Triều Tiên: Trung Quốc tìm cách giảm căng thẳng – Chính sách ngoại giao “pháo hạm” của Mỹ

Trung Quốc tìm cách giảm căng thẳng ở Triều Tiên

Người dân Nam Hàn biểu tình chống Bắc Hàn
Người dân Nam Hàn biểu tình chống Bắc Hàn.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc bắt đầu liên lạc với các bên để giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Trung Quốc đang mở thương thảo tay ba với các nước có liên quan, gồm Hoa Kỳ, Nam Hàn và Bắc Hàn.

Quan chức Trung Quốc cho hay mục đích đầu tiên là tránh lập lại căng thẳng như hôm thứ Ba (23/11) khi đạn pháo của Bắc Hàn nhắm đến hòn đảo của Nam Hàn.

Nam Hàn pháo kích đáp trả. Và Seoul loan báo cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ, bắt đầu hôm Chủ Nhật (28/11).

Bình Nhưỡng nói cuộc tập trận chung giữa hai nước đã đẩy bán đảo Triều Tiên đến miệng hố chiến tranh.

Hoa Kỳ và một số cường quốc khác liên tục thúc giục Bắc Kinh, đồng minh duy nhất của Bắc Hàn, nên dùng ảnh hưởng để tháo ngòi nổ cuộc khủng hoảng.

Theo bài viết của Tân Hoa Xã, thứ Sáu (26/11) ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đích thân gặp đại sứ Bắc Hàn.

Sau đó ông nói chuyện qua điện thoại với người tương nhiệm ở Hoa Kỳ và Nam Hàn.

Tân Hoa Xã viết: “Ưu tiên hàng đầu hiện nay là giữ cho tình hình ổn định, ngăn chặn bạo lực xảy ra.”

Ưu tiên hàng đầu hiện nay là giữ cho tình hình ổn định, ngăn chặn bạo lực xảy ra

Tân Hoa Xã

Chi tiết của cuộc nói chuyện giữa ngoại trưởng Trung Quốc với ba nước liên quan chưa được tiết lộ, và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chưa đưa ra bình luận.

Ít nhất bốn người Hàn Quốc thiệt mạng hôm thứ Ba sau khi đạn pháo của Bắc Hàn rơi xuống đảo Yeonpyeong ở phía Nam.

Từ chức

Sự cố này khiến Bộ trưởng Quốc phòng Nam Hàn từ chức, và toàn bộ cư dân trên đảo được đưa đi sơ tán.

Thêm một vụ bắn pháo nữa vào chiều thứ Sáu, lúc đó nhiều người nghe thấy đạn pháo bắn gần hòn đảo, người dân hoảng hốt tìm chỗ trú ẩn.

Về sau Nam Hàn cho hay tiếng đạn pháo có thể xuất phát từ cuộc tập trận thường xuyên của Bắc Hàn.

Khi căng thẳng lắng dịu người ta thấy chỉ huy quân Hoa Kỳ tại Nam Hàn, tướng Walter Sharp tới thăm đảo Yeonpyeong.

Vụ Bắc Hàn bắn pháo hôm thứ Ba là hành động hiếu chiến nhất kể từ hồi kết thúc cuộc chiến Triều Tiên năm 1953. Hai miền ngưng chiến nhưng không có hòa ước.

Bình Nhưỡng đổ lỗi cho Nam Hàn có hành động khiêu khích khi tổ chức tập trận gần đảo Yeonpyeong.

Sau đó KCNA, hãng thông tấn chính thức của miền Bắc, cảnh báo cuộc tập trận chung bắt đầu hôm Chủ Nhật giữa Hoa Kỳ và Nam Hàn.

“Bán đảo Triều Tiên đang tiến gần đến miệng hố chiến tranh do hành động bất cẩn của những kẻ tìm niềm vui qua diễn tập quân sự, hành động nhắm đến miền Bắc,” bản tin của KCNA viết.

Cuộc thao diễn quân sự trong bốn ngày giữa hải quân Nam Hàn và Hoa Kỳ đã được lên kế hoạch từ lâu. Tuy nhiên hành động này khiến Trung Quốc và Bắc Hàn bực bội.

 

Hoa Kỳ và chính sách ‘ngoại giao pháo hạm’

Nick Childs
Phóng viên quốc phòng BBC


Tàu USS George Washington đã từng vào gần bán đảo Triều Tiên sau vụ đắm tàu Cheonan 

Hàng không mẫu hạm nguyên tử USS George Washington và các tàu chiến, phi cơ của Mỹ đang kéo vào gần bờ bán đảo Triều Tiên sau vụ bùng phát vừa qua giữa hai miền Nam Bắc Hàn.

Đây quả thật là chính sách ‘ngoại giao pháo hạm’ theo kiểu Thế kỷ 21.

Năm nay, tàu George Washington cũng đã từng vào vùng biển này, theo sau căng thẳng của vụ tàu chiến Cheonan của Nam Hàn bị đánh chìm hồi tháng Ba mà nhiều người cho là do miền Bắc gây ra.

Khi ấy, cũng như bây giờ chiếc tàu đến để gửi ra thông điệp: vừa để trấn an miền Nam, vừa để răn đe miền Bắc.

Đây cũng là động thái Hoa Kỳ làm nhiều lần để đối phó với các cuộc khủng hoảng thời Chiến tranh Lạnh và sau này.

Trên nhiều phương diện, hạm đội các tàu sân bay của Hoa Kỳ vừa là phương tiện ngoại giao, vừa là một thứ vũ khí.

Hải quân Mỹ từng tự hào khoe rằng cứ khi nào nổ ra khủng hoảng, câu hỏi đầu tiên của Tổng thống Hoa Kỳ luôn là: “Hàng không mẫu hạm gần nhất hiện ở đâu?”

Ví dụ, Hoa Kỳ điều tàu sân bay nguyên tử USS Enterprise đến Vịnh Bengal để tỏ sức mạnh trong thời gian nổ ra cuộc chiến Ấn Độ với Pakistan năm 1971.

Thuyền trưởng Chip Miller của tàu USS George H.W. Bush đón quan chức quốc phòng Việt Nam trong một chuyến thăm

Vào năm 1981, hàng không mẫu hạm Mỹ cũng vào gần bờ biển Libya và trong cuộc đối đấu, hai phi cơ của Mỹ đã bắn hạ hai máy bay chiến đấu Libya.

Năm 1996, khi căng thẳng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc lên cao, Tổng thống Bill Clinton đã điều hai hàng không mẫu hạm vào vùng biển đó.

Trong suốt thập niên 1990, khi xung khắc với chế độ Saddam Hussein tăng độ nóng, Washington đã tỏ thái độ rằng họ rất nghiêm túc về tình hình bằng cách gửi tàu sân bay vào vùng Vịnh Ba Tư, có lúc cả ba chiếc.

Gây niềm ghen tỵ

Không nước nào có nhiều hàng không mẫu hạm như Hoa Kỳ.

Nếu có dịp lên tàu, bạn hẳn sẽ được mời lên đài chỉ huy để gặp thuyền trưởng.

Sĩ quan này sẽ khoa tay múa chân chỉ về hướng sàn bay rất lớn để nói rằng diện tích bốn acres đó chính là “lãnh thổ Hoa Kỳ” được “khoanh lại, gửi đi” ra các đại dương nhằm chuyển thông điệp của Washington.

Cũng vì lý do đó, các cường quốc đang nổi như Ấn Độ và Trung Quốc hiện suy tính nghiêm túc về cách xây dựng hàng không mẫu hạm của riêng họ.

Nhưng liệu Bình Nhưỡng có hiểu hết thông điệp Washington gửi về phía họ lần này?

Có vẻ như lần ra khơi trước của tàu George Washington không tạo hiệu ứng mong muốn.

Vậy lần này nó có đủ sức làm Seoul yên tâm không?

Có nhiều chủ đề tế nhị tại đây. Bắc Kinh đã than phiền về chuyến hải hành của chiếc tàu Mỹ.

Lần trước họ đã làm được chuyện thay đổi kế hoạch của tàu George Washington.

So với tàu HSM Invincible của Anh thì tàu USS George Washington của Mỹ lớn gần gấp đôi(So với tàu HSM Invincible của Anh thì tàu USS George Washington của Mỹ lớn gần gấp đôi)

Trong giai đoạn cạnh tranh chiến lược giữa Hoa Kỳ và nước Trung Quốc đang lên, chiếc hàng không mẫu hạm có mặt ở Thái Bình Dương là một biểu tượng quan trọng.

Đây là chỉ dấu rằng Hoa Kỳ quyết tâm muốn duy trì sự hiện diện của mình.

Cùng lúc, đang có cuộc tranh luận nóng về tầm quan trọng trong kế hoạch của Trung Quốc muốn phát triển tên lửa đạn đạo được thiết kế chuyên để nhắm vào các hàng không mẫu hạm.

Điều này giải thích vì sao Washington sững người khi một tàu ngầm Trung Quốc bất chợt nổi lên ngay gần nhóm hàng không mẫu hạm đang tập trận ở phía Nam Nhật Bản năm 2007.

Leave a comment