Tha Thứ và Xả

Chào các bạn,

Khi nói đến tình yêu, chúng ta thường hay nghe từ “tha thứ”, theo nghĩa phổ thông là người có lỗi với ta thì ta nên xả bỏ cho họ. Yêu đương nhiên là tha thứ. Yêu mà không tha thứ là không yêu.

Chàng yêu chàng, nàng làm gì sai đó, mà chàng ôm hận hoài, không tha thứ. Vậy thì, chàng đừng nói là, “Tôi vẫn yêu cô ấy, nhưng tôi không tha thứ cho cô ấy được.” Không tha thứ là bằng chứng rất chính xác là (1) hoặc là chàng không yêu nàng , (2) hoặc là chàng yêu nàng không bằng yêu cái ego (cái tôi) của chàng.

Tha thứ là bằng chứng rõ ràng nhất của tình yêu. Hoa hồng, quà tặng, chiều chuộng… chẳng chứng minh chắc chắn được điều gì cả. Nhưng tha thứ luôn luôn là bằng chứng quyết định của tình yêu.

Kinh Lạy Cha, lời cầu nguyện của chúa Giêsu, lời nguyện quan trọng nhất của Thánh Kinh và của nền văn minh Tây Phương ngày nay, nói: “Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.” Tức là xem sự tha thứ của chúng ta trong đời sống này là điều kiện tha thứ của Thượng đế đối với ta.

Tha thứ đồng nghĩa với từ phổ thông “xả bỏ”—ai có lỗi với ta thì ta xả bỏ lỗi lầm cho họ.

Nhưng “xả bỏ” chỉ là một phần rất nhỏ của từ “xả” của nhà Phật. Trong giáo lý Phật gia, xả (upeksa trong tiếng Pali) là một trong tứ vô lượng tâm “từ bi hỉ xả”. “Xả” là tâm bình đẳng—xem mọi thứ mọi người như nhau, tâm không chấp trước, không vướng víu vào bất kỳ điều gì.

Xả cũng chính là tâm vô chấp:

– Nếu đã vướng víu điều gì thì “xả” để hết vướng.

– Nhưng hay nhất là “xả” (vô chấp) ngay từ đầu để đừng vướng víu.

Tức là nếu đã lỡ hờn giận buộc tội ai thì “xả bỏ”, vô chấp, để không còn hờn giận nữa. Đây cũng gần giống như “tha thứ”.

Nhưng tốt nhất là ngay từ đầu, khi người ta làm chuyện gì đó, mình không “chấp” vào đó, không xem đó là điều xúc phạm mình, không buồn phiền một tí nào về điều đó cả, và cảm thấy chuyện đó chỉ như ngọn gió thổi nhẹ trên cành cây ngoài cửa. Tức là, mình chẳng thấy người kia có tội gì với mình, mình chẳng có gì để tha thứ. Đó chính là xả (upeksa), là vô chấp, của bậc thượng thừa.

Thế thì sự khác biệt giữa “tha thứ” và “xả” có quan trọng cho ta không?

Thưa, cả hai đều là cách sống tốt, ta nên học, nhưng tận cùng rốt ráo thì có một khác biệt rất lớn cho tu tập của ta.

Trong “tha thứ” còn tôi. Tôi đây, hắn đó, hắn làm lỗi với tôi, tôi tha thứ.

Trong “xả”, việc hắn làm thì cũng chỉ như cơn gió thoảng qua, tôi thì vô ngã (không tôi) và trong mắt tôi hắn cũng vô ngã (không hắn), và hắn và tôi thì cũng như nhau (tâm bình đẳng), hắn và tôi thực ra chỉ là Một, là Không, cho nên chẳng có ai làm lầm lỗi gì với tôi cả. Hôm nay trời nắng trong, và những đám mây trắng đi từng đàn như những đàn cừu giữa cách đồng màu thiên thanh mênh mông lộng gió. Cười 🙂

Tha thứ là tư duy của người trung bình, rộng lượng.

Xả là tư duy của bậc thượng căn. Không, như vậy cũng chưa rõ. Xả là tư duy của người mà cái tôi không còn hiện hữu nữa. Người đó chỉ là một làn gió tự do.

Xả là Thiền.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

17 thoughts on “Tha Thứ và Xả”

  1. Well, em muon hoi anh, neu minh bi mot nguoi xuc pham, minh khong phan ung, khong lien lac voi nguoi do, vay la tha thu hay la xa hay la ne tranh? Su im lang co phai la vo chap khi nguoi khac co the nghi la minh dung dung, cai toi qua lon nen khong tha thu, khong lien lac?

    Like

  2. Hi HY,

    Tâm em em biết, làm sao anh biết được?

    Anh nghĩ là điều chính là mình nên tĩnh lặng xét lại tâm mình một tí. Nếu là mình cảm thấy bực bội về chuyện cũ và không muốn gặp mặt người ấy là mình đang mang vết thương trong lòng.

    Nếu mình không hận gì hết, nhưng chỉ tránh đường để tránh phiền toái (như là tránh đoạn đường có nhiều cướp để không bị cướp mà chẳng giận ai cả), thì trong lòng mình chẳng có gì vướng víu.

    “Tránh” có thể vì chấp, có thể là vì tránh để khỏi va vào chấp.

    Hoặc là có thể cả hai, vừa vì chấp vừa để tránh để khỏi va thêm chấp.

    HY khỏe nhé.

    Like

  3. Oh vay la em chang con gi vuong viu, it’s already gone!
    😉
    Cam on anh, ma cong nhan anh thong minh thiet tinh, em truoc gio khong thich reading, ma tieng viet nua, bay gio bai nao cua anh cung doc may lan!

    Keep up the good work bro!

    HY

    Like

  4. Em thích câu cuối “Xả là thiền”. Để thực hành thì có thể đảo thành “Thiền để xả”. 🙂

    Tuy nhiên, đối với em, tương tự như “yêu người mình ghét”, tha thứ khó hơn xả. Vì trước khi tha thứ, em đã làm một việc là buộc tội người đó. Hành động buộc tội giúp em có cảm giác “đã” như kiểu “gãi ngứa”. Tuy nhiên gãi thì hết ngứa, còn càng buộc tội người khác càng khiến mình thấy họ tệ và thấy … khó chấp nhận họ, hay một khía cạnh khác, lòng tự ái của mình được “bênh” lại càng bùng lên và sẽ bóp em nghẹt thở. Thế nên thường em phải chặn mình ngay từ bước trước đó: hạn chế buộc tội người khác.

    Em không coi mình là “thánh nhân”, mà chỉ là một người “thần kinh yếu” hay “tâm lý yếu”, yếu đến nỗi không chịu đựng được những cảm giác tiêu cực của chính mình. Có lẽ đó cũng là điều phước của em! 🙂

    Like

  5. Hi anh Hoành,

    E có một trường hợp thế này. Người A rất bỗng dưng một ngày xấu trời tức giận người B. Cũng có thể anh B có lỗi nhưng anh ý nghĩ là không lớn đến mức làm A giận. Còn A thì cho đó là việc không thể nào chấp nhận nổi.

    Và A tuyên bố tình bạn của chúng ta chấm dứt 😦

    Anh B rất buồn nhưng vì học Phật pháp nên biết cách cởi bỏ những suy nghĩ tiêu cực. B cũng không cho là A có lỗi mà chỉ thương A chắc chắn sẽ còn hờn giận rất lâu.

    Vấn đề là B muốn mối quan hệ hàn gắn trở lại, chứ bản thân B thì không vấn đề gì cả.

    Em cứ lăn tăn là người học Phật pháp ở mức cao sẽ coi mình như làn gió, vô ngã, không tôi nên chẳng có gì xung quanh phải khiến họ buồn phiền. Dù thế va chạm trong cuộc sống vẫn khiến xảy ra những chuyện buồn phiền với người khác. Mình cũng không thể làm ngơ được dù đó không phải là vấn đề của mình nữa.

    Vậy trong trường hợp này phải làm thế nào ạ?

    E Hòa

    Like

  6. Hi Khánh Hòa,

    Mỗi người cứ phải giải quyết vấn đề cách nào hợp với tâm tính của mình nhất. Nếu anh là B thì anh nghĩ là anh sẽ mời A đi uống cà phê hay đến nhà ăn uống vào dịp nào đó, để thân thiện như là không có gì xảy ra. Và nếu A cứ khăng khăng cẳng thẳng, không nhận lời cầu hòa thì cũng chẳng sao–cũng như một làn gió thoảng qua thôi mà.

    Chẳng ai kiểm soát con tim của ai được. Việc của mình là luôn luôn có hành động hòa ái. Nếu người ta giận mình và không muốn làm hòa thì đó là việc của người ta, chẳng phải là việc của mình. Chẳng ai có thể kiểm soát con tim của ai được. Nói một câu, nếu bạn không muốn nghe thì thôi. Chẳng nên chấp vào việc giận hờn của bạn, tức là nếu bạn cứ giận ta thì ta cũng không nên mãi bận tâm về việc đó.

    Ở đời mình bị hiểu lầm hoăc bị người ta cố tình ghen ghét ngay cả khi mình chẳng làm gì sai là chuyện thường. Hoặc chuyện nhỏ bị xé ra to là chuyện thường. Cố một tí để fix nó, nhưng fix không được thi cũng đừng bận tâm. Thời gian có thể giải quyết nhiều chuyện cho mình sau này.

    Chuyện mình phải làm là yêu người.

    Người có yêu mình không là việc của người, đừng bận tâm chấp vào đó để biến nó thành chuyện của mình.

    Em khỏe nhé.

    Like

  7. E hiểu rồi. Đúng là có nhiều chuyện chỉ có thời gian mới trả lời được. Nếu mình cứ suy nghĩ về chuyện làm hòa tức là mình chấp vào suy nghĩ rằng mình sẽ giải quyết được vấn đề 😀 nhưng thực chất vấn đề nằm ngoài khả năng của mình 🙂

    Cảm ơn anh Hoành nhiều 🙂

    Anh cũng khỏe nhé.

    Like

  8. Câu chuyện của Khánh Hòa rất hay.

    Tuy nhiên, nếu ngừng suy nghĩ thì sẽ trở thành bỏ cuộc hay “cầu may”. Thế nên mình nghĩ nghĩ cách thì vẫn phải nghĩ cách, vì có đi thì mới có đến, có nghĩ thì mới ra cách, chỉ cố gắng đừng để tâm mình bất ổn khi nghĩ mà chưa ra cách mà thôi. 🙂

    Like

  9. Hi Quỳnh Linh,

    Đúng là mình không thể chỉ vì một câu nói hay một nỗ lực không thành công mà bỏ cuộc được.

    Nhưng đôi khi Hòa thấy chuyện thay đổi một suy nghĩ tiêu cực/sai của người khác khó lắm nhé 🙂 Mình có thể bỏ bao công sức để chứng minh là mình vô tội, mình tốt nhưng trong đầu họ đã “đóng đinh” vậy rồi, mình nói gì làm gì họ cũng không tin thì làm sao đây ?

    Lúc đó thì tốt nhất là không bận tâm nữa và để thời gian trả lời thôi :).

    Linh khỏe nhé (không biết có ngang tuổi không nhưng cứ xưng hô tạm hii ) 🙂 🙂

    K. Hòa

    Like

  10. Tiếp câu chuyện giống như của Khánh Hòa nhé vì mình cũng có chuyện tương tự…

    Có gì khác nhau giữa “quỵ lụy” và “vô ngã” trong trường hợp này? Mình vô ngã, nên mình sẽ chiều theo người có ngã quá lớn mà thấy không cần thiết phải “khẳng định mình”. Tự mình mình không có cảm giác quỵ lụy, vì mình thấy rõ sự chủ động, lựa chọn và mục đích của mình. Tuy nhiên người chứng kiến thì thấy đó là sự quỵ lụy. Người quỵ lụy thật sự cũng chẳng bao giờ nghĩ là mình quỵ lụy, và người bình thường thì ai hành xử cũng có mục đích cả.

    Vậy cuối cùng, mình có phải đang quỵ lụy không? Khái niệm quỵ lụy thật sự tồn tại cả đối với người “vô ngã”, hay chỉ là cái nhìn khác biệt giữa người vô ngã và người … “hữu ngã”?

    Like

  11. Hi Quỳnh Linh và Khánh Hòa,

    Vê liên hệ con người thì khó nói lắm. Chính mình trong cuộc cũng không thể chắc, đôi khi dù chỉ là vài phần trăm, một cố gắng mình làm có đưa lại phần trăm nào kết quả như ý không, huống chi là người ngoài cuộc discussing. Vậy nên anh mới nói là làm gì mình cảm thấy hợp với tâm tính mình. 🙂

    Tuy nhiên, chúng ta có thể brainstorm kiểu chung chung để lấy ý.

    Ta đừng quên rằng lặng yên để thời gian làm việc cho mình thường là một phương cách hữu hiệu nhất mà mình có thể “làm”. Khi giữa hai người có vấn đề, mọi người thường cần lặng yên với thời gian để tư tưởng có thể thẩm thấu sâu sắc hơn về. Đôi khi mình cố làm gì đó thì càng cố lại càng hỏng, vì mình đã không tạo được khoảng không gian và thời gian thực sự lắng đọng đó.

    Anh có thói quên là khi có vấn đề trong liên hệ con người mà anh không giải quyết được, thì anh chẳng làm gì cả, và chỉ tĩnh tâm cầu nguyện xin cho lòng mình lắng dịu và bình yên–không lắng lo, giận hờn, buồn, cố gắng… không gì hết. Chính sự “lắng dịu trong lòng mình” mới là gốc rễ của một không gian thực sự lắng đọng. Một khoảng thời gian và không gian lắng đọng đôi khi làm được điều kỳ diệu, hơn là mọi nỗ lực lớn của mình. (Nhưng thực ra tĩnh lặng là một nỗ lực cực kỳ lớn, lớn hơn tất cả mọi chuyện khác).

    Và anh nói “lắng dịu trong lòng mình” chứ không chỉ là “im lặng” vì im lặng bên ngoài thường vẫn mang nhiều xung động thường xuyên trong lòng.

    Vậy cho nên, việc đầu tiên là phải thật là tĩnh lặng, rồi tâm tĩnh lặng của mình sẽ biết khi nào nên làm gì. Và khi tâm tĩnh lặng bảo mình làm thì thường là đúng việc. Kinh nghệm của anh là vậy đó.

    Like

  12. Hi Ql,

    Đã là vô ngã thì lấy ai để mà quỵ lụy hay không quỵ lụy?

    Người vô ngã sẽ làm điều gì con tim tĩnh lặng thấy nên làm, và không lấy “ngã” để đo được, vì vô ngã mà.

    Nếu đã đo thì còn ngã.

    Like

  13. Dear Hòa,

    Ngang tuổi thì chắc là không ngang, nhưng có thể coi là cùng lứa. 😀 Mình thích xưng hô như vậy để không bị cảm giác “tôn trong bậc đàn anh” trong khi nói chuyện – dù sao “phải lễ độ” cũng đã trở thành tiềm thức của người Việt Nam rồi. 🙂

    Có hai cái mình muốn phân biệt với nhau trong chuyện này. Cái thứ nhất là “vô chấp” hay “vô ngã”, là cái mình làm cho tâm của mình: giữ mình yên ổn, thanh thản, không buồn, bực, thất vọng, … Cái thứ hai là giải quyết vấn đề, liên quan đến nó sẽ có phương pháp hay việc cần làm, như giải một bài toán vậy đó. Giống như hồi đi học phải giải một bài toán khó vậy đó. Chẳng vì thế mà cay cú là mình chưa giải được. Cũng chẳng vì thế mà quên rằng có một bài toán mình chưa giải được. Chưa giải được thì vẫn là chưa giải được. Nhưng đến giờ ăn, giờ ngủ, giờ đi học môn khác thì vẫn phải làm. Khi nào có thể nghĩ được thì sẽ nghĩ đến nó. Tất nhiên tùy theo trường hợp mình sẽ lượng định nên bỏ thời gian, tâm trí cho nó đến đâu, vì sẽ còn “chi phí cơ hội nữa” – còn bao nhiêu việc khác mình phải nghĩ.

    Về chuyện thuyết phục người khác, trước đây mình luôn nghĩ rằng cách tốt nhất là chứng minh – tức làm rõ đúng hay sai, có hay không, trắng hay đen. Chứng minh thành công thì mọi việc sẽ được giải quyết ngay giây phút đó và XONG. Nhưng có những trường hợp không thể chứng minh được – như Hòa nói, đối phương không nghe, hay không “hợp tác”. Và gần đây mình khám phá ra rằng còn có những cách khác nữa, không phải bằng lý lẽ, và tất nhiên có sự tham gia của thời gian. Nhưng điều cần là không bỏ cuộc. Khi không bỏ cuộc, mình sẽ nghĩ ra nhiều cách, nhiều phương pháp và nhiều điều để có thể làm cho mọi chuyện tốt lên – và tất nhiên phần lớn trong số đó vô tác dụng! 😀

    Like

  14. Dear anh Hoành,

    Như vậy anh quan niệm là với người “vô ngã” không có khái niệm “quỵ lụy”, vì quy lụy là khái niệm được đo bằng ngã?

    Tuy nhiên em cần giải thích về cách hành xử của người vô ngã cho một số người thứ ba còn ngã (những người thật sự trưởng thành). Câu hỏi họ đặt ra cho em là “như vậy là quỵ lụy quá không?”. Vì nếu họ gán cho cách hành xử đó là “quỵ lụy” họ sẽ bị phản cảm và khăng khăng giữ ngã cho mình… Những suy nghĩ tiêu cực của họ về hiện tượng mà không được thuyết phục thì sẽ dẫn đến những suy nghĩ, hành xử tiêu cực trong một số chuyện khác của họ.

    Like

  15. Hi QL,

    Trước một biến cố ta có hai đường để giải quyết:

    — Người lo lắng suy tính này nọ–nên làm thế này hay thế kia, người kia nghĩ gì, thiên hạ nghĩ gì, chuyện gì sẽ xảy ra… Đại đa số con người theo cách này. Đây là cách của người còn ngã. Chẳng có gì sai cả. Ai cũng làm thế.

    –Ngưởi vô ngã, chẳng nghĩ gì cả, chẳng tính gì cả, chỉ một tĩnh lặng tuyệt đối, một com tim rỗng lặng, cùng lắm thì chỉ một tiếng “Vậy à”.

    Nhưng vô ngã tĩnh lặng khác với người còn ngã mà im lặng cóc cần làm gì nhưng với một con tim rối rắm.

    Một con tim rối rắm, dù im lặng, vẫn tạo ra rối rắm.

    Tĩnh lặng có sức giải quyết vấn đề của nó, dù là người ta không thấy sức đó.

    Đọc lại truyện của Haikuin, mẹ em bé tự nhiên khai sự thật sau một năm, hay vì cô ấy đã bị cái tĩnh lặng của Hakuin chuyển hóa?

    Anh chẳng nói đường nào đúng đường nào sai. Có lẽ là tùy vấn đề. Chuyện dễ mình tính toán được thì tính toán mà làm. Gặp việc vượt ngoài tầm của mình (và đa số khó khăn lớn trong liên hệ con người vượt ngoài tầm của ta, vì chúng ta không ai kiểm soát được con tim của ai) có thể càng tính càng cố thì càng hỏng, trở về với tĩnh lặng tuyệt đối có lẽ là hay nhất, để cuộc đời làm việc tự nhiên của nó, ít nhất là mình có an lạc cho mình và sau đó là mình có thể tạo được một môi trường bình an để may ra các việc tốt có thể nảy sinh.

    Like

  16. Hi QLinh,

    Mình cứ suy nghĩ về argument của QL là liệu rằng mình hành xử kiểu vô ngã có thể làm cho người ta cho rằng mình quỵ lụy, và cái tôi của họ càng lớn. Vì thế nên chăng đôi lúc cũng phải “Ah tên này không chơi được, phải dạy cho nó một bài học” 😀 😀 là giúp hắn bớt ego đi.

    H nghĩ là trong một cuộc tranh luận hay khẩu chiến hay bất cứ tranh chấp nào giữa hai người, rút lui cũng là nghệ thuật. Có người vứt kiếm đầu hàng, mặt tái mét 😀 thì rõ là quỳ xuống chân đối thủ rồi. Người quân tử chắc chắn sẽ có cách ra đi nhẹ nhàng mà khiến kẻ địch dù mang danh là chiến thắng cũng không thể càm thấy vui trong lòng.

    Cho nên mình nghĩ vấn đề là cách hành xử của mình tùy từng trường hợp nhưng tâm mình là tâm “vô ngã”. Liệu mình có thể chắc chắn rằng mình việc mình phải khẳng định cái tôi với người khác sẽ giúp họ bình tâm hơn và bỏ bớt ego? Họ có thể giảm đi lúc đó thôi, và việc mình khẳng định cái tôi cũng chỉ “có ích” chút nào lúc đó thôi.

    Về lâu về dài nếu mình cứ như vậy thì không biết ego của mình lại to lên lúc nào không hay 🙂

    Mình học nhiều từ những câu hỏi của QL lắm. Cảm ơn QL nhiều ^^

    K. Hòa

    Like

Leave a comment