Sáng tạo trong dạy và học – Bài 2

Chào các bạn,

Phần chia sẻ tiếp đây là nội dung buổi training của GS Richard, được chia thành 2 phần chính:

Phần I: Sáng tạo trong dạy và học – Innovation in Learning and teaching

  1. Vì sao phải sáng tạo trong dạy và học
  2. Chương trình và lớp học nên được cấu trúc và giảng dạy ra sao
  3. Ai là người có thể đứng lớp giảng dạy

Phần II: Phong cách dạy và học như thế nào – Learning and teaching style

  1. Sinh viên học như thế nào, giảng viên dạy thế nào, vấn đề nhức nhối nằm ở đâu?
  2. Làm thế nào để kéo sinh viên vào cuộc trong khi giảng dạy – avtive learning

Phần I: Sáng tạo trong dạy và học – Innovation in Learning and teaching

  1. Vì sao phải sáng tạo trong dạy và học

Mở đầu bài giảng G.S Richard xổ ra một tràng tiếng gì đó không ai hiểu (có lẽ tiếng Thổ Nhĩ Kỳ pha lẫn vài tiếng vùng Trung Đông hoặc cũng có thể chẳng là cái thứ tiếng gì).

Vài phút ông dừng lại: “You got it? How do you feel?”

Mọi người ngơ ngác nhìn nhau, chẳng ai nói gì cả.

Ông nói là: “Tôi vừa mới chỉ nói chào mừng các bạn tới buổi học hôm nay và giới thiệu về bản thân thôi mà. Vậy mà không ai hiểu gì sao? Điều này giống như bạn đang đang giảng bài mà học trò ngồi dưới không hiểu gì ngồi nghệt mặt ra vậy”.

Trên website của Richard Felder có đoạn giới thiệu rằng giảng dạy ở bậc đại học có lẽ là một nghề kỹ năng duy nhất mà chẳng có yêu cầu và chuẩn bị hoặc đào tạo gì về chuyên môn sư phạm cho cái việc giảng dạy đó cả.

“Anh có cái bằng Tiến sĩ, tốt thôi! Nhân tiện kỳ tới anh dạy cho tôi môn này!”. “So you got a PhD. Good! By the way you are going to teach this course next semester!”.

Chưa kể đến việc là người thầy chẳng được học các kỹ năng môn học intangible (không thể sờ thấy được) khác liên quan đến tư duy tích cực, tâm lý học, nhân văn học… nên không biết cách tự vấn trăn trở ra sao để mà cải thiện thực trạng này.

Bạn có thấy bức tranh ở dưới này không? Nó nói vào thời tiền sử, lớp học ở trong hang đá và họ vẽ lên tường. Và hàng trăm nghìn năm sau chúng ta vẫn đang giảng dạy như người tiền sử là cắm cúi mặt vào bảng để viết và dạy.

h2

Thực sự là các kỹ sư và nhà công nghệ hiện nay được đào tạo không chỉ để ra ngồi máy lập trình được code, hay làm việc với máy móc, các con số đơn thuần. Để tồn tại trong thị trường lao động trong thời kỳ cạnh tranh khốc liệt hiện nay đòi hởi những kỹ năng tối cần thiết mà tâm lý học hiện đại của phương Tây gọi là right-brain skills, ví dụ như: ngôn ngữ, sáng tạo, quản lý, quan hệ con người, khả năng tự học. Các left-brain skills thiên về logic, tính toán…

Và chính các trường đại học cũng phải cạnh tranh sáng tạo trong giảng dạy và nghiên cứu để mà thu hút sinh viên giỏi, giảng viên giỏi. Điều này được nhấn mạnh và đề cập bởi hai tác giả rất nổi tiếng của Mỹ là Thomas Friedman – The world is flat và Daniel Pink – A whole new mind. Ở mức độ quốc gia và quốc tế thì đất nước nào mà không nỗ lực sáng tạo thì sẽ cứ thụt lùi.

Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là các bạn không cần chú trọng để ý quá nhiều băn khoăn đến kỹ năng não trái, não phải – right brain, left brain làm gì. Tâm lý học phương Tây chia ra như vậy cho dễ nhận diện và quản lý (sẽ nói kỹ hơn ở phần sau). Còn tâm lý học Phật giáo của phương Đông thì không chia thành hai phần riêng biệt như vậy mà chứng minh và khẳng định là ai cũng có cả kỹ năng não trái và phải. Chỉ có điều chúng ta muốn phát triển nó tới đâu và ở môi trường nào.

HẬU QUẢ nhìn thấy ngay trước mắt của không có sáng tạo trong dạy và học và sự mất tương xứng giữa phong cách dạy và học (sẽ được đề cập sâu hơn ở phần II), phần này GS Richard nói ở cuối nhưng mình đưa lên đầu.

Ở người học sinh viên

    Người học chẳng nắm được tí kiến thức nào ngoài mớ thông tin mòng mòng trong đầu.

Sinh viên chán học, mất chú ý, mất trật tự trong lớp, nói chuyện riêng, chơi game, ngủ trong lớp.

Kết quả thi tồi tệ, cho rằng mình kém cỏi.

Không có động lực motivation nào để học tiếp và theo đuổi môn học.

Mất kiên nhẫn và chuyển nhanh qua môn học khác.

Bỏ học, chuyển ngành…

Giảng viên khi nhận thấy biểu hiện của những việc trên có thể là:

    Thất vọng, tức giận với sinh viên cho rằng sinh viên lười biếng vì mình mất bao nhiêu công sức dạy thế mà sinh viên chả tiếp thu được gì là sao?

Thất vọng về chính mình, nghi ngờ về khả năng của mình?

Tự vấn bản thân là không hiểu mình có hợp với cái nghề làm dâu trăm sinh viên này không, rồi dằn vặt vì có muốn đổi nghề thì đã quá muộn.

Tổn thất cho xã hội: Rõ ràng không phải bàn nữa nếu mà chất lượng giáo dục như vậy.

  1. Chương trình và lớp học nên được cấu trúc và giảng dạy ra sao

Phần này mình không nói quá chi tiết vì một là mình chưa có kinh nghiệm, hai là các bạn có thể tự tham khảo tài liệu trên website của GS Richard và rất nhiều nguồn khác tùy theo môn học ngành học. Một key point GS Richard đề cập đó là:

Keep it balanced: Cân bằng giữa lý thuyết, thực hành, làm việc cá nhân hay làm việc nhóm… trong các môi trường văn hóa và hoàn cảnh khác nhau.

Để điều chỉnh và giữ cân bằng được ra sao thì bản thân mình nghĩ là trước hết phải hiểu được Learning and teaching style mà sẽ đề cập ở trong phần II. Tới nữa là cần phải có kinh nghiệm. GS Richard Felder mất 15 năm dạy học để nhận ra rằng “something is going wrong with my way of teaching and how student’s learning” do đó ông mới bắt đầu trăn trở tìm hiểu và tìm cách cải thiện vấn đề.

Nhìn lại bản thân mình, thực sự là mình được học đào tạo về đủ thứ khoa học kỹ thuật gần 6-7 năm nay rồi nhưng mình vẫn rất kém về các con số và tính toán liên quan đến máy móc kỹ thuật.

Mình học ở cả Á, Âu và Mỹ thì thấy là ở bậc đại học thì các technique có thể được áp dụng linh hoạt và gần như là như nhau mặc dù trong các môi trường văn hóa khác nhau, mà đặc biệt là giảng dạy về Engineering. Nên các bạn giảng viên trẻ hãy cùng với sinh viên linh động để cho lớp học của mình trở nên active và hiệu quả. Đừng lấy lý do văn hóa của ta thế nọ thế kia. Trừ khi là bạn phải dạy ở một số nước Trung Đông khi mà giáo viên chẳng nhìn thấy mặt sinh viên vì bị che mạng kín mịt thì mình phải có cách để thích ứng đặc biệt khác.

h3

  1. Ai là người có thể đứng lớp dạy học

Về nguyên tắc ở tất cả các trường đại học trên thế giới thì để dạy ở bậc đại học phải có bằng Tiến sĩ hay Thạc sĩ tùy từng ngành. Điểm này hợp lý nhưng cũng là một điều cản trở trong việc tiếp cận và sáng tạo trong giáo dục. Nhiều khi các thầy cô giảng dạy quên mất là mình có thể phối hợp mời các guest speakers là kỹ sư, là nông dân, thợ lành nghề, là chuyên gia có kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực đó đến giảng một vài buổi đến một phần trong chương trình học của mình để sinh viên tiếp cận với những cái kiến thức thực đang diễn ra.

Một ông Tiến sĩ dạy về thực hành trồng lúa trong phòng lab thì chưa chắc là tốt bằng một bác nông dân hướng dẫn sinh viên kỹ thuật trồng lúa ra sao và hơn nữa dạy ở ngoài đồng ruộng. Khi mình đi học ở Mỹ hay ở Châu Âu, một môn học có 2-3 người dạy là rất bình thường (tất nhiên là có một người đứng ra chịu trách nhiệm chính về nội dung và mời các guest speakers và đồng giảng cho môn học).

Có những buổi thực hành – field trip mà được các kỹ sư hay công nhân lành nghề, hay người làm vườn chuyên nghiệp giới thiệu về trồng cây, máy móc dây truyền cho 1 buổi ngộ ra bao nhiêu điều bằng cả kỳ thầy dạy trên lớp mà mình cứ ù ù tai chả hiểu gì cả.

Hay ví dụ là mình học về môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo không có nghĩa là mình không học gì từ than đá dầu mỏ và các nguồn năng lượng khác. Trong các bài giảng, các guest speakers đến từ các tập đoàn than đá, dầu mỏ đến giảng là chuyện rất bình thường.

Từ vài năm trước, mình đã nói chuyện với các anh chị giảng viên trẻ là nên mời các guest speakers từ các ngành khác nhau, các chuyên gia kỹ sư từ các nhà máy đến lớp vì giảng viên trẻ lấy đâu ra kinh nghiệm thực tế. Khi mình tốt nghiệp đại học, thầy cô nói là ở lại trường. Mình nói là mình chưa muốn. Có thể sau này mình sẽ quay lại nhưng không phải bây giờ vì mình muốn được dạy theo cách mình muốn được học mà mình chưa được tiếp nhận.

Mình rất hiểu là hoàn cảnh thầy cô ở Việt Nam còn vất vả lắm, còn bị hạn chế lo đủ thứ mà không chuyên tâm giảng dạy được. Nhiều anh chị mình biết và nói chuyện tâm sự ban đầu cũng hào hứng áp dụng nhiều phương pháp mới nhưng rồi nhiều việc phải lo qua bẵng quên đi. Nếu mà cứ bẵng quên đi không sáng tạo đổi mới thì bản thân sẽ bị thụt lùi, sinh viên sẽ bị thụt lùi. Thầy mà dở thì làm hỏng không biết bao nhiêu thế hệ.

h4

(Còn tiếp)

Chúc các bạn sáng tạo vượt bậc trong dạy và học.

Thân mến,

Thu Hằng

Xem thêm

>>> Sáng tạo trong dạy và học – Bài 1

>>> Sáng tạo trong dạy và học – Bài 3

One thought on “Sáng tạo trong dạy và học – Bài 2”

  1. Quá đúng Hằng ạ. Mà cái vấn đề là các ông Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ đứng lớp mà không phải học qua lớp sư phạm hay các kỹ năng giảng dạy nào là chuyện xảy ra ở nhiều nước. Ở Đức, tình trạng này cũng không khá hơn. Và Châu không hiểu tại sao nó vẫn còn tồn tại từ năm này qua năm khác như thế khi rõ ràng nó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học?

    Like

Leave a comment