đường sá, đời sống của dân và sai quan vẽ bản đồ nước ta, ghi rõ mọi chi tiết dâng lên nhà vua biết.

NHÂM THÌN (1232): Trần Thủ Độ, Thái sư của vua nhà Trần lập mưu đào hầm, làm nhà lá ở trên, mời những con cháu vua nhà Lý đến làm lễ tế Tổ Tiên nhà Lý rồi cho sụp xuống hầm giết hết, không còn một ai sống sót.

BÍNH THÌN (1316): Vua Trần Minh Tông (1314-1329) xét lại cấp bậc của quan văn, quan võ trong nước để có quy cũ, ngạch trật chính thức.

BÍNH THÌN (1376): Đời vua Trần Duệ Tông (1374-1377) quân Chiêm Thành vào quấy phá ở Hóa Châu (Thừa Thiên, Huế bây giờ).

CANH THÌN (1400): Hồ Quý Ly truất phế vua nhà Trần là Trần Thiếu Đế rồi tự xưng làm vua. Nhà Trần làm vua được 175 năm, truyền được mười hai đời, có công chống quân Nguyên xâm lăng, giữ độc lập, lấy đất Chiêm Thành, mở mang bờ cõi, chỉnh đốn việc học hành, tổ chức hành chánh cai trị, lập ra luật pháp, mở mang kinh tế làm cho dân giàu nước mạnh. Các vua cuối đời nhà Trần kém cõi, ham chơi, không giữ được giang sơn của tổ tiên nên bị Hồ Quý Ly cướp ngôi.

GIÁP THÌN (1424): Bình Định Vương Lê Lợi đem quân lấy đất Nghệ An. Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn (Thanh Hóa) từ 1418, trải qua mấy năm gian khổ, có khi phải rút quân vào rừng, ẩn náu và phải hòa với giặc để củng cố lực lượng. Năm 1424, Bình Định Vương bàn với các tướng sĩ quyết chiếm cho được đất Nghệ An mới có thể tiến ra Đông Đô (Hà Nội) được.

MẬU THÌN (1448): Dưới đời vua Lê Nhân Tông (1443-1459), nước Bồn Man xin nội thuộc nước ta. Bồn Man là một phần của nước Lào ngày xưa, phía Đông Nam giáp tỉnh Nghệ An, tỉnh Quảng Bình, phía Tây Bắc giáp tỉnh Hưng Hóa và Thanh Hóa.

CANH THÌN (1580): Con cháu nhà Lê chiếm được đất từ Thanh Hóa trở vào phía Nam để chống nhau với họ Mạc từ Nam Định trở ra Bắc, đến năm Canh Thìn (1580), nhà Lê mở khoa thi tại Thanh Hóa (Tây Đô) để tuyển dụng nhân tài ra giúp nước. Việc học trong thời kỳ này vẫn còn đơn sơ, chưa có tổ chức quy mô.

GIÁP THÌN (1644): Sau khi Trịnh Tùng đã diệt được nhà Mạc, đưa vua Lê về Thăng Long (Hà Nội) rồi thì đến đời Trịnh Tạc, năm 1664, Giáp Thìn, mới tổ chức thi Hội (lấy bằng Tiến Sĩ). Cứ ba năm một lần có tổ chức thi Hương (Tú Tài, Cử Nhân) và năm sau thi Hội (Phó Bảng, Tiến Sĩ).

BÍNH THÌN (1676): Vua Lê Hy Tông (1676-1705) ra lệnh cho Lê Hy và Nguyễn Quý Đức tiếp tục chép sử từ vua Huyền Tông (1663-1671) đến Gia Tông (1672-1675).

BÍNH THÌN (1746): Trịnh Doanh ra luật thuế muối, cứ 50 mẫu ruộng muối thì phải nộp 40 hộc muối, mỗi hộc muối giá 180 tiền đồng.

NHÂM THÌN (1752): Tháng 6, quân Xiêm (Thái Lan) vào chiếm Nam Vang, Vua Miên (Kampuchia) kêu cứu, chúa Nguyễn sai Nguyễn Cửu Đàm đem quân đánh Nam Vang. Quân ta tiến vào Nam Vang, quân Xiêm bỏ chạy về Hà Tiên.

GIÁP THÌN (1784): Quân Tam Phủ thường gọi là lính Kiêu Binh là những người gốc Thanh Hóa, Nghệ An được tuyển làm lính canh gác cung vua Lê và phủ chúa Trịnh ở Thăng Long (Hà Nội) nổi loạn ủng hộ Trịnh Tông (con trưởng của Trịnh Sâm) chống Trịnh Cán (con thứ của Trịnh Sâm, mẹ là Đặng Thị Huệ).

CANH THÌN (1820): Thái Tử Nguyễn Phúc Đảm lên nối ngôi vua Gia Long lấy niên hiệu là Minh Mạng.

BÍNH THÌN (1856): Dưới thời vua Tự Đức (1848-1883), tháng 8, tàu thủy của Pháp đến gây hấn, bắn phá cửa Đà Nẵng rồi bỏ đi.

MẬU THÌN (1868): Sau khi mất ba tỉnh Miền Đông Nam phần là Biên Hòa, Gia Định và Định Tường (hòa ước 1862), đến năm 1868, Việt Nam lại ký thêm hòa ước nhường cho Pháp ba tỉnh Miền Tây…

BÍNH THÌN (1916): Năm của thiên tai, bão lụt (lụt năm Thìn), mất mùa, dân mất việc, vua mất ngôi… Nửa đêm 3 tháng 5-1916, vua Duy Tân trốn ra khỏi kinh thành Huế cùng với hai người hộ vệ là Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu để đi gặp hai nhà cách mạng Thái Phiên và Trần Cao Vân…

CANH THÌN (1940): Việt Minh khởi nghĩa Bắc Sơn và Nam Kỳ

Thế giới đại chiến lần thứ II từ 1939-1945, đang ở trong giai đoạn khởi đầu. Tháng 9 – 1940, Nhật tràn vào Đông Dương, Pháp đầu hàng. Dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Việt Minh tại các địa phương đã anh dũng nổi lên khởi nghĩa. Ở miền Bắc có khởi nghĩa Bắc Sơn (9–1940) và Nam Kỳ (11–1940).

NHÂM THÌN (1952): Thắng lợi của Việt Minh trong chiến dịch Hòa Bình và Tây Bắc

Cuộc kháng chiến Việt Minh chống thực dân Pháp đã được 6 năm. Với 2 đại chiến dịch Hòa Bình (mùa Xuân) và Tây Bắc (mùa Đông), quân Việt Minh ta đã hoàn toàn áp đảo quân Pháp, giữ vững và phát triển mạnh thế chủ công chiến lược.

GIÁP THÌN (1964): Năm có nhiều biến cố xảy đến cho Miền Nam Việt Nam (VNCH). Sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị thảm sát do Dương Văn Minh và phe tướng lãnh tổ chức đảo chánh vào ngày 1-11-1963, ngày 30-1-1964.

Tại miền Bắc, quân và dân đánh thắng trận đầu không quân của Mỹ ra miền Bắc. Ngày 5 – 8 – 1964, quân và dân miền Bắc đã chiến đấu, bắn rơi 8 máy bay của Mỹ, bắt sống 1 phi công, mở đầu cuộc đấu tranh của quân và dân miền Bắc đánh thắng Mỹ.

BÍNH THÌN (1976): Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước Việt Nam thống nhất

Ngày 25 – 4 – 1976, tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước Việt Nam thống nhất. Ngày 2 – 7 Quốc hội quyết định lập tên nước là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Hàng triệu người thuộc quân đội và chính quyền Miền Nam (VNCH) bị tập trung trong các nhà tù cải tạo, tài sản bị tịch thu, vợ con bị đưa đi “vùng kinh tế mới”.

Cải tạo công thương nghiệp, hàng vạn người bị tịch thu tài sản, bị tù tội…

Các cuộc vượt biên, hàng triệu người miền Nam bỏ nước ra đi, đa số chết trên sông, trên biển, trong rừng…

MẬU THÌN (1988): Ban hành Nghị quyết 10 về khoán trong nông nghiệp.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam ban hành Nghị quyết 10 về đổi mới quản lý trong nông nghiệp, một bước lớn về “Đổi mới” trong chính sách kinh tế Việt Nam.

Do sự can thiệp của Mỹ và Liên Hiệp Quốc, một số tướng lãnh và sĩ quan cao cấp, viên chức quan trọng thuộc các cơ quan trung ương của VNCH bị tập trung cải tạo đã được tha về vào dịp Tết Mậu Thìn (1988).

CANH THÌN (2000): Năm cuối cùng của thế kỷ 20, năm chờ đợi những biến cố xảy cho thế giới. Nhưng năm Canh Thìn 2000 đã qua khá suôn sẻ. Chiến tranh lạnh đã chấm dứt. Liên xô và Đông Âu đã sụp đổ từ 1989. Mọi người vui mừng chờ mong một thiên niên kỷ hòa bình. Nhưng chỉ một năm sau với cuộc tấn công của al Qaeda ở New York và Pentagon ngày 11 tháng 9 năm 2001, thế giới trở lại bộ mặt chiến tranh và dễ vỡ trước đó.

NHÂM THÌN (2012): Việt Nam có nhiều vấn đề phải giải quyết: Suy thoái kinh tế với lạm phát mạnh trong một thế giới đang suy thoái kinh tế, tranh chấp Biển Đông với Trung quốc tay vuốt tay đánh, tiếp tục cải tiến hệ thống chính trị và kinh tế để gia tăng hiệu năng quản lý, đoàn kết dân tộc để phát triển nội lực, trong bối cảnh càng ngày càng dân chủ hóa của đa số các quốc gia trên thế giới, thúc đẩy bởi Internet và hệ thống thông tin viễn thông toàn cầu.

 

Trần Đình Hoành

 

 

Leave a comment