Tâm linh là thực hành

Chào các bạn,

Năm 18 tuổi mình bắt đầu làm quen với Phật triết khi học triết lý đông phương ở Đại học Văn khoa Sài Gòn (mà ngày nay gọi là Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn) trên đường Đinh Tiên Hoàng. (Mình có nhiều kỷ niệm đáng yêu ở đó, nên nhắc đến trường là muốn kể chuyện. Nhưng phải dành khi khác vậy).

Vào thời đó các điểm chính của Phật pháp như là vô thường, vô chấp, vô trụ, sắc không không sắc (Bát Nhã Tâm Kinh) mình đều biết hết và có thể nói nghe rất uyên bác và xôm tụ, nhưng mình cũng biết rất rõ là mình không hiểu gì cả, điều gì cũng mờ mờ ảo ảo trong đầu, suy nghĩ nhức cả đầu mà không thấy sáng hơn chút nào. Chỉ có một điều tốt là trong những năm đó mình chẳng bao giờ nói về Phật pháp và không hề dùng từ ngữ để khoa trương là “tôi biết”.

Cho đến năm 40 tuổi, mình nghiên cứu lại kinh sách nhà Phật và lần này mọi sự bỗng nhiên hiện ra trong đầu mình rõ như 2 cộng 2 là 4. Mình hiểu ra là lý thuyết nhà Phật chỉ hiểu được khi mình đã trải qua rất nhiều kinh nghiệm đời.

Rồi mình nghĩ lại, “Tại sao các thầy của mình ngày trước, là các thầy rất nổi tiếng, lại không thể giải thích cho mình hiểu được, dù mình đọc sách của các vị rất kỹ, các vị viết rất dễ hiểu, và mình là học trò thông minh?”.

“Làm sao để mình có thể nói về Phật pháp để các vị còn trẻ như mình ngày xưa hiểu được Phật pháp?”

Và từ kinh nghiệm của mình, mình nhận ra rằng sở dĩ ngày trước mình không hiểu vì mình đọc sách như là lý thuyết và cố gắng hiểu như là lý thuyết và lý luận. Nhưng Phật pháp là sống thực. Phải sống Phật pháp thì mới hiểu Phật pháp. Ngày xưa, tất cả các thầy viết sách mà mình đọc, đều có một lỗi rất lớn là không nói cho học trò biết “Phật pháp là sống. Phải sống mới hiểu. Đọc mà không sống, thì không thể hiểu.” Cho nên đại đa số học trò, đọc Phật pháp như là một loại kiến thức khoa bảng, nghĩ rằng Phật pháp có thể hiểu được qua ngôn từ, càng đọc càng giỏi. Chính vì vậy mà có rất ít người học Phật pháp mà hiểu được.

Phật pháp là một môn nghệ thuật sống. Như tất cả mọi môn nghệ thuật khác—âm nhạc, hội họa, nấu nướng, vũ, võ, yoga—lý thuyết chiếm 1/100 của môn học, phần thực hành chiếm 99%. Thực hành càng lâu mình càng giỏi và càng khám phá ra nhiều bí ẩn mà các tôn sư đã nói nhưng chẳng mấy ai hiểu.

Cho nên mỗi khái niệm Phật pháp, bạn phải sống với nó. Vô thường, thì sống với đời vô thường, xem đổi thay là chuyện hiển nhiên và sống tự tại với vô thường. Vô chấp thì đừng bám vào đâu, mặc dù có thể bám mọi nơi. Vô ngã thì sống với cái nhìn mọi thứ là Không (nhất thiết pháp giai Không) kể cả chính mình. Tĩnh lặng thì tập sống với kinh nghiệm không có điều gì làm mặt hồ của mình xung động dù là một hòn đá nhỏ cũng làm cho mặt hồ của mình rung động. Từ tâm (yêu người) thì tập từ tâm với tất cả mọi chúng sinh, vô điều kiện…

Vấn đề của thế giới chúng ta là chúng ta thích nói pháp hơn là hành pháp. Phật pháp kì diệu, nhưng ta chỉ thấy được các điều kì diệu khi ta thực hành Phật pháp nghiêm chỉnh.

Và mình cũng có thể nói về Thánh kinh y hệt như mình nói về Phật pháp như thế.

Chúc các bạn luôn tinh tấn.

Mến,

Hoành

Bài kiên hệ: Ngưỡng cửa tâm linh

© copyright 2014
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

18 thoughts on “Tâm linh là thực hành”

  1. Emcảm ơn anh, em đọc về Phật pháp lần đầu tiên là hai tài liệu về Bát Nhã tâm kinh và Kinh Kim cang của anh ở link ebook của ĐCN 5 năm trước, và em hiểu phần lý luận trong đó (chắc là em cũng là học trò thông minh ^^). Nhưng lý luận đó không giúp em mấy trong thực hành mà chính là những bài về Yêu người và cầu nguyện mới giúp em nhìn được đường trên con đường tu tâm, sau này đọc lại Phật pháp thấy rằng: wow đúng là tất cả những kinh nghiệm được khái quát ở đây, nhưng nếu không có tình yêu thì hiểu được cũng không có ý nghĩa gì mấy. Biết vậy nhưng em vẫn sa đà vào phân tích Phật pháp bằng lý luận nhiều lắm ạ, em nhớ có lần anh gọi hiện tượng đó là “hấp lực của chữ nghĩa” 🙂
    Em H

    Liked by 1 person

  2. Cám ơn anh Hoành,

    Sống, chỉ có sống, trong đời sống, thì mới hiểu. Kiến thức – là kiến thức của người ta. Muốn trở thành kiến thức của mình, thì mình phải sống và thực hành nó. Nói về kiến thức của người khác, là mình chẳng có chút kiến thức nào cả. Nhưng ta thực hành bằng những bài đơn giản trên DCN này, thì con đường đi đúng và nhanh hơn nhiều. Đi nhanh hơn về tuổi thơ đã từng đánh mất.

    Anh khỏe nhé.

    Like

  3. Em cám ơn anh nhiều. Về những sách về phật pháp thì em chỉ vừa đọc qua cuốn Bát Nhã Tâm Kinh của anh trên Ebooks. Nói thật thì em càng đọc thì càng không hiểu gì hết đọc xong giống như bị tẩu hỏa nhập ma (giống như trong phim kiếp hiệp đọc nhiều quá mà không thực hành thì thế nào cũng có vấn đề), nên em quyết định là không đọc nữa cho chắc. Từ đó em tập trung vào những bài hàng ngày anh chia sẻ rồi mà thực hành. Cho đến giờ em thấy mình có “một chút” cảm nhận về những điều anh chia sẻ.

    Em sẽ luôn luôn thực hành hàng ngày những điều anh chia sẽ để trải nghiệm mặc dù đôi lúc cũng trật lên trật xuống nhưng em tin là khi quay lại đọc những lý thuyết em sẽ hiểu sâu hơn về Phật pháp cũng như những điều Chúa dạy.

    Em Tuấn.

    Like

  4. Hi Hường,

    Anh cũng nhĩ là em có thể hiểu được các phần lý luận của anh 5 năm trước 🙂 Anh đã viết với những lý luận vững chắc và rõ ràng nhất mà anh có thể có và em rất vững lý luận.

    Và anh cũng nghĩ là em đã thực hành nhiều rồi mới hiểu được chiều sâu Phật pháp như thế.

    Like

  5. Dear Anh Hai

    Những điều Anh Hai chia sẻ trong bài hôm nay cũng chính là những điều Chúa Giêsu đã dạy:

    “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy mới được vào mà thôi!” (Mt 7, 21)

    Để sống được giáo huấn của Chúa không có con đường nào ngoài con đường chiêm niệm và tĩnh lặng. Đây cũng chính là con đường các thánh đã đi qua.

    Em M Lành

    Like

  6. Thanks anh Hoanh da chia se kinh nghiem qui bau de gioi tre(noi rieng) nhu tui em noi theo. Qua dung la practice make perfect anh nhi.
    Tuy nhien em co mot ti mo ho ve ranh gioi giua ly thuyet va thuc hanh(em dang dat van de dua tren thuyet tuong doi).
    Vi du nhu vay: viec doc dcn hang ngay la ly thuyet hay thuc hanh(ly thuyet neu hieu la chi ´doc´ thoi nhung co the hieu theo nghia thuc hanh la ´dang thuc hanh tdtc bang cach doc dcn). That tuyet voi neu duoc anh chi em vuon chuoi lam sang to hon ve van de nay.
    Thanks,
    Trung Nguyen.

    Like

  7. chào mừng anh Trung Nguyên đến vườn Chuối 😀

    Thực hành nấu ăn là xắn tay vào bếp, và nấu nấu nấu 😀 nấu là chuyện chính.

    Đọc sách dạy nấu ăn, thảo luận với đầu bếp giỏi để thêm thông tin là chuyện đi sau.

    anh Hoành và các anh chị em đã thảo luận nhiều lần về việc thực hành tư duy tích cực. Anh Nguyên có thể tìm trong chuỗi bài tư duy tích cực ạ.

    Hoặc cụ thể bài “thực hành tư duy tích cực” ở đây: https://dotchuoinon.com/2012/11/26/thuc-hanh-tu-duy-tich-cuc/

    Em Huấn.

    Like

  8. Cảm ơn anh Hoành đã nhắc lại một điểm then chốt về thực hành tâm linh.

    Em có một thắc mắc là anh nghĩ lý do tại sao mà trước đây không thầy nào nói cho anh là Tâm linh thì phải thực hành? cái lỗi mà anh nói “Ngày xưa, tất cả các thầy viết sách mà mình đọc, đều có một lỗi rất lớn là không nói cho học trò biết “Phật pháp là sống. Phải sống mới hiểu. Đọc mà không sống, thì không thể hiểu.” “

    Like

  9. Ai đó có nói rằng: “Vĩ nhân thường sống theo những câu danh ngôn, còn người tầm thường thì chỉ thích chép những câu danh ngôn đó”.

    Mình nghĩ việc “chép những câu danh ngôn đó” là rất có ích. Bởi để “sống theo”, thì trước đó phải “biết đến” và “nhớ kỹ”.

    Nhưng cuối cùng là phải “sống theo”. Nếu không, thì việc “biết đến” và “nhớ kỹ” trở thành vô ích.

    Like

  10. Hi Thu Hằng,

    “Ngày xưa, tất cả các thầy viết sách mà mình đọc, đều có một lỗi rất lớn là không nói cho học trò biết “Phật pháp là sống. Phải sống mới hiểu. Đọc mà không sống, thì không thể hiểu.” Tại sao?

    Anh không chắc. Nhưng cũng có thể đó là vì truyền thống. Từ nghìn năm trước, các sư tu chùa và đời sống chính là thực hành đạo 24 tiếng mỗi ngày–các giới luật về ăn uống ngủ nghỉ, thiền định, thiền trong khi làm việc… Cả một đời sống là hành đạo. Cho nên chẳng ai phải nhắc đến thực hành.

    Cho đến thời gần đây thì sách vở kinh kệ mới in được nhiều, và mọi người ngoài chùa đọc nhiều và cũng có những chương trình giáo dục Phật triết ngoài chùa, trong đại học. Từ đó mới có một lớp trí thức xem Phật triết như một môn triết học để đoc và nói loạn cào cào như kiều trí thức ngồi tranh luận triết Tây–triết tây phần chính là tranh luận. Cho nên mới có nhu cầu phải nhấn mạnh Phật triết phải thực hành mới hiều.

    Có lẽ là vào thời đại các thầy của anh trở về trước các vị chưa kịp nhận ra đại nạn trí thức tán phét về Phật pháp mà không thực hành, có lẽ vì đại nạn chỉ mới ra đời vài mươi năm.

    Nhưng đến đời anh thì từ từ anh thấy rõ.

    Like

  11. Hi anh Hoành, em nghĩ việc nhìn Phật học như một triết học là một cái lỗi mà rất nhiều trí thức không chỉ thời của anh mắc phải mà giờ vẫn có. Thời của anh thì còn bị ảnh hưởng Khổng học nặng nữa, tư tưởng Trung dung làm cho góp phần làm cho trí thức của ta trì trệ không phát huy được, đất nước không vượt lên được.

    Thi thoảng em vẫn nghe những nhà trí thức tạm gọi là nhà Tây học hay nhà Đông học của cả Đông và Tây nói đại loại như “con người mà không có triết học thì chết!” hay “con người không có triết học thì không có tự do” thế nên lấy Phật học ra lý luận như một triết học nghe rất là ly kỳ hấp dẫn. Mà không thấy mấy ai nói con người không có đạo đức, không có tình yêu hay không có Bát chánh đạo thì mới chết 😀

    Like

  12. Hi Thu Hằng,

    Thời bây giờ còn tệ hơn thời của anh, với Internet.

    Internet giúp cho chúng ta học hỏi dễ dàng, nhưng cũng làm cho chúng ta thích đọc và nói hơn thực hành. Khoảng năm 1994 là thời gian có một số diễn đàn của người Việt thành lập như Vietnet và VNForum (của anh), trong đó có một số diễn đàn về Phật học của các sinh viên đại học và professionals. Thiên hạ tập trung vào chữ nghĩa, nói loạn cào cào, chẳng đâu vào đâu cả, và Phật pháp trong các diễn đàn đó hoàn toàn mất phương hướng, như những đống rác hỗn loạn. Điều đó làm anh quan tâm hơn đến vấn đề: “Làm sao mang Phật pháp đến cho các bạn trẻ mà không lạc vào vòng chữ nghĩa nhảm nhí như thế?”

    Like

  13. @Hằng: vì vậy chị rất sợ những người Tây học hoặc những người lôi Kinh thánh hay Phật pháp ra để nói, nghe thì tuyệt vời nhưng thực ra trong tâm mình biết là người này nhờ biết dùng nhiều tricks mà tiến thân chứ không hẳn vì người ta thực hành tử tế. Người thực hành nghiêm chỉnh cho mình một thứ aura hoàn toàn khác 🙂 cho nên rất khó để nhận ra được người nghiêm chỉnh hay không nghiêm chỉnh, chỉ còn cách là chính mình phải thực hành rốt ráo đúng không em? 🙂

    Like

  14. @ Trung Nguyen và Quan Huấn. Huấn đã trả lời Trung rõ rồi đó. Đọc không là thực hành đâu. Nếu đọc trong bài anh nói “yêu mọi người vô điều kiện” và mình tập yêu mọi người vô điều kiện (dù rằng khó), thì đó mới là thực hành.

    @ Hồng Thuận: “Người thực hành nghiêm chỉnh cho mình một thứ aura khác”. Cho nên nếu mình tĩnh lặng để nhận xét thì cũng có thể nhận ra aura đó.

    Happy Valentine!

    Like

  15. Em cảm ơn câu hỏi của Hằng và phân tích thêm của anh Hoành.

    Em có quan tâm về một vấn đề nữa là “Nên có thái độ như thế nào đối với nghi lễ trong Phật giáo/tôn giáo?”

    Cá nhân em nghĩ rằng, nghi lễ trong Phật giáo nói riêng và tôn giáo nói chung chỉ có ý nghĩa để dìu dắt ở những bước đầu, giống như khi mới tập viết thì phải viết trên giấy kẻ ô ly và nghi lễ giống như những dòng kẻ ly để nương theo đó mà viết vậy, nhưng khi đã hiểu phần tâm linh trong tôn giáo thì có thể “viết mà không cần ly”, “qua sông bỏ bè”, không cần phụ thuộc vào nghi lễ nữa, em hiểu vậy có đúng không ạ?

    Em hiểu là ở mức hiểu tâm linh trong Phật giáo là sống từ bi trong từng ý nghĩ hàng ngày, thì cao thấp không còn phân biệt nữa, nhưng em cảm nhận là nghi lễ đặt ra là cho những người mới nhập môn.

    Bởi vì em thấy có vấn đề là nhiều người nghĩ rằng giữ vững những nghi lễ đó (lễ lạt, tụng niệm, chăm lo bàn thờ Phật,…) là ở mức tâm linh cao nhất, và quan trọng nhất, và người khác không làm theo như thế là ích kỷ. Bà em có kể chuyện những người mải mê chuyện công quả với nhà chùa, hoặc theo các nhóm tu đi trợ niệm, nên con cái nheo nhóc, gia đình lục đục, chồng thì đòi li dị, em nghe thấy rất áy náy.

    Em H

    Liked by 1 person

  16. Hi Hường,

    Về các lễ bái, thì đây là điểm rất interesting.

    1. Hầu như mọi sự kiện quan trọng của con người–cưới hỏi, người chết, tốt nghiệp, ra quân…–đều có những hình thức nghi lễ. Cho nên các nghi lễ tôn giáo có vai trò quan trọng trong liên hệ giữa con người và thần linh của họ là điều tự nhiên.

    2. Các nghi lễ này, thực sự liên hệ rất ít đến chiều sâu tâm linh, vì chúng là công thức, người ta thường làm mà chẳng nghĩ gì cả. Nói rằng có lợi cho việc luyện tâm thì cũng đúng, nếu ta làm ở cơ thể mà lòng thì tiến sâu vào tâm linh. Nhưng chỉ làm như công thức thì chẳng lợi gì.

    Và nếu ta đã hiểu chiều sâu tâm linh thì cũng chẳng cần công thức, như hai chuyện sau đây:

    Thiền sư Đơn Hà đốt tượng Phật

    “Đơn Hà [đời nhà Đương ở Truong quốc] đến chùa Huê Lâm nhân trời lạnh, sư bèn bê một tượng Phật bằng gỗ đốt để hơ, viện chủ Hướng trông thấy quở rằng:
    – Sao Ông đốt tượng Phật của tôi?
    Sư lấy gậy bới tro nói:
    – Tôi thiêu để tìm xá lợí!
    Viện chủ bảo:
    – Phật gỗ làm gì có xá lợí!
    Sư nói:
    – Đã không có xá lợi thì thỉnh thêm hai tượng nữa để thiêu.
    Viện chủ nghe câu nói này tất cả mọi kiến chấp đều bị tan vỡ.”

    Thiền sư Tenzen uống rượu

    Một vị Phật

    Ở Tokyo vào thời Minh Trị Thiên Hoàng, có hai vị thầy với tính cách hoàn toàn khác nhau. Unsho là vị thầy Chân Ngôn Tông, giữ mọi lề luật của nhà Phật rất kỹ lưỡng. Ông không bao giờ uống rượu, và không bao giờ ăn gì sau 11 giờ sáng. Vị thầy kia là Tanzan, một giáo sư triết tại Đại Học Hoàng Gia, chẳng bao giờ giữ lề luật gì. Khi muốn ăn là ăn, khi muốn ngủ ngày là ngủ.

    Ngày nọ Unsho đến thăm Tanzan lúc Tanzan đang uống rượu. Phật tử không được cho ngay cả một giọt rượu chạm lưỡi mình.

    “Ê, anh ơi, uống một ly nhé.”

    “Tôi không bao giờ uống rượu!” Unsho nhấn mạnh nghiêm trọng.

    “Người không uống thì không phải là người,” Tanzan nói.

    “Anh nói tôi không là người chỉ vì tôi không mê uống rượu!” Unsho nói giận dữ. “Nếu tôi không là người thì tôi là gì?”

    “Một vị Phật,” Tanzan trả lời.

    3. Khi anh vào nơi nào (Chùa, nhà thờ, đển thánh) của mỗi tôn giáo khác nhau, anh học theo các tín hữu trong đó và làm y hệt họ, để nối kết tình huynh đệ.

    Nhưng với anh, thực hành khiêm tốn, thành thật, yêu người vô điều kiện, và cầu nguyện, chiêm nghiệm, hay thiền định mới là việc chính.

    Liked by 1 person

  17. Em cảm ơn anh nhiều, em đã hiểu rõ hơn rồi ạ.

    “Các nghi lễ này, thực sự liên hệ rất ít đến chiều sâu tâm linh, vì chúng là công thức, người ta thường làm mà chẳng nghĩ gì cả. Nói rằng có lợi cho việc luyện tâm thì cũng đúng, nếu ta làm ở cơ thể mà lòng thì tiến sâu vào tâm linh. Nhưng chỉ làm như công thức thì chẳng lợi gì”.

    Đối với người coi đó là chuyện quan trọng thì mình nên tôn trọng điều đó và học theo để kết nối và “nhập gia tùy tục”.

    Đối với bản thân mình, thì “thực hành khiêm tốn, thành thật, yêu người vô điều kiện, và cầu nguyện, chiêm nghiệm, hay thiền định mới là việc chính”.

    Chúc anh chị và cả nhà một lễ Valentine hạnh phúc ạ 🙂
    Em H

    Liked by 1 person

Leave a comment